Sunday, May 24, 2015

Câu chuyện tình Út Bạch Lan – Thành Được

thanh-duoc-uc-bach-lan-305.jpg
Nghệ sĩ Thành Được và nghệ sĩ Út Bạch Lan, ảnh chụp năm 1960.

Ngành Mai, thông tín viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Cách đây hơn nửa thể kỷ, câu chuyện tình Lan và Điệp trong tác phẩm “Tắt Lửa Lòng” của Nguyễn Công Hoan, được soạn giả Trần Hữu Trang phóng tác tuồng cải lương đưa lên sân khấu, làm say mê mọi từng lớp khán giả, hết thế hệ này sang thế hệ khác, và cho đến nay soạn phẩm vẫn còn giá trị.

Chuyện tình Lan và Được

Rồi 20 năm sau câu chuyện tình Lan và Được (xin đừng lầm Lan và Điệp) cũng đã làm cho những người hâm mộ cải lương chú theo dõi, mỗi khi báo chí đề cập đến vấn đề. Đồng thời cũng tốn khá nhiều giấy mực của báo chí suốt gần hai thập niên.

Thời gian nhiều năm qua thỉnh thoảng lại có người đề nghị, khuyến khích tôi nên viết cuốn sách nói về chuyện tình, chuyện đời, chuyện nghệ thuật cải lương của đôi nghệ sĩ Út Bạch Lan – Thành Được. Bởi khi đề cập đến cặp tài danh sân khấu, từng được giới mộ điệu mến mộ này thì chắc chắn sách sẽ có nhiều người đọc.

Thật ra thì tôi hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hình ảnh có liên quan đến đôi vợ chồng nghệ sĩ Thành Được, Út Bạch Lan mà mình đã thu thập được trong quá trình theo dõi hoạt động cải lương.

Theo như cái nhìn của tôi, thì chuyện tình Út Bạch Lan và Thành Được viết thành tiểu thuyết không khó. Do bởi chuyện của cặp đào kép Lan Được là chuyện thật, có nhiều kịch tính, là yếu tố để viết thành tiểu thuyết, soạn thành tuồng cải lương, và cũng có thể thực hiện phim chiếu trên màn bạc.

Tóm lại là “câu chuyện Lan và Được” tôi cũng đã viết thành bản thảo, và có thể in thành sách ngay trong lúc này. Nhưng có điều mà tôi phân vân là nên cho quyển sách ra đời theo dạng “sách tiểu thuyết”, hay theo dạng  “sách cải lương”.

Nếu như theo dạng tiểu thuyết thì tác phẩm sẽ có nhiều người đọc hơn và hy vọng thành phim. Còn như theo sách cải lương thì lại có giá trị về mặt lịch sử của nghệ thuật độc đáo của dân tộc, nhưng rất khó lên phim. Trong những ngày sắp tới đây tôi sẽ có quyết định vấn đề.

Giờ đây xin trích ra một câu chuyện trong bản thảo cuốn sách Lan và Được trong tương lai:

Chiếc Đại Hồng Chung

thanh-duoc-ut-bach-lan-250.jpg
Nghệ sĩ Út Bạch Lan và Nghệ sĩ Thành Được trong vở Nửa Đời Hương Phấn, ảnh chụp năm 1959.
Câu chuyện tình Út Bạch Lan – Thành Được có liên quan đến chiếc Đại Hồng Chung ở một ngôi chùa tỉnh Biên Hòa, mà tôi đã ghi vào bản thảo.

Phật tử đi lễ chùa hầu như ai cũng biết Đại Hồng Chung là cái chuông lớn, đặt ở một góc trong Chánh Điện, bên trái hoặc bên phải ở cửa ra vào. Mỗi khi có lễ cúng thì người ta thấy một ni cô hay chú tiểu ngồi đó, thỉnh thoảng dộng lên tiếng chuông, hòa lẫn với tiếng tụng kinh của vị sư, cùng phật tử tụng niệm trước bàn Phật.

Âm thanh tiếng chuông chùa đã gợi nên niềm cảm xúc, khiến cho ai đó đang có tâm sự buồn đau lại càng buồn thêm, chán ngán sự đời, và đưa đến chuyện gởi thân nơi cửa Phật, như trường hợp cô đào thương Út Bạch Lan.

Chỉ nội cái chuyện Út Bạch Lan buồn tình bỏ đi tu ở ngôi chùa trên Biên Hòa, rồi thì Thành Được đánh xe lên rước nàng về, cũng đã tô điểm thêm nét diễm tình trong câu chuyện. Hoặc là Út Bạch Lan vào chùa rồi, ăn chay niệm Phật rồi, mà vẫn nhớ thương Thành Được đến nỗi nàng mượn bút mực của nhà chùa, nhờ người viết tên Thành Được bằng chữ Nôm, rồi gắn lên Đại Hồng Chung, để mỗi lần dộng chuông là “động đến tâm tư Thành Được” khiến chàng ta chịu không nổi, phải lái xe lên rước cô về nhà.

Nếu đi tu mà vứt bỏ được chuyện đời thì Út Bạch Lan sẽ trở thành ni cô luôn. Đằng này vô chùa rồi, mỗi ngày tụng kinh gõ mỏ rồi, mà nàng Út lại thương nhớ Thành Được nhiều hơn. Trước đó đã có nhiều người trong gia đình lên rước mà nàng không muốn về, nhứt quyết ở lại tu. Nhưng tới khi Thành Được đến rước thì nàng tự nhiên bương bả ra về, chẳng cần suy nghĩ gì thêm. Hồng trần còn nặng nợ quá, thì đi tu thế nào được chớ!

Không biết có phải Út Bạch Lan đi tu ở ngôi chùa cổ trên núi Bửu Long, Biên Hòa hay ngôi chùa nào khác ở tỉnh này. Chớ sau đó vài năm nàng làm tài tử đóng phim kiếm hiệp, đạo diễn dựng cảnh tại núi Bửu Long, trong một sen lửa đốt cháy mái nhà tranh. Theo hướng gió xuôi, Út Bạch Lan nhảy vào cứu người yêu (do kép Hoàng Long đóng) thì bất ngờ ngọn gió đổi hướng thổi ngược lại tấn công nàng Út, làm cháy xiêm y và phỏng ở tay, coi như xém chết cháy! Có người nói do đi tu rồi mà bỏ về nhà, giờ đây trở lại chùa cũ nên bị Thần Hộ Pháp trừng phạt. Chẳng biết có đúng vậy hay không.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống