Saturday, August 1, 2015

Điền Tử Lang, ca sĩ đài phát thanh của hai chế độ

rhf
Ca sĩ Điền Tử Lang.
Ngành Mai, thông tín viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh


Sự hữu hiệu của đài phát thanh

Đài phát thanh là một cơ quan truyền thông mà dù ở chế độ nào cũng đặt nặng, do bởi hiệu năng hoạt động của cơ sở kỹ thuật này rất cao.

Ở đây tôi không đề cập đến những lãnh vực khác mà đài phát thanh mang lại sự hữu hiệu, mà trong buổi nói chuyện này tôi chỉ nói về mặt văn nghệ, nói riêng về cổ nhạc cải lương có liên quan đến đài phát thanh mà thôi. Một tuồng cải lương hát ở rạp thì số người đi coi chỉ vài trăm, nếu như tuồng hay, rạp lớn, đào kép tên tuổi, thì cũng chỉ trên dưới một ngàn khán giả là cùng. Nhưng nếu hôm đó chuyên viên kỹ thuật đài phát thanh mang máy móc đến làm việc, cho trực tiếp truyền thanh thì có hàng triệu người mộ điệu trong cả nước được thưởng thức. Do vậy mà người ca sĩ cổ nhạc cộng tác với đài phát thanh thì quá nhiều người biết đến tên, dù rằng họ chưa một lần gặp mặt, như trường hợp danh ca cổ nhạc Điền Tử Lang.

Người hâm mộ cổ nhạc cải lương của hai ba thế hệ, có ai mà không biết cái tên Điền Tử Lang. Nếu nói về tài nghệ, về làn hơi ca của Điền Tử Lang thì không thể sánh được với nhiều giọng ca quá hay của nghệ sĩ sân khấu. Nói rõ hơn nếu người nghệ sĩ mà quanh năm suốt tháng chỉ hát ở sân khấu, dù rằng ca hay diễn giỏi thì con số người biết đến tên cũng bị giới hạn, còn Điền Tử Lang thì trên cả nước đều biết đến tên tuổi, do bởi anh ta cộng tác với đài phát thanh cả hai thời kỳ trước và sau 1975.

Điều đáng nói ở đây là Điền Tử Lang đã phục vụ thính giả của đài phát thanh Sài Gòn thời kỳ trước 1975 (khoảng 10 năm) và hát trên đài Tiếng Nói Nhân Dân Thành Phố, tức đài phát thanh Sài Gòn cũ được đổi tên (khoảng gần 20 năm). Có nghĩa là Điền Tử Lang đã phục vụ thính giả đài phát thanh cả hai chế độ, và hai thời gian cộng lại gần 30 năm.

Sau 1975 các ban văn nghệ, ca sĩ đài Sài Gòn đã bị cho nghỉ việc, đại đa số phải rời khỏi đài, để cho ca sĩ khác vào thay thế. Nhưng riêng Điền Tử Lang thì ở lại tiếp tục làm việc, mà lại còn làm lâu hơn, gấp đôi thời gian trước 1975. Lý do vì sao thì tự ai nấy biết, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Có điều tôi muốn nói thêm ở đây là ca sĩ cộng tác với đài phát thanh tuy không nhiều tiền như đi hát, nhưng hưởng lương căn bản, chắc ăn, không có cái chuyện bị giựt tiền lương, bị lãnh đờ mi v.v... do vậy mà Điền Tử Lang kể như may mắn hơn nhiều người khác bị thất nghiệp.

Nhưng ngược lại thì ca đài phát thanh rất nguy hiểm, nghệ sĩ quen hát “cương” phải thận trọng, nếu hát cương (tức lời ca tiếng hát không có trong kịch bản, trong bài ca) mà vô tình phát ra câu hát “phạm chính trị” thì lãnh đủ thôi! Đây, tôi xin kể lại một câu chuyện từng xảy ra trên đài phát thanh Sài Gòn, thời kỳ những năm đầu Đệ Nhứt Cộng Hòa.

Lúc bấy giờ thì Đài Pháp Á đã đóng cửa, đa số ca sĩ ở đài này chạy sang đài phát thanh quốc gia, tức đài Sài Gòn, trong số có ca sĩ Văn Chung, tức hề Văn Chung mà hiện nay đang định cư ở Hoa Kỳ, miền Nam California. Văn Chung lúc ấy là danh ca, dù rằng giọng ca chẳng mấy hay, và ông cũng chưa đi hát, sau này mới cùng vợ là đào Thanh Hương thành lập gánh hát lấy bảng hiệu Thanh Hương – Văn Chung. Lúc bấy giờ Văn Chung tham gia Ban Lệ Liễu, là một ban cổ nhạc có khá nhiều thính giả của đài phát thanh Sài Gòn.

Thời này các ban cổ nhạc của đài phát thanh được lệnh phải soạn bài ca đề cao chế độ thì mới được hát. Ngày nọ khoảng 1957 – 1958 Lệ Liễu (cô cũng là soạn giả) đã viết bài trao cho Văn Chung ca theo điệu Xàng Xê với câu mở đầu “Nước Việt Nam ta dưới chế độ Cộng Hòa”. Nhưng bữa đó Văn Chung lại mở đầu bằng câu ca “Nước Việt Nam ta dưới chế độ Dân Chủ Cộng Hòa”. Văn Chung tự thêm 2 chữ “dân chủ” vào mà hại hết cả đám, kể cả ông luôn, vì đó là chế độ miền Bắc. Người ta nói do miệng ăn mắm ăn muối rồi thần khẩu hại xác phàm hay sao?

Đài kiểm thính của mật vụ Phủ Tổng Thống nghe được, và giám đốc đài phát thanh Sài Gòn bị kêu vô Đinh Độc Lập gặp ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Rồi thì khi ra vẻ với vẽ mặt hầm hầm, ông liền ra quyết định ngưng cho Ban Lệ Liễu cộng tác. Đồng thời làm văn thư gởi Nha Cảnh Sát Công An Đô Thành. Thế là Lệ Liễu và Văn Chung bị điều tra, nhưng nhờ Văn Chung từng là cựu nhân viên cảnh sát đô thành nên được thông cảm, chỉ bị cấm hát trên đài mà thôi.

Như mọi người đều thấy đó, chỉ có 2 chữ “dân chủ” thêm vào bài ca mà giám đốc đài phát thanh bị khiển trách, xém mất chức. Ban Lệ Liễu thì mất chỗ đứng, gây thất nghiệp cho số người trong toàn ban, và Văn Chung thì mất chỗ làm khá lâu, bởi đâu có ban nào dám mời Văn Chung cộng tác lúc đó.

Làn hơi ca mang âm hưởng riêng biệt

Giờ đây xin trở lại vấn đê Điền Tử Lang, danh ca này từng cộng tác với đài phát thanh Sài Gòn trước 1975, trong chương trình “Tiếng Chim Gọi Đàn” của Bộ Chiêu Hồi, thường phát thanh khoảng sau 10 giờ đêm. Thính giả của đài phát thanh Sài Gòn khi xưa, đặc biệt là những người hâm mộ cổ nhạc, chắc không lạ gì 2 giọng ca mùi rệu của đôi nam nữ Điền Tử Lang – Trang Mỹ Hường. Chương trình văn nghệ không những chỉ nhằm đem lại cho giới mộ điệu ở ngoài thành, mà mục tiêu là nhắm vào vùng đồng ruộng xa xôi, nơi thâm sơn cùng cốc. Nói chung dù ở tận

nơi đâu trong rừng rậm mật khu, thì tiếng ca cũng được đem đến, nếu như có chiếc radio nhỏ mang theo.

Làn hơi ca của Điền Tử Lang có âm hưởng riêng biệt, không chạy theo ai hết, không giống với giọng ca nào trên sân khấu hoặc là trong dĩa hát. Còn giọng ca Trang Mỹ Hường thì trầm ấm ngọt ngào, đi sâu vào tình cảm những ai có tâm sự gì đó mà khó bộc lộ ra. Thanh âm ấy cất lên tựa hồ lời than thở của người thiếu phụ trông chồng trong đêm khuya thanh vắng.

Thiên hạ thời ấy nói rằng, ban chương trình văn nghệ chiêu hồi đã khéo tuyển lựa 2 giọng ca nghe sao mà não nuột, tê tái tận cõi lòng, đã đi theo làn sóng phát thanh vào bưng biền, tận nơi rừng sâu núi thẳm. Nếu như người cán binh cộng sản nghe được thì làm sao khỏi nhớ mái ấm gia đình ở quê nhà, nhớ vợ con đang mòn mỏi đợi trông, thì một lúc nào đó có cơ hội là họ sẽ về chiêu hồi.

Người ta không biết rõ hai giọng ca Điền Tử Lang và Trang Mỹ Hường đã làm nản lòng bao nhiêu cán binh, bao nhiêu người về hồi chánh, nhưng chắc ít nhiều gì cũng có tác dụng, nên cả hai mới cộng tác lâu dài ở chương trình văn nghệ chiêu hồi này. Sau ngày 30 – 4 – 75 có lẽ nghĩ rằng ca hát ở cơ quan chiêu hồi là có tội, nên Điền Tử Lang “rét” quá, lánh mặt ở đâu đó một thời gian. Nhưng rồi thấy các nghệ sĩ ở Sài Gòn lần lượt trước sau đi hát trở lại, mà trong đó có Ngọc Đan Thanh cũng từng hát trong ban văn nghệ chiêu hồi với mình, mà chẳng bị lôi thôi gì hết.

Thế là Điền Tử Lang ra trình diện ở đài phát thanh, được cho làm việc trở lại, và được kể là một trong những con chim đầu đàn hưởng ứng nhiệt tình chương trình văn nghệ của đài tiếng nói nhân dân thành phố (tức đài Sài Gòn trước đó). Lúc này thì nội dung lời hát quay ngược 180 độ, lời ca đề cao người bộ đội về thành, chớ không kêu gọi chiêu hồi như lúc trước.

Lúc ấy có người nói rằng Điền Tử Lang hát chiêu hồi hay quá, cán binh cộng sản không phải về hồi chánh lẻ tẻ vài ba người, mà đồng loạt về tràn ngập đi đầy đường ở Sài Gòn...

Điền Tử Lang nói:

- Thôi tội nghiệp mà, đừng phá tôi mà các anh em!

Hát đài phát thanh gần 3 thập niên mà không bị chuyện gì rắc rốilớn lao, kể ra thì Điền Tử Lang cũng tốt số vậy. Thời gian sau thì Điền Tử Lang theo đoàn cải lương Văn Công Thành Phố, lưu diễn miền Trung miền Tây, và anh không muốn ai nói đến dĩ vảng, nhắc tới việc mình từng hát chương trình chiêu hồi. Có người thắc mắc về cái tên Điền Tử Lang sao nghe giống như là kiếm sĩ đất Phù Tang vậy? Điền Tử Lang nói rằng cái tên của anh là do soạn giả Thể Hà Vân đặt cho, lúc mới đi hát ở đoàn Thủ Đô năm 1964.

Hình như Điền Tử Lang chỉ ca cổ nhạc thuần túy, tôi chưa từng nghe anh ta ca tân cổ giao duyên, tức vọng cổ có chen lẫn tân nhạc. Hiện nay danh ca nầy thường hay lẩn quẩn ở các tụ điểm có ca cổ nhạc ở các vùng thuộc tỉnh Gia Định cũ, có ai kêu thì hát cho đỡ nhớ cái nghiệp cầm ca, và cũng để kiếm tiền sống đấp đổi phụ thêm cho một việc

làm nào đó ngoài nghề. Riêng Trang Mỹ Hường thì sau 1975 nghe nói cũng có đi vài đoàn hát nhỏ, lưu diễn nhiều nơi nên rất khó mà biết có thành công hay không. Rồi đến khoảng 1994 đoàn cải lương Sông Hậu ở miền Tây, diễn tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn, thì người ta thấy Trang Mỹ Hường đóng đào mụ, trong vai bà mẹ chồng. Thế nhưng, anh kép đóng vai “thần hổ”, thay vì chỉ nói vài lời rồi cỏng mẹ con Thoại Khanh chạy ra khỏi rừng thì hạ màn. Nhưng bữa nay bởi lý do nào đó không biết, anh kép đóng vai cọp lại... ca vọng cổ (tuồng không có lớp ca này).

Trước sự việc “cọp”... ca vọng cổ, bà con khán giả cười như vở chợ. Có người nói: Cha. Đêm nay đoàn chế ra lớp này coi cũng được chứ! Tay đóng vai cọp này ca nghe cũng mùi lắm. Còn nghệ sĩ Trang Mỹ Hường trong vai mẹ chồng của Thoại Khanh mắt đang mù, quá bất ngờ trước giọng ca ngọt ngào của... con cọp, cô ta mở bừng to đôi mắt, quên mất mình đang đóng vai mù. Trang Mỹ Hường cười bò lăn bò càng, té từ trên lưng cọp xuống sàn mà cũng chưa hết cười. Nhiều khán giả đùa: “Hay quá, nhờ có cọp ca vọng cổ mà mắt mẹ chồng Thoại Khanh sáng lại...”

Giai thoại “cọp... ca vọng cổ” ở miền Tây, cũng góp phần làm phong phú thêm cho những câu chuyện bên lề của hoạt động sân khấu cải lương vậy. Và thời gian gần 20 năm qua không biết Trang Mỹ Hường có còn ca hát gì nữa không. Ở đâu?

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống