Sunday, August 16, 2015

Người Nghệ sĩ và Mẹ - Phía sau hào quang sân khấu

HINH
Một bông hồng cho Mẹ
Cát Linh, phóng viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh


Trong dân gian, người ta tương truyền rằng ngày rằm tháng Bảy là ngày Xá tội vong nhân, hiểu theo theo phong tục Á Đông. Đây là ngày dành cho các linh hồn còn vất vưởng nơi dương gian được siêu thoát. Và ngược lại, cũng là ngày Quỷ Môn Quan mở cửa để ma quỷ được tự do về dương thế.

Bên cạnh đó, trong Phật giáo, ngày rằm tháng Bảy còn có một ý nghĩa khác từ sự tích Mục Kiều Liên cứu mẹ. Do đó, ngày này, người ta còn gọi là ngày Lễ Vu Lan, tức ngày báo hiếu.

Cát Linh xin mời quí vị cùng với Cát Linh nghe những chia sẽ gần gũi nhất, đời thường nhất, giản dị nhất, của người nghệ sĩ dành cho đấng sinh thành, sau ánh hào quang sân khấu. Đặc biệt, chương trình hôm nay có những lời gửi gắm của thế hệ nghệ sĩ trước 1975 dành cho thế hệ trẻ sau này.

Tình yêu vô điều kiện

Nhạc: Bông hồng cài áo

(Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ, đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn.

Rủi mai này mẹ hiền có mất đi như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh.... sao đêm....)

Chỉ là một bông hồng nhỏ nhoi, nhưng nếu ai được mang trên ngực đoá hoa màu hồng trong ngày Vu Lan mới cảm nhận được hết niềm tự hào thiêng liêng của người còn mẹ. Niềm tự hào ấy không màu, không mùi, không vị. Cũng như tình yêu của người mẹ, không cầu kỳ, không rực rỡ, và vô điều kiện. Tình yêu ấy sâu thẳm và bất tận, cho dù...

“Khi mà em sinh ra đó, thì không có nhìn thấy nên được mẹ rất là yêu thương. Mẹ cũng là người rất gần gũi, ấp yêu em từ nhỏ. Cho nên cái tình cảm đó luôn luôn in đậm trong ký ức của em. Mỗi lần hát về mẹ hay là làm 1 cái gì đó liên quan đến hình ảnh của mẹ thì em đều xúc động.”

Từ cuộc đời và số phận của chính mình, Hà Chương, người ca nhạc sĩ khiếm thị đã nhìn thấu được sâu trong trái tim đỏ thắm của người mẹ ấy là một nỗi niềm...

“Nói về mẹ thì người mẹ nào cũng vĩ đại hết. Nhưng những người mẹ mà có những người con bị khuyết tật thì đó là những người mẹ phải hy sinh rất nhiều, phải có rất nhiều sự kiềm nén trong tâm hồn, trong nỗi đau. Và Chương là 1 người con như vậy nên Chương cảm nhận được điều đó.”

Rồi chúng ta, như một chú chim nhỏ cất cánh bay vào trời rộng sau khi đủ lông đủ cánh. Đoạn đường bay với biết bao gập ghềnh, hiểm nguy. Có lẽ, nếu được lựa chọn, sẽ không có người mẹ nào muốn đứa con bé nhỏ ngày xưa rời xa vòng tay của mình.

Hãy nghe tâm tình của một người mẹ rất bình thường như bao người mẹ khác trên thế gian: “Không sự hy sinh nào của mẹ khó khăn bằng việc chịu để con đi xa mình, có thể là luôn (sau này chỉ về thăm thôi) để nó có được một tương lai tốt đẹp hơn, tự quyết định cho số phận của nó!”

Người mẹ của Hà Chương cũng thế.

“Tuy ba mẹ Chương chỉ là những người làm nông rất bình thường, không được học hành nhiều. Nhưng khi Chương được 12 tuổi thì lúc đó, đối với những người khác nếu thương con như thế thì sẽ không để cho con đi học xa nhà như vậy. Lúc đó, ba mẹ Chương thương nhưng rất sáng suốt là bằng mọi cách cho Chương đi học. sau này Chương biết là mẹ đã khóc rất nhiều với quyết định đó.”

Giờ đây, cũng đã trở thành đấng sinh thành của một cuộc đời bé nhỏ, Hà Chương tự nhận rằng mình càng hiểu hơn tấm lòng của mẹ. Đó cũng chính là tâm trạng Chương đặt vào bài hát mà anh dành tặng cho mẹ của mình:

“Cõng mẹ đi chơi. Đây là bài hát viết về mẹ rất hay. Mà nó hơi buồn 1 chút xíu tuy nhiên khi hát lên thì nhắc nhớ mọi người là tình cảm mẫu tử là 1 tình cảm rất thiêng liêng. Các bạn hãy thể hiện tình cảm khi mà còn mẹ trên đời. Đừng để tình trạng khi mẹ mất rồi, mình nhớ lại thì mình sẽ ân hận vì 1 điều gì đó. Chương nghĩ là Chương sẽ dành tặng cho mẹ bài hát này trong ngày lễ Vu Lan.”

Mặc dù người xưa hay nói “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” nhưng không thể phủ nhận rằng, trong sự trưởng thành của chúng ta, nhiều hoặc ít đều có sự ảnh hưởng từ cha mẹ. Trong đó, không ít những người chọn hướng đi cho cuộc đời mình chính vì ảnh hưởng từ mẹ. Câu chuyện của Đình Bảo là như thế. Bảo hạnh phúc vì anh đã thay mẹ, thực hiện được niềm đam mê âm nhạc. Với anh, mẹ có một sự ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp ca hát của mình.

“Đình Bảo ngày xưa không biết mình có khả năng hát đâu. Chỉ thích hát và thích nghe mẹ hát. Thường mẹ hay làm công việc nhà, nấu cơm cũng hay hát. Mẹ hát những bài nhạc xưa, nhạc Lê Uyên Phương. Mẹ rất thích 1 bài của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, ‘Tình khúc cho em’”

Kể lại niềm đam mê âm nhạc ngày xưa của mẹ, Đình Bảo cho biết vì quan niệm xã hội lúc đó mà bà không đi theo con đường ca hát. Chính vì thế:

“Cho nên mẹ rất là ủng hộ. Trong nhà có Đình Bảo và Thuỵ Vũ là hai người sau này đi theo công việc ca hát thì mẹ rất là ủng hộ. Mẹ rất là vui khi thấy niềm đam mê của mẹ mà sau này con thực hiện được.”

Ca nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương đang nâng niu những đóa hoa ...
Ca nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương đang nâng niu những đóa hoa ...
Và anh hạnh phúc khi trong sự nghiệp ca hát của mình, mẹ luôn đứng phía sau, dõi theo từng bước và cho anh những lời góp ý chân thật nhất.

Tác phẩm đầu tiên anh thực hiện khi đến Mỹ là CD Cánh Gió, trong đó, ca khúc Tình khúc cho em là món quà anh gửi đến mẹ của mình.

Còn Thiên Tôn, chàng ca sĩ có gương mặt baby, quán quân cuộc thi Vstar 2012 thì cho biết anh chọn dòng nhạc trữ tình, nhẹ nhàng là cũng vì ngay từ nhỏ, anh đã được mẹ cho nghe những bài nhạc ấy.

‘Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con’

Khi bước lên sân khấu, đó là những nghệ sĩ của khán giả. Nhưng khi quay trở về, họ vẫn là những đứa bé chưa lớn trong vòng tay của người mẹ. Điều này là một chân lý không chỉ cho người nghệ sĩ thế hệ trẻ, mà cũng không sai đối với những nghệ sĩ đã bước qua nửa đời người. Hãy nghe ca sĩ Lê Uyên kể về những kỷ niệm với mẹ của mình.

“Tôi với mẹ tôi thì đặc biệt là chúng tôi đã sống với nhau từ lúc nhỏ cho đến ngày mẹ tôi qua đời. Tôi được may mắn được sống gần mẹ và chăm sóc mẹ cho đến ngày cuối cùng. ”

Ca sĩ Lê Uyên nhớ lại đầu năm 1970, cùng Lê Uyên Phương, hai người từ Đà Lạt trở về Sài Gòn để đón Xuân, đó cũng là ngày đầu tiên mẹ của cô nhìn thấy con gái mình hát trên sân khấu, phía dưới là hàng ngàn sinh viên

“Về thì gặp ông Đỗ Ngọc Yến. Ông bắt đi hát ngay buổi chiều hôm đó. Xong qua đến ngày mai hát văn khoa, ngày mốt hát luật khoa, ngày kia hát Vạn Hạnh. Hát hết 19 buổi. Bà đi xem hết 19 buổi thì bà sung sướng như trên trời rớt xuống vậy.”

“Vô cùng ngạc nhiên. Ủng hộ thì bà vẫn ủng hộ lúc tôi còn bé. Lúc đó mình hát nghêu ngao vì mình thích hát. Nhưng đến khi hát thật sự trước công chúng thì mẹ tôi là người ngạc nhiên đầu tiên, vô cùng ngạc nhiên, vô cùng thích thú và vui mừng.”

Lê Uyên cho biết chính mẹ của mình là người chụp lại cho đôi song ca Lê Uyên và Phương những tấm hình kỷ niệm khi hai người đang trình diễn trên sân khấu.

Trái tim người mẹ ấy lúc bấy giờ, có lẽ đã vỡ oà trong trong hãnh diện và sung sướng.

“Chắc chắn như thế, đúng như vậy. Mẹ tôi hãnh diện lắm và vô cùng sung sướng khi mà thấy con mình được mọi người yêu thương, ngưỡng mộ. Đối với mẹ tôi thì Lê Uyên Phương vẫn là 1 người làm nhạc hay nhất, đánh đàn  hay nhất, và dĩ nhiên là con gái mình hát hay nhất.”

Chính vì thế mà ca sĩ Lê Uyên nói rằng nếu được gửi một bài hát đến cho mẹ của mình thì:

“Tôi xin gửi mẹ tôi tất cả những bài hát của Lê Uyên Phương. Vì đó là những bài hát đã làm cho mẹ tôi rất hạnh phúc trong thời gian đầu đi hát. Mẹ tôi đôi khi vẫn hát với tôi bài Tình khúc cho em. Và riêng tôi ngày hôm nay, khi nhắc đến mẹ thì tôi sẽ hát thêm cho mẹ tôi bài ‘Bông hồng cài áo’ tỏ lòng kính yêu đến mẹ tôi.”

Và bây giờ, Cát Linh xin mời quí vị nghe lời tâm tình của một người ca sĩ mà tiếng hát đã đi vào lòng của bao thế hệ. Cô nói rằng những lời chia sẻ của cô ngày hôm nay đặc biệt dành cho thế hệ trẻ. Đó là ca sĩ Khánh Ly.

“Cô là người có rất ít kỷ niệm với mẹ. Vì cô rời gia đình từ rất sớm. Mẹ cô không muốn cô theo nghề ca hát, mà muốn cô học hành tử tế, và có gia đình như mọi người. Cô thì ở với bà nội, không ở với mẹ nhiều. Cho nên sau này khi không còn mẹ nữa, thì cô mới thương mẹ, cô mới biết là mẹ cũng thương cô. Cô rất ân hận là cô đã không hiểu ra điều đó sớm hơn. Cô ân hận nhiều vì cô không làm được điều mà mẹ cô muốn khi  bà còn sống. Chính vì những điều như thế mà cô cố gắng thế nào để các con của cô gần cô hơn, không rơi vào tình trạng như cô ngày xưa. Mẹ nào cũng thương con cả. Mỗi đứa con chỉ có một bà mẹ. Chúa cũng có 1 người mẹ. Phật cũng có 1 người mẹ. Những người trẻ, những người già cũng có 1 người mẹ. Và dù mình ở lứa tuổi nào mình cũng chỉ là 1 đứa trẻ. Vì lòng mẹ thương con không nói hết được. Cô muốn nói với những người trẻ tuổi, những người ở thế hệ con mình, cháu mình, là mỗi người chỉ có 1 người mẹ. Đừng sống để rồi mình ân hận mãi, giống như cô đã ân hận. Làm được cái gì cho mẹ thì làm đi. Bởi sau này mình không có dịp nữa đâu, nỗi ân hận sẽ kéo dài cho đến hết đời của mình nữa.”

Kết thúc chương trình âm nhạc cuối tuần hôm nay, mời quí vị nghe tiếng hát của một chàng trai trẻ. Cậu không phải là ca sĩ. Cậu sống một mình, xa mẹ, xa gia đình. Nhân ngày lễ Vu Lan, cậu gửi đến người mẹ nơi xa của mình ca khúc mang tên Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến. Mời quí vị cùng nghe tiếng hát của Anh Minh, một thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Nhạc: Mẹ tôi

(Ngày xưa chị hát vu vơ những câu ca cổ cho em em làm thơ

Ngày xưa mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm ơi mẹ tôi

Ngày xưa bên giường cha nằm mẹ buồn xa vắng.

Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành.

Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ ngồi trông áng mây vàng

Mẹ ơi hãy dắt con theo ối a để con mãi mãi bên mẹ.

Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.

Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ. …)

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống