Saturday, October 24, 2015

Pic Linh Lê và Còn lại tiếng người hót đắng cay

Pic
Bích chương quảng cáo Buổi ra mắt tác phẩm Còn lại tiếng người hót đắng cay, tập thơ đầu tiên của nhà văn Linh Lê do NXB Hội nhà văn xuất bản.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

“Nỗi buồn của tôi nhuốm màu trên từng con đường lớn nhỏ, tôi cứ đi qua lại, đi vòng quanh mà chẳng nghe thấy nổi bất cứ âm thanh nào, chẳng nhìn rõ bóng dáng một con người nào. Nỗi buồn là những chuyến xe buýt, có rất nhiều ngày bước lên xe và cứ thế ngồi mãi cho đến bến cuối cùng, rồi lại chuyển sang một chuyến xe khác, rồi lại tiếp tục như thế…”

Đó là những giòng tự sự nằm kế bên mỗi bài thơ trong thi tuyển Còn lại tiếng người hót đắng cay, tập thơ đầu tiên của nhà văn Linh Lê do Hội nhà văn xuất bản. Với 25 bài thơ đi kèm theo mỗi bài là một đoạn viết ngắn hoặc gợi mở ý tưởng hình thành bài thơ hoặc đứng riêng, độc lập tuyên xưng các ý niệm về tình yêu của tác giả.
Pic
Nhà văn Linh Lê

Phố

Trên phố em về
Chiều tan trong nắng
Bóng người vội vàng
Xa vắng, xa vắng.
Trên phố em về
Hoàng hôn len lối
Hoa lảng vảng trời
Gió thổi, gió thổi.
Trên phố em về
Không ai đứng đợi
Mùa chưa kịp tới
Bàn chân bước vội
Phố em đi về
Ngày nghiêng bóng đổ
Trời tan giông tố
Tình trôi, tình trôi.

“Tôi thường hay thích viết về những điều mình chưa bao giờ khám phá hết được. Và thơ ca là một cách tuyệt vời nhất để diễn tả điều đó. Nhiều người đọc nghĩ tôi chỉ thích viết về tình yêu, chỉ thích tạo ra những cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Và sự thật là tôi cũng chỉ thích viết về tình yêu. Mặc dù càng sống, càng yêu, ý nghĩa thiêng liêng về tình yêu mà tôi từng biết cũng biến đổi đi ít nhiều.”…

“Tôi bị ám ảnh khá nhiều về cái chết. Ngay từ nhỏ, tôi đã luôn nghĩ rằng mình chẳng sống lâu được trên đời. Đường sinh đạo của tôi là một đường chỉ ngắn trơ trọi trong lòng bàn tay phải. Chính vì thế, trong những năm tháng tuổi thanh xuân của mình, tôi khó lòng từ bỏ những đam mê và ham muốn vị kỷ, mặc dù đôi khi những điều đó lại huỷ hoại chính tôi. Tôi luôn sống như thể ngày mai mình sẽ chết, và như một người sắp qua đời, tôi sẽ làm những điều còn dang dở.

Tình yêu cũng là một thứ như thế. Yêu mãi, yêu mãi, mà chẳng biết bao giờ thấy đủ, chỉ sợ một mai qua đời, vẫn chưa yêu được hơn mong chờ.”

PicBản thân Linh Lê cũng có như cầu tìm đến những giòng tự sự và làm cho các bài thơ rõ ý hơn bởi vì cả tập thơ này dường như chỉ một bài thơ, là một câu chuyện và Linh Lê cảm thấy bút pháp này rất cần thiết cho Còn lại tiếng người hót đắng cay. 
-Nhà văn Linh Lê
Chiều Singapore

Một chiều Singapore mặt trời đã tắt
Hương thầm lặng vương vấn mùi tóc bay
Em qua phố bàn chân ngây ngô lạ
Tìm lại người trong dáng một chiều say
Singapore, một chiều không còn nắng
Gió ngủ vùi trong tiếng mùa qua
Em đứng thế lặng yên cho chiều tàn
Dáng hao gầy tím một giấc mơ hoang
Singapore, một chiều không còn nữa
Đã hết rồi hương thầm trong nắng xưa
Hoàng hôn đã tím dài con phố
Em về rồi, giấc mơ đã qua chưa?

Có thể xem toàn bộ tập thơ Linh Lê chỉ viết riêng cho một người, một khuôn mặt tuy trong mỗi bài là một nỗi nhớ, một giận hờn hay than vãn rất riêng. Người yêu của Linh Lê mang khuôn mặt của phố, của chim, của tiếng cay đắng qua từng tiếng hót và trên nữa, người ấy vừa sát bên lại vừa xa lạ và lạnh lùng như viên đá cuội dưới giá lạnh mùa đông.

“Hai mươi hai tuổi, tôi gặp Định Mệnh. Hà Nội bắt đầu tàn hạ, nắng đã dịu trong những ngày đầu gặp gỡ. Định Mệnh, khi ấy là một gã trai phong lưu, đa tình, hài hước và cô đơn, lúc nào cũng cười một điệu quen thuộc, rất rạng rỡ và thân thiện. Ngày đó, chẳng hiểu sao tôi đã cảm nhận người có điệu cười như vậy lại thường rất cô đơn. Cười để cố tạo thành tiếng, cười để tạo thành những cuộc vui tạm bợ.

Tôi, hai mươi hai tuổi, cũng phong lưu, đa tình, vô cùng hài hước và quá đỗi cô đơn.”…

“Trong những lần cuồng nộ bản thân và trong những cơn say tình ủ ê, tôi trách bản thân mình đã làm khổ nhiều người vì Định Mệnh, nhưng sau cùng của tất cả, tôi nhận ra người khổ nhất, chính là tôi.

Định Mệnh của tôi, anh đã chứng kiến biết bao nhiêu lần tôi giãy giụa trong bế tắc, những lần hờn giận anh trong cơn đê mê tuyệt vọng. Vậy mà bao mùa xuân sắc trôi qua, chúng tôi vẫn là hai đường thẳng song song, chạy theo nhau, đợi nhau, mà chẳng rõ đợi điều gì”

linh-le-2-400.jpg
Tác phẩm Còn lại tiếng người hót đắng cay, tập thơ đầu tiên của nhà văn Linh Lê do NXB Hội nhà văn xuất bản. Photo courtesy of NXBHNV.
Anh Giết Em Rồi

Anh giết hồn em rồi, anh ơi
Hồn em đã tàn hương tinh khôi
Ai đem bóng tối luồn trong nắng
Tan giọt nắng tình buồn rơi rơi
Anh giết lòng em rồi, anh ơi
Anh đem mưa gió thổi hang tình
Ai xua con bướm chao nghiêng cánh
Khô khốc trong em một tiếng “trinh”
Tim em nát tan rồi, anh ơi
Cửa em anh vào tiếng buông lơi
Tim em nhầy nhụa dòng máu trắng
Màu trắng thành tinh trong em rồi.
Anh giết tất, giết tất ngây thơ
Cái hang tình em hoá dại khờ
Ai bảo em đem hồn trinh nữ
Dâng hiến cho anh lấy bọt tình.

Còn lại tiếng người hót đắng cay tuy là một tập thơ nhưng nhiều khi đọc nó người ta có cảm giác thơ rất chìm lắng trong không khí của tâm tình riêng bởi từng bài thơ được một dòng tự sự kèm theo, cùng rung động và chất chứa với chất văn xuôi nén chặt những mượt mà của một bút pháp xung sức, hào hễn thở sau mỗi lần rượt đuổi những ý tưởng bất chợt đến rồi đi trong không gian một mối tình nồng cháy.

“Tôi là một ả đàn bà luôn tồn tại bởi rất nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là trong tình ái. Tôi yêu một cách đầy mâu thuẫn và đối lập, mà có lẽ những người đàn ông đã từng yêu, từng bên cạnh tôi mới phần nào cảm nhận được điều này. Hầu hết những người đàn ông đến với tôi đều nói đôi câu nghe rất “chiều lòng” rằng:

Anh yêu em, vì chính con người em, không ai thay thế được.

Nhiều người đã nói thế, và tôi tin ở những khoảnh khắc tình yêu bất tận, đó là chân lý. Không phải sến sẩm đong đưa, không “trót lưỡi đầu môi”. Những người đàn ông yêu tôi, họ đã từng tin một cách mãnh liệt rằng mình “không thể yêu một người đàn bà nào khác, ngoài con người này.”

PicThứ nhất đây là tập thơ mà Linh Lê kể lại câu chuyện tình của mình nó ấp ủ trong tim của Linh Lê từ rất lâu rồi. Hai nữa Linh Lê cảm thấy đam mê và tình yêu của mình với thơ nó lớn hơn nhu cầu thị trường và bạn đọc cho nên một khi tình yêu nó lớn như thế thì Linh Lê quyết làm đến cùng vì tình yêu của mình. 
-Nhà văn Linh Lê
Còn lại tiếng người hót đắng cay có thể xem như một tác phẩm nỗ lực mang tới cho người đọc cách tiếp cận thơ ở hình thức tạm gọi là mới, tác giả như đang đứng kế bên phà hơi thở vào từng bài thơ như nhắc nhở, gợi ý ngay cả hướng dẫn nên đọc và cảm nhận bài thơ như thế nào.

Rõ ràng người đọc thơ không cần như thế vì có thể bài thơ sẽ bị lệch đi và không cho phép họ tự chiêm nghiệm và cùng sáng tạo lại theo sự cảm nhận của mình. Linh Lê, tác giả tập thơ cho biết lý do chị đặt những dòng tự sự kế bên mỗi bài thơ của mình:

“Thường khi đọc một tập thơ thì hiếm khi Linh Lê đọc hết vì vậy Linh Lê nghĩ ra cách tiếp cận mới để có thể thu hút và làm cho người đọc bị hấp dẫn qua câu chuyện của mình hơn và bản thân Linh Lê cũng có như cầu tìm đến những giòng tự sự và làm cho các bài thơ rõ ý hơn bởi vì cả tập thơ này dường như chỉ một bài thơ, là một câu chuyện và Linh Lê cảm thấy bút pháp này rất cần thiết cho Còn lại tiếng người hót đắng cay”.

Có thể gọi đây là một cố gắng làm mới nho nhỏ của Linh Lê về thơ của riêng mình và chị không ngại bước qua sợi giây vô hình căng ngang không cho phép tác giả can thiệp vào cách đọc của người đang cầm trang sách. Linh Lê không can thiệp, chị nhỏ nhẹ đề nghị một cách đọc khác về bài thơ với những dòng tự sự bên cạnh như chiếc que diêm rọi vào vùng xám trong thế giới thơ của chị.

Thành công hay không còn phải chờ thời gian thử nghiệm nhưng dám đặt chân xuống dòng nham thạch vừa nguội mặt sau một trận núi lửa cũng đủ cho người cầm trong tay “Còn lại tiếng người hót đắng cay” thích thú vì được gợi mở.

Thơ cũng như các loại hình nghệ thuật khác rất cần sự sáng tạo, thoát ra khỏi chiếc nôi ban đầu của bộ môn được gọi là nữ hoàng văn học, thơ cần đổi mới. Linh Lê tiếp sức sự đổi mới ấy chỉ trong hình thức nhưng dù sao cũng tạo được cảm giác khác lạ. Một điều nho nhỏ có thể gợi hứng cho những điều lớn hơn, đặc biệt trong hoàn cảnh người đọc thơ hôm nay ngày càng tách ra khỏi những bài thơ mang nỗi buồn dài hàng thế kỷ.

“Thực ra thơ bây giờ không phải là sự lựa chọn của nhiều người nữa kể cả tác giả. Người đọc và nhất là nhà xuất bản họ khá quan ngại khi chọn xuất bản một tập thơ bởi nó ảnh hưởng doanh thu của họ khá nhiều. Linh Lê nhớ một câu nói “xuất bản một tập thơ như là vứt những cánh hoa hồng xuống vực thẳm và chờ đợi tiếng vang vậy”. Thực sự khi mình có ý định ra mắt tập thơ Còn lại tiếng người hót đắng cay thì không biết có một tiếng vang nào đấy vọng lại với mình hay không hay có khi tiếng vọng lại cũng đầy đắng cay.

Lý do quan trọng hơn tất cả đối với những điều mà Linh Lê vừa trình bày thứ nhất đây là tập thơ mà Linh Lê kể lại câu chuyện tình của mình nó ấp ủ trong tim của Linh Lê từ rất lâu rồi. Hai nữa Linh Lê cảm thấy đam mê và tình yêu của mình với thơ nó lớn hơn nhu cầu thị trường và bạn đọc cho nên một khi tình yêu nó lớn như thế thì Linh Lê quyết làm đến cùng vì tình yêu của mình.

Điều cuối cùng Linh Lê muốn chia sẻ là sau 3 tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết ra mắt thì bản thân Linh Lê cảm thấy mình cần một gì đấy mới mẻ như một câu thơ của Nguyễn Đình Thi “gió thổi mùa thu hương cốm mới”. Linh Lê hy vọng tập thơ Còn lại tiếng người hót đắng cay này nó sẽ như cái hương cốm mới cho mình đề mình tĩnh tâm lại hoặc chững lại để có một cái gì đấy mới mẻ vượt qua chính bản thân mình về thể loại tiểu thuyết.”

Linh Lê tên thật Nguyễn Huyền Linh sinh năm 1986 và là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Hà Nội. Ba tác phẩm đưa chị vào thế giới văn chương là Không khóc ở Kuala Lumpur, Mùa mưa ở Singapore, và rồi  Người tình Sài Gòn đã ít nhiều nâng chị lên vị trí một người viết văn có độc giả.

Còn lại tiếng người hót đắng cay là tập thơ đầu tay của Linh Lê tuy chỉ là một bước chân dọ dẫm vào khu vườn đa sắc của thi ca nhưng tác giả đã tỏ ra tự tin trong từng bài thơ của mình, bởi chúng là tiếng hót đắng cay của chị về tình yêu, về suy tưởng, hạnh phúc cũng như đớn đau luôn dằn xé con người. Con người được thượng đế tái tạo qua tiếng hót và đôi cánh của loài chim, chạy nhảy tung bay, nhiều khi chao đảo trong vùng ánh sáng của tình yêu đôi lứa.

Liên quan:
  Pic Linh Lê và "Người tình Sài Gòn"


No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống