Saturday, June 20, 2015

Soạn giả Hà Triều và Bầu Long thích ngựa đua

rhf
Soạn giả Hà Triều Hoa Phượng
Ngành Mai, thông tín viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Người xưa nói, con người ta ở trên đời ai cũng có cái đam mê riêng,người mê thứ này, kẻ mê thứ nọ, chẳng ai mà không có, chỉ nhiều hay íthoặc là có hại hay không mà thôi. Và ở đây chúng tôi không nêu lên nhiều thứ tệ hại, đã gây nên khổ sở điêu đứng cho giới cải lương, mà chỉ nói riêng về vấn đề đua ngựa ở trường đua Phú Thọ.

Căn nợ với trường đua Phú Thọ

Đua ngựa là môn nghệ thuật giải trí lành mạnh, hào hứng ở sự hơn thua bằng cách “cá độ”, nhưng hình thức cá độ nầy dần dần đã biến thành cờ bạc hợp pháp, mà hậu quả đã làm tán gia bại sản, mang nợ, đói nghèo cho một số người. Cá độ đã thành thói quen, để rồi mỗi tuần phải có mặt ở trường đua Phú Thọ, và trong số những người có thói quen ấy có cả giới cải lương.

Giới cải lương đã không ít người có căn nợ với trường đua Phú Thọ, và cứ sau mỗi chiều Chủ Nhật khi độ ngựa đua cuối cùng về mức ăn thua, thì người ta lại thấy một số nghệ sĩ mặt mày như bánh bao chiều, mà tiếng lóng gọi là bị “ngựa đá”. Không phải chỉ những đào kép nghèo lương ít, họ mới đi trường đua để mong thắng độ kiếm tiền, mà luôn cả soạn giả Hà Triều và ông Bầu Long, giám đốc các đoàn Kim Chung cũng là thân chủ của trường đua Phú Thọ.

Một trong những soạn giả tài danh của làng ca kịch, mà hầu như phần lớn khán giả sân khấu đã biết tên, đó là soạn giả Hà Triều, người từng đứng chung với Hoa Phượng, cho ra đời nhiều tuồng cải lương nổi tiếng như: Nửa Đời Dương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Nỗi Buồn Con Gái, Tấm Lòng Của Biển...

Tuy cùng viết tuồng chung, cũng có nghĩa là chung ý tưởng, nhưng cuộc sống ngoài đời thì hai soạn giả này lại có những khác biệt. Trong khi Hoa Phượng có nhiều vợ thì Hà Triều lại sống độc thân, và người trong giới cải lương thường nói soạn giả tài danh như Hà Triều, nếu muốn kiếm vợ đào hát đâu khó (nghe nói rất nhiều cô đào hát để ý ông), nhưng chàng ta lại không thích đàn bà, mà thích đua ngựa. Soạn giả nhà ta từng có con ngựa mang tên Tô Điền Sơn, chàng kiếm sĩ đất Phù Tang, nhân vật chính trong tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở, là vở hát đưa cặp soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng và kép Thành Được lên đài danh vọng.

Người ta từng thấy có những buổi chiều Chủ Nhựt mãn cuộc đua, Hà Triều rời trường đua Phú Thọ mà mặt mày buồn xo, vì bị ngựa đá văng túi. Lúc ấy giới cải lương thấy Hà Triều làm ra tiền không thua đào kép chánh, lại không vợ con, mà luôn phải vay nợ nên đã thắc mắc. Và họ đi đến kết luận có lẽ tiền bản quyền tuồng, đêm “nạp” cho trường đua nhiều quá, nên Hà Triều vướng phải bệnh thần kinh chăng?

Sau những năm tách rời với soạn giả Hoa Phượng, và đến năm 1972 thì Hà Triều lại bắt tay với Hoa Phượng lèo lái đoàn Tân Thái Dương hoạt động ở miền Trung. Trong lúc đoàn đang hát ở Đà Nẵng thì Hà Triều cấp tốc bay về Sài Gòn, vào nhà thương Chợ Quán nằm an dưỡng, vì có dấu hiệu cho thấy bệnh thần kinh sắp tái phát. Bởi Hà Triều vốn là thân chủ cũ của bệnh viện này (không biết từ hồi nào), và đó có thể là nguyên nhân khiến soạn giả nhà ta không muốn lập gia đình.

Còn ông bầu Long, chồng của đào Kim Chung thì lại có biệt tài nhìn ngựa (xin đừng hiểu theo nghĩa đen), giới đi trường đua rất thường thấy ông đánh cá ngựa trúng độ vài chục ghim là thường. Theo các giới thân cận với Bầu Long thì vào khoảng 1965, nhân một chuyến đi Nhựt Bổn, Bầu Long gặp một dị nhân đã ban cho ông ta một quyển sách “Thần mã” trong đó ghi rõ tất cả các bí quyết về nuôi ngựa đua. Có hay không chẳng ai biết rõ, chỉ nghe đồn vậy thôi, có người hỏi thì ông chỉ trả lời bằng cách cười mà thôi.

Người ta không rõ biết Bầu Long mê ngựa đua đến cỡ nào, nhưng có lần đúng ngày cúng Tổ cải lương tại trụ sở Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu ở đường Cô Bắc. Ông Bầu Long là hội trưởng, nhưng ngày cúng Tổ lại không có mặt, mà ông lại hiện diện ở trường đua Phú Thọ.

Tiểu sử ông Bầu Long

Sẵn đây cũng nói thêm về tiểu sử ông Bầu Long, tên thật của ông là Trần Viết Long, sinh năm 1922 tại Hà Nội trong một gia đình giàu có. Bầu Long từng đi du học ở Pháp, Đức nghiên cứu rất nhiều về điện ảnh. Về nước ông Long không làm cho cơ quan nào cả, mà lại rất ái mộ cải lương, và phải lòng cô đào Kim Chung, và để rồi cùng đứng ra thành lập đoàn Kim Chung “Tiếng chuông vàng Bắc Việt”. Thời gian sau đó Bầu Long góp tay với ông Phạm Thọ Minh thành lập thêm đoàn Kim Chung “Tiếng chuông vàng Hải Cảng – Hải Phòng”.

Hiệp Định Genève 1954 ra đời, chiến tranh Pháp – Việt kết thúc, ông Long mang đoàn Kim Chung vào Nam, để rồi từ đó cơ sở Kim Chung lần lượt phát triển có đến 6 đoàn Kim Chung. Tôi không là ông bầu! Ông Long thường nói thế, bởi vì người ta hay gọi hai tiếng “bầu bì” liền nhau. Bì đây có nghĩa là cái vỏ, các ông bà bầu trong Nam trước nay hay vay nợ lập gánh, nên chỉ có cái vỏ đó thôi. Còn tôi, tôi là chủ nhân sáng lập với vốn liếng sẵn có của tôi, gánh hát khá được phần lớn cũng nhờ vốn nhà.

Có thể Bầu Long nói đúng, bởi cuốn phim “Kiếp Hoa” của đoàn Kim Chung quay chiếu khắp nước, nghe nói lời trên 10 triệu (năm 1953 – 1954 mười triệu tiền Đông Dương quá lớn). Nhằm vào thời kỳ Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu đang khủng hoảng trầm trọng (1964) và nữ nghệ sĩ Phùng Há bận đi Tây, người ta đã bầu ông Trần Viết Long lên làm hội trưởng, bởi trong tay ông lúc đó đang có những 4 đoàn Kim Chung, và ông Bầu Long vui vẻ nhận lấy trách nhiệm. Ông Long liền bỏ tiền túi ra triệu tập đại hội nghệ sĩ toàn quốc, phô trương thanh thế của hội, làm rùm beng cho nghệ sĩ hứng khởi một lúc.

Nhưng rồi sau đó ông bị chính nạn kỳ thị Nam – Bắc đã không làm cho ông yên lòng, mà còn đâm ra chán nản là khác. Ông Long cũng ngấm ngầm hiểu vậy, cho nên suốt thời gian ông làm hội trưởng 5 nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 1 năm) ông phải luôn luôn giữ soạn giả Duy Lân làm tổng thơ ký, để điều hành mọi việc của hội. Như vậy mà khi hội gặp một sơ xuất nào đó, là người ta lại đổ tội vào ông Long, chỉ vì ông ta là chủ gánh Kim Chung. Chí đến trong những phiên giỗ Tổ, có những miếng thịt quay nào quá mặn, anh em nghệ sĩ cũng cười ào được rằng: Đây là heo của Kim Chung rồi!

Mặc dù suốt thời gian ông Long làm hội trưởng, mọi chi phí cho hội đều do chính ông Long đài thọ bằng tiền túi của ông. Có hội hè thì ông cho xe nhà của ông đi rước từng người trong ban quản trị, nhưng rốt cuộc người ta đã không hài lòng. Và vì lẽ đó, một người dầu có thiện chí bao nhiêu với hội cũng phải đành đưa tay đầu hàng, chịu chớ sao nữa bây giờ!

Bầu Long đã đóng góp rất lớn cho nên nghệ thuật nước nhà. Ông mất vào năm 2003 tại Sài Gòn.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống