Saturday, September 19, 2015

Nghệ sĩ tài danh thu thanh dĩa hát “Nắng Chiều Trên Sông Dịch”

HINH

Ngành Mai, thông tín viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh


Thành phần nghệ sĩ gạo cội

Sau thời gian hát trên sân khấu, nhận thấy vở tuồng “Nắng Chiều Trên Sông Dịch” khán giả luôn đầy rạp, nên hãng dĩa Hồng Hoa thương lượng với soạn giả Thu An để khai thác về mặt dĩa hát. Thế là thành phần nghệ sĩ được coi như gạo cội ăn khách thời bấy giờ đã được mời thu thanh.

Ngoài nghệ sĩ Thanh Hải giữ vai chánh Trần Tử Lang, người ta cũngđược nghe giọng ca vàng của nữ nghệ sĩ Thanh Hương trong vai Trần Tử Ly Cơ, nhưng rất tiếc là vai đào nhì nên Thanh Hương ca diễn rất ít. Trong khi đó thì Ngọc Hương thành tích và giọng ca thì không thể sánh với Thanh Hương, nhưng nhờ là bà xã của Thu An nên đương nhiên được giao vai chánh Chu Sơn Anh Đài, ca diễn rất nhiều, ngang với Thanh Hải. Và nghệ sĩ Hữu Phước cũng chấp nhận đứng sau Thanh Hải khi đảm nhận vai Chu Sơn Kiệt, dù rằng Hữu Phước nổi tiếng trước Thanh Hải khá lâu. Giới mộ điệu chỉ cần căn cứ vào vai trò thì biết ai cao ai thấp trong việc thu thanh dĩa hát này, dĩ nhiên Hữu Phước thấp hơn một bực.

Còn hề Minh với vai trò hề ca, vừa có giọng ca mùi lại vừa chọc cười độc đáo, là yếu tố ăn khách, có nhiều khán giả nói rằng họ đi coi đoàn Kim Chưởng là để nghe hề Minh ca mà thôi. Sang qua địa hạt dĩa hát vai nầy vẫn là hề Minh, đoàn Kim Chưởng làm ăn khá, một phần cũng nhờ giọng ca hề Minh. Hề ca luôn được khán thính giả mến mộ nên lương bổng không thua đào kép chánh. Vậy mà năm Mậu Thân cải lương bị khủng hoảng mới hai tháng là người ta thấy hề Minh vay nợ để sống cầm chừng, và sau đó đã phải chạy xe ôm ở Thị Nghè để chạy gạo hằng ngày. Mấy bà đi chợ vốn mến tài hề Minh nên đi xe chẳng trả giá mà còn cho thêm tiền. Năm Mậu Thân cải lương lâm vào tình trạng bi đát hơn bất cứ nghề nào, vì như mọi người đã thấy, sau biến cố gần 2 tháng mọi ngành nghề hoạt động trở lại bình thường, nhưng cải lương thì không bình thường, bởi đâu có hát được, có mấy người mua vé đi coi đâu để mà mở màn. Do đó mà đào kép công nhân tiếp tục khổ dài dài, chớ không riêng gì hề Minh.

Về phần kép độc Trường Xuân với vai trò thâm độc, gây ra bao nhiêu tang tóc, thù hận. Nếu như trên sân khấu với giọng nói dữ dằn, điệu bộ hung bạo, thì ở ngoài đời Trường Xuân rất hài hòa, dễ mến, cái hay của người nghệ sĩ là vậy. Vai trò thúc phụ của Trường Xuân cũng rất khó có kép độc nào thay thế, nên từ sân khấu đến dĩa hát vẫn là Trường Xuân thủ vai.

Nhờ giọng ca trời cho Thanh Hải

scan0060-9c501-400.jpg
Nghệ sĩ Thanh Hải và Nghệ sĩ Viễn Châu. Courtesy photo.
Tóm lại vở hát “Nắng Chiều Trên Sông Dịch” thành công lớn là do nhiều nghệ sĩ tài danh góp sức, nhưng ai cũng nhìn nhận một phần lớn là nhờ giọng ca trời cho của Thanh Hải. Ở đoàn Kim Chưởng, nghệ sĩ Thanh Hải nổi tiếng với những vở tuồng ăn khách như: Hai Chiều Ly Biệt, Nửa Bản Tình Ca, Nắng Chiều Trên Sông Dịch, Cô Gái Sông Đà... và đến năm 1965 thì Thanh Hải rời đoàn Kim Chưởng về cộng tác với công ty Kim Chung, khởi đầu ở đoàn Kim Chung 3 hát với Thanh Hùng, Ngọc Hoa, Lệ Thủy...

Khoảng cuối năm 1965 đoàn Út Bạch Lan – Thành Được rã gánh, vợ chồng chia tay, Thành Được về đoàn Thanh Minh Thanh Nga, còn Út Bạch Lan về đầu quân công ty Kim Chung. Được cô đào thương số 1 về cộng tác, ông bầu Long liền thành lập đoàn Kim Chung 4, đồng thời điều động kép Thanh Hải từ đoàn 3 sang đóng cặp với Út Bạch Lan, những vai phụ chỉ cần lấy ở các đoàn khác về là xong. Như vậy người ta thấy chỉ cần một Út Bạch Lan về là ông bầu Long thành lập thêm một đoàn hát dễ dàng. Cặp đào kép chánh Thanh Hải – Út Bạch Lan là 2 giọng ca nam nữ đang được khán giả mến chuộng nhứt lúc bấy giờ, nên đã thu hút mạnh mẽ số người đi coi hát thích nghe ca vọng cổ.

Thời gian sau Út Bạch Lan hết hợp đồng rời khỏi Kim Chung, tự mình thành lập đoàn Tân Hoa Lan, thì ông bầu Long chuyển Thanh Hải về đoàn Kim Chung 1 hát với các nghệ sĩ miền Bắc: Bích Hợp, Kim Chung, Huỳnh Thái, Ngọc Toàn...

Năm Mậu Thân 1968 bầu Long đưa Thanh Hải về đoàn Kim Chung 6, và cũng trong cái năm khốn khổ của cải lương này, anh ta chấm dứt hợp đồng với Kim Chung. Nói rõ hơn từ năm Mậu Thân nghệ sĩ mãn hợp đồng, bầu Long không kêu ký giao kèo trở lại như trước, ai ở ai đi cũng được, ông chẳng tha thiết gì. Đào kép ở lại phải trả lương tháng mà không có chỗ đứng thì chỉ lỗ lã thôi, bởi lúc ấy Kim Chung cho giải tán hết 4 đoàn, chỉ còn lại 2 đoàn hát cầm chừng cho có hát mà thôi, chớ không lẽ dẹp luôn.

Giữ lại 2 đoàn, một phần là để giúp đỡ những người mà từ lâu nay sống chết với Kim Chung, đặc biệt là những theo đoàn từ Bắc vào Nam. Làm kép chánh mà không được ký giao kèo, đồng nghĩa với không còn được trọng dụng, Thanh Hải tự ái nghỉ hát về nhà khoảng hơn 1 năm thì về đi đoàn Thái Dương 3 của bà Tiêu Thị Mai, chủ rạp Quốc Thanh. Lúc đó là năm 1970 và hình như Thanh Hải hát ngày nào lãnh lương bữa nấy chớ chẳng có giao kèo gì hết.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống