Sunday, March 13, 2016

Hạ Đỏ Bích Phượng: ‘Âm nhạc là người tình lớn nhất’

Pic
Cát Linh, phóng viên RFA

Pic

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, chúng ta đã từng có nhiều nghệ sĩ tài hoa vừa là nhạc sĩ, vừa là nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ. Một Trịnh Công Sơn cũng được biết đến như một hoạ sĩ; một Du Tử Lê với những bài thơ tình bất hủ và những bức họa mang màu sắc của riêng ông; một Nguyễn Đình Toàn với giọng nói tan chảy trái tim thính giả của chương trình Nhạc Chủ đề những năm 60, 70 cùng những bản tình ca buồn như vận nước.

Hôm nay, quí vị sẽ biết đến dòng nhạc của một nghệ sĩ vốn là một xướng ngôn viên quen thuộc của cộng đồng người Việt hải ngoại, Bích Phượng. Cô là một nhà thơ, một xướng ngôn viên, và, một nhạc sĩ.

Dòng nhạc Hạ Đỏ Bích Phượng với những ca khúc mới, tiếng hát mới, nhưng cảm xúc sẽ đưa người nghe quay về những ngày xưa cũ.

"Mình có cái máu văn nghệ thơ văn trong người, cho nên mình cũng làm thơ để mình diễn tả cảm xúc của mình, đâu có nghĩ mình trở thành một cái gì to lớn lắm đâu nên bạn bè mới đặt cho cái tên Hạ Đỏ, chứ mình tên thật là Bích Phượng."
“Lời cảm ơn” chính là ca khúc đầu tiên của Bích Phượng. Để từ đó, một Hạ Đỏ Bích Phượng được ra đời cùng với những ca khúc nhẹ nhàng, thanh thoát, mang đậm chất thơ trong lời nhạc.

“Phượng xuất thân là một nhà thơ thì đúng hơn. Phượng làm thơ từ lúc học trung học. Mình có cái máu văn nghệ thơ văn trong người, cho nên mình cũng làm thơ để mình diễn tả cảm xúc của mình, đâu có nghĩ mình trở thành một cái gì to lớn lắm đâu nên bạn bè mới đặt cho cái tên Hạ Đỏ, chứ mình tên thật là Bích Phượng.”

Thế rồi tên gọi Hạ Đỏ đã trở thành bút hiệu cho những bài viết của Bích Phượng sau này. Và đặc biệt hơn nữa, cái tên thấm đượm màu của mùa hạ, mùa của tuổi học trò cũng được cô dùng làm tên gọi khi bước vào hoạt động sáng tác âm nhạc.

“Khi mà Phượng bắt đầu viết nhạc thì Phượng thấy không thể bỏ bút hiệu Hạ Đỏ. Tuy rằng nó là thời ngây thơ của mình, nhưng nếu bỏ nó thì vô tình với nó quá, như vậy không được. Phượng muốn cái gì cũng có trước có sau.”

Có lẽ chính vì cái sự “có trước có sau” ấy mà dòng nhạc của Hạ Đỏ Bích Phượng mang rất nhiều dư âm của một miền xưa cũ, khoảng thời gian mà người ta hay gọi là hoài niệm.

“Sao em đứng bên kia dòng sông

Nhìn mông lung buông tiếng thở dài

Đôi mắt nâu khung trời mơ mộng

Em nghĩ gì mà quên cả tóc bay…” (Tình si cho em)

Những ai đã lớn lên, trưởng thành trong thập niên 60, 70, biết yêu biết hờn dỗi cùng với những khúc tình ca lãng mạn của Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng… chắc hẳn sẽ cảm thấy một kỷ niệm thân quen nào đó qua lời ca và giai điệu này.

 Thật sự không chỉ là thân quen thôi, mà còn gần gũi, rất gần gũi khi “Tình si cho em” được thể hiện qua tiếng hát của cố ca sĩ Duy Quang.

Không phải ngẫu nhiên mà cố ca sĩ Duy Quang “trở lại” với ca khúc “Tình si cho em” trong album đầu tiên của Hạ Đỏ Bích Phượng.

“Lúc đó anh Duy Quang còn sống, Phượng đã đưa cho anh hát ca khúc này. Bây giờ trong tác phẩm đầu tiên, đó là sự trân trọng, chia sẻ với người nghe một tác phẩm có tiếng hát của anh Duy Quang như là một kỷ niệm.”

Với Hạ Đỏ Bích Phượng, tất cả những diễn biến trong cuộc sống này đều bắt đầu từ chữ duyên. Từ số phận con người cho đến một bài thơ, một ca khúc được ra đời cũng là một cái duyên. Có lẽ vì thế mà những sáng tác của cô không có sự đau buồn ủy mị. Người nghe sẽ không tìm thấy trong lời nhạc của Hạ Đỏ Bích Phượng những đau đớn u uẩn của chia ly, mà thay vào đó là những câu tự hỏi lòng mang nỗi niềm sâu kín.

“Chiều xuống tôi đứng bên bờ thương nhớ

Lòng đau nghe tiếng nghe sầu dâng lối

Vì sao bao tháng năm bên người

Rơi xuống đời vực sâu tăm tối

Người hỡi sao bước đi mà không nói…” (Làm sao hết yêu người)

Hạnh phúc đối với cô không được định nghĩa bằng những câu chuyện tình cảm lứa đôi, mà cô nhìn hạnh phúc ở góc nhìn của sự cho đi và nhận lại. Đơn giản hơn nữa, với Hạ Đỏ Bích Phượng, giờ đây hạnh phúc là âm nhạc, là người tình lớn nhất trong cuộc đời.

“Đối với Phượng bây giờ cái hạnh phúc là âm nhạc. Đó là sự lựa chọn theo Phượng là cuối cùng của mình. Khi mà mình nói đến hạnh phúc thì mình nghĩ ngay đến trai gái, vợ chồng. Nhưng đối với Phượng bây giờ, hạnh phúc không dừng lại ở tình yêu lứa đôi, mà nó cần phải được thể hiện qua những lĩnh vực khác như hội hoạ, âm nhạc, văn chương để mình có thể dùng những cái đó để phát triển mình, đồng thời giúp được cho những người xung quanh mình, giúp được cho xã hội.”

“Biển ơi biển hỡi

Sao biển vẫn chơi vơi

Hoàng hôn đang chìm xuống tâm hồn

Ngọn sóng trào dâng mãi trong tôi

Gợi lại bao xót xa cuồn cuộn thương nhớ…” (Tình em là sóng vỗ)

“Đúng vậy. Trong nhạc của Phượng có những bài qua những kinh nghiệm của chúng mình. Nhưng cũng có những bài mình nhìn qua những sự việc xảy ra với những người bạn xung quanh hoặc đâu đó tình cờ ví dụ như mình xem 1 phim nào đó hoặc mình nghe 1 bài nhạc nào đó mình bị xúc động thì cũng tạo cho mình cảm hứng.”

“Chiều xuống tôi đứng bên bờ thương nhớ

Lòng đau nghe tiếng mưa sầu dâng lối

Làm sao bao tháng năm bên người

Rơi xuống đây vực sâu tăm tối…” (Làm sao hết yêu người)

Người nghệ sĩ có thể tạo ra một tác phẩm ở bất cứ nơi nào, chỉ cần họ có một chất xúc tác, chạm vào đúng trái tim và nỗi niềm của họ. Là một nghệ sĩ, Hạ Đỏ Bích Phượng không thoát ra được khỏi điều đó. Tình yêu quê hương đã in hằn trong tâm tưởng của cô.

“Làm sao mình có thể quên được tâm tình của mình giữa một nơi mình đã sinh ra và lớn lên? Cho nên khi mình đi phóng sự trong 1 buổi hội chợ Tết, giữa đám đông thì mình vẫn thấy cô đơn. Xuân nào vô tận thể hiện cảm xúc của mình khi mình thấy mình nhớ quê hương.”

"Trong nhạc của Phượng có những bài qua những kinh nghiệm của chúng mình. Nhưng cũng có những bài mình nhìn qua những sự việc xảy ra với những người bạn xung quanh hoặc đâu đó tình cờ ví dụ như mình xem 1 phim nào đó hoặc mình nghe 1 bài nhạc nào đó mình bị xúc động thì cũng tạo cho mình cảm hứng".
“Tôi đi đi mãi không thôi

Đi về vô tận lẻ loi cuối đời

Tôi đi đi mãi bên trời

Nghe đâu vang vọng từng lời yêu thương

Tôi đi đi mãi bên trời

Xuân nào vô tận bơ vơ xứ người…” (Xuân nào vô tận)

Tất cả những cảm xúc, cung bậc trong âm nhạc của Hạ Đỏ Bích Phượng được viết ra bằng chính những chuyến xe mà cô đã đi qua. Bích Phượng dùng âm nhạc như chiếc chìa khoá để bước ra khỏi căn phòng đang phủ đầy bóng tối.

“Phượng đã trải qua những đau khổ của chính mình, và Phượng cũng đã trải qua hạnh phúc của tình yêu. Cho nên Phượng hiểu thế nào là đau tim, Phượng hiểu thế nào là ngồi trong bóng tối mình khóc. Phượng hiểu thế nào là đau đớn. Cho nên những bài nhạc của Phượng nó hơi bị ray rứt nếu nói về sự tan vỡ.”

“Đôi khi hạnh phúc quá nhỏ nhơi

Lăn theo giọt nắng cháy bờ môi

Tôi hiểu tình yêu nào vĩnh cửu

Đừng nói lên bao lời xót xa…” (Khoảng trống nào cho tôi)

“Bài đó diễn tả một tình yêu, lúc Phượng đang có một tình yêu rất đẹp, mới bắt đầu đi vào con đường yêu. Phượng nghĩ đó là một cảm giác rất đơn sơ, rất thực.”

Nếu đối với nhạc sĩ Đức Huy, khi yêu, ông thấy rằng “Trong đôi mắt anh em là tất cả”, thì đối với Hạ Đỏ Bích Phượng, giữa buổi sáng sương mù dày đặc, cô không nhìn thấy nhìn cả, chỉ thấy người yêu của mình.

“Buổi sáng thức dậy

Vội nhìn vào tim tôi

Ôi trái tim tôi vì sao mềm mại

Buổi sáng trên đường

Vội nhìn vào tim tôi

Ôi trái tim của tôi

Vì đâu sương mù

Tôi không thấy ai…

Ngoài ai…” (Trái tim tôi mùa thu)

Âm nhạc Hạ Đỏ Bích Phượng, là âm nhạc của một dòng sông chuyên chở những chuyến đò của tình bác ái, của lòng thuỷ chung, của tình yêu sâu lắng. Đi trên những chuyến đò ấy, người ta sẽ nhanh chóng tìm ra được đâu là con đường đi đến hạnh phúc.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống