Thursday, December 24, 2015

Những bài hát ngẫu nhiên trở thành ca khúc Noel

Pic


Những bài hát ngẫu nhiên trở thành ca khúc Noel
Posted by Hoàng Phạm on Thursday, December 24, 2015
Tuấn Thảo (rfi) - Hàng năm tại Pháp, cứ mỗi độ Giáng Sinh về, các kênh truyền hình lại chiếu loạt phim truyện kể lại cuộc đời của Sissi, với thần tượng màn bạc Romy Schneider trong vai nữ hoàng nước Áo. Năm nay, loạt phim này được chiếu trên đài NT1 của Pháp.

Bộ phim Nữ hoàng Sissi chẳng có liên gì tới mùa lễ Noel, nhưng vì từ vài thập niên qua, loạt phim này cứ được chiếu đi chiếu lại vào cuối tháng 12, cho nên mỗi khi hình ảnh của nữ hoàng nước Áo lại xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, người Pháp vẫn biết mùa Giáng Sinh đã về với mọi nhà.

Còn tại Mỹ, có một bộ phim luôn được chiếu vào mùa Giáng Sinh từ gần 70 năm qua, đó là tác phẩm It’s a Wonderful Life (La vie est belle / Cuộc đời vẫn đẹp) của đạo diễn Frank Capra, với nam tài tử James Stewart trong vai chính. Bộ phim được cho ra mắt khán giả Mỹ vào dịp Noel, và nội dung cốt truyện cũng chọn Giáng Sinh làm bối cảnh.

Ý nghĩa cuộc sống, món quà đẹp nhất

Tuy không ăn khách vào thời điểm phát hành nhân ngày lễ cuối năm 1946, nhưng tác phẩm này lại được Viện phim ảnh Mỹ (American Fim Institute) xếp vào hàng đầu trong số các tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại. Bộ phim dựa theo truyện ngắn The Greatest Gift của tác giả Philip Van Doren Stern, theo đó món quà đẹp nhất trên đời chính là cái ý nghĩa mà ta tìm cho cuộc sống.

Bộ phim It’s a Wonderful Life chọn bối cảnh cũng như được phát hành vào Noel cho nên đã trở thành biểu tượng gắn liền với Giáng Sinh. Điều đó cũng rất dễ hiểu. Ngược lại, bộ phim nữ hoàng Sissi cả nội dung lẫn hình thức chẳng có ăn nhập gì với Noel nhưng lại trở nên gần gũi, thế thì mới là chuyện lạ. Nhìn kỹ lại, có khá nhiều trường hợp phim ảnh, sách truyện hay bài hát ban đầu chẳng có liên quan, nhưng với thời gian lại mang đầy không khí, sắc màu Noel.

Có thể phân biệt ngay nhạc phẩm Jingle Bells ban đầu không phải là một ca khúc Noel, bài này trong nguyên tác có tên là "One Horse Open Sleigh", tiếng chuông có nhắc đến trong bài hát là quả chuông treo trên cổ ngựa, chứ không phải là tiếng chuông cỗ xe tuần lộc. Trong khi đó, bài Jingle Bell Rock dù có nhịp điệu rất sôi động lại là một ca khúc 100% viết theo chủ đề Giáng Sinh.

Từ Jingle Bells đến Only You

Một trong những trường hợp tiêu biểu nhất của bài hát ngẫu nhiên trở thành ca khúc Noel là nhạc phẩm Only You mà Kylie Minogue phát hành trên tập nhạc Christmas của cô. "Only You" là một tình khúc mà tác giả Vince Clarke sáng tác từ thời anh còn là thành viên của ban nhạc người Anh Depeche Mode. Mãi đến năm 1982, anh mới cho ghi âm bài này trong nhóm Yazoo với giọng ca của Alison Moyet. Từ lối diễn đạt đầy chất soul của Alison Moyet cho tới cách hoà âm bằng đàn phím điện tử, Only You hoàn toàn không có sắc thái Noel.

Trong những phiên bản ghi âm sau này, kể cả trong nguyên tác tiếng Anh hay phiên bản phóng tác sang tiếng Tây Ban Nha, mới bắt đầu xuất hiện những lối phối khí với bộ đàn dây cộng với tiếng chuông ngân, trong video ca nhạc chỉ cần quay thêm vài cảnh tuyết rơi trắng xóa, bầu trời lung linh sao sáng, ngọn nến hồng thắp sáng giữa đêm thâu là đủ để tạo ra khung cảnh mùa Noel.

Rất nhiều bài hát ban đầu không có màu sắc Noel, thế nhưng khi được phát hành vào dịp lễ cuối năm thường tranh thủ thời cơ để tiện bán hàng, để dễ ‘’câu khách’’ hơn. Trường hợp của một số bài hát của nhóm East Seventeen hay của Melanie Thornton, nhất là khi các bài hát này được các hãng nước ngọt chọn làm nhạc hiệu quảng cáo. Trong trường hợp bài Only You của Kylie Minogue, diva người Úc cùng với James Corden biến bài hát này thành một ca khúc Giáng Sinh.

Giai điệu hạnh phúc

Tương tự như hai ca khúc Jingle Bells và Only You, nhiều bản nhạc khác đều là những bài hát tình cờ trở thành ca khúc Giáng Sinh : chẳng hạn như bài My Favorite Things của Julie Andrews. Được trích từ vở ca nhạc kịch The Sound of Music (La Mélodie du Bonheur / Giai điệu hạnh phúc) phát hành vào năm 1959, bài hát không có một chữ nhắc tới mùa đông hay Noel mà lại nhắc tới mùa xuân và những hạt mưa rơi cho tươi thắm nụ hồng.

Đến khi, Julie Andrews ghi âm bài này cho bộ phim ca nhạc cùng tên rồi biểu diễn bài hát trên đài truyền hình nhân dịp lễ cuối năm, bỗng nhiên nhạc phẩm này lại được khoác lên thêm lớp áo Giáng Sinh. Sau Julie Andrews, đến phiên nhiều giọng ca nổi tiếng khác như nhóm The Supremes, Barbra Streisand, Andy Williams, Brian Setzer, Luther Vandross hay Kelly Clarkson đưa vào trong các tuyển tập Noel của họ trong nửa thế kỷ gần đây.

Khi nhắc tới Giáng Sinh, hình ảnh của ông già Noel cưỡi xe tuần lộc thường được gắn liền với mùa đông. Hình ảnh đó xuất phát từ các nước Âu Mỹ ở vùng bắc bán cầu, nơi thường đổ tuyết vào mùa đông nhưng khi lan truyền sang các nước khác dù là xứ nóng hay hải đảo miền nhiệt đới thì ông già Noel vẫn mặc cùng bộ trang phục màu đỏ, bộ râu trắng xóa đội mủ len dù trời có nóng cách mấy.

Winter Wonderland không phải là xứ ông già Noel

Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người cứ tưởng lầm rằng các ca khúc như Let It Snow hay Winter Wonderland đều là ca khúc Noel. Nhưng thật ra đều không phải vậy. Bài Winter Wonderland (Mùa đông diệu kỳ) được tác giả Dick Smith viết vào năm 1934 trong lúc ông đang lâm bệnh nặng, bài hát không hề nhắc tới Noel mà chỉ gợi lại thời thơ ấu của chính tác giả. Chính cũng vì thế mà trong Winter Wonderland, cái xứ sở kỳ diệu không phải là quê hương của ông già Noel, như nhiều người lầm tưởng.

Chính những kỷ niệm tuổi thơ ấy mới tạo ra một ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn của một người đàn ông bạo bệnh ở tuổi về già. Bài hát này lần đầu tiên do ban nhạc hoà tấu The Richard Himber Orchestra trình diễn và sau đó là đến phiên ca sĩ Guy Lombardo ghi âm. Do cả hai phiên bản được phát hành vào mùa Giáng Sinh, cho nên ngay từ đầu, bài hát này đã được quảng cáo như một ca khúc Noel.

Let It Snow được viết vào mùa hè

Trường hợp của Let It Snow lại càng tiêu biểu hơn. Hai tác giả người Mỹ Sammy Cahn và Jule Styne sáng tác bài này vào mùa hè năm 1945, tức cách đây đúng 70 năm. Mùa hè năm ấy, trời California nóng kinh khủng, cơn nóng bất thường buộc người dân thành phố Los Angeles phải tiết kiệm nước sinh hoạt, không được tưới cây trong vườn hay rửa xe ngoài đường, như thường lệ.

Ngay giữa nắng hè oi bức, hai tác giả Sammy Cahn và Jule Styne mới ước gì trời đổ mưa nhiều cho thật mát. Họ mơ về những chuyến đi chơi xa tới các vùng núi phủ đầy băng tuyết. Ý tưởng của bài Let It Snow xuất phát từ đó. Bản nhạc được phát hành vào mùa Lễ Tạ Ơn Thanksgiving và ăn khách trong nhiều tháng liên tục cho tới tận mùa Valentine giữa tháng Hai.

Từ những năm 1950 trở đi, bài hát Let It Snow luôn được phát vào dịp lễ Giáng Sinh, mãi tới đầu những năm 1960, nhờ vào giọng ca trầm ấm đặc quánh chất whisky của Dean Martin, ca khúc Let It Snow đương nhiên đi vào bộ vựng tập của những bài hát Noel "kinh điển".

Nỗ lực sáng tác ca khúc Noel mới

Vào giữa những năm 1980 ban nhạc pop người Anh Frankie Goes To Hollywood ghi âm nhạc phẩm The Power of Love mà ban đầu không phải là ca khúc Noel, nhưng do phát hành vào dịp lễ cuối năm cho nên video clip minh họa bài hát mới quay cảnh ba vì vua đi theo vầng sao sáng đến tận hang Bêlem.

Chính sự thành công của bài hát này đã thúc đẩy George Michael, thành viên của ban nhạc Wham viết bài Last Christmast, chọn Noel làm bối cảnh để nói về một chuyện tình buồn. Làng nhạc pop Anh Mỹ đã có nhiều nỗ lực sáng tác ca khúc Giáng Sinh mới, nhưng ít có bài hát phổ thông nào ăn khách bằng ba ca khúc ăn khách hàng đầu, và được phát đi phát lại khi mùa Noel lại về. 

Ba ca khúc đó vẫn là The Power of Love của Frankie Goes To Hollywood, Last Christmas của Wham và nhất là bài All I Want for Christmas is You của diva người Mỹ Mariah Carey. Nỗ lực sáng tác ca khúc Noel mới cũng được thấy rõ trên tập nhạc Christmas của Kylie Minogue.

Thường thì ca khúc Noel cần có những nhịp điệu tươi tắn, trẻ trung, yêu đời, Kylie lại đưa nhạc Giáng Sinh ra sàn nhảy, cây thông gắn đầy dây kim tuyến thuở nào nhường chỗ lại cho quả cầu bạc lung linh tỏa sáng muôn ánh đèn màu.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống