Saturday, February 27, 2016

Từ ngữ “Tân Cổ Giao Duyên” có từ bao giờ, ai gọi đầu tiên?

Ngành Mai, thông tín viên RFA
Pic Bìa đĩa hát Tân Cổ Giao Duyên của Thanh Tuyền, ảnh minh họa.
Khó trả lời xác đáng

Từ lâu nay trong làng cổ nhạc đã nghe nói nhiều về bài ca tân cổ giao duyên, nhưng lại rất hiếm người rõ biết từ ngữ trên xuất phát từ đâu và ai là người đầu tiên gọi bài vọng cổ pha tân nhạc là bài tân cổ giao duyên? Đây là vấn đề mà rất nhiều người muốn biết, và có lẽ rất hiếm có được câu trả lời xác đáng.

Thật ra thì chữ “giao duyên” ở đây nghe cũng rất hay, trải qua thời gian khá dài gần nửa thế kỷ, mấy thế hệ rồi vẫn không có từ ngữ nào khác thay thế mà hay hơn, cho nên tới bây giờ người ta vẫn gọi là tân cổ giao duyên vậy.

Khi xưa chỉ có bài ca vọng cổ thuần túy 20 câu hoặc 6 câu, do đó mà thời Út Trà Ôn nổi tiếng, người ta đâu có nghe đệ nhứt danh ca hát tân nhạc, mà chỉ nghe ông ca vọng cổ và hát tuồng cải lương mà thôi. Kể cả lúc nghệ sĩ Minh Cảnh mới nổi tiếng vào đầu thập niên 1960, anh ta cũng hát rặc ròng 6 câu vọng cổ, đó là bài “Tu Là Cội Phúc”. Rồi thời gian khoảng 1 năm sau đó thì soạn giả Viễn Châu viết bài Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà và Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài thì ông viết thêm vài đoạn nhạc thay thế cho câu nói lối, hoặc thay cho bản vắn để vô vọng cổ (nhạc do ông tự sáng tác phù hợp với cốt truyện, bài ca). Nhưng lúc ấy người ta chưa gọi các bài ca có pha nhạc kia của Viễn Châu là tân cổ giao duyên, mà chỉ gọi đó là bài “tân cổ” mà thôi.

Thời gian nhiều năm thỉnh thoảng vẫn có người hỏi tôi rằng cái từ ngữ “tân cổ giao duyên” do ai đặt ra mà nghe rất hay? Nhờ theo dõi hoạt động cổ nhạc nên tôi biết rõ từ ngữ “giao duyên” xuất hiện từ năm 1965, chứ 1964 trở về trước thì không có cái từ ngữ khá đẹp này.

Số là vào năm 1965 thời kỳ mà đài phát thanh Quân Đội, mỗi sáng từ 7 giờ có chương trình Gia Binh, dành cho gia đình binh sĩ. Xướng ngôn viên Ngọc Dung phụ trách chương trình, mỗi ngày đều cho phát thanh một bài vọng cổ có pha tân nhạc, và cô gọi là bài tân cổ giao duyên. Và cũng kể từ đó thì cái chữ “giao duyên” đi sau chữ tân cổ lan tràn sang các đài Ba Xuyên, đài Ban Mê Thuột và luôn cả đài phát thanh Sài Gòn và trở thành thông dụng luôn cho đến bây giờ.

Xướng ngôn viên Ngọc Dung là người đầu tiên

vien-chau7-622
Tuyển Tập Những Bài Tân Cổ Hay Nhất Của Soạn Giả Viễn Châu.

Tóm lại xướng ngôn viên Ngọc Dung là người đầu tiên đã gọi tân cổ giao duyên, nhưng không biết có phải cô là người đã “phát minh” ra cái từ ngữ “giao duyên” cho đứng đàng sau chữ tân cổ, hay là ai đó mà cô không có nói.

Bài tân cổ giao duyên có nhiều người ưa thích ủng hộ, nhưng ngược lại cũng có người phản đối ra mặt nên soạn giả Viễn Châu đã nói rằng:

“Lúc mới ra đời, bài tân cổ giao duyên cũng chịu lắm lời ra tiếng vào, thậm chí cho là lai căng mất gốc. Nhưng rồi dần dần nó lại được chấp nhận. Bởi một bài vọng cổ dài 6 câu, nếu viết không hay, ca không hay dễ làm cho người ta chán vì sự đơn điệu của nó. Còn tân cổ giao duyên nếu có sự kết hợp, giao duyên hợp lý giữa nhạc điệu và nội dung, sẽ làm người nghe thích thú hơn, đồng thời cũng làm bài vọng cổ phong phú hơn về phong cách.”

Nhạc sĩ Nguyễn Thanh đại diện nhóm nhạc sĩ nông thôn đã gởi bài viết về tòa soạn báo Sân Khấu với lời lẽ phản đối khá nặng nề. Tôi xin trích vài đoạn như sau:

“...Nhóm nhạc sĩ nông thôn chúng tôi trân trọng yêu cầu quí báo vui lòng cho đăng tải bài viết này, để nói lên sự đau lòng của chúng tôi, vì chúng tôi không bao giờ được đờn đủ sáu câu như xưa. Đa số bài ca bây giờ chỉ có bốn câu và xen lẫn một khúc tân nhạc, mà phần lớn chúng tôi không rành tân nhạc, nên rất lúng túng khi ca sĩ cất giọng ca tân nhạc.

Các bậc đàn anh trong ngành, có sáng kiến là tổng hợp những tinh hoa của từng câu, từng lái, đúc kết lại còn 12 câu và đến nay chỉ còn lại sáu câu, gồm đủ những chữ đờn bay bướm, mùi mẫn. Quá trình trên là công sức và tâm huyết của các bậc đàn anh kỳ cựu của ngành cổ nhạc, nhưng thực tế cho thấy, công lao ấy đã bị hủy hoại bởi một phong cách “ngoại lai” là phong trào tân cổ giao duyên.

Ta cứ thử hình dung:

- Như một ngôi nhà, mà mặt tiền được trang trí, theo cấu trúc phương Tây và một nửa lại theo cấu trúc phương Đông?

- Như một người vận Âu phục sang trọng, mà trên đầu lại đội khăn đóng và chân thì mang đôi guốc?

- Do đó, tân cổ giao duyên, thực chất không đại diện cho một phong cách chính xác nào cả, mà nó là đứa con ngoại lai của ngành âm nhạc mà thôi.”

Đó là lời phản đối của nhạc sĩ Nguyễn Thanh.

Mời quí vị tiếp tục theo dõi trong phần âm thanh bài tân cổ giao duyên “Người Em Xứ Thượng”. Tân nhạc của Lê Dinh – vọng cổ của Viễn Châu với tiếng ca Minh Cảnh.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống