Sunday, February 15, 2015

Bài tình ca nổi tiếng “Khúc Thụy Du” cho ngày Valentine

Thi sĩ Du Tử Lê
Thi sĩ Du Tử Lê
Vũ Hoàng, phóng viên RFA


Trong không khí ấm áp của Lễ Tình Nhân đang tràn ngập khắp nơi nơi, hôm nay, chương trình âm nhạc xin được cùng quý vị tìm hiểu về một trong những bản tình ca rất nổi tiếng của Việt Nam, đó là bản Khúc Thụy Du. Mặc dù, được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc với giai điệu nhẹ nhàng, êm ái đầy chất trữ tình, nhưng thực chất, bài thơ gốcKhúc Thụy Du của thi sĩ Du Tử Lê lại rất mạnh mẽ, gào thét với những câu chữ gai góc, thậm chí chết chóc… Thế nhưng, ẩn chứa sau đó, thi sĩ Du Tử Lê lại làm bật lên một triết lý sâu sắc về tình yêu rằng khi yêu nhau hãy nhìn vào định mệnh, cuộc đời và hoàn cảnh của nhau dù cho sự chia lìa có thể xảy đến bất cứ lúc nào…
Vũ Hoàng: Hôm nay là một dịp rất may mắn lại được trò chuyện với thi sĩ Du Tử Lê về một trong những bài thơ rất nổi tiếng của ông và được nhạc sĩ Anh Bằng phổ là bài Khúc Thụy Du, đây được xem là bài hát kinh điển về tình yêu của VN khi mà nhắc tới những bản tình ca. Thưa thi sĩ Du Tử Lê, một lần nữa ông có thể cho thính giả của đài ACTD biết nguồn cội của bài Khúc Thụy Du này được không ạ?
Thi sĩ Du Tử Lê: Việc đầu tiên là cám ơn Vũ Hoàng và xin kính chào quý thính giả. Xin trả lời vào câu hỏi của Vũ Hoàng, bài thơ đó tôi viết ngay sau biến cố Tết Mậu Thân 1968. Bài thơ đó, tôi muốn ghi lại một bối cảnh và đặt vấn đề là trong một cuộc chiến tranh như vậy thì những người yêu nhau như vậy thì định mệnh và số phận họ như thế nào, thì đó là nguồn gốc của bài thơ.
Vũ Hoàng: Có một điểm rất đặc biệt trong bài thơ của thi sĩ Du Tử Lê là những lời thơ rất gào đau trong thời loạn nhưng khi được nhạc sĩ Anh Bằng phổ, thì bài này trở nên rất nhẹ nhàng. Vậy, nguyên cớ nào mà nhạc sĩ Anh Bằng lại tìm đến ông để phổ bài này ạ?
Bài thơ đó tôi viết ngay sau biến cố Tết Mậu Thân 1968. Bài thơ đó, tôi muốn ghi lại một bối cảnh và đặt vấn đề là trong một cuộc chiến tranh như vậy thì những người yêu nhau như vậy thì định mệnh và số phận họ như thế nào, thì đó là nguồn gốc của bài thơ
Thi sĩ Du Tử Lê
Thi sĩ Du Tử Lê: Thưa anh Vũ Hoàng, tôi cũng không rõ, những đại khái thế này. Trước đó, tôi và ông Anh Bằng hoàn toàn không biết nhau. Năm 1985, tôi cho tái bản ở bên này (Mỹ) cuốn thơ Du Tử Lê là cuốn đã in ở VN, trong đó có bài Khúc Thụy Du. Hồi đó, tôi có quán cà phê, tôi với anh Việt Dzũng và anh Trần Đức đang làm việc thì có người đến tìm tôi thì tôi nói vâng tôi đây. Người đó tự xưng “Tôi là nhạc sĩ Anh Bằng, tôi có phổ nhạc bài Khúc Thụy Du”, đại khái ông nói rằng nếu bên tôi có ca sĩ nào thì ông sẽ tập cho người ca sĩ đó hát. Vậy là chúng tôi quen nhau từ dạo đó. Tức là, ông ấy tự động tìm đến, ông đi mua cuốn sách và chọn bài thơ đó.
Vũ Hoàng: Lúc đó, thi sĩ Du Tử Lê có nhớ là nhạc sĩ Anh Bằng nói lý do vì sao ông chọn bài thơ này không ạ?
Thi sĩ Du Tử Lê: Tôi không hỏi, thưa anh. Tôi rất ngạc nhiên vì đó là bài thơ không đơn giản. Tôi ngạc nhiên lắm, vì nhạc sĩ Anh Bằng thường tìm đến những bài có tính truyện kể, có đầu có đuôi, chứ ông không tìm vào những bài thơ như thơ của tôi, vì bài thơ đó dài lắm, trên 100 câu, bị kiểm duyệt nữa nên chỉ còn vài chục câu thôi. Nhưng nhân đây, tôi cũng xin nói luôn, chắc Vũ Hoàng còn nhớ chúng ta có một nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupery, ông để lại một câu hay lắm là: Yêu nhau nhìn về cùng một hướng, ý của ông là khi người ta yêu nhau thì người ta hướng về một mục đích chung, một tương lai chung.  Nhưng tôi thì nghĩ hơi khác, đồng ý yêu nhau thì nhìn về một hướng, nhưng đối với lại những cuộc tình trong cuộc sống tao loạn, chiến tranh như VN trong quá khứ, thì đó là điều gì đó rất bấp bênh và chia ly gần như thường trực, có những cuộc tình đổ vỡ, và như vậy thì làm sao nhìn về một hướng được. Thành ra, khi viết bài thơ đó, tôi muốn nói: Yêu nhau không phải là nhìn về một hướng mà yêu nhau là nên nhìn vào định mệnh, cuộc đời, hoàn cảnh của nhau, kể cả sự chia lìa trước sau cũng sẽ đến, đó là ý niệm sâu xa của bài Khúc Thụy Du.
Vũ Hoàng: Vâng, thưa thi sĩ Du Tử Lê đó cũng chính là câu hỏi Vũ Hoàng đang tính hỏi thi sĩ là thông điệp nào ông muốn gửi tới trong bài này thì rất may mắn thi sĩ đã giúp Vũ Hoàng. Nhưng Vũ Hoàng tin chắc là câu hỏi cuối cùng này là câu hỏi rất nhiều người muốn hỏi: người con gái tên Thụy ở đây là ai? Nếu như có cơ hội chia sẻ thì mời thi sĩ ạ?
Khi viết bài thơ đó, tôi muốn nói: Yêu nhau không phải là nhìn về một hướng mà yêu nhau là nên nhìn vào định mệnh, cuộc đời, hoàn cảnh của nhau, kể cả sự chia lìa trước sau cũng sẽ đến, đó là ý niệm sâu xa của bài Khúc Thụy Du
Thi sĩ Du Tử Lê
Thi sĩ Du Tử Lê: Dạ vâng, thưa thứ nhất, hồi đó tôi mới yêu người đó, người đó tên là Thụy Châu, Thụy là chữ lót, sau đó, người đó người đó trở thành bạn đời của tôi. Nhưng vì lỗi của tôi mà chúng tôi đã chia tay nhau cũng đã khá lâu.
Vũ Hoàng: Vũ Hoàng cũng xin đoán chữ “Du” đây là một phần trong tên của thi sĩ Du Tử Lê để khép thành “Khúc Thụy Du”
Thi Sĩ Du Tử Lê: Dạ, đúng vậy thưa anh Vũ Hoàng.
Vũ Hoàng: Thưa thi sĩ Du Tử Lê, chương trình hôm nay là dành cho những đôi tình nhân, ngày Valentine, một lời nói nào thi sĩ muốn gửi gắm tới những đôi tình nhân trong thời bình ngày nay.
Thi sĩ Du Tử Lê: Nhân đây tôi xin phép được chuyển lòng cầu mong của tôi đến tất cả những người yêu nhau và của cả những cuộc hôn nhân. Tôi mong rằng những người đang lắng nghe chúng ta không rơi vào tình trạng của tôi như trong quá khứ.
Vũ Hoàng: Và Vũ Hoàng cũng thay mặt thính giả đài ACTD cám ơn thi sĩ Du Tử Lê rất nhiều, và mong là mỗi ngày đều là ngày Valentine đối với ông và gia đình.
Thi sĩ Du Tử Lê: Cám ơn anh Vũ Hoàng, câu hay quá. Tôi cũng xin mượn câu của anh mới nói để gửi tới quý thính giả, như một lời cám ơn chân thành của chúng tôi.
Vũ Hoàng: Dạ, cám ơn thi sĩ Du Tử Lê ạ.
Thi sĩ Du Tử Lê: Dạ, cám ơn anh Vũ Hoàng.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống