Saturday, March 26, 2016

“Anh Ba Sàm”

Pic
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Đầy đủ và chân thực

Trước phiên tòa xét xử anh  Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh một ngày, nhà xuất bản Hà Nội trẻ đã tổ chức ra mắt cuốn sách có tên “Anh Ba Sàm” và thu hút được một số người yêu mến blogger này tham dự. Cuốn sách được mô tả như một cáo trạng tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam bằng cách tập trung các bài viết sau khi anh Nguyễn Hữu Vinh bị bắt và trang blog do anh tạo ra bị cáo buộc là tuyên truyền phản động. Cuốn Anh Ba Sàm hẳn nhiên không phải là một tác phẩm văn chương mà nó có thể xem là một tập hợp các tài liệu cho người đọc hiểu biết hơn về một con người, một nhân vật khá đặc biệt, chấp nhận từ bỏ mọi ưu đãi của chế độ để dấn thân vào con đường mở mang dân trí cho người dân trong lúc Internet đang thay đổi cuộc sống con người Việt Nam.


Cuốn sách nhỏ này được biên soạn và xuất bản với mong muốn phản ánh đến bạn đọc hình tượng một Anh Ba Sàm cũng như bản chất vụ án một cách đầy đủ và chân thực nhất. 

-Lời nhà xuất bản
Internet trở thành công cụ sắc bén dưới tay bloger Ba Sàm với trang blog của anh tập trung các bài viết khắp thế giới có liên quan trực tiếp đến tự do dân chủ và nhân quyền cho đất nước. Bên cạnh đó không thể không nói tới những bài viết có yếu tố Trung Quốc do các chuyên gia về Biển Đông hay từ các cây viết uy tín sắc sảo trong và ngoài nước. Những trang viết này đã có sức hấp dẫn lớn lao tới người Việt đến nỗi trong những thời khắc quan trọng nhất nó được hàng trăm ngàn lượt truy cập mỗi ngày.

Cuốn sách minh họa lại diễn tiến việc bắt giữ anh với các bài viết của Phạm Đoan Trang, Trịnh Hữu Long, Hoàng Xuân Phú cũng như Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Lân Thắng, Lưu Văn Minh, Nguyễn Xuân Cần và Nguyễn Trung Dũng. Những bài viết với nhiêu góc cạnh từ luật pháp tới những kỷ niệm đời thường cộng với hình ảnh của anh Ba Sàm làm thành một bức tranh toàn cảnh một vụ án làm cả thế giới theo dõi.

Từ trang mở đầu, vợ anh Ba Sàm là chị Lê Thị Minh Hà có một bức thư, không phải để nói lên sự thương nhớ, đau khổ vì chồng mà chính bức thư này lại là tiếng chuông tố cáo chế độ của một người vợ, người bạn đồng hành cùng anh. Nói về “bức thư của một người vợ” chị Minh Hà cho biết:

“Xuất phát đầu tiên không phải là việc viết thư cho một ai đấy mà quan trọng nhất là lúc đó vào thời điểm tôi viết bức thư thì chưa có một ai vẽ ra được anh Ba Sàm là gì, anh Ba Sàm là ai. Thực ra bức thư ấy là diện mạo của anh Ba Sàm và tôi viết dưới dạng một bức thư để cho mọi người cùng hy vọng lúc ấy giới thiệu cho mọi người như các nghị sĩ trong lúc tôi đi vận động nước ngoài, cho các nghị sĩ ở Đức cũng như ở Mỹ thì tôi viết thư trong tâm trạng đấy.”

image003-620
Ông Martin Patzelt, dân biểu thành viên của Ủy ban Nhân quyền tại Quốc hội Liên bang Đức đến VN tham dự phiên xử blogger Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự của ông là chị Nguyễn Thị Minh Thúy. (Ảnh chụp tại buổi ra mắt sách Anh Ba Sàm ở Hà Nội hôm 22/3/2016)
Trong Lời nhà xuất bản có một đoạn giới thiệu: “Cuốn sách nhỏ này được biên soạn và xuất bản với mong muốn phản ánh đến bạn đọc hình tượng một Anh Ba Sàm cũng như bản chất vụ án một cách đầy đủ và chân thực nhất. Nó bao gồm các bài viết của nhiều tác giả khác nhau, nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau của vụ án. Mục đích của nó cũng là hướng tới xóa bỏ sự sợ hãi để “Phá Vòng Nô Lệ”: Khi hiểu biết hơn, người ta sẽ bớt sợ hãi hơn.”

“Phá vòng nô lệ” được xem là slogan của trang blog Ba Sàm. Nô lệ từ ý thức cho tới thái độ, nô lệ hình thành từ thói quen sợ hãi và sự im lặng kéo dài. Nô lệ bởi sự cam chịu và tự trói mình trước những hành động phi pháp của nhà nước. Nô lệ khi không hiểu thế nào là quyền con người mà mỗi công dân đều đương nhiên có được mà không cần ai ban phát.

Anh Ba Sàm ý thức và tích cực chống lại vòng nô lệ ấy bằng cách dẫn lại những trang viết mà anh và cộng sự bỏ công sức, thời gian lẫn tiền bạc để người dân thấy rồi tự mình thoát ra cái vòng tròn ác nghiệt của sự cam chịu và đã quen dần với nó.

Cơ hội biết nhiều hơn về cán cân công lý VN

Cuốn sách dày 408 trang song ngữ Việt Anh với mục đích cho người ngoại quốc biết những diễn biến xảy ra tại Việt Nam qua vụ án Anh Ba Sàm. Ngoại trừ Giáo sư viện sĩ Hoàng Xuân Phú, 8 tác giả được trích lại trong cuốn sách hầu hết đều trẻ. Với lứa tuổi trên dưới 30, những bài viết của họ mạnh mẽ và sắc nét, tô đậm diện mạo vi phạm nhân quyền của nhà nước để từ đó người chưa hiểu rõ anh Ba Sàm có cơ hội biết nhiều hơn về cán cân công lý của Việt Nam. Nhà báo Đoan Trang tác giả của nhiều bài viết được trích đăng trong sách cho chúng tôi biết:

“Cuốn sách này có bài viết của nhiều tác giả khác nhau về vụ án Ba Sàm về góc độ pháp lý cũng như góc độ đời thường và góc độ lịch sử đấu tranh cho một nền dân chủ… Trong cuốn sách có một số bài viết đã từng được đưa lên mạng hay trên trang báo Luật khoa tạp chí hoặc là trên BBC Việt ngữ. Các bài đã đưa lên mạng rồi còn mục đích các tác giả trong cuốn sách thì em không biết các tác giả khác như thế nào còn em thì đây là vụ án rất là điển hình cho sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Trong vụ án Ba Sàm xảy ra rất nhiều vi phạm nhân quyền khác nhau như là quyền tự do đi lại, quyền tự do hội họp, quyền tự do thông tin và tiếp cận thông tin, tự do báo chí, rồi quyền được xét xử công bằng. Vụ án này bên phía công an, cơ quan tố tụng tòa án và viện kiểm sát, đặc biệt là công an đã vi phạm rất nhiều, vi phạm tràn lan từ lúc bắt cho tới bây giờ.”

Trong bài viết “Sự nguy hiểm của điều 258” hai tác giả Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang đã cùng đi đến kết luận: 258 là một điều luật được đặt ra để che chở cho những kẻ tận dụng sức mạnh để áp đặt lên chính luật pháp. Điều 258 chẳng những trừu tượng ngay cả cách dùng chữ mà cho đến việc chứng minh người bị hại cụ thể là gì cũng không nêu ra được tính chất minh bạch và khả thi của nó. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, hai lần là đại biểu Quốc hội cho biết về những gì mà Quốc hội từng chú ý tới điều 258:


Những phái bộ ngoại giao đến tham gia người ta tỏ thái độ rất đồng cảm với bức xúc của người tham dự đấy về quyền tự do dân chủ bị kìm nén trong đất nước này. Họ ủng hộ cho trạng thái tinh thần, tâm thái mọi người nói chung rằng cuộc đấu tranh của các bạn chúng tôi ủng hộ. 

-Ông Phan Tất Thành
“Tôi thấy là trong khi bàn thảo quốc hội cũng có nhiều đại biểu cũng đã từng nói là những quy định như thế thì rất mơ hồ, dể bị vận dụng sai cho nên phải làm sao quy định cụ thể hơn ví dụ hành động chống nhà nước thì cụ thể như thế nào là chống? Còn nếu bây giờ mình nói một cách chung chung thì vận dụng rất khó.”

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng là luật sư bảo vệ cho anh Ba Sàm tại tòa án cho biết:

“Trong thời gian quốc hội đang bàn về sửa đổi bổ xung Bộ luật hình sự thì một trong những điều được đưa ra thảo luận là điều 258. Nó viết rất là chung chung cho nên đến mức mà Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói rằng nếu mà điều luật viết không cụ thể không rõ ràng thì không khéo chúng ta phát biểu cũng liên quan đến điều luật này. Điều đó cho thấy người lãnh đạo cao nhất của đất nước này cũng thấy điều luật rất chung chung. Mà điều luật chung chung thì rất nguy hiểm, nó nuốn diễn dịch như thế nào cũng được. Mà diễn dịch như thế nào cũng được thì hành lang pháp lý không an toàn. Đó là điều rất là không bình thường của pháp luật Việt Nam.”

Trong buổi ra mắt, “Anh Ba Sàm” đã thu hút nhiều đại diện của sứ quán nước ngoài tới tham dự. Ông Phan Tất Thành, một người yêu mến Ba Sàm kể lại:

“Buổi gặp gỡ hôm qua chừng có hơn 1 tiếng đồng hồ thôi nhưng trạng thái tinh thần của mọi người rất đoàn kết hòa đồng và trong tinh thần muốn đòi tự do cho Nguyễn Hữu Vinh. Mọi người đồng lòng thể hiện trong tư tưởng trong phát biểu, ngoài hành lang trong hội nghị không một ai không một người nào có một phiền não gì cả. Mọi người tham dự cuộc gặp này cảm thấy rằng ngày mai nếu mà ra để dự phiên tòa anh Vinh là một điều thỏa đáng cần thiết để tạo dư luận trả lại tự do cho Nguyễn Hữu Vinh.

Những phái bộ ngoại giao đến tham gia người ta tỏ thái độ rất đồng cảm với bức xúc của người tham dự đấy về quyền tự do dân chủ bị kìm nén trong đất nước này. Họ ủng hộ cho trạng thái tinh thần, tâm thái mọi người nói chung rằng cuộc đấu tranh của các bạn chúng tôi ủng hộ. Tôi cảm thấy điều đấy.”

“Anh Ba Sàm” là một tài liệu bạch hóa con người, công việc và cả những buồn vui của Nguyễn Hữu Vinh, một cán bộ an ninh sinh trưởng trong một gia đình cộng sản cao cấp và nhiều đóng góp với chế độ. Nếu nói về đóng góp thì Nguyễn Hữu Vinh đóng góp còn nhiều hơn chính thân phụ của anh là ông Nguyễn Hữu Khiếu, từng là ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong 2 khóa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Lao động Việt Nam, và là đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.

Cha anh đóng góp cho Đảng cho nhà nước, còn anh trực tiếp đóng góp cho dân trí người Việt, cho những người đang sống trong tăm tối của sự nô lệ âm thầm nhưng rõ rệt. Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đóng góp vào sự nghiệp chấn hưng dân trí và sự đóng góp của anh bị chính quyền chặt đứt. Họ không muốn người dân phát hiện ra những sai lầm của hệ thống. Họ muốn hình ảnh cách mạng của 70 năm về trước vẫn nằm trong tâm trí người dân.

Anh Ba Sàm muốn làm ngọn đèn đêm đánh thức người dân chống lại sự độc ác của thù trong giặc ngoài và dĩ nhiên điều này nhà nước rất ngại và không hề muốn xảy ra.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống