Sunday, June 5, 2016

Bà Năm Sa Đéc đi hát từ thuở xuân xanh cho đến lúc bạc đầu

pic
Bà Năm Sa Đéc phục vụ nghệ thuật qua mấy thế hệ khán giả, từ hát bội đến cải lương, kịch và luôn cả điện ảnh, hầu như môn nào cũng có mặt của bà.
Ngành Mai, thông tín viên RFA
“Bà Năm Thép Súng”

Bà Năm Sa Đéc phục vụ nghệ thuật qua mấy thế hệ khán giả, từ hát bội đến cải lương, kịch và luôn cả điện ảnh, hầu như môn nào cũng có mặt của bà. Do vậy hình ảnh của bà Năm Sa Đéc đã quá quen thuộc với khán giả. Có lúc người ta gọi bà là “Bà Năm Thép Súng”, đó là thời gian bà cộng tác với chương trình “Thép Súng” của đài truyền hình.

Nếu chỉ kể về các nữ nghệ sĩ kỳ cựu mang những mỹ danh của một số tỉnh Miền Tây Nam Việt như các cô Năm Cần Thơ, cô Ba Trà Vinh, cô Ba Bến Tre v.v... thì chỉ riêng có Cô Năm Sa Đéc (khi về già khán giả gọi “Bà Năm Sa Đéc”) có thời gian đã trở lại sàn gỗ của đoàn Ánh Chiêu Dương với một phong độ tuy không được coi là dồi dào như thuở nào, song vẫn còn được hầu hết khách mộ điệu dành cho một cảm tình đặc biệt, nhờ ở một tài nghệ điêu luyện, vững vàng.

Đó là một điều hiển nhiên mà không ai chối cải được, vì rằng cô Năm Sa Đéc đã trải qua, đã học hỏi rất nhiều trong suốt thời kỳ cải lương từ khi hãy còn phôi thai cho đến lúc cực thịnh. Có thể người ta khó quên được những hình ảnh bà mẹ chồng luôn luôn làm khổ nàng dâu bằng mọi cách, và khi đã nhớ đến đó là người ta đã kịp “thấy” trong trí hình ảnh bà Năm Sa Đéc với bộ đồ bà ba đơn sơ, một chiếc khăn đỏ vắt vai, tay sĩ tới, sĩ lui, miệng nói tía lia, diễn một cách tự nhiên trên một số lớn sân khấu đại ban qua những vai tương tợ là... mẹ chồng với nàng dâu, người chủ nợ, hoặc chuyên đi đánh ghen mướn cho người hàng xóm…

Người nữ nghệ sĩ “xưa” về... ăn mặc, nhưng rất “nay” về diễn trước hơn nghệ sĩ trẻ. Chắc chắn không một ai phủ nhận điều nầy, căn bản của ca kịch là diễn, kế đó phần ca được coi là phụ thuộc. Người nghệ sĩ có được trường tồn với sàn gỗ, nghệ thuật ca kịch có tiến bộ chăng nữa luôn luôn người ta vẫn đặt nặng phần diễn xuất lên hàng đầu.

Cho nên đến mấy lúc sau này, bà Năm Sa Đéc cũng như một số anh chị nghệ sĩ tiền phong, dù đã trở lại sàn gỗ, trở lại với khách mộ điệu với một số tuổi đời chồng chất, vẫn không có chi là lạ. Đã chẳng những không lạ về sự hiện diện của họ, mà xét ra nghệ thuật ca diễn ngày nay vẫn rất cần đến độ cao của những nghệ sĩ già giặn nữa là khác. Đó là chúng ta chưa kể đến một nhận xét của một số người đã tự cho rằng nghệ thuật ca kịch ngày nay căn bản phải là nghệ sĩ trẻ, ca hay, đẹp, sáng sân khấu mới là quan trọng.

Người ta không vội cho đó là một quan niệm bảo thủ, không tiến bộ, bởi số người đó vô tình phủ nhận một “qui luật” là dù dưới hình thức nào, ca kịch một ngày kia phải đi đến thoại kịch và khi đi đến đó mới đủ nói lên tính chất trung thực, phản ảnh đầy đủ một sinh hoạt đang nhịp nhàng tiến bộ với trào lưu.

Có thể nói ra một điều phũ phàng nhứt là nếu một ông, bà bầu nào đó có cần “chuộc” một nghệ sĩ chắc chắn phải nhắm vào nghệ sĩ trẻ với khối bạc giao kèo. Nhưng trên thực tế và xét đoán căn bản của nghệ thuật ca diễn vẫn phải công nhận ở tài nghệ diễn xuất của những nghệ sĩ đã điêu luyện trên sàn gỗ. Song nghệ sĩ nầy – có chút ít tuổi nghề và tuổi đời – nếu được mời ký giao kèo thì lại chẳng được bao nhiêu tiền. Đó là thực trạng của người nghệ sĩ khi về già, mà bà Năm Sa Đéc là một điển hình vậy.

Khoảng 1971 chúng tôi coi phim Lệ Đá (phim trúng giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống). Bà Năm Sa Đéc xuất hiện trong phim và khán giả la ó lên: “Tại sao bà Năm Sa Đéc nói tiếng Bắc”?

Thật ra người ta đâu có lạ gì tiếng nói rặt Nam Kỳ của bà Năm. Sở dĩ có như vậy là do kỹ thuật chuyển âm, bà già nào đó thu tiếng Bắc thay thế. Do bởi Thanh Lan nói giọng Bắc thì dĩ nhiên bà mẹ cũng nói tiếng Bắc luôn vậy!

Người ta còn nhớ những năm trước 1975 bà Năm Sa Đéc từng dính líu vào vụ kiện “bánh bao Cả Cần”. Nghe nói bà thắng trong vụ kiện này. Bà Năm Sa Đéc là bạn đời với nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, tên tuổi nghề nghiệp của bà được Cụ Vương đề cập khá nhiều trong cuốn hồi ký “50 Năm Mê Hát” xuất bản năm 1968. Bà qua đời trước ông khoảng 6, 7 năm gì đó.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống