Sunday, June 7, 2015

Đình Bảo và câu chuyện Acapella

rhf
Từ trái qua: Đình Bảo, Nam Khánh, Hoàng Bách, và Thụy Vũ trong nhóm AC&M một thời hoạt động sôi nổi.
Cát Linh, phóng viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Đình Bảo, chàng trai hát giọng baritone của ban nhạc AC&M nổi tiếng một thời. Các ca khúc do AC&M thể hiện phối hợp giữa dân ca Việt Nam và Acapella, là thể loại không nhạc đệm được du nhập từ nước ngoài.

Hình như tất cả những cuộc hội ngộ trong cuộc sống đều là hữu duyên, không cần biết cuộc gặp đó kéo dài bao lâu, hết cả đời người hay chỉ trong vài năm vài tháng. Cũng như câu chuyện của Đình Bảo, chàng ca sĩ có chất giọng baritone đặc biệt và ban nhạc AC&M, từng được gọi là 4 chàng hoàng tử của dòng nhạc Acapella. Họ đã cùng nhau kết thành một mối tơ duyên rất đẹp trong âm nhạc.

Cách đây 14 năm, có bốn chàng trai xuất thân từ nhạc viện TP Hồ Chí Minh gặp nhau ở phong cách trình diễn và khả năng thẩm mỹ âm nhạc. Trong đó, Nam Khánh giữ bè tenor 1, Hoàng Bách tenor 2, Thụy Vũ và Đình Bảo, hai anh em ruột giữ phần bass và baritone. Tất cả những yếu tố đó cùng với kiến thức về nhạc lý và sáng tác được đào tạo bài bản, nhóm nhạc AC&M với phong cách Acapella ra đời.

Khi hình ảnh và tên tuổi của AC&M đang ở đỉnh cao, năm 2009, khi đang chiếm trọn trái tim của khán giả thì bốn chàng trai quyết định chia tay, mỗi thành viên đi theo con đường của riêng mình. Nói về quyết định ngày đó, Đình Bảo cho biết:

“Thật sự đó là một cái rất ngẫu nhiên, nhưng cũng là 1 điều phải đến. Khi thành viên AC&M là 4 chàng sinh viên kết hợp với nhau khi còn độc thân, thì nó rất dễ dàng. Mình làm vì đam mê của mình, không bị ràng buộc về cuộc sống, gia đình, những cái xung quanh.”

Lời chia sẽ chân tình của Đình Bảo là một thực tế trong môi trường showbiz ở Việt Nam lúc bấy giờ. Và thêm nữa, AC&M là ban nhạc duy nhất theo đuổi dòng nhạc Acapella ở Việt Nam. Nhớ lại thời gian ấy, nhiều người cho rằng AC&M đã rất liều lĩnh khi lựa chọn phong cách trình diễn và một thể loại nhạc mang đậm chất hàn lâm, trưởng giả, một thể loại nhạc vào loại hiếm ở Việt Nam. Thế nhưng, các tác phẩm Acapella của AC&M như Trống cơm, Trúc xinh, Cò lả được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các khán giả, đặc biệt là các bạn sinh viên học sinh.

Thế nhưng, “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” mãi là hai đường thẳng không thể gặp nhau cùng một điểm. AC&M cũng không thể ngoài điều đó.

Đình Bảo trên cover DVD : Cuộc tình đã mất/Thúy Nga
Đình Bảo trên cover DVD : Cuộc tình đã mất/Thúy Nga
“Cát sê của một nhóm phải chia ra 4 bốn. Với 1 thu nhập như thế thì không thể có cuộc sống ổn định cho 1 gia đình, cho tương lai.”

Có lẽ với những người làm nghệ thuật, thì điều mà con người ta hay gọi là “cơm áo gạo tiền” cũng chưa hẳn là một lý do duy nhất để đưa đến quyết định cuối cùng. Với Đình Bảo cũng thế:

“AC&M đã làm việc với nhau 8,9 năm, cũng thấy nó cũng đủ rồi để có thể đi tìm 1 cái gì khác, 1 sự phát triển khác về học tập cũng như về cuộc sống. thật sự 1 cái nhóm ở Việt Nam cũng như ở thế giới cũng khó mà tồn tại quá lâu.”

Đình Bảo chọn con đường du học và phát triển sự nghiệp ở Hoa Kỳ. Gặp lại Bảo sau gần 7 năm đến Mỹ, chàng ca sĩ “Đêm nay có mưa rơi” vẫn còn đó cách nói chuyện nhẹ nhàng, lịch lãm và bây giờ vừa là ca sĩ độc quyền, vừa là cố vấn kỹ thuật cho một trung tâm ca nhạc nổi tiếng của người Việt hải ngoại.

“Ngoài công việc ca hát, là ca sĩ độc quyền cho trung tâm Thuý Nga thì còn là một người chịu trách nhiệm về vấn đề chuyên môn, phần bè, thâu âm, kỹ thuật. Ngoài việc hát thì Bảo có một studio, gọi là trường âm nhạc, nhỏ thôi, đó là nơi Bảo dạy âm nhạc từ thứ Hai đến thứ Sáu.”

Những năm đầu ở xứ người hoàn toàn không dễ dàng với bất cứ một ai. Với Đình Bảo cũng thế:

“Lúc mới qua không ai biết Bảo là ai nên xem như mình làm lại từ đầu, không đi hát gì hết vì không ai biết mình. Bảo đi học, rồi dạy nhạc ở nhà, ở trường college, Music Department, phụ trợ giảng.  Sau khoảng ba năm thì trung tâm Thuý Nga liên lạc và bắt đầu làm việc với trung  tâm và sau đó ký hợp đồng độc quyền.”

Ca sĩ Đình Bảo
Ca sĩ Đình Bảo
Những lần xem Bảo trình diễn trong chương trình Thuý nga Paris Bynight, bài hát Bảo chọn không phải là nhạc Acapella, thể loại nhạc đã tạo nên hình ảnh của một Đình Bảo và AC&M. Có thề điều này được hiểu rằng cái khó nhất của Acapella là sự cảm âm của các thành viên. Mọi người phải cùng có 1 sự cảm âm thì thể hiện giai điệu mới đúng.

Phải chăng ngoài Hoàng Bách, Thuỵ Vũ, Nam Khánh của AC&M ngày xưa thì Bảo đã không tìm được sự kết hợp khác để giờ đây có thể thể hiện những bản nhạc Acapella? Hay đó là một cách để quên đi điều mình không muốn nhớ?

“Thật sự khi Đình Bảo qua đây thì mình xác định là con đường đi hát solo, nên mình chọn những ca khúc với thể loại, phong cách riêng của mình. Còn hát Acapella thì Đình Bảo chỉ hát với AC&M mà thôi, không hát với 1 nhóm nào khác hết. Đó là lý do vì sao Bảo không hát Acapella trở lại khi qua thị trường ở Mỹ.”

Thế đó. Cho dù cuộc sống cứ phải nối tiếp trôi, và con người cứ phải bước đến trước, rẽ ngang bao nhiêu đoạn đường thì những gì đã gắn liền với một quãng đời đã đi qua, khó mà thay thế được.

“Khi bắt đầu đi hát 1 mình, đôi khi nhớ lại những ngày xưa khi hát những buổi sinh viên có 6 , 7 ngàn người, nhớ những sân khấu như vậy lắm, các bạn sinh viên rất vui, rất nhiệt huyết. Mặc dù Đình Bảo qua đây  lâu rồi nhưng những món quà mà các bạn gửi tặng Bảo vẫn còn giữ. Những món quà lưu niệm mà các bạn sinh viên,các fan ngày xưa tặng cho Đình Bảo vẫn giữ ở đây. Mỗi lần nhìn về nó, những lúc buồn cũng nhìn và nhớ lại kỷ niệm ngày xưa, rất xúc động và nhớ lại kỷ niệm.”

Cho dù không trình diễn Acapella nữa, nhưng phong cách trình diễn và thể loại nhạc mà Bảo theo đuổi vẫn mang đậm chất thính phòng, hàn lâm cổ điển.

“Giọt nước mắt ngà” của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên mà quí vị vừa nghe là ca khúc trong album Cánh Gió, CD đầu tiên của Đình Bảo do anh tự sản xuất. Và trong album Cuộc tình đã mất do trung tâm Thuý nga thực hiện trong năm 2015, Bảo vẫn chọn các ca khúc trữ tình mang đậm chất blue và jazz.

“Mình là người xuất thân từ âm nhạc cổ điển cho nên dù mình đi đâu, có hát thế nào thì cũng có chút dính dáng đến hàn lâm, đến nhạc cổ điển.Khi mình hát thể loại nhạc tình thì sẽ giảm bớt kỹ thuật để hát tự nhiên hơn.”

Khẽ hỏi anh có chăng một sự tái hợp của AC&M? Câu hỏi này xin được hỏi cho tất cả những ai đã từng yêu và vẫn sẽ mãi yêu 4 chàng trai Acapella.

“Khi nhớ về nó thì nó luôn là 1 kỷ niệm đẹp mà 4 thành viên đều trân trọng, nhất là khi nhớ về những khán giả của mình ngày xưa.Nhưng cuộc sống luôn phải tiến tới,người ta vẫn phải học tập và tìm những điều mới mẻ. mình nên giữ nó là một kỷ niệm đẹp thì sẽ tốt hơn.”

Con đường Đình Bảo đang đi hiện nay có thể nói là khá vẹn tròn với niềm đam mê và chuyên môn âm nhạc của anh. Anh viên mãn với sự lựa chọn của mình. Ba thành viên còn lại của AC&M giờ đây đều đã có một con đường sự nghiệp riêng. Mỗi một người họ đều vui và làm tốt hướng đi mình đã chọn. Có hợp thì có tan. Có đi thì có về. Sự vĩnh cửu trong cuộc sống thường được xem là điều khó có thể. Quan trọng là mỗi chúng ta hạnh phúc với sự lựa chọn ấy.

Đó là câu chuyện của Đình Bảo và Acapella.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống