Sunday, March 20, 2016

‘Giọt nắng bên thềm’ nay đã tắt cùng chuyến đi dài của ‘Đường lên đỉnh vinh quang’

Pic
Nhạc sĩ Thanh Tùng
Cát Linh, phóng viên RFA

Chỉ trong một tuần, âm nhạc Việt Nam, thế hệ thanh niên Việt Nam phải cúi đầu chào tiễn biệt hai người nhạc sĩ lớn với hai dòng nhạc riêng, đối lập. Một Thanh Tùng nhẹ nhàng, kiêu sa và một Trần Lập mạnh mẽ, thắp lửa thế hệ rock đầu tiên những năm 80.

Mời quí vị cùng nghe lại những ca khúc tiêu biểu của hai người nhạc sĩ, lắng nghe chia sẻ kỷ niệm của những người bạn, những người yêu thích dòng nhạc của Thanh Tùng và Trần Lập.

“…Rồi một ngày vắng em, bước chân buồn tênh

Rồi từng ngày nhớ em, trái tim không ngủ yên

Thôi xin em hãy hờn dỗi như ngày mới quen nhau

Thôi xin em hãy hờ hững như là đã xa nhau…” (Trái tim không yên)

“Giọt nắng bên thềm” đã tắt

Trong giới văn nghệ sĩ, ai mà không biết Thanh Tùng, một nhạc sĩ đào hoa, một Thanh Tùng tài ba, lịch lãm, yêu và được yêu rất nhiều. Các ca khúc nhẹ nhàng, trữ tình của ông một thời chính là lời tỏ tình của các chàng trai nơi góc sân trường. Trái tim không ngủ yên mà quí vị vừa nghe là một trong những lời tỏ tình dễ thương ấy. Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái được đi qua tuổi học trò với một hoặc hai mối tình vắt vai gắn liền với các ca khúc nổi tiếng của ông Hát với chú ve con, Giọt nắng bên thềm, Lối cũ ta về, Một mình, Trái tim không ngủ yên.

Nhạc của ông rất nhẹ nhàng, rất dễ làm mềm lòng người nghe. Ca từ ông chọn cũng mỹ miều, trau chuốt như chính phong cách của ông, một người yêu và tôn thờ cái đẹp. Thế nhưng, nếu nói Thanh Tùng là người định nghĩa cái đẹp chỉ dừng ở nhan sắc, thì không phải. Với ông, bình dị, đơn sơ cũng là lúc cái đẹp lên ngôi. Một giọt nắng, một nụ hồng chớm nở cũng làm ông xao xuyến.

“Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi

Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi

Ông nói rằng khi những cuộc tình đi qua, để lại cho ông một điều: Con người sẽ cô đơn và nhỏ bé biết bao, yếu đuối biết bao, đơn điệu biết bao nếu sống không có tình yêu.
Giọt nắng bâng khuâng

Giọt nắng rơi rơi bên thềm

Bài hát bâng khuâng

Bài hát mang bao kỷ niệm

Những ngày đã qua


Lâu lắm rồi anh không đến chơi

Cây sen đã lá bạc như vôi

Sỏi đá rêu phong

Sỏi đá chưa quên chân người

Bài hát rêu phong

Bài hát viết không nên lời

Đã vội... lãng quên…”(Giọt nắng bên thềm)

Buổi sáng ngày ông ra đi, rất nhiều những cảm xúc đã được mọi người gửi đến nhau, kèm theo những ca khúc nổi tiếng của ông gắn liền với kỷ niệm của họ. Nữ đạo diễn phim tài liệu Hải Anh, từ Amsterdam, Hà Lan nhớ lại:

“Cũng đã từng có dịp quen biết ông, tôi luôn luôn ấn tượng là khi tôi bước vào quán café thì luôn luôn nhìn thấy ông ngồi một góc, ngồi một mình, và luôn luôn nhìn thấy rõ ngay là ông rất đang buồn. Nhưng kể cả trong lúc đang buồn hay lúc nào đó thì phong cách ăn mặc của ông rất đặc biệt. Lúc nào ông cũng ăn mặc rất chải chuốt, rất là phong độ. Tôi nghĩ lúc đấy ông cũng hơn 60 rồi, nhưng phong cách nghệ sĩ rất lịch lãm và ông thường đội 1 cái mũ. Ngồi trong quán café mà trước mặt ông thường là 1 ly rượu, nhưng tôi để ý thì không phải rượu mạnh, ông hay uống rượu vang. Có cảm giác như ông ngồi đấy từ rất lâu rồi, chai rượu gần cạn rồi. Gương mặt ông rất hóm hỉnh, hài hước. Tôi nhớ có 1 lần, ông cao hứng gọi chủ quán ra, và đề nghị mang đàn guitar ra, tắt hết nhạc đi để ông hát một bản tình ca do ông sáng tác. Chúng tôi lặng đi nghe những bài hát của ông.”

Khi người nghệ sĩ rung động trước một cái đẹp, chất xúc tác vĩnh hằng của họ, thì ngay sau đó, một tác phẩm ra đời. Cho nên, tác phẩm ấy có thể nói là dành cho một ai đó, nhưng cũng có thể nói là dành để tôn vinh cái đẹp trong vũ trụ. Với Thanh Tùng, một trong những cái đẹp ấy, là tình yêu.

“Tôi đặc biệt ấn tượng khi ông nói chuyện về tình yêu, nói chuyện về bà. Lúc ấy hình như bà đã mất. Ông thường ví mình như con công. Ông nói rằng nếu con công đực từ bé đến lớn bị cách ly thì nó vẫn sống, còn nếu con công bị chia lìa khỏi bạn tình thì nó không sống được quá ba tháng đâu. Loài công kiêu ngạo nhất nhưng thật ra cũng yếu đuối nhất, chung tình nhất. Ông nói rằng khi những cuộc tình đi qua, để lại cho ông một điều: Con người sẽ cô đơn và nhỏ bé biết bao, yếu đuối biết bao, đơn điệu biết bao nếu sống không có tình yêu."

“Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên

Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên

Bao đêm tôi đã một mình nhớ em

Đêm nay tôi lại một mình


Nhớ em vội vàng trong nắng trưa

Áo tơi trời đổ cơn mưa

Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ

Tan ca bố có đón đưa…” (Một mình)

Tương truyền rằng, ca khúc Một mình được ra đời trong nỗi đau trống vắng vô ngần của ông. Từng lời, từng hình ảnh trong bài hát nói lên gần như trọn vẹn cảm giác đau đớn tột cùng của sự mất mát, chia lìa. Trong ca khúc ấy, ông không chỉ diễn tả nỗi đau của mình, mà ông còn thể hiện tình yêu vô bờ với người vợ 18 năm “đầu gấp tay gối”, “chung lưng đấu cật” qua sự lo lắng cho bà giờ đã đi đến một nơi rất xa, nơi chân trời lạ, sẽ rất bơ vơ.

Chắc chắn phải là một tình yêu tuyệt đối, to lớn được bao phủ trong nỗi cô đơn tận cùng thì ông mới có thể thốt lên, viết lên những ca từ như thế.

“Vắng em còn lại tôi với tôi

Lá khô mùa này lại rơi

Thương em mênh mông chân trời lạ

Bơ vơ chốn xa xôi


Vắng em đời còn ai với ai

Ngất ngây men rượu cay

Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ

Cô đơn, cùng với tôi về...”

Ca khúc này đã vô hình trở thành tiếng nói chung cho tình yêu sâu đậm vợ chồng. Cho những ai đang có nhau sẽ thấy yêu nhau hơn nữa và những ai đã mất nhau trong đời sẽ thấy nhớ nhiều hơn nữa những kỷ niệm đã từng có với nhau.

“Những năm tháng sau khi tôi mới ly hôn thì đó là vào khoảng năm 2005, 2006 gì đó, lúc đấy tâm trạng tôi rất là buồn. Tôi thường hay được bạn bè rủ lang thang vào buổi tối, ngồi ở quán cafe góc đường Lý Tự Trọng, Đồng Khởi. Thì hầu như lần nào ra quán tôi cũng gặp ông, người nhạc sĩ tài ba, tác giả của những ca khúc nổi tiếng chúng tôi thường nghêu ngao hát một thời… Đặc biệt bài hát Một mình lúc đó nó cực kỳ gần gũi với tâm trạng của tôi.”


Chuyến đi dài của người thắp lửa

Nếu Nhạc sĩ Thanh Tùng chọn cách thể hiện tình yêu ấy bằng sự mượt mà và giai điệu êm ả thì với Trần Lập, thủ lĩnh của nhóm rock Bức Tường, anh đã chọn cách thể hiện hiện ngọn lửa tình yêu bằng cách đốt cháy không gian và thời gian qua âm điệu mạnh mẽ của dòng nhạc rock.

tranlap.jpg
Thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường, Trần Lập.

“Nếu những đắm say vội vã

Ta đã trao nhau để rồi lãng quên

Nhưng năm tháng trôi

Để lòng mang bao vết thương khắc sâu

Vì ta đã trót yêu…” (Bông hồng thuỷ tinh)

Thế rồi, vào một buổi sáng, câu chuyện của Trần Lập, người truyền cảm hứng rock cho thế hệ tuổi trẻ những năm 80, đã trở thành là câu chuyện của những cuộc hành trình dài có lẽ không có ngày kết thúc. Cho dù giờ đây, anh đã chia tay chuyến đi của mình trong thế giới này, để bắt đầu một hành trình khác, ở một nơi rất xa. Nhưng chắc chắn, những câu chuyện về thái độ sống của anh, ngay cả trong những phút sinh tử sẽ mãi mãi là bài học cho những ai muốn chinh phục “Đường lên đỉnh vinh quang”.

“Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi

Ðể ta khắc tên mình trên đời

Dù ta biết gian nan đang chờ đón

Một trái tim vẫn âm thầm

Ta bước đi hướng tới muôn vì sao…”( Đường lên đỉnh vinh quang)

Thế hệ tuổi trẻ Việt Nam một thời gắn liền với những cuộc thi như SV 96, Đường lên đỉnh Olympia không ai không biết những ca khúc có lửa của ban nhạc Bức Tường và hình ảnh thủ lĩnh Trần Lập mạnh mẽ, sôi nổi luôn đốt cháy sân khấu với hàng trăm sinh viên bên dưới.

“Nói đến Trần Lập thì mọi người nghĩ đến anh có tính cách thật sự kiên cường. Anh đã chống chọi với căn bệnh của mình bằng 1 thái độ rất lạc quan. Thật bồi hồi xúc động khi nghe lại ca khúc Đường lên đỉnh vinh quang hay Người đàn bà hoá đá. Đó là những ca khúc gắn liền với 1 thời sinh viên. Những ca khúc đó lúc nào cũng sôi sục nhất là Đường lên đỉnh vinh quang. Mỗi khi nghe lại nhớ đến thời sinh viên, thời của những cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hay SV 96, những ký ức về tuổi học trò lại hiện tràn về…”

“Người đàn bà hoá đá

Chờ chồng nghìn năm nhưng người đó đã không quay về

Để nàng sống góa thân mỏi mòn

Người đàn bà hóa đá

Vì lòng thủy chung còn sắt son

Câu chuyện đó sẽ mãi lưu truyền đến mai sau…” (Người đàn bà hoá đá)


“Con ạ, những dòng này là ba viết cho các con

Cho vợ, mẹ của hai con anh, người đàn bà còn rất trẻ

“Bông hồng thủy tinh” xưa thay đóa hoa cài lên mái tóc mềm mảnh dẻ

10 năm trời như cơn gió nhẹ thoảng qua.

Chuyến đi lần này ba sẽ đi đến một vùng đất rất xa

Mà biết chắc là không hẹn ngày trở lại

Đôi “mắt đen” như mùa thu của em, của các con sẽ còn trong anh, trong ba mãi mãi

Thương xót cho “người đàn bà hóa đá” đợi chờ ba…”

Những dòng thơ trong bài Niềm tin đứt gãy được blogger Nguyễn Vũ Anh viết tặng cho những người thương yêu nhất của Trần Lập khi biết anh đã rời xa mọi người.

Nhạc sĩ Thanh Tùng, thủ lĩnh Trần Lập, hai người nhạc sĩ với hai dòng nhạc một nhẹ nhàng như dòng sông, một vững vàng như tượng đá, mãi mãi để lại trong tâm hồn thế hệ thanh niên Việt Nam những dấu ấn riêng của mình. Để mỗi khi nhắc đến, người ta sẽ nói rằng “Giọt nắng bên thềm nay đã tắt nhưng ông không còn phải một mình” và “Đường lên đỉnh vinh quang luôn đón chờ ngàn Đoá hồng thuỷ tinh”.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống