Wednesday, November 11, 2015

Nhạc sỹ Anh Bằng ốm nặng

Pic
Nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận: "Tầm vóc của ông Anh Bằng khó có một nhạc sỹ nào về sau đạt được"

Hôm 11/11, nguồn tin từ đài truyền hình SBTN ở Mỹ cho biết nhạc sỹ Anh Bằng đang trong tình trạng nguy kịch và “có lẽ chỉ cầm cự được hai tuần nữa”.

Fanpage kênh truyền hình SBTN của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ phát đi lời kêu gọi mọi người cầu nguyện cho nhạc sỹ.

SBTN cho biết cuối tuần qua, ông được đưa đi cấp cứu. Ông đã chống chọi căn bệnh ung thư gan gần tám năm qua, từng được chữa khỏi nhưng nay lại tái phát.

Hôm thứ Hai 9/11, ông đã từ chối chữa trị vì cơ thể không còn đủ sức chống chọi và được bác sỹ cho về nhà. Bác sỹ thông báo cho người nhà biết “có lẽ ông chỉ còn cầm cự được cao nhất là hai tuần nữa”.

‘Một người yêu quê hương’

Hôm 11/11, từ TP Hồ Chí Minh, nhạc sỹ Tuấn Khanh trao đổi với BBC: “Bên cạnh nỗi buồn khi nghe tin sức khỏe của nhạc sỹ Anh Bằng đang xấu đi, tôi còn có niềm tiếc nuối to lớn, vì ông là một nhạc sỹ tài ba thuộc thế hệ vàng son của miền Nam.

Tầm vóc của ông khó có một nhạc sỹ nào về sau đạt được, xét cả về mặt sáng tác đa dạng lẫn tính cách kín tiếng, không cần những lời ca tụng mà vẫn miệt mài với âm nhạc qua nhiều thập kỷ”.
Năm ngoái, tên tuổi của nhạc sỹ Anh Bằng bị ảnh hưởng phần nào trong vụ tranh cãi xoay quanh một ca khúc nổi tiếng.

Thời điểm đó, ông Khúc Ngọc Chân, một nhạc công Cello trong dàn nhạc giao hưởng Việt Nam lên tiếng khẳng định ca khúc “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng vốn là sáng tác của ông với tên gốc “Tôi xa Hà Nội”.

Tuy vậy, nhạc sỹ Tuấn Khanh nói với BBC rằng ông và nhiều thế hệ yêu âm nhạc vẫn có lòng tin đấy là tác phẩm của Anh Bằng vì “đó là tiếng lòng thật sự của một người phải rời bỏ quê hương sau biến cố”.

Ông Khanh nhận định di sản mà nhạc sỹ Anh Bằng để lại là “một tình yêu quê hương, dân tộc qua âm nhạc mà không phụ thuộc vào một chính thể nào, cũng như những tác phẩm mẫu mực cho các thế hệ nhạc sĩ tiếp nối”.

Nhạc sỹ Anh Bằng sinh năm 1926, được nhiều người yêu nhạc biết đến qua các ca khúc nổi tiếng: “Chuyện tình Lan và Điệp”, “Anh còn nợ em", "Căn gác lưu đày", "Chuyện giàn thiên lý", "Khúc thụy du", "Mai tôi đi"...

Đến nay, chỉ vài ca khúc trong số này được cấp phép phổ biến tại Việt Nam.

Năm 1975, ông cùng gia đình di tản sang Mỹ và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981 - 1990).

Ông còn là người sáng lập Trung tâm Asia, một trong hai trung tâm sản xuất âm nhạc lớn nhất của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, năm 1981.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống