Saturday, February 21, 2015

Đi bộ vận động cho Sách hóa nông thôn Việt Nam

d
Anh Nguyễn Quang Thạch, người đã bỏ công sức trong suốt tám năm qua để xây dựng mạng lưới sách hóa nông thôn.


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Đi bộ từ Hà Nội đến Sài Gòn để vận động
Sáng mùng Một tết năm Ất Mùi 2015, trong lúc cả nước tưng bừng vui xuân đón Tết thì người thành lập chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam lại bắt đầu một chuyện đi bộ từ Hà Nội đến Sài Gòn nhằm vận động người dân tham gia chương trình mang sách về nông thôn. Anh là Nguyễn Quang Thạch người đã bỏ công sức trong suốt tám năm qua để xây dựng mạng lưới sách hóa nông thôn và mạng lưới ấy đang mỗi ngày một năng động hơn, hiệu quả hơn và nhất là được nhiều người hưởng ứng hơn.
Sáng mùng hai Tết, Từ Hà Nội anh Nguyễn Quang Thạch nói với chúng tôi:
“Tôi đã xuất phát vào lúc 11 giờ 20 sáng tại Phố Ngọc Khánh Hà Nội. Trước khi đi tôi có đến nhà cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh để tặng sách cho mọi người và thắp hương cho cụ. Chuyến đi của tôi gồm những mục tiêu như thế này. Sau 18 năm đeo đuổi chương trình sách hóa nông thôn bằng các nghiên cứu lý thuyết cá nhân cũng như đưa ra áp dụng ở thực địa. Sáng hôm qua (mùng một tết) rất nhiều người đội mưa đội nắng đến tiễn tôi. Đặc biệt tối ngày 30 và mùng 1 tết thì tôi có những tình nguyện viên đã đi phát được 700 cuốn sách để phục vụ và lan truyền hình ảnh tặng sách trên mạng xã hội.
Lúc hàng triệu người đang vui vẻ ăn tết thì tôi đi vào ngày mùng một tết để đưa thông điệp cho xã hội rằng chúng ta làm gì thì làm phải coi dân trí là nền tảng phát triển cho quốc gia, phải coi thư viện là xương sống cho sự phát triển của đất nước.
-Anh Nguyễn Quang Thạch
Lúc hàng triệu người đang vui vẻ ăn tết thì tôi đi vào ngày mùng một tết để đưa thông điệp cho xã hội rằng chúng ta làm gì thì làm phải coi dân trí là nền tảng phát triển cho quốc gia, phải coi thư viện là xương sống cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta cần xây dựng hệ thống thư viện rộng khắp đến từng gia đình, từng dòng họ, từng lớp học để người dân khắp mọi nơi có cơ hội tiếp nhận tri thức.”
Trong không khí mùa xuân, mùa của đâm chồi nảy lộc, chuyến khởi hành vận động sách như một mầm hy vọng toát ra từ ước vọng tri thức lan tỏa khắp làng quê để từ đó mùa xuân dân tộc sẽ thành hình bởi những việc làm tuy nhỏ bé nhưng đầy thách thức: vận động dư luận hướng về cái trí thay vì bao tử như thường thấy. Việc làm đầy tham vọng nhưng thực tiễn nhằm khai tâm cho người dân cùng khổ để họ hiểu ra điều cần làm và đóng góp công sức xây dựng đất nước, quê hương:
“Một ngày tôi đi 20 Km, một tuần tôi nghỉ một lần. Trong quá trình đi tôi cố gắng viết sách, viết báo nữa. Viết sách để góp phần thay đổi tư tưởng người Việt. Chúng ta muốn có một quốc gia cường thịnh thì chúng ta phải trung thực, nhân văn và sáng tạo. Nói thẳng ra sau hàng ngàn năm phong kiến do tác động của nho giáo các ông Tiến sĩ ở Quốc Tử giám cũng chẳng để lại một di sản gì cho nhân loại hết.”
Khi được hỏi động lực nào đã thúc đẩy một thanh niên dám bỏ cả tuổi xuân để dấn thân vào công việc đầy gian nan này, Nguyễn Quang Thạch chia sẻ:
“Cái này thì nó có hai yếu tố. Về mặt truyền thống thì trước những năm 30, em ông nội tôi đã bán ruộng đất để làm trường cho người dân trong xã học. Ông nội tôi đưa những người Tây học bên bà nội về dạy cho họ hàng, xóm làng, con cháu. Thậm chí con nhà cày ruộng là tá điền của ông nhà tôi cũng được đến học ngang hàng với bố tôi. Ông nội tôi quan niệm cho con gái con trai đi học như nhau. Thế hệ cha tôi thì bố tôi dành 20 năm dạy toán miễn phí ở quê và giúp cho rất nhiều học sinh học yếu, học kém trở thành các kỹ sư, cử nhân mà thấp nhất là thành một ông nhân viên nhà hàng rất thường xuyên đọc sách!
nguyen-quang-thach-400.jpg
Anh Nguyễn Quang Thạch (phải) trong một lần biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông trước đây. Citizen photo.
Thứ nữa trong quá trình sống lăn lộn ngoài đời quá sớm tôi gặp quá nhiều khuyết tật của người Việt mình nói chung, thực ra nó nằm trong tiềm thức cộng đồng rồi. Tiềm thức của dân chúng là vô cảm ưa dối trá, nó thuộc những thành ngữ đã được đúc kết như “buôn gian bán lận” hoặc “dân thì gian quan thì tham”. Những thứ đó nằm trong đời sống văn hóa, nằm trong tiềm thức xã hội quá lâu, tôi nghĩ là chúng ta phải tìm cách thay đổi nó bằng cách đưa tri thức vào. Có một thứ làm cho xã hội ta khó phát triển là chủ nghĩa kinh nghiệm cộng với nho giáo nó ăn vào trong tiềm thức, trong đời sống dân chúng. Chẳng hạn như người ta không thích sự khác biệt, ai mà đưa ra ý tưởng mới khác với đám đông là chỉ trích ngay.
Muốn phá bỏ thực trạng ấy trong xã hội phải tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng sự sáng tạo thì chúng ta phải có tri thức của người Anh người Mỹ, người Pháp, người Đức… để đưa vào tiềm thức cộng đồng nói chung, đưa vào bộ não của cá thể nói riêng để tạo ra một gía trị mới, tinh thần mới, nền tảng mới để kích thích cho một đất nước phát triển mạnh dựa trên sự trung thực, chân chính. Sự giải trình và tinh thần cống hiến phụng sự tổ quốc và nhân loại.”

Có ích cho đời, cho người

Cống hiến nào cũng phát sinh từ một ý tưởng có ích cho đời, cho người. Cống hiến tâm trí, sức lực để mang sách về nông thôn đối với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay không những là thử thách mà còn là một sự đấu tranh, đấu tranh với cái dốt, cái vô cảm và lề thói xấu xa hình thành từ bao đời nay chung quanh lũy tre làng kín bưng từ phong kiến tới thực dân rồi độc tài toàn trị.
“Chuyến đi này tôi muốn kêu gọi, thứ nhất là kêu gọi tất cả cha mẹ học sinh tại nông thôn, những người xa quê hãy mang sách về từng lớp học để con trẻ nông thôn được đọc sách như trẻ Hà Nội trẻ Sài Gòn và trẻ nước ngoài. Thứ hai nữa tôi mong muốn thầy cô giáo nông thôn hãy hỗ trợ cho con trẻ đọc sách vì tuổi thơ những thầy cô giáo đó không có sách để đọc thì bây giờ phải cố gắng bổ khuyết cho thế hệ trẻ.
Thứ ba nữa, tôi mong muốn Bộ Giáo dục đào tạo ra chủ trương nhân rộng tủ sách phụ huynh trên toàn quốc. Chỉ cần chủ trương thôi, khi có chủ trương rồi thì sẽ xã hội hóa. Những nhóm như của bọn tôi và những nhóm khác người ta sẽ đưa sách về nông thôn và nhà nước không mất một đồng ngân sách nào. Thứ tư, tôi kêu gọi Hội Khuyến học Việt Nam đưa tủ sách vào Hội Khuyến học ở nông thôn để kích thích lượng tủ sách tăng lên nhiều hơn… Thứ năm, tôi kêu gọi Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nhân rộng tủ sách để tất cả thành viên trong xã hội các tin đồ có sách đọc tạo tác động cho các tôn giáo khác.
Tôi mong muốn 500 nghìn người Việt Nam trong nước và nước ngoài hãy góp cho chương trình chúng tôi mỗi năm khoảng 12 cuốn sách tương đương 240 nghìn đồng để chúng tôi làm được ba việc như sau: thứ nhất chấm dứt tình trạng thiếu sách ở nông thôn vào năm 2017 đã kéo dài quá lâu. 
-Anh Nguyễn Quang Thạch
Cuối cùng tôi mong muốn 500 nghìn người Việt Nam trong nước và nước ngoài hãy góp cho chương trình chúng tôi mỗi năm khoảng 12 cuốn sách tương đương 240 nghìn đồng để chúng tôi làm được ba việc như sau: thứ nhất chấm dứt tình trạng thiếu sách ở nông thôn vào năm 2017 đã kéo dài quá lâu. Chúng tôi lập ra các câu lạc bộ khoa học cho cấp I, II và III để nuôi dưỡng tinh thần đam mê khoa học cho nước nhà. Một việc nữa là chúng tôi lập ra câu lạc bộ tiếng Anh ở các trường để cải thiện việc học tiếng Anh ở nông thôn.”
Anh Nguyễn Quang Thạch không chỉ đi mà còn viết, ghi lại những ý tưởng cũ mới để hoàn thiện 5 mô hình sách hóa nông thôn mà nhóm của anh đang theo đuổi, tham vọng đem sách về nông thôn từng bước đang khẳng định sự đúng đắn của nó:
“Cuối chuyến đi này tôi sẽ tài liệu hóa chương trình sách hóa nông thôn với 5 mô hình mà chúng tôi đã áp dụng thành công để chia sẻ với các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế như Ấn độ chẳng hạn, Ấn Độ có 250 triệu trẻ em chưa có sách đọc. Tôi sẵn sàng tới Ấn Độ đi bộ vài ngàn Km để có thể kêu gọi sách cho trẻ như đã từng làm cho tỉnh Thái Bình trong 4 năm nay.
Ở những trường điển hình tại Thái Bình như trường An Dục, Bình Phủ Thái Bình một năm mỗi học sinh đọc 40 đầu sách bằng đúng như học sinh phương Tây. Học sinh phương Tây mỗi năm người ta dành 12 nghìn phút để đọc sách. Các em ở Thái Bình đọc được khoảng 8 nghìn trang sách tương đương 40 đầu sách.”
Nói về chiến lược mời gọi cộng đồng tham gia chương trình anh Thạch cho biết đoạn đường mà anh và những người cộng tác đã trải qua:
“Chiến lược của tôi là đánh thức nguồn lực cộng đồng ở địa phương đưa ra mô hình mà ai ai cũng làm được. Khoảng 100 nghìn cha mẹ học sinh Thái Bình người ta đã góp một năm 50 nghìn để mua sách cho con cái họ đặt trong lớp học. Một người 50 nghìn nhưng con cái họ đọc được 2 triệu tiền sách vì là tập thể. Tôi chỉ mong mỗi người góp 240 nghìn mỗi năm để tạo tinh thần chia sẻ trong đại chúng một cách rộng lớn, trong 3 năm qua làm thí điểm mô hình góp tiền mua sách về nông thôn thì có người góp 40 triệu, người 10 triệu người 5 triệu… hầu hết là doanh nhân và một số công chức nhà nước.
Về mặt chính quyền thì họ ủng hộ bằng cách đưa ra chủ trương nhân rộng ra toàn huyện, chẳng hạn giống như huyện Quỳnh Phụ, Thái Thủy của Thái Bình. Khi chính sách đưa ra thì người ta mới huy động được nguồn lực của người dân để cùng với chính quyền sử dụng hệ thống nhà trường đã có, lớp học đã có và đặt tủ sách vào đấy và học trò lại trở thành những thủ thư rất chuyên nghiệp.
Nói chung sau 8 năm áp dụng thì chương trình sách hóa nông thôn chương trình chúng tôi đã đạt được kết quả rất rõ ràng xã hội thực sự đã có những nhóm người thay đổi. Nhiều trường học tại Hà Nội cha mẹ góp sách cho lớp học để con cái và bạn bè trong lớp chia sẻ với nhau, nó hình thành tinh thần chia sẻ ngay từ lớp học.
Trên mặt toàn cục thì được ủng hộ rất nhiều, cả những người Việt ở nước ngoài như cô Nga Thi đang làm cho Bộ hưu trí Canada, cô đã đi bán bánh mì vào cuối tuần để góp cho chương trình của tôi 40 triệu rồi chị Nguyễn Cẩm Vân ở Hà Lan cũng đã góp cho chương trình 10 triệu đồng.”
Điểm đáng nói ở đây chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam mở ra cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài tham gia qua cách đóng góp rất rõ ràng và hợp lý. Nguồn tiền gửi về mặc dù rời rạc và nhỏ lẻ nhưng sẽ tránh được điều tiếng không hay đối với một chương trình to tát đang được định hình:
“Những người Việt ở nước ngoài họ nên gửi thẳng 50 hay 100 đô la về chính làng quê của họ nhờ một người quen nào đó đưa về các trường học, các giáo xứ các nhà chùa hay các gia đình cá thể nào đó sẵn sàng làm tủ sách phục vụ lối xóm họ hàng cộng đồng thì hay hơn. Chiến lược của tôi là mỗi người tự nhân rộng mô hình của tôi và chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật. Gọi điện cho tôi hay e-mail, Facebook.”
Sự e ngại, thành kiến đã in hằn quá sâu trong lòng người xa xứ với rất nhiều lý do không thể phủ nhận sẽ ngăn trở sự góp sức nâng cao dân trí cho người sống ở nông thôn. Biết và thấu hiểu điều này, người sáng lập chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam chia sẻ:
“Tất nhiên tất cả gia đình trong chúng ta đều có nỗi buồn trong quá khứ chẳng hạn như gia đình nhà tôi trong cải cách ruộng đất bị rất nặng. Rồi cũng có những người di cư sang Pháp sang Mỹ hay Thụy Sĩ. Ta nên cố gắng quên đi cái quá khứ đau buồn của đất nước mình để hướng về tương lai. Nắm tay với người Việt trong nước kể cả nắm tay với chính quyền để tạo ra một hệ thống thư viện rộng khắp trên toàn quốc thì dần dần chúng ta sẽ có một sự thay đồi tích cực.
Thông điệp năm nay chúng tôi đưa ra trong sách hóa nông thôn “Vì một Việt Nam nhân văn và sáng tạo”.
Trong nhân văn thì có giá trị bao dung, giá trị hòa giải, giá trị chia sẻ. Trong sáng tạo thì có tinh thần tự do thì mới sáng tạo được. Con người có tố chất nhân văn trong người cộng với năng lực sáng tạo thì sáng tạo phải có trách nhiệm với xã hội, với nhân loại.”
Những nỗ lực của anh Nguyễn Quang Thạch đang được cả nước biết tới thông qua báo chí và ngay cả kênh truyền hình nhà nước. Người thanh niên ấy nay đã từng bước tiến vào tâm điểm ước vọng của mình. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 40 tuổi của anh, con người sinh ra vào năm 1975 ấy đã làm được một việc ý nghĩa để có thể hãnh diện là một người mang năm sinh đầy bi kịch của đất nước.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống