Saturday, February 7, 2015

Nghệ thuật cải lương trong cơ chế thị trường

con-gai-chi-hang-305.jpg
Từ trái sang: Thanh Nga - Hữu Phước - Thành Được trong vở Con Gái Chị Hằng.
Ngành Mai, thông tín viên RFA

Chi phối cuộc sống giới cải lương

Hoạt động cải lương ở trong nước khoảng 1990 từ chế độ bao cấp được chuyển sang cơ chế thị trường đã chi phối toàn bộ cuộc sống của giới cải lương.
Lúc đầu mới nghe qua rất nhiều người đã không biết “cơ chế thị trường” là gì, nên xôn xao bàn tán, hỏi han lẫn nhau. Nói chung mọi người trong giới đều lo lắng, và rồi thì ai cũng tự an ủi: “Người ta sao thì mình vậy, chớ lo quá thì cũng chẳng làm sao hơn”!
Riêng đối với những người đang giữ chức vụ trưởng đoàn của các đoàn hát thì do đã có đi hội họp nên biết rõ và rất lo sợ, có nghĩa là kể từ đây họ không còn dựa vào chế độ bao cấp để mà sống, để mà chỉ huy một đoàn nghệ thuật, vừa có quyền hành, lại vừa hưởng quyền lợi cao hơn mọi người. Tóm lại là từ đây họ phải có tài thực sự, biết tính toán làm ăn thì mới mong ở lại với chức vụ, chớ không thôi thì sẽ bị ra rìa là cái chắc.
Thật ra thì cơ chế thị trường chỉ xa lạ với các nghệ sĩ ở miền Bắc, bởi suốt hơn 3 thập niên làm văn nghệ họ được bao cấp, có nghĩa là đời sống nghệ sĩ, nhạc sĩ, bầu gánh (tức trưởng đoàn), hậu đài, chuyên viên kỹ thuật âm thanh, ánh sáng v.v... tất cả đều được hưởng lương mà không sợ thất nghiệp. Mở màn hát dù có khán giả hay không cũng được lãnh lương, khỏi sợ đói, bởi mọi thứ đều có cơ quan nhà nước lo cho tất cả rồi. Rồi bỗng nhiên cơ chế thị trường giáng xuống, họ không còn được hưởng quyền lợi như nhiều năm qua, mà phải có khả năng, có tài thực sự
thì mới sống được trong cái cơ chế thị trường.
Cơ chế thị trường đã từng sát cánh với cải lương miền Nam từ thời xa xưa, chỉ chấm dứt từ năm 1975. Bởi sau ngày ấy nghệ thuật sân khấu chế độ bao cấp ở miền Bắc, đã đồng hóa luôn nghệ thuật ở miền Nam. Do đó mà cải lương miền Nam dù muốn dù không cũng bị “cuốn theo chiều gió” nếu như còn tiếp tục hành nghề. Dù vậy, chế độ bao cấp trùm phủ nghệ thuật sân khấu trong Nam, cũng có kẻ vui người buồn. Vui là những đào kép không tên tuổi, giờ đây lãnh lương cũng chẳng kém bao nhiêu so với đào kép chánh, họ vui là phải. Còn buồn là đào kép nổi danh, đang hưởng quyền lợi gấp cả mấy chục lần người ta. Rồi giờ đây lương bổng chẳng cao hơn bao nhiêu, ai lại không buồn.
Đó là nói về tình trạng nghệ sĩ, còn bầu gánh thì bi đát hơn nhiều, chẳng hạn như bà Bầu Thơ chủ gánh Thanh Minh. Sau 1975 gánh Thanh Minh được cho hoạt động trở lại, nhưng nhà nước quản lý, cán bộ văn hóa điều hành và quyết định mọi việc. Tuy rằng vẫn mang danh nghĩa bầu gánh, nhưng bà Bầu Thơ chẳng quyền hành gì cả, đến nỗi Bảo Quốc con của bà muốn kiếm một vai hề để diễn mà vẫn không được. Thanh Nga phải xin cho nhiều lần, cán bộ quản lý mới cho Bảo Quốc vai Đinh Lăng, vai hề trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh.
Đối với những người hoạt động cải lương của miền Nam thì cơ chế thị trường rất quen thuộc, bởi lẽ từ 1975 trở về trước cuộc sống ở đây nằm trọn vẹn trong cơ chế thị trường của chế độ tư bản. Cải lương cũng vậy thôi, phải cạnh tranh ác liệt mới tồn tại. “Mạnh được yếu thua” là quy luật, tất cả các sản phẩm văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, đều đồng loạt biến thành hàng hóa được bày bán trên thị trường.
Nghệ thuật sân khấu cũng như các loại hình nghệ thuật khác, cũng đều bị đặt vào khuôn khổ. Một vở diễn bao gồm kịch bản, diễn viên và bộ phận kỹ thuật, nghệ thuật yểm trợ để tạo thành những xuất hát, và xuất hát chính là thứ hàng hóa được bày bán trong cái “chợ” riêng của nó, tức là rạp hát. Và chủ nhân của món hàng ấy không phải là những người tạo ra nó, mà chính là người bỏ tiền ra mua nó theo định luật, người chi tiền là người chỉ huy và quyết định.

Tìm phương thế khác sinh sống

cailuong305
Hình ảnh một bữa ăn cơm hội cải lương của đoàn hát nhỏ.
Giới cải lương thời ấy đã vận dụng các quy luật của nó để tồn tại. Nó đã tự nâng cao, tự tạo một sinh khí đặc biệt, trong một nguồn sống hoàn toàn tùy thuộc vào vé mua của khán giả. Người mua vé đi coi hát hàng đêm đã liên tiếp nuôi dưỡng cải lương suốt 3, 4 thập niên vậy. Chính cơ chế thị trường cũ, và bao nhiêu cam go gian khổ đã nuôi sống, và làm lớn mạnh nghệ thuật cải lương, mặc dù quy luật của nó rất nghiệt ngã và tàn bạo. Lực lượng nghệ thuật này đã thấu biết điều ấy, nhưng không lẽ sợ nó, mà đã quyết tâm vận dụng các quy luật của nó để tồn tại, và chiến thắng bằng sức mạnh tâm hồn, trí tuệ, thể xác của chính mình, chớ không bằng một sự chi viện hay bao cấp nào cả.
Rồi thì những khó khăn lớn lao của cơ chế thị trường, đang khiến sân khấu đảo điên, và sự chờ đợi những khoản chi viện vật chất từ khách quan mang đến, để mong thoát ra cảnh khó khăn gần như bế tắc. Khi cơ chế thị trường được áp dụng thì các đoàn hát không có doanh thu, có nghĩa là không bán được vé, không lấy được tiền của khán giả thì sống thế nào được chớ! Sau mấy năm đã loại dần nhiều đoàn cải lương trong cả nước, khiến cho đa số phải bỏ nghề, tìm phương thế khác sinh sống. Riêng ở Sài Gòn đã có hơn phân nửa số đoàn hát không tồn tại. Các đoàn đã tự giải thể, hoặc không còn khả năng hoạt động như: Phước Chung, Hương Mùa Thu, Huỳnh Long, Sài Gòn 2, Trần Hữu Trang 1. Mấy đoàn còn lại được trợ cấp một phần nào nên hoạt động cầm chừng, chớ không thường xuyên, yếu dần, chung cuộc rồi cũng chết. Đến ngày nay đã không còn một đoàn hát nào.
Có người nói rằng nếu như không chuyển qua cơ chế thị trường, thì giờ này chắc chưa có đoàn hát nào chết. Và đoàn nào cũng cho rằng mình hát hay, là tinh hoa của nghệ thuật... Cơ chế thị trường đã ảnh hưởng nặng nề đến các nghệ sĩ mà xưa giờ chỉ hoạt động nhờ bao cấp, như trường hợp cô đào Kim Cúc ở miền Bắc. Năm 1957 mới 12 tuổi đã vào nghề, hoạt động nghệ thuật từ thời bình cho đến hết thời chiến. Hết chiến tranh vẫn tiếp tục làm nghề. Cô được đi Âu Châu tu nghiệp ở quốc gia Bungary 2 lần, được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.
Suốt mấy chục năm hoạt động nghệ thuật trong bao cấp, nên ngày một chỉ lên hương thêm mà thôi. Thế nhưng mới vừa chuyển qua cơ chế thị trường, tức thì cô bị chới với ngay, và bất mãn rõ rệt. Năm 1994 Kim Cúc tâm sự với nhà báo Huy Trường, nhà báo hỏi:
Cô nghĩ gì sau nhiều năm hoạt động ở sân khấu?
Đó là câu hỏi được nêu lên với một nghệ sĩ từng trải, có nhiều kinh nghiệm, đã sống hoạt động nghệ thuật qua những giai đoạn đặc biệt của đất nước. Suy tư trong đôi phút, nữ nghệ sĩ Kim Cúc đáp:
Những điều tôi suy nghĩ, quan tâm về sân khấu đều thuộc về dĩ vãng, một dĩ vãng không thể nào quên được sau khi tôi đã ở trong nghề được 37 năm. Tôi đã từng ca hát trong thời chiến, có đêm vừa diễn vừa nhảy xuống hầm tránh bom cả mười mấy, hai mươi lần, gian khổ rất nhiều, nhưng cạnh đó đời sống không phải lo vì được bao cấp mọi mặt, chỉ có việc phải cố gắng diễn cho đạt yêu cầu nghệ thuật, phục vụ đồng báo khan giả. Sau này khi sân khấu chuyển qua cơ chế thị trường, tính chất cao quý của người nghệ sĩ ngày nào dường như mất mát đi nhiều với sự bon chen, lấn áp lẫn nhau, tranh tiếng lớn tiếng nhỏ, lương cao lương thấp... Những điều đó quả tình là tôi không quen, càng không quên tôi lại càng nhớ đến một thời kỳ trong dĩ vãng.
Với nghề nghiệp đạo diễn, khi dàn dựng vở diễn, dĩ vãng luôn luôn hiện về như nhắc nhở tôi về cái quá khứ không nên quên. Nội dung vở diễn kiểu CM khô cứng có lẽ không được khán giả ưa thích lắm. Nhưng ngược lại nội dung vở quá tầm thường, dung tục, rẻ tiền lại như là một điều gì đó đẩy thấp người nghệ sĩ xuống. Tôi nghĩ rằng những hình ảnh về quá khứ oai hùng của dân tộc ta là cội nguồn mà ta không nên quên.
Có những vở chỉ khai thác yêu đương với mối tình tay ba, tay tư, phấn đấu để đạt được một chút tình yêu lặt vặt, có kích thích được lớp trẻ sẵn lòng yêu đương, nhưng kể ra cũng đáng buồn cho việc tạo dựng những mẫu người tốt vì xã hội, vì việc chung của đất nước. Dù đã lớn tuổi, mỗi lần tôi tìm thấy một kịch bản có ý nghĩa là tôi muốn lăn thân vào sân khấu làm bất cứ điều gì. Tôi như có ý muốn tìm cái gì đó cao đẹp ở dĩ vãng. Nhưng tôi tự hỏi chẳng biết mình tìm lại có được không? Vì sao cái gì đó như đã mất đi rồi ở trong lòng người hôm nay?
Sau lần tâm sự với nhà báo nói trên, Kim Cúc ít khi trình diễn. Cô về sống ở Trãng Bom, Biên Hòa và qua đời ở tuổi 56. Xong một kiếp tằm!

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống