Sunday, October 9, 2016

Giải mã Ngày Xưa Hoàng Thị

pic
Hoàng Trọng Thắng
Bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị được nhiều người đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Theo tôi, đánh giá như vậy có vẻ hơi quá. Thực tế, nếu không có Ngày Xưa Hoàng Thị của Nhạc sĩ Phạm Duy, chắc rằng chẳng mấy ai biết Ngày Xưa Hoàng Thị của Thi sĩ Phạm Thiên Thư. Hay nói một cách khác, Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, từ một cô bé lọ lem, đã được phù thủy Phạm Duy biến thành công chúa.

Nhiều người còn cho rằng, Phạm Thiên Thư đã đem thiền tính vào Ngày Xưa Hoàng Thị. Có thể đánh giá trên được dựa vào màu áo thiền sư của Phạm Thiên Thư lúc sáng tác bài thơ này. Nếu có, sắc thiền chỉ thoáng nhẹ trong ba câu:

… Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhoà mau…

Cho dù bài thơ mang tính thiền trên một góc độ cảm quan nào đó, nhưng chắc chắn không thể có trong 16 câu thơ đầu. Điều này sẽ được thấy rõ hơn nếu phân tích Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy.

Xin đừng trách tôi ngược ngạo khi nói về Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, nhưng lại phân tích Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy. Xin thưa, bởi Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy chính là chiếc gương chiếu hậu, cho ta thấy những gì được che giấu phía sau Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiêm Thư. Hay nói một cách khác, Phạm Duy đã giải mã những ẩn ngữ, thấy được ẩn ý, cảm nhận được ẩn tình; để từ đó thăng hoa những mạch rung động này trong nhạc phẩm của mình

Vì vậy, muốn thấy được những ẩn tình, ẩn ý được gài trong Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, ta không thể không nói đến Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy.

Hãy đọc lại bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư:

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng.

Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dấu lau lách buồn.
Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối
Tìm lời mở nói
Lòng sao ngập ngừng
Lòng sao rưng rưng
Như trời mây ngợp
Hôm sau vào lớp
Nhìn em ngại ngần.

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở
Thương ơi vạn thuở
Biết nói chi nguôi!
Em mỉm môi cười
Anh mang nỗi nhớ.

Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhoà mau
Tưởng đã phai màu
Đường chiều hoa cỏ.

Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng đáng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu?
Chân tìm theo nhau
Còn là vang vọng.

Đời như biển động
Xoá dấu ngày qua
Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ
Phố ơi muôn thủa
Giữ vết chân tình
Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời

Tình ơi! Tình ơi!

pic

Tình cờ quay về chốn cũ, bùi ngùi ghi lại nỗi lòng khi nhớ đến người xưa. Phạm Thiên Thư bắt đầu bài thơ bằng kỷ niệm của mười năm quá khứ, khiến lòng người đọc bị chùng xuống, tuy “nhẹ” mà “sâu”, khi bị kéo dần về hiện tại. Quả tài tình khi sắp xếp ý tứ như vậy, làm bài thơ tuy buồn nhưng lại rất êm, rất đẹp, rất duyên.

Bốn chữ “Tình ơi! Tình ơi!” ở câu cuối tạo nên cảm giác lâng lâng, giúp ta quên hết mọi vết hằn cát bụi của cuộc đời, để chỉ còn nhớ đến một hình ảnh nên thơ, dù đã chìm sâu trong vùng ký ức.

Nhớ đến Ngày Xưa Hoàng Thị, là nhớ đến hình ảnh vụng trộm theo vết chân nhau của tuổi học trò; những vết chân nhẹ êm bẻn lẻn, nhưng vĩnh hằng in dấu trong tim.

Những tưởng Phạm Thiên Thư đã chân tình tỏ bày tâm sự, nhưng hình như ta vẫn thấy đâu đó một chút gập ghềnh trong ý tứ. Phải chăng Phạm Thiên Thư vẫn còn cất giấu những nỗi niềm riêng?

Đúng vậy!

Có thể nói rằng, Phạm Duy là người đầu tiên đã giải mã được những ẩn ngữ, để từ đó mở toang cánh cửa hồn thơ, thấy được tình ý mà Phạm Thiên Thư gởi gắm trong đó.

Vậy đâu là những ẩn ngữ chất chứa ẩn ý của Ngày Xưa Hoàng Thị?

“Em tan trường về”, “Đường mưa nho nhỏ”, “anh đi theo hoài”, là ba câu trong 16 câu thơ đầu tiên, cho ta thấy được bối cảnh của một trời kỷ niệm.

“Chim non giấu mỏ”, “áo tà nguyệt bạch”, “anh tìm theo Ngọ”, “dấu lau lách buồn”, chính là bốn câu thơ chứa các từ khóa mà chúng ta phải giải mã.

“Áo tà nguyệt bạch” tuy là câu thơ thứ hai trong thứ tự các câu thơ chứa ẩn ngữ, nhưng lại là câu cốt lõi của vấn đề, câu đầu tiên cần phải giải mã.

Khi độ sắt bén của lưỡi dao gần như không còn nữa, người Huế gọi là “dao tà”. Lúc hoàng hôn, khi ánh nắng chiều gần như biến mất, gọi là “ánh chiều tà”, hay “ánh tà dương”. Vì vậy, “áo tà” ở đây không thể hiểu là tà của chiếc áo dài, mà phải hiểu là sự gần như biến mất của chiếc áo dài.

Các cô nữ sinh áo trắng Đồng Khánh Huế chắc hiểu điều này hơn ai hết. Với các cô, mưa là ác mộng và ướt áo là tai họa. Khi bị ướt, chiếc áo dài trắng kín đáo thường ngày bỗng chốc hóa mỏng hơn, trong ra và bám sát vào da thịt, để lộ ra tất cả sắc màu và những đường cong tuyệt mỹ của tạo hóa. Sự “áo tà” tinh quái này đã biến người nữ sinh “tà áo” trắng thành tuyệt tác của thơ mộng ngất ngây.

Ôi đường nét! Ôi làn da!

Đó chính là cái tình ý dí dỏm đáng yêu của Phạm Thiên Thư.

Có khiêm cưỡng khi diễn nghĩa như thế hay không? Xin thưa: Không. Bởi “nguyệt bạch” minh chứng cho điều đó. “Bạch” ở đây không phải là màu trắng, mà là sự trống rỗng, tỏ, rõ. Có phải chăng “áo tà nguyệt bạch”, khi áo quần gần như biến mất, cơ thể nàng Nguyệt Nga đã bị sự trống rỗng phơi bày, tỏ hơn, rõ ra!

Không thể nói Phạm Thiên Thư đã vô tình khi dùng hai từ “tà” và “bạch” trong cùng một câu như thế này. Rõ ràng là một sự cố tình diễn tả hình ảnh khiêu gợi của thân thể người con gái.

Sẽ không khó khăn lắm để hiểu ý “áo tà nguyệt bạch”, nếu người đọc không bị hình ảnh thiền sư của Phạm Thiên Thư đánh lừa. Tuy nhiên, chiếc áo lam không đủ độ dày để che mắt Phạm Duy. Ông đã thấy ngay hình ảnh khêu gợi đó, nên khi phổ nhạc, ông đã không đưa “áo tà nguyệt bạch” vào bản nhạc; cho dù, đây là điểm đắc ý nhất của bài thơ. Thay vào đó, Phạm Duy đã dùng câu “tóc dài tà áo”, để vẽ thân hình người con gái, từ trên xuống dưới một cách kín đáo hơn.

Có khiêm cưỡng khi đưa ra nhận định như thế hay không? Xin thưa: Không. Nếu đã biết “em tan trường về” khi “đường mưa nho nhỏ”, người tinh ý sẽ thấy ngay hình ảnh “em” sẽ như thế nào, cần gì phải nói ra. “Áo tà”, “nguyệt bạch” là từ khóa, nhưng cũng là chìa khóa để mở tung tất cả những ẩn ngữ khác trong bài thơ. Phạm Duy không đưa chiếc chìa khóa “áo tà nguyệt bạch” vào nhạc phẩm Ngày Xưa Hoàng Thị là vì vậy.

Ngược lại, vì rung động với “áo tà nguyệt bạch”, Phạm Duy đã khai thác ý “Ngọ” và “dấu lau lách buồn” một cách tinh quái hơn ở đoạn sau.

“… Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng…”

Tại sao chú chim non không bay nhảy trên cành, lại sà xuống dưới cội hoa vàng? Tại sao không cất tiếng hót líu lo, lại phải chúi đầu xuống đất để giấu mỏ? Cái mỏ của chú làm chi nên tội để phải giấu nó đi?

“Chim non giấu mỏ” làm ta liên tưởng đến hình ảnh của một chú bé đang quỳ gối, chắp tay xưng tội. Tội tình chi nhỉ?

Thử hỏi: Có phải chăng thi phú tự ngàn xưa vẫn ví von người con gái như một khu vườn kỳ diệu đầy hoa thơm, trái ngọt?

Ồ! Thế mới hiểu tại sao chú học trò mới lớn Phạm Thiên Thư buộc chú “chim non” phải “giấu mỏ” trước tuyệt tác “áo tà nguyệt bạch”. Thèm thuồng lắm, khát khao lắm, nên phải “giấu mỏ” vì sợ không thể kềm hãm lửa tình rạo rực mà đâm ra… mổ bậy, cắn càn.

Phạm Duy đã làm hình ảnh chim non giấu mỏ này dí dỏm, thú vị hơn. Không như Phạm Thiên Thư để chú chim non tự biết tội, tự giấu mỏ dưới cội hoa vàng, Phạm Duy lại ra lệnh: “Nằm im – Giấu mỏ!” bên lề đường. Ấy mới thêm vạn phần tội nghiệp!

“Dấu lau lách buồn” có thực sự nói về tâm trạng của Phạm Thiên Thư không? Buồn khi len lén đi theo người con gái mình thương lúc tan trường về là một trạng thái tâm lý bất hợp lý. Càng bất hợp lý hơn khi câu trên là “mưa nhẹ bâng khuâng”. Phạm Thiên Thư có thể ngại ngùng, ngập ngừng, hồi hộp, rung động, xao xuyến, lâng lâng,… nhưng không thể buồn. Nếu ngày mai em lên xe hoa về nhà chồng, Phạm Thiên Thư thất tình mà than buồn là điều thông cảm. Nhưng nào phải thế, hà cớ gì lại than buồn? Lại than cho một nỗi buồn “lau lách”!

Tại sao “lau lách”? Tại sao lại có một trạng thái tâm lý, vừa như mặc cảm, vừa như tinh nghịch, buộc người đọc liên tưởng đến đám “cỏ gà” của Hồ Xuân Hương?

“Dấu lau lách buồn” là cả một một trời thú vị. Để hiểu được điều này, ta phải giải mã Ngọ.

Giai thoại văn chương trước nay có tên Hoàng thị Ngọ, là người con gái tóc thề áo trắng “em tan trường về, anh theo Ngọ về” của Phạm Thiên Thư. Thậm chí, nhiều người tự nhận mình là Hoàng Thị Ngọ, hay biết Hoàng Thị Ngọ là ai.

Thật vậy sao?

“Em tan trường về, anh theo Ngọ về” là Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy, chứ không phải Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư. Phạm Thiên Thư chỉ hai lần nói đến Ngọ. “Mười năm rồi Ngọ” không hẳn nói với người con gái tên Ngọ. Cũng như, Nguyễn Ánh 9 không hẳn đã có một người bạn tên Buồn bằng xương bằng thịt, khi ông nói: Buồn ơi! Ta xin chào mi!

Một lần khác Phạm Thiên Thư nói đến Ngọ trong câu “Anh tìm theo Ngọ”, vẫn không đủ để nói người con gái đó tên Ngọ.

Nếu người con gái đó tên Ngọ, sẽ là một điều vô cùng phi lý. Phi lý vì, tại sao Phạm Thiên Thư đang lẽo đẽo đi theo cô Ngọ, lại thốt lên “Anh tìm theo Ngọ”? Trước mặt đó, sao còn phải tìm? Khi đang đi theo thì không thể nói là “tìm theo” được. “Tìm theo” ở đây là tìm theo một cái gì đó khác hẳn hình bóng người con gái mà Phạm Thiên Thư đang đi theo, và hằng ngày “theo hoài”.

Anh tìm theo Ngọ
Dấu lau lách buồn.

Như hai câu trên, nếu người con gái đó đúng tên là Ngọ, sẽ có hai điều đáng bàn. Thứ nhất, Phạm Thiên Thư dốt chữ. Thứ hai, chắc hẳn cô Ngọ phải tệ lắm.

Chính Phạm Duy là người đã giải mã, đã hiểu được tình ý tinh nghịch của Phạm Thiên Thư trong hai câu thơ này, nên khi phổ nhạc, ông đã khai diễn để tăng phần thú vị.

Sau đây là Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy:

Anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề
Lòng anh nức nở
Mai vào lớp học
Anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ.

Theo sát sau Ngọ là “dấu lau lách buồn” của Phạm Thiên Thư, được thay thế, cũng theo sát sau Ngọ là “chân anh nặng nề, lòng anh nức nở” của Phạm Duy.

Hình ảnh người con trai âm thầm lẻo đẻo đi theo người con gái mình thương lúc tan trường về là hình ảnh rất dễ thương, đầy thơ mộng của mối tình học trò, tại sao lại đớn đau như vậy?

Ngọ là gì để ngay sau Ngọ là cả một trời thống khổ của buồn lau lách, chân nặng nề, lòng nức nở?

Vậy Ngọ là gì?

Nói đến Ngọ, các chàng thư sinh Quốc Học kề bên trường nữ sinh Đồng Khánh Huế không thể không biết. Trong cái tuổi thanh xuân đầy tràn sức sống đó, có anh nào mà không biết Ngọ cơ chứ.

Tuổi mới lớn sung sức cương cường này thường hay rơi vào trạng thái căng thẳng vô cớ, lắm lúc hiên ngang dỡ khóc dỡ cười. Tinh thần cảnh giác trời xanh cao độ đến nỗi nhiều đêm bắn máy bay lung tung. Bắn không cần mục tiêu, còi báo động hay lệnh cấp trên mới khốn khổ, khốn nạn.

Tình trạng căng thẳng đó thường được gọi là gì nhỉ? Có phải “đồng hồ chỉ 12 giờ” không? 12 giờ có phải là giờ Ngọ không?

Hóa ra, Ngọ là bóng gió chữ nghĩa của Phạm Thiên Thư.

Và, Ngọ ở đây không ai khác ngoài… Phạm Thiên Thư!

“Anh theo Ngọ về” trong Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy, ta phải hiểu “Anh theo / Ngọ về” mới thấy hết cái tình ý tinh nghịch thú vị nhưng nhẹ nhàng thi vị của cả Phạm Duy và Phạm Thiên Thư. Ý rằng: Anh theo chân người em gái áo trắng, tóc thề trong một ngày mưa. Ôi đẹp biết bao! Trước cảnh ngất ngây “áo tà nguyệt bạch” đó, dục tình dâng trào, Ngọ vụt hiện về…

Và…

Thú vị hơn khi ta thấy ngay sau Ngọ là “dấu lau lách buồn”. Điều gì đã để lại dấu vết một cách “lau lách” làm Phạm Thiên Thư phải “buồn”? Có phải chăng Phạm Thiên Thư là vị tướng chưa xuất chinh đã “khóc ngoài quan ải”?

Phạm Duy không đưa câu “áo tà nguyệt bạch” vào nhạc phẩm Ngày Xưa Hoàng Thị để người nghe không thể hiểu được ý ban đầu mà giải mã các ý sau. Ngược lại, Phạm Duy đã thích thú lập lại ý Ngọ đến bốn lần. Đồng thời, Phạm Duy đã làm rõ nghĩa “dấu lau lách buồn” bằng “chân anh nặng nề, lòng anh nức nở” một cách táo tợn hơn. Ta càng thấy thích thú hơn khi Phạm Thiên Thư, hôm sau vào lớp, chỉ dám “nhìn em ngại ngần” của một cậu con trai mới lớn chưa biết cái chi chi; trong khi Phạm Duy sành đời í a “ngẫn ngơ, ngẫn ngơ” với “dấu lau lách buồn” tinh quái đó!

Các bà, các cô tự nhận mình là Hoàng Thị Ngọ đang cầm chắc trong tay một bé cái lầm. Hoàng Thị Ngọ Ấy-Em hay Hoàng Thị Ngọ Bi-Em cũng thế mà thôi! Giai thoại văn chương làm chi cho thêm khổ! Càng nhìn mình là Ngọ, càng tội tình cho chú bé Phạm Thiên Thư!

Có hồ đồ lắm không khi diễn giải Ngọ như thế này, khi chính Phạm Thiên Thư công nhận người con gái đó thật tên Hoàng Thị Ngọ; một bà tên Hoàng Dược Thảo tự nhận mình chính là người thơ tên Ngọ, và một người khác nữa tên Đỗ Thị Mai Trinh?

pic

Xin thưa: Không.

Không, vì ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu Ngọ của Ngày Xưa Hoàng Thị chứ không phải của Phạm Thiên Thư. Người thơ của Phạm Thiên Thư tên Hoàng Thị Ngọ, Hoàng Dược Thảo, Đỗ Thị Mai Trinh, hay bất cứ tên gì đi chăng nữa cũng không phải là điều quan trọng. Tác giả là tác giả, tác phẩm là tác phẩm, và chúng ta chỉ phân tích tác phẩm mà thôi.

Ngôn từ trong thi phẩm Ngày Xưa Hoàng Thị cho thấy, Ngọ không phải là người thơ, mà là một trạng thái tâm sinh lý của tác giả Phạm Thiên Thư.

Có thể Phạm Thiên Thư không chủ đích tả cảnh đáng yêu “áo tà nguyệt bạch” trên thân thể người nữ sinh áo trắng trong một ngày mưa.

Có thể Phạm Thiên Thư không chủ đích nói đến khát khao dục vọng, đến nỗi phải tự kìm hãm mình bằng “chim non giấu mỏ”.

Có thể Phạm Thiên Thư không chủ đích nói lên sự rạo rực dục tình của mình qua hình ảnh “Ngọ… dấu lau lách buồn”.

Có thể!

Nhưng nào nghĩa lý gì!

Ngôn từ trong Ngày Xưa Hoàng Thị cho thấy rằng, dù không nói ra bằng ý thức, Phạm Thiên Thư cũng đã nói ra qua vùng hạ ý thức của mình.

Chính hạ ý thức kích hoạt rung động, hứng khởi cho mọi sáng tạo nghệ thuật. Muốn tác phẩm có hồn, người nghệ sĩ phải xuất hồn khi sáng tạo, và chính hạ ý thức đã làm nên điều kỳ diệu đó.

“Anh tìm theo Ngọ” là tiếng hổn hển cùa vùng rung động hạ ý thức này.

Phù thủy Phạm Duy đã sớm bắt mạch được giây phút rung động hạ ý thức mà Phạm Thiên Thư đã tài tình gài kín, để từ đó giải mã, vỗ đùi cười òa:

_ Chú mày qua mặt được ai chứ đừng hòng qua mặt được ta! Chú mày gớm thật!

Phạm Duy mở khóa, nhập vào hồn thơ Phạm Thiên Thư, cùng chiêm ngưỡng sắc hương “áo tà nguyệt bạch”, cùng thở hổn hển “anh tìm theo Ngọ, dấu lau lách buồn”, cùng khốn khổ “giấu mỏ” trong rạo rực thèm khát,… Rồi từ đó, Phạm Duy xuất hồn phù thủy, biến cô bé lọ lem của Phạm Thiên Thư thành một cô công chúa tuyệt vời.

Ngâm Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, nghe Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy mới thấy rằng, trong mỗi chúng ta, ai cũng có một Ngày Xưa Hoàng Thị.

Đẹp quá Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư!

Hay quá Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy!

Và… Nhớ quá Ngày Xưa Hoàng Thị của tôi!

pic
Thi sĩ Phạm Thiên Thư

2 comments :

  1. Tuổi mới lớn sung sức cương cường này thường hay rơi vào trạng thái căng thẳng vô cớ, lắm lúc hiên ngang dỡ khóc dỡ cười. Tinh thần cảnh giác trời xanh cao độ đến nỗi nhiều đêm bắn máy bay lung tung. Bắn không cần mục tiêu, còi báo động hay lệnh cấp trên mới khốn khổ, khốn nạn.
    Tình trạng căng thẳng đó thường được gọi là gì nhỉ? Có phải “đồng hồ chỉ 12 giờ” không? 12 giờ có phải là giờ Ngọ không?
    Hóa ra, Ngọ là bóng gió chữ nghĩa của Phạm Thiên Thư.
    Và, Ngọ ở đây không ai khác ngoài… Phạm Thiên Thư!

    ha ha chưa bao giờ tớ nghĩ được ý tưởng này
    tuyệt!

    ReplyDelete
  2. Bài phân tích hay, lần đầu mới biết để hiểu theo cách giải mã này, ngày xưa mình cứ hiểu theo cách phần đông người nói là ông PTT theo bà Ngọ.

    ReplyDelete


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống