Saturday, July 11, 2015

Đào cải lương Mộng Tuyền đóng phim

rhf
Nghệ sĩ Mộng Tuyền, ảnh sưu tập chụp trước đây.
Ngành Mai, thông tín viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
Đào cải lương Mộng Tuyền

Suốt một thập niên 1960, đào Mộng Tuyền được kể là một cô đào đẹp nhứt, trong hầu hết các cô đào cải lương thời bấy giờ. Lúc đào kép cải lương ào ạt nhảy sang đóng phim nắm giữ vai trò quan trọng, thì Mộng Tuyền cũng có mặt trên sàn quay với vai trò chính như ở sân khấu. Hãng phim Cửu Long đã chọn Mộng Tuyền đóng cặp với Hùng Cường cũng là kép cải lương, làm cặp tài tử chánh trong cuốn phim “Còn Gì Cho Nhau”.

Nếu như cặp đào kép nầy vẫn hát ở sân khấu cải lương thì đâu có chuyện gì, nhưng khi sang qua điện ảnh làm tài tử xi nê thì lại khác. Bởi nếu là cặp tài tử chánh thì phải có cái màn “hôn môi”, và đào Mộng Tuyền thì từ chối cái màn hấp dẫn này.

Theo như lời Hùng Cường kể thì buổi sáng lúc quay phim, đạo diễn đề nghị đào Mộng Tuyền để kép Hùng Cường “mi mi” một phát trên môi để làm lành, nhưng Mộng Tuyền một mực khước từ, cô nói rằng nể lời đạo diễn và vì nghệ thuật, nên chỉ bằng lòng cho anh kép hôn nhẹ trên mái tóc bồng bềnh của cô mà thôi.

Thế nhưng, sau khi quay hồi đó, chẳng rõ anh kép Hùng Cường có lợi dụng vai trò rồi hôn đại vào đôi môi mọng của nàng hay không, mà tối lại trong bữa tiệc họp mặt giữa các tài tử, Mộng Tuyền đã than phiền rằng anh kép nọ chơi lố quá.

Trong bàn tiệc nhiều người biện hộ cho anh kép Hùng Cường. Có người lên tiếng:

- Hát bóng muốn cho ăn khách thì phim phải có cảnh hôn môi đậm đà như Tây như Mỹ mới được.

- Một người khác lại nói:

- Mộng Tuyền cự nự như thế thì lạc hậu quá! Thôi về với cải lương đi!

Bị chạm tự ái Mộng Tuyền đổ quạu la ó rền bàn tiệc, nàng hạ một câu đau điếng:

- Chỉ có bọn sến nương, gái giang hồ mới mần như vậy!

Trước mặt Mộng Tuyền lúc đó có Mai Lệ Huyền, Phương Uyên, Lệ Thanh, Ngọc Nuôi, Tâm Phan và ngồi gần bên Mộng Tuyền là anh kép Hùng Cường.

Nhìn hai cô Mai Lệ Huyền, Phương Uyên thất sắc, rưng rưng nước mắt sau câu nói của Mộng Tuyền, kép Hùng Cường đã nóng mũi, lên tiếng nói gì đó thì bất ngờ Mộng Tuyền to tiếng “mày mày tao tao” rồi hạ Hùng Cường bằng ngón đòn cấp bậc trong quân ngũ và hăm he sẽ cho Hùng Cường “biết tay”.

Thì ra thì lúc bấy giờ Mộng Tuyền đã là bà Thiếu Tá Nam, ông nhà binh tốt số này đã lọt vào mắt xanh Mộng Tuyền, và một đám cưới linh đình tổ chức ở nhà hàng Bát Đạt trong Chợ Lớn. Người ta nói có lẽ do ông tá này hay ghen, từng đánh nàng ta sưng mặt mày, nên Mộng Tuyền đâu dám hôn môi với ai, dù rằng nghệ thuật.

Sau cái màn đấu võ mồm bà con hiện diện cản ngăn kịp thời, ai về nhà nấy. Sau đó thì cuốn phim “Còn Gì Cho Nhau” vẫn tiếp tục thu hình, và lẽ dĩ nhiên Mộng Tuyền vẫn tiếp tục thủ vai người tình số 1 của Hùng Cường.

Mộng Tuyền từng đoạt giải Thanh Tâm 1963, lúc ấy còn mang tên Kim Loan, rồi cũng do rắc rối cái tên với ca sĩ Kim Loan bên tân nhạc, nên đào ta đổi tên Mộng Tuyền. Cô nói rằng cô nổi tiếng là do nhờ sắc vóc, tài nghệ chớ đâu phải do cái tên Kim Loan. Thật vậy, sau thời gian đổi tên thì Mộng Tuyền tiếp tục nổi danh, không những ở cải lương mà luôn cả điển ảnh.

Khoảng 1, 2 năm sau Thiếu Tá Nam lên trung tá nhưng lại bị Mộng Tuyền cho ra rìa, và dĩ nhiên một cô đào đẹp nổi tiếng cả 2 lãnh vực cải lương và điện ảnh thì nhiều chàng trai sẵn sàng xáp vô, nhưng hình như chẳng chàng nào được diễm phúc chính thức thế chỗ Trung Tá Nam.

Sau 1975 Bầu Xuân thành lập đoàn Dạ Lý Hương Sông Bé, mời Mộng Tuyền về nhận vai chánh, và từ đó bắt đầu là đề tài cho thiên hạ bàn tán liên miên. Ông Bầu Xuân là nhà tư bản, ông chẳng biết tí nào về cải lương, do tình thế đưa đẩy cho ông làm giám đốc đoàn Dạ Lý Hương, một trong 3 đoàn cải lương được coi như lớn nhứt thời bấy giờ. Bầu Xuân là một trong số những người đưa nghệ thuật cải lương lên đỉnh cao, nên được Tổ nghiệp đãi ngộ, thưởng công cho ông bằng một món quà thích đáng: Một người đẹp! Đào Mộng Tuyền trao trái tim cho ông, tha hồ mà hạnh phúc. Vậy là nhứt ông rồi còn gì! Làm cải lương lời lỗ không biết, vì ông quá giàu, nhưng đây kể như là món lời to rồi vậy!

Lúc bấy giờ ai cũng tưởng đâu Bầu Xuân hạnh phúc nhứt đời, sớm hôm có người đẹp nâng khăn sửa túi, Bồng Lai tiên cảnh, non bồng nước nhược cũng chẳng hơn. Thế nhưng may mắn quá nhiều, mà xui xẻo thì cũng không ít. Năm 1978 đoàn đang hát ở Vĩnh Long thì Bầu Xuân bị bắt đi cải tạo vì cái tội tư sản. Đoàn hát đương nhiên rã gánh và Mộng Tuyền ôm cầm sang thuyền khác mà còn ôm theo cả trăm cây vàng, mà trước đây trên làn sóng phát thanh này tôi có nói qua.

Trong khi Bầu Xuân ở trại cải tạo thì Mộng Tuyền vẫn phây phây đi hát. Lúc Thanh Nga mới mất, bà Bầu Thơ kêu Mộng Tuyền về thế vai Thanh Nga trong vở hát Hoa Mộc Lan, và sau đó cũng có hát cho đoàn 2 – 84. Và đến năm 1988 Mộng Tuyền đi Pháp, nghe nói thì đi theo chồng, và cô có một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Pháp, cuộc sống bình thường, thỉnh thoảng vẫn có hát cho các hội từ thiện gây quỹ mà thôi.

TRANG-THANH-LAN2-250.jpg
Nghệ sĩ Bạch Tuyết và Nghệ sĩ Trang Thanh
 Lan  tại giải Kim Khánh. File photo.
Mộng Tuyền thường về Việt Nam, nhưng về trong lặng lẽ, không có hát nên chẳng mấy người biết. Năm 2007 Mộng Tuyền cũng về và lần này thì làm sô, hát chung với Thanh Sang, Bảo Quốc, Lệ Thủy, Tú Trinh, Ánh Hồng, Hùng Minh, Kiều Mai Lý, Thanh Tuấn...

Rồi tiếp đó Mộng Tuyền cũng đóng phim và nhận vai Bà Hạnh, mẹ của 2 chị em sinh đôi trong phim “Tôi Là Ngôi Sao”. Coi như nghỉ xả hơi 20 năm, Mộng Tuyền trở lại sân khấu, trở lại đóng phim. Riêng về phần ông Bầu Xuân thì sau ngày ra trại, ông lập gánh hát lần nữa, nhưng tình hình cải lương không khá, ông cho rã gánh và giải nghệ luôn cái nghiệp làm bầu. Mấy năm nay ông thay thế Má Bảy Phùng Há, với chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị Chùa Nghệ Sĩ Gò Vấp.

Thật ra thì ngôi Chùa Nghệ Sĩ này là của ông, do ông đứng tên làm chủ trên giấy tờ từ thời trước 1975. Lúc bấy giờ do Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu khủng hoảng sao đó nên Má Bảy Phùng Há kêu bán ngôi chùa. Nhiều người khuyên ông Bầu Xuân nên mua và giữ lại cho nghệ sĩ có nơi thờ phượng, và ông đã bỏ tiền ra mua.

Nghe Mộng Tuyền về hát trở lại, mấy người biết chuyện năm xưa, trà dư tửu hậu tán gẫu với nhau, rằng không biết Bầu Xuân có tái lập đoàn Dạ Lý Hương, và mời Mộng Tuyền về giao vai chánh? Bởi ông còn ngôi nhà khá lớn ở đường Bùi Thị Xuân gần Lăng Cha Cả, mà thời này trị giá cũng vài trăm cây vàng?

Nhưng có điều là khi xưa Mộng Tuyền như Giáng Kiều người đẹp trong tranh. Sau 20 năm tuy nét đẹp vẫn còn, nhưng lên cân thấy rõ, vòng số 2 cũng chạy nước rút gần bắt kịp vòng số 1. Do đó mà Mộng Tuyền chỉ còn đóng vai đào mụ. Người ta không biết có phải do vậy mà Bầu Xuân chẳng tha thiết gì mà lập lại đoàn hát. Thiên hạ tán gẫu cho vui, chớ Bầu Xuân đã chán ngán sự đời, mỗi ngày ông lên chùa Nghệ Sĩ Gò Vấp điều hành công việc. Coi như ông đã đi tu vậy.

Thanh Lan 3

Nói về nàng Thanh Lan 3, thì nàng này xuất hiện sau 1975, không có những “dậy sóng” như hai nàng kia, được khán giả biết đến là nhờ ca hát, và từng làm bầu gánh cải lương nhưng bị rã gánh. Thanh Lan 3 sinh quán ở Vĩnh Long, trong gia đình truyền thống cổ nhạc, và là em chú bác với nghệ sĩ Thành Tôn (hát bội). Nàng từng theo học lớp tân nhạc với Duy Khánh, và cũng từng học lớp cổ nhạc ở lò Út Trong. Sau đó thì chính thức đi vào nghề qua việc gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Phước Thành. Kế đến thì đi đoàn Đất Mũi và điều kiện thuận lợi đưa đẩy nàng nhảy lên làm bầu gánh hát Sân Khấu Mới Đồng Nai.

Thanh Lan có dịp kinh nghiệm được nỗi đáng cay của nghiệp làm bầu. Đào kép eo sách, làm khó đủ thứ, đòi mượn tiền trước giao kèo rồi lại bỏ đi... Đoàn hát kiệt quệ, Thanh Lan cho đoàn rã gánh và đi hát chầu trở lại cho mấy đoàn khác. Thanh Lan 3 vừa mới nổi tiếng, được báo chí nói đến, đăng hình, nhưng rồi do “ngành cải lương cúc rũ thu tàn” nên hiện nay người ta chẳng biết Thanh Lan này ra sao, ở đâu?

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống