Friday, October 2, 2015

NS. Hà Mỹ Xuân tái diễn Thái Hậu Dương Vân Nga sau 30 năm xa xứ

RFI - Vào đêm 12/09/2015, Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân đã tái diễn trích đoạn Thái Hậu Dương Vân Nga trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 1 năm của Câu Lạc Bộ Vinh Danh Văn Hóa Nam Bộ Xưa do anh Hồ Nhựt Quang-một trong những đệ tử đích truyền của Giáo sư Trần Văn Khê-tổ chức. Đây là một sự kiện đặc biệt, bởi vì sau gần 30 năm định cư tại Pháp, thì đêm 12/09 là lần đầu tiên NS. Hà Mỹ Xuân tái diễn vai Thái hậu Dương Vân Nga- một vai diễn thuộc hàng để đời của cô.

Để hiểu rõ thêm sự kiện này cũng như sự hoạt động sôi nổi của nữ nghệ sỹ lừng danh cả trên đất Pháp lẫn Việt Nam, NS. Hà Mỹ Xuân, RFI có cuộc trao đổi với Tiến sỹ-Nghệ sĩ, nhà bình luận cải lương Lê Hồng Phước-người sát cánh cùng NS. Hà Mỹ Xuân trong các hoạt động đờn ca Tài tử-Cải lương trên đất Pháp và ở Việt Nam.

RFI: Xin chào Nghệ sỹ-Tiến sỹ Lê Hồng Phước. Được biết trong suốt 4 năm làm nghiên cứu sinh tại Pháp về Lịch sử Việt Nam ở Đại học Versailles-Saint Quentin Yveslines, và trong suốt 4 năm đó, anh cũng từng là cộng tác viên cho ban Việt ngữ đài RFI tại Paris, anh viết khá nhiều bài bình luận về cải lương và được xem là đệ tử của NS. Hà Mỹ Xuân và đã sát cánh cùng cô trong hoạt động quảng bá cải lương trên đất Pháp. Trước tiên, xin anh cho biết anh đã “đầu quân” cho NS. Hà Mỹ Xuân trong trường hợp nào?

HINH
Hà Mỹ Xuân trong vai Thái hậu Dương Vân Nga (RFI)
TS. Lê Hồng Phước: Xin chào quý vị thính giả thân thương của RFI và Ban Biên Tập RFI Việt Ngữ tại Paris. Số là vào cuối năm 2010, trong một suất hát cho chương trình mừng xuân của Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức tại trụ sở Unesco-Paris, thì mình gặp cô Hà Mỹ Xuân. Mình là dân nghiên cứu cải lương, nên theo dõi lâu rồi ở trong nước mà không thấy và cũng không biết cô đào Hà Mỹ Xuân của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga ngày nào đã đi đâu.

Thế nên, khi gặp được cô Hà Mỹ Xuân trong cánh gà, mình mừng đến mức buộc miệng nói: “Trời, con tưởng cô chết rồi”. Cô Hà Mỹ Xuân bèn cười và nói rất thân tình: “Thằng quỷ, tao chết hồi nào”. Trong buổi đó, cô Hà Mỹ Xuân diễn trích đoạn Thái Hậu Dương Vân Nga của soạn giả Huy Trường và mình được cô nhờ mặc đồ quan ra đứng “làm kiểng” để cho cô diễn. Thế mà sau khi diễn xong, cô Hà Mỹ Xuân nói với mình: “Con biết diễn đó”. Rồi từ đó mình “đầu quân” cho cô Hà Mỹ Xuân.

RFI: Vậy là từ đó anh và NS Hà Mỹ Xuân bắt đầu đi hát chung trên đất Pháp?

TS. Lê Hồng Phước: Mình đi hát với cô Hà Mỹ Xuân khắp nơi ở Pháp trong thời gian gần 5 năm trời. Sau đó, cô Hà Mỹ Xuân đứng ra thành lập Hội Bảo Tồn Cải Lương mang tên Về Nguồn và tổ chức nhiều buổi diễn có giá trị nghệ thuật cao trên đất Pháp. Có lần đã mời được đôi nghệ sỹ Thanh Điền-Thanh Kim Huệ, nghệ sỹ Trọng Phúc và Đạo diễn Thanh Hiệp sang diễn trong một rạp sang trọng tại Paris với các vở tuồng kinh điển: Bên Cầu Dệt Lụa, Ngao Sò Ốc Hến…

Rồi sau khi Đờn ca Tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Của Nhân Loại hồi cuối năm 2013, thì mình với cô Hà Mỹ Xuân mới bàn nhau và đứng ra tổ chức chương trình Đờn ca Tài tử-Cải lương định kỳ tại Paris, mỗi tháng 1 lần, theo đúng chất Tài tử-Cải lương Nam Bộ. Dưới góc độ lịch sử Cải lương, thì có lẽ đây là Chương trình Tài tử-Cải lương định kỳ đầu tiên ở Paris và ở Pháp. Đầu tiên ở chỗ là chương trình định kỳ chỉ hát Tài tử-Cải lương chứ không ca xen những thể loại khác.

Chương trình này đã được tổ chức 8 lần và được sự ủng hộ nồng nhiệt của bà con mộ điệu cải lương tại Paris nói riêng và ở Pháp nói chung. Trong nhóm biểu diễn của chúng tôi có thể kể đến: “Lão nhạc sỹ” Minh Thanh, Bác sỹ-Nhạc sỹ Thu Thảo, nữ nghệ sỹ Hà Mỹ Liên (chị ruột NS Hà Mỹ Xuân), nữ nghệ sỹ Kim Chi (phu nhân của Nhạc sỹ Minh Thanh), nam nghệ sỹ Lý Kim Thành, cô Hà Mỹ Xuân và mình.

RFI : Như đã đề cập ở trên, trong chương trình kỉ niệm 1 năm của Câu Lạc Bộ Vinh Danh Văn Hóa Nam Bộ Xưa, mà anh có dịp tham gia và NS.Hà Mỹ Xuân đã tái diễn vai Thái hậu Dương Vân Nga. Anh có thể nói thêm về sự kiện này.

TS. Lê Hồng Phước : Câu Lạc Bộ Vinh Danh Văn Hóa Nam Bộ Xưa do anh Hồ Nhựt Quang tổ chức tại tư gia GS.Trần Văn Khê bắt đầu ngày 12/9/2014. Và vào đêm 12/9/2015, anh Hồ Nhựt Quang tổ chức lễ kỉ niệm 1 năm của Câu lạc bộ tại Khách sạn Sài Gòn Hotel đường Đông Du trung tâm Sài Gòn. Đây cũng là một nơi có tính chất kỉ niệm vì đây là nơi ở thường xuyên của GS.Trần Văn Khê mỗi lần ông về nước.

Theo lời mời của anh Hồ Nhựt Quang, mình và cô Hà Mỹ Xuân đã tham gia biểu diễn cho đêm kỉ niệm này với nhiều gương mặt nổi tiếng tại TP.HCM: nhạc sỹ Huỳnh Khải, nhạc sỹ Hải Phượng, nhạc sỹ Châu Minh Tâm, nghệ sỹ Xuân Lan, nghệ sỹ Kim Hương, nghệ sỹ Diệu Thanh (con gái nữ nghệ sỹ Diệu Hiền), Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát, Đạo diễn Đức Tuấn…Đặc biệt buổi biểu diễn còn được sự hiện diện và tham gia chơi đàn của Nhạc sư Vĩnh Bảo.

Và trong buổi đó thì cô Hà Mỹ Xuân đã tái hiện vai Thái hậu Dương Vân Nga. Nói về vai này thì có một điều ít người biết, là cô Hà Mỹ Xuân rất thích và rất quý vai diễn này, nhất là đoạn độc thoại cuối tuồng. Bởi vậy cô Hà Mỹ Xuân rất hạn chế biểu diễn vai này và vì thế cô chọn rất kĩ nơi rồi mới nhận lời biểu diễn. Việc cô Hà Mỹ Xuân nhận lời biểu diễn vai Dương Vân Nga lần này cho thấy cô đánh giá cao và quý trọng Câu Lạc Bộ Vinh Danh Văn Hóa Nam Bộ Xưa cũng như bản thân anh Hồ Nhựt Quang. 

Và có một điều đặc biệt là, đây là lần đầu tiên kể từ gần 30 xa xứ, cô Hà Mỹ Xuân mới tái diễn lớp độc diễn Thái Hậu Dương Vân Nga trên một sân khấu chính thức như vậy tại Việt Nam. Khán phòng trở nên im phăng phắt khi cô Hà Mỹ Xuân độc diễn Thái Hậu Dương Vân Nga trên sân khấu. Sau đó, nhiều khán giả đã bài tỏ sự xúc động khi được xem một vai diễn có hồn đến mức như vậy.

Có một nữ khán giả còn cho biết, trước buổi diễn, cô sợ NS. Hà Mỹ Xuân sẽ diễn không nỗi vì thấy NS. Hà Mỹ Xuân có vẻ sức khỏe không tốt và giọng bị khàn, thế mà khi NS. Hà Mỹ Xuân xuất hiện trên sân khấu thì cô phải giật mình trước thần thái mạnh mẽ uy nghi của Thái Hậu Dương Vân Nga. Dưới góc độ bình luận cải lương mà nói, nếu không phải là một tay diễn thượng thừa thì không bao giờ đạt đến trình độ diễn xuất như vậy.

RFI: Anh có thể giải thích vì sao NS. Hà Mỹ Xuân quý vai Thái hậu Dương Vân Nga đến như vậy?

TS. Lê Hồng Phước : Trước nhất, có lẽ đây là vai thuộc hàng để đời của cô Hà Mỹ Xuân. Nguyên nhân khác là do tình cảm quý mến của cô Hà Mỹ Xuân đối với cố NS.Thanh Nga. Thuở sinh tiền, NS.Thanh Nga diễn rất thành công vai Thái Hậu Dương Vân Nga. Sau khi NS.Thanh Nga mất, cũng có một số nghệ sỹ diễn vai diễn này nối bước NS.Thanh Nga, nhưng có lẽ cô Hà Mỹ Xuân là diễn thuộc hàng thành công nhất. Một bằng chứng cho sự quý mến của cô Hà Mỹ Xuân đối với NS. Thanh Nga đó là, hơn 30 năm qua, cô Hà Mỹ Xuân luôn giữ bên mình trang phục Thái hậu Dương Vân Nga từ thời Thanh Nga, và mỗi khi tái diễn Thái hậu Dương Vân Nga thì cô đều mặc trang phục này.

RFI: Với tư cách là một nhà bình luận cải lương, anh có thể phân tích sâu hơn về vai diễn Dương Vân Nga của NS. Hà Mỹ Xuân?

TS. Lê Hồng Phước : Có thể nói cô Hà Mỹ Xuân chịu ảnh hưởng rất nhiều về cách diễn của NS.Thanh Nga. Có lẽ là do trước kia hai người đứng chung sân khấu rất hợp nhau và đã cùng để đời với “cặp đào” Trưng Trắc-Trưng Nhị mà đến giờ vẫn chưa có cặp đào nào thay thế nổi.

Tuy vậy, Hà Mỹ Xuân ca theo lối nhấn chữ được truyền từ nữ nghệ sỹ Diệu Hiền, cộng với cách diễn thượng thừa của NS. Ba Vân truyền thụ, thêm vào đó là khả năng phân tích nhân vật rất bài bản và sự rèn luyện không ngừng, nên cô Hà Mỹ Xuân có một cách diễn rất riêng và rất có chiều sâu.

Nói về vai Thái hậu Dương Vân Nga, nhất là lớp độc diễn, thì cô Hà Mỹ Xuân đã thật sự tạo được dấu ấn riêng. Nhờ vào chất giọng cao, lối ca nhấn dấu độc đáo, nên cô Hà Mỹ Xuân đã khai thác tối đa thế mạnh này và khiến cho đoạn độc thoại toát lên sự oai hùng và sâu lắng của một vì Thái hậu trẻ tuổi đau xót cho cảnh nguy cơ của đất nước, tự hào cho truyền thống anh hùng của non sông, và bất khuất trước sức mạnh của ngoại bang.

Có thể nói rằng, nếu Thanh Nga đã xuất sắc sử dụng nét diễn sâu với giọng trầm để đi vào lòng khán giả bằng nét trầm hùng của Thái hậu Dương Vân Nga, thì Hà Mỹ Xuân cũng đã xuất sắc sử dụng giọng cao cùng cách nhấn dấu độc đáo để diễn rất sâu tâm trạng Dương Vân Nga với môt sự oai nghi và một tình thần bất khuất. Còn sự kiện vừa qua, thì về mặt lịch sử cải lương, ta có thể gọi đó là: “Thái Hậu Dương Vân Nga-Hà Mỹ Xuân tái ngộ Việt Nam sau gần 30 năm xa xứ”.

RFI: Rồi cơ duyên nào anh và NS. Hà Mỹ Xuân lại đứng chung sân khấu ở Việt Nam?

TS. Lê Hồng Phước: Đầu năm 2015, mình làm xong luận án Tiến sỹ nên về nước và giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau đó hơn một tháng thì vợ chồng cô Hà Mỹ Xuân về nước chơi 6 tháng. Và cũng thật có duyên khi cô Hà Mỹ Xuân và mình được mời biểu diễn cho chương trình của Câu Lạc Bộ Vinh Danh Văn Hóa Nam Bộ Xưa tại tư gia thầy Trần Văn Khê.

RFI : Những lần diễn cùng với NS. Hà Mỹ Xuân mà anh tâm đắc nhất kể từ khi cả hai tái ngộ ở Việt Nam ?

TS. Lê Hồng Phước : Khi cô Hà Mỹ Xuân về nước mới rủ mình đến hát ủng hộ cho chương trình của anh Hồ Nhựt Quang tại tư gia GS.Trần Văn Khê và mình đã đồng ý. Suất diễn lần đó cũng là suất diễn cải lương cuối cùng mà GS. Trần Văn Khê được xem vì sau đó ông nhập viện và đã vĩnh viễn ra đi.

Mình còn nhớ khi xem xong trích đoạn Bên Cầu Dệt Lụa do cô Hà Mỹ Xuân đóng Quỳnh Nga, cô Xuân Lan đóng Công Chúa Bích Vân, cô Kim Hương đóng Tiểu Loan, Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát đóng Quan Huyện, còn mình thì đóng Trần Minh, thầy Khê đã cầm micro và nói với mọi người: “Tôi không ngờ không gian bé nhỏ của nhà tôi hôm nay lại rước được đoàn Thanh Minh-Thanh Nga về diễn”. Và thầy Khê nói với cô Hà Mỹ Xuân: “Phải còn nữa là Bác còn ngồi coi nữa”, trong khi chương trình đã diễn ra gần 3 tiếng đồng hồ.

Bên cạnh đó, mình cũng theo cô Hà Mỹ Xuân biểu diễn nhiều trích đoạn cải lương ở nhiều nơi tại thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt có lần hai cô trò còn đi biểu diễn ở Tiền Giang để quyên góp tiền sửa chữa Đình Thân Nhơn gần 200 tuổi, do anh Hồ Nhựt Quang tổ chức. Đây là một buổi biểu diễn mà chúng tôi gọi là “cải lương đi cứu đình làng”.

RFI : Được biết, anh và NS. Hà Mỹ Xuân cũng là « khách tri âm » của Nhạc sư Vĩnh Bảo ?

TS. Lê Hồng Phước : Nhạc sư Vĩnh Bảo năm nay đã 98 tuổi nhưng vẫn còn rất minh tuệ. Ông biết đờn từ năm 7 tuổi, tức đã đờn trên 90 năm. Trong làng Tài tử-Cải lương Nam Bộ thì Nhạc sư Vĩnh Bảo xếp vào hàng « Tổ sống ». Hơn nửa thế kỷ nay ông được xem là « Đệ nhất đàn tranh ». Ông cũng chính là người đã dẫn đầu Việt hóa đàn tranh khi cải tiến từ chiếc đàn tranh du nhập 16 dây lên thành 17, 19 rồi 21 dây...

Nhạc sư Vĩnh Bảo cũng là bạn tri âm tri kỉ với GS. Trần Văn Khê hơn nữa thế kỷ nay. Và hiện tại ở Việt Nam người ta bắt đầu kể cho nhau nghe một câu chuyện có thật mà như huyền thoại, đó là khi GS. Trần Văn Khê trong cơn nguy kịch ở bệnh viện, vậy mà khi chợt hồi tỉnh thì GS. Trần Văn Khê đòi nghe tiếng đàn tranh của Vĩnh Bảo. Do tuổi hạc đã cao nên không thể vào bệnh viện thăm bạn, Nhạc sư Vĩnh Bảo bèn đàn gấp tại nhà thu thanh rồi gửi vào bệnh viện cho GS. Trần Văn Khê nghe.

Thật ra thì mình và cô Hà Mỹ Xuân trước đây chỉ nghe tiếng Nhạc sư Vĩnh Bảo chứ chưa hề gặp mặt. Hồi giữa tháng 5/2015, khi vợ chồng cô Hà Mỹ Xuân về thăm quê hương, chúng tôi bèn nhờ anh Hồ Nhựt Quang đưa đến thăm Nhạc sư Vĩnh Bảo tại tư gia. Trong lần gặp đầu tiên này, Nhạc sư Vĩnh Bảo đã đàn tranh bản Văn Thiên Tường cho cô Hà Mỹ Xuân ca trong trích đoạn Hàn Mạc Tử. Và kể từ đó, Nhạc sư Vĩnh Bảo thích cô Hà Mỹ Xuân ca bài này lắm, còn cô Hà Mỹ Xuân thì cũng bắt đầu « mê » tiếng đàn của Nhạc sư Vĩnh Bảo, tiếng đàn mà theo cô là « mỗi cái nhấn dây đàn là như nhấn vào tim của người nghe ».

Và kể từ đó chúng tôi cũng thường tới nhà của Nhạc sư Vĩnh Bảo để đờn ca theo lối tài tử. Nhạc sư Vĩnh Bảo có một cái tính rất là nghệ sỹ ở chỗ là khi ông thấy thích, thấy « hứng » thì ông mới đờn, thế là những kẻ hậu bối như chúng tôi đây cũng có may mắn là được Nhạc sư quý mến và thích thú đàn cho chúng tôi ca và rất thường khi chúng tôi đờn ca hơn 2 tiếng đồng hồ. Có lẽ là những tâm hồn nghệ sỹ đồng điệu gặp nhau chăng ?

RFI: Anh có thể nói rõ hơn về Câu lạc bộ Vinh danh Văn hóa Nam Bộ xưa không?

TS. Lê Hồng Phước: Câu Lạc Bộ Vinh Danh Văn Hóa Nam Bộ Xưa do anh Hồ Nhựt Quang phụ trách. Anh Quang là một trong những học trò thuộc hàng thân cận của GS. Trần Văn Khê. Anh Quang có kiến thức sâu rộng về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Nam Bộ, và có khả năng thuyết giảng rất tốt. Đặc biệt, anh Quang là người có đầy bầu nhiệt huyết về bảo tồn văn hóa dân tộc.

Từ tháng 9/2014, anh Hồ Nhựt Quang đã tổ chức định kỳ chương trình vinh danh văn hóa Nam Bộ xưa về trang phục, ẩm thực, lễ giáo…và đặc biệt là về nghệ thuật cải lương. Chương trình này được sự đồng ý và dìu dắt của GS.Trần Văn Khê và được tổ chức ngay tại tư gia của ông ở TP.HCM.

Chương trình mang giá trị hàn lâm và nghệ thuật cao, thu hút được sự quan tâm của những học giả, nghệ sỹ và nhạc sỹ có tiếng như: Tiến sỹ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sỹ- Nhạc sỹ đàn tranh Hải Phượng, Thạc sỹ-Nhạc sỹ Huỳnh Khải (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM), nghệ sỹ Xuân Lan và nghệ sỹ Kim Hương (cựu diễn viên của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga), đạo diễn Huỳnh Tấn Phát…Đặc biệt, chương trình này cũng được sự ủng hộ hết mình của Đại Nhạc sư Vĩnh Bảo, một vị tổ sống của Tài tử-Cải lương Nam Bộ.

RFI: Trong suốt thời gian du học tại Pháp, anh viết khá nhiều bài bình luận cải lương cho đài RFI. Anh có thể cho biết những kỷ niệm đáng nhớ nhất ?

TS. Lê Hồng Phước: Bên cạnh việc đi hát với cô Hà Mỹ Xuân, mình hân hạnh có hơn 4 năm bình luận cải lương và lịch sử Việt Nam trên sóng của Đài Phát Thanh Quốc tế Pháp-RFI tại Paris, làm việc ở Ban Việt Ngữ của đài với bút danh Lê Phước. Vì mình làm luận án chuyên về Lịch sử văn hóa và mình cũng có nghiên cứu lịch sử cải lương từ lâu nên công việc này rất phù hợp với mình.

Giọng mình già, nên nhiều thính giả tưởng mình đã lên hàng lão rồi. Hồi trước, nữ nghệ sỹ Lệ Thủy cũng tưởng Lê Phước đã trên 70 tuổi. Còn sau khi về nước, thì mới biết cũng có nhiều thính giả nghỉ rằng Lê Phước là một ông lão.

Xin chân thành cảm ơn phần trao đổi của TS. Lê Hồng Phước.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống