Sunday, May 24, 2015

Tháng 5 tưởng nhớ nhạc blues, nhạc trẻ và những “người muôn năm cũ”

rhf
B.B.King tại Farm Aid năm 1985 vừa hát vừa thay một dây đàn bị đứt trong lúc trình diễn
 Cát Linh, phóng viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
Không biết có phải là ngẫu nhiên hay không mà vào tháng 5 năm 2003, những người say mê dòng nhạc trẻ thuộc thập niên 70s, 80s đã ngậm ngùi luyến tiếc tạm biệt tiếng đàn thăng trầm của Lê Hựu Hà, người đi tiên phong cho phong trào sáng tác nhạc theo lối đa âm năng động, một trong những nhạc sĩ đầu tiên Việt hoá nhạc trẻ Âu mỹ. Rồi cũng tháng 5 của 15 năm sau, thế giới và những người yêu blues lại ngỡ ngàng tiếc nuối, ngã mũ chào một tiếng đàn mà có thể làm cho nhân loại cảm thấy rằng “Nỗi sợ hãi đã qua” (The thrill is gone,) đó là B.B. King, ông vua nhạc Blues, bậc thầy đàn sáu dây của những ca sĩ nổi tiếng như Eric Clapton, nghệ sĩ guitar nhạc blues Kenny Wayne Shepherd.

Theo nhạc sỹ Kỳ Phát, một trong những thành viên của ban nhạc Trẻ thập niên 70s hiện đang sinh sống ở Nam California cho biết:

“Nhạc trẻ việt Nam từ đầu ảnh hưởng từ những học sinh trường Tây, họ có tiền họ lập những ban nhạc gia đình, mua những đĩa nhạc từ ngoại quốc. lúc đầu họ chơi những bản nhạc pháp.”

“Lúc đó ban nhạc Hải Âu của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là ban nhạc duy nhất có tên Việt. khuynh hướng của Hải Âu là sáng tác nhạc Việt theo khuynh hướng nhạc trẻ. Sau này đổi tên Phượng Hoàng thì có Elvis Phương vào, sau thập niên 70s. Thập niên 60s gọi là Hải Âu”

Nói về phong trào Việt hoá nhạc trẻ Châu Âu, và cả phong cách nhạc trẻ pop-rock  mà trong đó, Lê Hựu Hà là người đi tiên phong với những bài như Đồng Xanh, Tôi Muốn, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, Hãy Yêu như chưa yêu lần nào…nhạc sỹ Kỳ Phát thốt lên rằng.

“Đây là một khám phá mới, đó là một hiện tượng, phải nói là một hiện tượng trong nhạc trẻ và dòng nhạc trẻ Việt Nam.”

Với giọng hát được gọi là “quái” và “lạ” của ca sĩ Elvis Phương, cuốn băng nhạc đầu tiên, gọi là cuốn nhạc trẻ số 1 của ban nhạc Phượng Hoàng do nhạc sỹ Ngọc Chánh phát hành gồm những sáng tác của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang thì nhạc sỹ Kỳ Phát cho rằng:

Ban Nhạc Phượng Hoàng: Những người trụ cột (đã mất): Lê Hựu Hà (đầu hàng, trái qua) và Nguyễn Trung Cang (thứ hai, phải qua)
Ban Nhạc Phượng Hoàng: Những người trụ cột (đã mất): Lê Hựu Hà (đầu hàng, trái qua) và Nguyễn Trung Cang (thứ hai, phải qua)
“Đây là cuốn băng theo thể loại pop music/pop country của ngoại quốc. Những bài như ‘Tôi muốn’ của Lê Hựu Hà hay ‘Mặt trời đen’ của Nguyễn Trung Cang rất mới lạ và theo khuynh hướng trẻ trung.”

Với trên dưới 50 ca khúc sáng tác và dịch lời Việt từ ca khúc nước ngoài, Lê Hựu Hà đã thật sự thổi một luồng gió mới vào đời sống tinh thần của hàng nghìn thanh niên trẻ thời bấy giờ. Giữa lúc vận nước bấp bênh, phận người trôi nổi, người nghệ sĩ, người sáng tác cũng khốn cùng theo thời cuộc, thì nhạc của Lê Hựu Hà như một ánh đuốc soi tỏ con đường hy vọng. Nhạc Việt theo phong cách trẻ của ông như thức tỉnh những tâm hồn đang mãi mê chạy theo nhạc ngoại quốc, ngụp lặn trong chủ nghĩa hiện sinh, những tư tưởng sống bất cần đến ngày mai. Thanh niên thế hệ đó đã chấp nhận dòng nhạc trẻ của Lê Hựu Hà như chấp nhận một tư tưởng sống mới.

Nhạc sĩ Kỳ Phát cho biết:

“Đây là một luồng sinh khí mới, thấm vào giới trẻ, nên gọi là nhạc trẻ, theo một định nghĩa là nhạc đi vào tâm hồn giới trẻ, vui tươi, rộn ràng, làm cho phấn khởi, tâm hồn mình vui tươi. Mọi người chấp nhận như một phong trào.”

Đã nói đến Lê Hựu Hà thì sẽ là một sai sót, nếu không muốn nói là một cái tội nếu không nhắc đến Nguyễn Trung Cang, một cái cánh thứ hai của Phượng Hoàng thời đó. Bao nhiêu trái tim thanh niên thiếu nữ thời điểm đó, và đến tận bây giờ vẫn thế , đã thổn thức với điệu slow rock nhẹ nhàng và tiếng hát trầm, nồng ấm như cây thông rừng mỗi khi Elvis Phương cất tiếng

Không rộn ràng, sống động như những cung bậc của Lê Hựu Hà, nhạc của Nguyễn Trung Cang nhẹ nhàng, trong sáng và thánh thiện như giọt mưa rơi nhẹ vào lòng người, nhất là những sinh viên trường nội trú

Hình ảnh của Phượng Hoàng với Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang xuất hiện với cây đàn đơn sơ, cất lên tiếng hát tự do, phóng khoáng của những gã du ca yêu đời yêu người sẽ rất dễ liên tưởng đến hình ảnh ông hoàng nhạc Blues B.B.King.

B.B.King từng nói:‘We are all idols. Hãy chơi nhạc như bạn đang chăm sóc một người bạn thương yêu, nhưng hãy luôn là chính bạn.”

Đúng như vậy. Ai đã từng xem những ngón tay của B.B.King múa trên cây đàn gỗ của mình, sẽ cảm nhận được ông chơi với tất cả dòng huyết mạch trong cơ thể. Ông đàn mà như không đàn. Ông ôm cây đàn vào người như cây đàn là một vật thể hiện hữu vốn dĩ phải có trên cơ thể mình. Những âm thanh vang lên từ ngón tay của ông trong vắt, dũng mãnh như dòng máu người da màu kiêu hãnh đang toả ra từ trái tim ông. Không ai có thể ngăn cản tiếng đàn ấy.

Nhà phê bình nghệ thuật Hoàng Ngọc Tuấn, hiện đang sinh sống ở Sydney chia sẻ nhận định  của ông về B.B.King:

“B.B.King là một thiên tài nhạc blues đã để lại những ảnh hưởng rất lớn, nhất là trong nghệ thuật chơi guitar. Hàng triệu guitarits thuộc các thế hệ sau đã bắt chước B.B.King trong cách chơi guitar ngẫu hứng, đặc biệt là cách ông sử dụng hệ thống âm giai ngũ trong major cho chủ âm, để dành những nốt minor cho hạ át âm, và có những câu chạy ngón rất đẹp ở át âm trước khi quay về chủ âm để kết thúc một chu trình 12 trường canh nhạc blues.”

Còn ca sĩ - nghệ sĩ guitar Lenny Kravitz bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với King trên Twitter vào ngày B.B.King ra đi: "BB, người ta có thể đánh được cả ngàn nốt nhạc, nhưng không ai có thể thể hiện tâm tư bài hát được như ông.”

Trong suốt sự nghiệp của mình, B.B.King không ngừng lưu diễn. Có khoảng 100 đến 150 buổi trình diễn trong 1 năm và cho đến năm ông 70 tuổi thì Kỹ thuật chơi đàn huyền thoại của B.B.King đã vang lên ở 90 quốc gia trên thế giới. Nhà phê bình nghệ thuật Hoàng Ngọc Tuấn nói thêm rằng:

“B.B.King có những kỹ thuật nhấn nốt, rung nốt, vuốt dây và tạo ra những câu nhạc lót rất đẹp để phụ trợ cho tiếng hát. Ông có một sự nhạy cảm tuyệt vời trong việc thể hiện tốc độ, cường độ và âm sắc của tiếng đàn, tạo nên một bầu không khí đặc thù ‘blues’ mà giới thưởng ngoạn đều cảm thấy hoàn toàn bị chinh phục.”

Đối với những người yêu blues, B.B.King thật sự là niềm kiêu hãnh. Và hơn tất cả, là niềm tự hào cho một dân tộc.

Không cùng màu da, khác dân tộc, mỗi người sử dụng tiếng mẹ đẻ của riêng mình. Nhưng, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, B.B.King đều có một cái chung, đó là tình yêu âm nhạc. Đặc biệt, họ đều là những người đi tiên phong cho hai phong cách âm nhạc khác nhau, blues của châu mỹ và nhạc trẻ của Saigon thập niên 70s, 80s. Và tất cả họ đều đã trở về với nơi họ bắt đầu.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống