Sunday, November 8, 2015

Lời nói dối vĩ đại

Pic
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vào sáng ngày 6/11/2015.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Từ khi các trang blog cá nhân bị chính quyền đàn áp bằng biện pháp cầm tù người chủ, thì mạng xã hội lan ra thay thế một cách nhanh chóng và ngày một tăng theo cấp số nhân. Với mạng lưới kết nối toàn cầu, mỗi một thành viên có thể yên tâm rằng từng câu chữ của mình trên Facebook sẽ kết nối với hàng ngàn người khác và từ đó hình thành một đám đông tương tác với nhau để nhân rộng ra một vấn đề có sự quan tâm chung.

Vấn đề mới nhất làm Facebook tiếng Việt nóng lên từng ngày là chuyến viếng thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ngay khi nguồn tin được xác định, một màu đỏ tràn lan trên từng account. Người ta biểu tình trên mạng, làm thơ chống Tập Cận Bình trên Facebook, tìm và gửi thông tin việc người biểu tình bị đánh đập, bị tạm giam hay ngay cả tiếng đại bác đầu tiên nổ tại Phủ chủ tịch thì Facebook cũng truyền đi ngay lập tức. Sức lan tỏa chóng mặt với tốc độ ánh sáng cho thấy vai trò của mạng xã hội khó lòng thay thế.

Người dân không được ngồi nghe ông Tập nói như các đại biểu quốc hội nhưng việc làm thơ gửi cho ông Tập thì không ai có thể cấm, nhất là nhà thơ ấy lại là Bùi Chí Vinh, một thi sĩ của những ngôn từ chát chúa và gai góc:

Thơ đọc trước mặt Tập Cận Bình

Không bao giờ tin. Lịch sử chứng minh hàng nghìn năm nay là cái máu đại hán họ ăn sâu vào dân tộc của họ rồi. Mao Trạch Đông từng nói một câu trước Bộ chính trị Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ vươn ra với thế giới bằng con đường Đông Nam Á và ông ta sẽ nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trung Quốc mượn đường. 
-Ngô Nhật Đăng
Không ai chuẩn bị về chiến tranh

Đất nước mỗi ngày quên thời sự

Anh em một nhà nhìn nhau như thú dữ

Bà mẹ Việt Nam 40 năm ăn mày

Thơ thời bình giống tiệm đồ chay

Gia vị bị thiếu đi mùi mặn

Đồng tiền bây giờ như viên đạn

Bắn vào cháy nám hết lương tri

Khi tình hữu nghị biên giới lỡ chạm ly

Biển và đất chạm nhau cái chát

Chiếc ly vỡ trăm ngàn hạt cát

Cứa trong tim tiếng sóng rì rầm

Bàn hòa đàm Trung – Việt ở độ âm

Là lúc ấy đá ngầm có lửa

Trường Sa ngứa trước vòng vây bầy sứa

Thương thịt da dân tộc vốn nghèo

Nào cùng xuống đường hỡi tuổi trẻ đang yêu

Nghị quyết duy nhất là trái tim chảy máu

Những chiếc mũ chụp đã biến thành trơ tráo

Nỗi nhục tràn lên bỗng hóa sóng thần

Không thể để cho người chết hai lần

Trước sự triều cống hai lần trong lịch sử

Bốn ngàn năm cha ông chưa do dự

Lẽ nào bây giờ con cháu bán quê hương

Lẽ nào không dám hô “SÁT THÁT”

Mỗi tấc quê hương chứa đá ngầm

Đội quân xâm lược từ phương Bắc

Chưa biết người Nam có vết xăm!

“Thượng khách hồi đầu”

tap-can-binh-622
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) duyệt hàng quân danh dự trong buổi lễ chào đón tại Hà Nội vào ngày 05 tháng 11 năm 2015.
Ông Tập đến và được chính phủ chiêu đãi trọng thể trong Cung Vua Phủ Chúa, nhưng người dân cũng có cách tham gia vào việc nấu nướng, mặc dù món ăn có thể làm cho ông dị ứng. Những món ăn độc đáo tràn lan trên Facebook do tờ Người Đô Thị Online nhanh chân đăng bài viết của Người già chuyện, tổ chức một kỳ thi nấu ăn để chiêu đãi cho ông Tập và hãy nghe cuộc chơi có tên Cuộc thi nấu ăn Cái Muỗng Bạc 2015 ấy với món dự thi đặc sắc có tên “Thượng khách hồi đầu”.

“Cuộc thi nấu ăn Cái Muỗng Bạc 2015 đã vào đến vòng chung kết với chủ đề “Đại tiệc đãi thượng khách”. Thực đơn dự thi ê hề sơn hào hải vị vì ban tổ chức đã nhấn mạnh phải giả định thực khách là nguyên thủ các cường quốc hàng đầu thế giới. Nhưng dù đã nếm qua từ phở bò biển Côn Đảo đến gỏi thịt công Trường Sơn, ban giám khảo vẫn chưa hài lòng.

Tới thực đơn cuối cùng: “Thượng khách hồi đầu”, vì bốn món của thực đơn này đều vô cùng lạ lẫm nên ban giám khảo cứ đùn đẩy nhau mà không ai dám nếm thử, đành gọi đầu bếp lên hỏi cho chắc:

- Anh hãy giải thích vì sao món khai vị có tên “Ải xưa lưu dấu”? Món này nguyên liệu là chi?

- Thưa, món này chính là gỏi cá sông Bạch Đằng trộn hành Nam Quan.

- Ra vậy, còn hai món chính: “Cát vàng thương nhớ” và “Cát dài nhớ thương”?

- “Cát vàng thương nhớ” là bánh dày nhân thịt cá ngừ Hoàng Sa, còn “Cát dài nhớ thương” là bánh chưng gói lá bàng Trường Sa.

Ban giám khảo nghe vậy thì yên tâm cầm đũa thưởng thức các món ăn đẫm hồn quốc túy. Nếm xong, định dùng tới món cuối là tráng miệng “Hữu phúc đáo tụng đình” thì đầu bếp giơ tay cản:

- Xin các vị hãy cân nhắc trước khi nếm món này, vì đây là một món ăn vô cùng đặc biệt, được làm bằng khoai tây Trung Quốc trộn nước miếng kiến Phi Luật Tân!

Toàn ban giám khảo thét lớn:

- Viển vông! Khoai Trung Quốc vô cùng độc hại, sao dám mang đãi thượng khách?

Đầu bếp từ tốn trả lời:

- Độc sao bằng nước miếng kiến Phi. Loài kiến này tuy nhỏ nhưng nước miếng nó dư sức trị được khoai Trung Quốc, dĩ độc trị độc thành vô hại. Món này chỉ độc với những ai có cái lưỡi bất thường, thí dụ như lưỡi... chín đoạn thì ăn vào sẽ...

Tất cả giám khảo hồi hộp:

- Sẽ thế nào?

- Sẽ ói ra cho bằng hết những thứ đã nuốt vào, từ Nam Quan, Hoàng Sa cho đến Trường Sa!

Toàn ban giám khảo đồng thanh: “Giải nhất!”

Có điều chắc chắn là chủ tịch họ Tập không đủ tự tin đem vấn đề Biển Đông ra nói trước Quốc hội Việt Nam vì ông ta biết tuy im lặng nhìn lãnh đạo ứng xử với Trung Quốc một cách tùy tiện nhưng bài học xâm lược Việt Nam mới nhất vẫn nằm trong tim của từng người Việt.

Ông không nhắc tới đề tài nhạy cảm ấy nhưng lại chuẩn bị kỹ lưỡng cho một tình huồng khác trên đất liền, ông Ngô Nhật Đăng, một nhà báo tự do cho biết nhận xét sau khi theo dõi những gì mà ông Tập tuyên bố:

“Ông ta không đá động vấn đề Biển Đông nhưng trên bộ thì nói cùng nhau khai thác thác Bản Giốc, cùng nhau lập khu tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân. Như ta đã biết vào năm 1979 tất cả các tỉnh biên giới với Trung Quốc đều tràn sang được riêng khu vực sông Bắc Luân ta gọi là bãi Lục Lầm nó như là một con dao chọc vào yết hầu ngang trấn Đông Hưng cái huyện tiền đồn mà nó quản lý. Nó không chế Đông Hưng và khống chế tỉnh Quảng Ninh không sang được và Việt Nam dùng Lục Lâm đó để phản công.

Có một chi tiết là hiện tại khu vực cửa Bắc Luân Lục Lâm đó đã là khu vực tự do đi lại giữa hai nước và chúng ta nhìn thấy rằng một là Trung Quốc lấn chiếm hai là trên tầng lớp cao nhất của Việt Nam đang bán nước và người ta ngày càng đặt vấn đề về câu chuyện Thành Đô năm 90 là có thật.”

Mấy ông Quốc hội Việt Nam ngồi đó nhưng hoàn toàn chẳng biết Vương Bột là ai và tại sao như thế bởi vì có học đâu mà biết? Các ông ấy chỉ nghiên cứu Mác Lê Nin, khi nghe nói Lê Nin điện khí hóa một bước thì biết, chứ ai nói đến Vương Bột thì từ Nguyễn Sinh Hùng trở đi đều không biết gì cả. 
-GS Ngô Xuân Thọ
Trong bài phát biểu được chờ đợi trước Quốc hội người dân Việt Nam bất ngờ nghe ông tuyên bố rằng dân tộc Trung Hoa là một dân tộc hòa hiếu. Bản tính hòa hiếu nằm trong gene của từng người và cái gene ấy chưa bao giờ biến dạng.

Có lẽ đây là lời nói dối vĩ đại nhất của một ông vua Trung Quốc nói với thần dân của mình hơn là trước một quốc hội ngoại quốc không biết tiếng Hoa. Nói dối không chớp mắt và chính bản thân của ông có lẽ cũng khó mà tin rằng ông nói dối được với trình độ như thế.

Mặc dù chưa học hết lịch sử dân tộc, các cháu học sinh tiểu học nếu nhanh trí một chút sẽ thấy khuôn mặt của ông Tập Cận Bình là khuôn mặt của con cáo đang lừa cô bé quàng khăn đỏ trong khu rừng trên đường cô về nhà. Sự táo tợn và dối trá ấy hơn 90 triệu người Việt Nam đã thấy rõ từ thời “cổ đại” và ngay cả những người ủng hộ ông ta nhất trong hệ thống cai trị của Việt Nam cũng thừa biết ông ta nói dối.

Một lần nữa nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận xét:

“Không bao giờ tin. Lịch sử chứng minh hàng nghìn năm nay là cái máu đại hán họ ăn sâu vào dân tộc của họ rồi. Mao Trạch Đông từng nói một câu trước Bộ chính trị Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ vươn ra với thế giới bằng con đường Đông Nam Á và ông ta sẽ nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trung Quốc mượn đường. Chúng ta đã thấy ngay từ lúc thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa khi Mao lên cầm quyền cái con đường thôn tính Việt Nam để mở đường ra thế giới đã được ấp ủ từ ngày đó.

Tập Cận Bình nói thế là điều hoàn toàn không ai có thề tin được. Một người có một chút hiểu biết về lịch sử cũng không hề tin.”

Kết thúc bài phát biểu đọc trước Quốc hội, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, đã viết câu thơ “núi cao lên đến tận cùng, thu vào tầm mắt muôn trùng nước non" và ông Tập nhắc khéo rằng đây là bài thơ từ thời Đường của thi hào Vương Bột đã từng nói “lên tận đỉnh núi Thái Sơn, muôn ngàn ngọn núi hình dáng hiện ra”.

Nghe những câu thơ có vẻ xa lạ nhiều đại biểu không mấy hứng thú bởi nhiều lẽ, thứ nhất không ai dự kiến một bài diễn văn có kèm Thơ Đường  khi tình hình biển Đông như gai nhọn nằm trên từng chiếc ghế. Thứ hai, gần 500 con người lo căng mắt, căng tai hồi hộp theo dõi có câu từ nào xâm phạm Việt Nam hay không thì câu thơ mà ông Tập cố tranh thủ trở thành lạc điệu, do đó không ai lấy làm lạ khi không có một tiếng vỗ tay nào từ ghế của 500 người tham dự.

Giáo sư Ngô Xuân Thọ cho biết nhận xét của ông về hiện tượng im lặng này theo một cảm nhận khác:

“Mấy ông Quốc hội Việt Nam ngồi đó nhưng hoàn toàn chẳng biết Vương Bột là ai và tại sao như thế bởi vì có học đâu mà biết? Các ông ấy chỉ nghiên cứu Mác Lê Nin, khi nghe nói Lê Nin điện khí hóa một bước thì biết, chứ ai nói đến Vương Bột thì từ Nguyễn Sinh Hùng trở đi đều không biết gì cả. Nói cái kiểu đó thì người ta chả biết gì cả bởi vì trình độ văn hóa các ông ấy quá thấp. Nhiều ông không đọc gì cả kể cả Mác Lê nin thì các ông có đọc đâu?”

Thật khác với hai lần đọc thơ trước đây của các nguyên thủ Hoa Kỳ. Lần thứ nhất khi tổng thống Bill Clinton tới thăm Hà Nội vào năm 2000, trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến Việt Nam ấy ông Bill Clinton đã trích thơ Nguyễn Trãi và "lẩy" Kiều.

“Sen tàn cúc lại nở hoa.

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”

Người thứ hai là Phó Tổng thống Joe Biden cũng dùng thơ của Nguyễn Du để vuốt ve người Việt khi kết thúc bài phát biểu tại cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi ấy Phó Tổng thống Biden đã dẫn câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai phát triển của đối tác toàn diện Mỹ-Việt Nam:

"Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời"

Hai cung cách đọc thơ, hai hoàn cảnh để lẩy thơ Kiều cho thấy trình độ của những lãnh đạo của một nước dân chủ, được tư vấn cặn kẽ văn hóa của đối tác và từ đó chiếm ngay cảm tình của người dân nước ấy.

Ông Tập Cận Bình không cần tư vấn cũng biết rõ đảng của ông muốn gì. Mặc dù không được mời phát biểu tại quốc hội vì theo đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho báo chí biết chính phía Trung Quốc yêu cầu được phát biểu. Bài phát biều của ông do đó được nhìn dưới hai lăng kính: thứ nhất, ông tranh thủ được nói với đại biểu quốc hội Việt Nam rằng văn hóa của người Việt đã lệ thuộc sâu nặng bởi văn hóa Trung Hoa. Từ suy nghĩ đến hành động cho tới cách thẩm thấu văn chương cũng mang đậm bản sắc của phương Bắc.

Thứ hai ông không dùng thơ Kiều như các Tổng thống Hoa Kỳ đã dùng bởi đã từ lâu Trung Quốc vẫn cho rằng truyện Kiều là của Thanh Tâm Tài Nhân, một người tiều thuyết gia Trung Hoa, và Nguyễn Du chỉ là người viết lại theo cung cách Việt Nam.

Còn những áng văn bất hủ khác của Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, hay Đoàn Thị Điểm chẳng hạn thì làm sao ông Tập dám trích dẫn? Không lẽ lại đem những dòng thơ chống Hán ra đọc?

Về nước, nằm nghĩ cạn cùng ông cũng không thể hiểu tại sao trong khi ông thao thao bất tuyệt tại diễn đàn quốc hội, móc hầu bao tặng không cả tỷ nhân dân tệ cho Hà Nội nhưng ngoài kia dân chúng vẫn đưa tay lên trời nặng lời chống đối?

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống