Sunday, August 9, 2015

Đức Tuấn – 15 năm, một chặng đường không từ ánh hào quang

HINH
Ca sĩ Đức Tuấn tại phòng trà Không Tên (TP.HCM)
Cát Linh, phóng viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh


Cát Linh mời quý vị cùng trò chuyện với Đức Tuấn, nghe anh kể lại chặng đường 15 năm, từ thuở là chàng sinh viên đại học Ngoại thương cho đến trở thành người được gọi là có phong cách “quý ông” của làng nhạc Việt. Với niềm đam mê của mình, anh cũng là ca sĩ trẻ Việt Nam đầu tiên thực hiện 2 nhạc phẩm từ 2 vở nhạc kịch nổi tiếng của Broadway: Bóng ma trong nhà hát và Thằng gù nhà thờ Đức Bà.

Em tɑn trường νề
Đường mưɑ nho nhỏ
Em tɑn trường νề
Đường mưɑ nho nhỏ
Ôm nghiêng tậρ νở.

Tóc dài vờn bay vờn bay….(Ngày xưa Hoàng Thị)

15 năm trước...

15 năm trước, một chàng sinh viên trẻ của trường Đại học Ngoại thương bước vào cuộc thi Tiếng hát truyền hình, một cuộc thi âm nhạc được xem là có giá trị nhất lúc bấy giờ, với hành trang đơn giản chỉ là niềm đam mê và khả năng ca hát. Thế nhưng, chỉ với hai điều đó thôi, anh đã nhận về giải thưởng cao nhất cuộc thi. Và rồi vài năm sau, khán giả Việt Nam gọi anh là một ca sĩ có phong cách “quý ông” của dòng nhạc trữ tình, cổ điển.

Khi đó, là chàng sinh viên 20 tuổi, vẫn còn đang trên con đường hoàn thành giấc mơ giảng đường đại học như bao lứa tuổi thanh niên thời ấy, Đức Tuấn đơn độc tham gia cuộc thi với sức trẻ và tình yêu âm nhạc.

“Lúc đó chỉ là một chàng sinh viên đi thi, không có sự chuẩn bị như các bạn bây giờ. Năm của Tuấn cũng như những năm trước đó thì hầu như thí sinh đi thi là tự thân vận động, quần áo cũng tự chọn. Ca khúc cũng tự chọn. Chỉ biết là làm sao để đoạt giải. Còn sau khi đoạt giải sẽ làm gì thì cũng chẳng ai biết.”

20 tuổi và giải thưởng cao nhất của cuộc thi, Đức Tuấn không vội vã mang hào quang ấy may cho mình chiếc áo hoàng bào. Với Tuấn, ở thời điểm đó, anh có một sứ mệnh khác cần phải thực hiện và hoàn thành cho đúng với quan điểm của xã hội. Và Tuấn dành hẳn tuổi 20 của mình để làm tròn sứ mạng ấy.

“Đối với cái thời điểm đó thì một đứa con ngoan trò giỏi sẽ được đánh giá bằng cái gì? Bằng những chữ số trong học tập, bằng những trường danh giá mà chúng ta đỗ đạc.”


Thời tuổi trẻ nhiều đam mê, nhiều hoài bão. Con đường quá dài trước mắt với quá nhiều điều muốn thực hiện. Trên con đường ấy, không ít lần Tuấn cũng đã chơi vơi, mất phương hướng.

“Ba năm đó Tuấn đi hát ở các tụ điểm, các sân khấu thật sự mà nói 1 cách không định hướng, vì thật sự lúc đó mình không biết làm gì, không có thời gian để định hướng một cách chuyên nghiệp.”

Thế nhưng, với bản lĩnh của chàng sinh viên Đại học Ngoại thương cộng với tố chất thông minh tinh tế của một người nghệ sĩ, Tuấn cho phép mình thời gian 3 năm để xác định hướng đi sự nghiệp và phong cách trình diễn của mình.

Cho đến năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, Đức Tuấn đặt chân trọn vẹn sự nghiệp ca hát và chọn dòng nhạc trữ tình làm hướng đi cho mình.

“Tuấn dần dần chuyển hết định hướng sang đi theo con đường đó, cách lựa chọn ca khúc hay xây dựng ca khúc.”

Nhạc:

Đường về canh thấu

Đêm khuya ngõ sâu như không màu

Qua phên vên có bao mái đầu

Hắt hiu Vàng ánh điện câu….( Ca khúc Xóm đêm)

Không ngần ngại khi có người cho rằng dòng nhạc mình chọn có quá già so với lứa tuổi 20, vì Tuấn nghĩ rằng:

“Những người khác yêu mến mình, nhưng để hiểu được mình muốn cái gì thì chỉ có mình mà thôi.”

Đó cũng là thời điểm dòng nhạc cổ điển, thính phòng giao thoa lên ngôi không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Và Tuấn đã ghi dấu tên mình bằng phong cách nhạc kịch broadway, một thể loại anh rất yêu thích. Và cũng từ đây, khán giả luôn nhìn thấy hình ảnh một Đức Tuấn lịch lãm, sang trọng, trau chuốt từ phong cách cho đến từng tác phẩm anh gửi đến mọi người.

Nhạc: Ca khúc Phanton of the Opera

“Ai cũng nói ‘Bóng ma trong nhà hát’ là một vở rất cổ điển của sân khấu nhạc kịch thế giới. Tuấn đã mượn nhạc chủ đề của vở đó để kết hợp với 1 bài rất Việt Nam là Nửa hồn thương đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.”

Nhạc:

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoảng hương xưa…(Ca khúc Nửa hồn thương đau)

“Âm nhạc cổ điển khó thưởng thức, là một điều đúng. Nhưng cái Tuấn đang thể hiện không phải là âm nhạc cổ điển. Mượn cái chất liệu cổ điển để thể hiện cái hiện đại.”

“Hay là giao hưởng đưa vô ‘Ngày xưa Hoàng Thị’. Ngày xưa Hoàng Thị là 1 ca khúc ngũ cung được viết trên chất liệu âm nhạc dân gian, nhưng Tuấn đã cùng với nhạc sĩ Đức Trí đưa chất liệu giao hưởng vào để thể hiện chất liệu dân gian đó rất ngọt ngào.”

Nhạc:

Em tɑn trường νề
Đường mưɑ nho nhỏ
Em tɑn trường νề
Đường mưɑ nho nhỏ
Ôm nghiêng tậρ νở.

Tóc dài vờn bay vờn bay….(Ngày xưa Hoàng Thị)

Và 10 năm bước vào tình ca Phạm Duy

“Năm nay Tuấn sẽ kỷ niệm 15 năm ca hát của mình. Đúng ra nó sẽ là 1 buổi diễn tổng kết con đường 15 năm qua như mọi người hay làm, nhưng Tuấn làm cách khác. Tuấn lựa chọn 1 cột mốc có thể nói là nổi bật nhất, 1 niềm hân hạnh, 1 niềm hạnh phúc nhất trong 15 năm qua của Tuấn, đó là được gặp và được hát nhạc Phạm Duy. Cho nên sẽ là một live show Đức Tuấn hát nhạc Phạm Duy.”

Đó là năm 2005, cố nhạc sĩ Phạm Duy về nước. Với thành công của album “Nửa hồn thương đau,” Tuấn cho biết anh tự tin tìm gặp ông xin được hát những ca khúc của ông.

“Ngồi nói chuyện và trao đổi với ông về rất nhiều những bài hát. Từ đó, cái tình thân nó phát triển, và việc Tuấn hát nhạc Phạm Duy trở thành một điều gì đó rất tự nhiên.”

Nhạc:

Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu

Một người ngồi đây trông  hoa trôi theo nước chảy phương nào… (Ca khúc Hẹn hò)

Chất giọng đẹp, thẩm mỹ âm nhạc cao, Đức Tuấn đã chạm vào giai điệu và ca từ trong nhạc Phạm Duy với tất cả sự tinh tế và lòng ngưỡng mộ anh dành cho ông. Tuấn cho biết, anh may mắn được kề cận và nghe ông chia sẻ rất nhiều trong những năm cuối đời.

“Ông chia sẻ rất nhiều về những mất mát trong cuộc sống này, về những quan điểm, triết lý về việc qua đời.”

Trong đó, có cả một dự án âm nhạc mà nhạc sĩ Phạm Duy chưa kịp hoàn thành

Nhạc:

Đừng bỏ em một mình

Đừng bỏ em một mình

Trời lạnh quá trời lạnh quá xin đừng bỏ em một mình…(Ca khúc Đừng bỏ em một mình)

“Requiem” là tác phẩm mà Đức Tuấn gửi gắm vào đó tất cả lòng kính trọng và tình yêu anh dành cho nhạc Phạm Duy

“Tuấn hát nhạc Phạm Duy vì chữ tình. Tuấn yêu nhạc ông thật sự và hát bằng tình yêu chứ không bằng 1 lý do nào khác. Tuấn yêu từng giai điệu, từng ca từ ông tạo ra.”

Đó là câu chuyện về chặng đường 15 năm của Đức Tuấn, chàng ca sĩ đã, đang và sẽ mãi bước đi bằng tài năng, bản lĩnh và trái tim đam mê của mình.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống