Saturday, May 21, 2016

Michel Polnareff, « dị nhân » của làng nhạc Pháp

Pic
Thanh Phương (rfi)
Đợi đến 26 năm sau mới cho ra một album mới, hàng mấy chục năm mới xuất hiện trở lại trên sân khấu, thế mà Michel Polnareff, nay đã vào lứa tuổi 70, vẫn luôn là thần tượng của biết bao khán giả Pháp. Chàng ca sĩ với đôi kính trắng bất hủ đúng là "dị nhân" của làng nhạc Pháp. 

Ngày 14/07/2016, tức là đúng ngày Quốc khánh Pháp, Michel Polnaneff sẽ trình diễn tại rạp Olympia, trong khuôn khổ một chuyến lưu diễn bắt đầu từ cuối tháng tư, mà trong đó ông trình bày những ca khúc đã đánh dấu 50 năm ca nhạc của ông. Chắc chắn là rạp Olympia hôm đó sẽ đầy nghẹt khán giả vả sẽ có nhiều người hâm mộ thất vọng vì không được vào xem thần tượng của họ.

Trong lần lưu diễn trước đó vào năm 2007, cũng chính chàng ca sĩ lúc nào cũng xuất hiện với đôi kính trắng, đã từng diễn mừng Quốc khánh Pháp dưới chân tháp Eiffel, trước hơn 600 ngàn khán giả cuồng nhiệt.

Có thể nhìn thấy một biểu tượng qua các buổi trình diễn mừng Quốc khánh, vì nam danh ca Polnareff, nay sắp bước vào tuổi 72, vẫn luôn là một « tài sản văn hóa» quý giá của nước Pháp. Cho nên không lấy gì làm lạ khi ta thấy rằng ở các thành phố và ở các liên hoan mà ông bước lên sân khấu trong năm nay, nơi đâu ông cũng đã và sẽ được khán giả sốt ruột chờ đợi.

Sinh trưởng trong một gia đình nhạc sĩ, vào năm 20 tuổi, chàng trai Michel Polnareff đã bỏ nhà ra đi với chiếc guitare mua bằng tiền để dành. Polnareff khởi đầu sự nghiệp ca nhạc với ca khúc đầu tiên La poupée qui fait non, nói về tự do tình dục của thiếu nữ, sáng tác vào năm 1966. Ca khúc này đã nhanh chóng lọt vào danh sách những bài hát ăn khách nhất thời đó ( bán được 200 ngàn bản ) và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được nhiều ca sĩ nổi tiếng hát lại.

Thính giả và độc giả Việt Nam thuộc thế hệ 50 tuổi trở lên chắc không mấy ai xa lạ với tên tuổi của Polnareff, qua những ca khúc bất hủ thời thập niên 1960 như Love me please love me, cũng là tên của album đầu tay mà ông cho ra mắt khán giả vào năm 1966

Gần đây hơn, một trong những ca khúc ăn khách nhất của Polnareff chính là Goodbye Marylou, mà ông sáng tác năm 1989, nói về những mối quan hệ tình cảm qua hệ thống minitel, một hệ thống viễn tin đã được sử dụng rất rộng rãi ở Pháp vào thời thập niên 80-90.

Ca khúc Goodbye Marylou này sau đó được Polnareff đưa vào album Kâmâ Sutrâ mà ông cho ra mắt công chúng vào năm 1990. Vào năm đó, Michel Ponareff đã ở trong khách sạn Royal Monceau ở Paris suốt hơn … 800 ngày để sáng tác album này.

Là một người rất cầu kỳ, hay đúng hơn là cầu toàn, Polnareff trước hết thu giọng hát trong quán bar của khách sạn, rồi đưa sang hòa âm ở những studio có khi cách xa Paris hàng ngàn km. Sau khi nghe lại qua điện thoại hoặc qua máy vi tính từng bài hát đã được hòa âm, thấy thật vừa ý, Polnareff mới cho trình làng cuốn album Kâmâ Sutrâ, với thành công vang dội ( bán được hơn một triệu bản ). Trong album này có những làn điệu pianio « đặc sản » của Polnareff, như ca khúc Kâmâ Sutrâ

Sau hơn 10 năm sống “lưu vong” ở Mỹ ( 1973-1984 ), Polnareff trở về Pháp sống cũng trong khoảng 10 năm, trước khi quay trở lại Hoa Kỳ để chuẩn bị cho cuộc tái ngộ sân khấu, đầu tiên là tại rạp Roxy ở Los Angeles, rồi đến năm 2007 trở về Paris trình diễn ở rạp Bercy, sau 34 năm vắng mặt trên sân khấu Pháp.

Đầu tiên ông dự định diễn ở đây có 6 buổi, nhưng chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ, gần 40 ngàn vé đã được bán sạch. Trước thành công đó, ban tổ chức đã phải thêm 3 buổi diễn nữa cho Polnareff ở Paris. Chuyến lưu diễn toàn nước Pháp của Polnareff vào năm 2007 đã thu hút hơn một triệu khán giả. Cũng vào năm đó, chương trình Victoire de la musique đã tặng cho Polnareff một giải thưởng danh dự cho toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của ông.

Nay đã ở lứa tuổi thất tuần, Polnareff đã vượt qua mọi thời đại, mọi thế hệ và những bài hát từ thời thập niên 60 của ông không hề chìm vào quên lãng. Nhưng giới hâm mộ Polnareff vẫn đang sốt ruột chờ đợi album mới mà ông đã hứa sẽ trình làng trong năm nay. Polnareff là một trong số ít ca sĩ nổi tiếng nhưng ít khi nào cho ra dĩa, trong khi những ca sĩ cùng thế hệ với ông như Johnny Halliday thì “sản xuất” album liên tục.

Cho dù người ta có thể chê trách Michel Polnareff về những hành vi kỳ quặc hoặc những hành động khiêu khích xã hội, ai cũng phải công nhận ông thật sự là một pop star chính hiệu của Pháp. Chính ông là người đã khai sinh ra nhạc pop Pháp vào thập niên 1960 và ông vẫn tự viết nhạc cho những ca khúc mà ông hát, chứ không hát nhạc của người khác.

Như tạp chí chuyên về truyền hình Telerama đã viết, đến nghe Polnareff hát giống như “mở một hộp bánh ngọt”, tức là ăn hoài không chán, nghe nhiều lần rồi cũng còn muốn nghe nữa những bài hát như Love me please love me.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống