Saturday, December 26, 2015

Nguyễn Trọng Tạo và Trường ca biển mặn

Pic
Bìa sách Trường ca biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Một nghệ sĩ đa tài
Tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có lẽ không xa lạ với người nghe nhạc nhưng những sáng tác văn học của ông cũng chiếm niềm tin yêu của không ít người đọc từ nhiều chục năm qua. Ông thắng hàng chục giải thưởng thơ, truyện, ca khúc, trường ca cấp nhà nước và cả về vẽ bìa sách ông cũng không nhường cho các họa sĩ trẻ, được đào tạo từ các đại học mỹ thuật. Nhìn qua những giải thưởng mà ông nhận được trong cuộc đời sáng tác người ta dễ dàng thừa nhận Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sĩ đa tài, một nhà thơ xứng đáng khi được nhắc tới tên và một nhạc sĩ mà những ca khúc của ông đã đi vào lòng nhiều thế hệ.

Trong lĩnh vực trường ca ông thuyết phục được cảm nhận người đọc khó tính nhất so với không ít tác giả trường ca khác. Hai trường ca: “Con đường của những vì sao” viết vào năm 1981-2008 và “Tình ca người lính” viết năm 1984 của ông được nhiều người mang theo trong hành trang tìm hiểu và thưởng thức thơ ca Nguyễn Trọng Tạo.

“Trường ca biển mặn” là sáng tác mới nhất của ông vừa được ra mắt tại Hà Nội góp vào tủ sách văn học Việt Nam một tác phẩm kịp thời vẽ nên diện mạo Biển Đông bằng cảm xúc của một người lính. Người lính ấy tuy không còn mang súng nhưng ngòi bút sắt cạnh vẫn làm cho lòng người dào dạt niềm yêu mến từng giọt nước biển của quê hương.

Nước biển vốn mặn nhưng đối với Biển Đông của Việt Nam thì trong cái mặn ấy của biển được cộng thêm vị mặn của máu từ những thân người ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Máu hòa tan với biển là chất xúc tác mạnh mẽ cho “Trường ca biển mặn” và chỉ riêng cái tựa sách, Nguyễn Trọng Tạo đã giới thiệu tới người đọc hồn cốt của tác phẩm. Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ nguyên nhân dẫn tới việc ông sáng tác trường ca này sau thời gian chắt lọc và nghiền ngẫm:

Lâu nay tôi có ấp ủ việc viết một trường ca về biển nhưng có lẽ phải đến mấy năm gần đây, vấn đề Biển Đông căng thẳng nóng lên thì việc viết trường ca này mới được thôi thúc. 
-Nguyễn Trọng Tạo
“Lâu nay tôi có ấp ủ việc viết một trường ca về biển nhưng có lẽ phải đến mấy năm gần đây, vấn đề Biển Đông căng thẳng nóng lên thì việc viết trường ca này mới được thôi thúc. Cũng nhờ thế mà tìm đọc nhiều tài liệu về sử sách, về biển đảo của Việt Nam từ thư tịch xưa và những văn bản cổ về lịch sử. Khi tôi viết trường ca này tôi đã xem tài liệu và chứng kiến những sự kiện về Biển Đông và các tàu nước ngoài đặc biệt là tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam rồi giàn khoan 981 vào vùng biển đặc quyền của Việt Nam. Tinh thần là con dân Việt thì người ta rất bức xúc và chính tôi cũng vậy, điều đó nó tạo ra cảm hứng rất mạnh để viết trường ca này.”

Nếu những bài thơ riêng lẻ của Nguyễn Trọng Tạo được hình thành từ khoảnh khắc của những cảm xúc bất chợt thì trường ca của ông là một tập hợp của những tìm kiếm và kiểm chứng cảm xúc để xâu chuỗi chúng lại trong sợi dây chuyện kể. Đôi lúc ông miêu tả, có khi ông phác thảo và nhiều lúc ông không ngại đem sức tưởng tượng phong phú của một nhà thơ lồng vào câu chuyện để phả thứ ánh sáng huyễn hoặc nhưng nóng bức vào nhân vật, sự thể, chà sát chúng làm nóng lên tính nhân văn cuồn cuộn bên dưới mỗi khuôn mặt, cuộc đời.

Tôi ăn biển hàng ngày từng hạt muối trắng tinh

Tôi ăn bình minh mọc lên nắng mặn

Tôi ăn gió thổi về từ biển

Tôi ăn rì rầm sóng

Và sữa Mẹ nhiều khi mặn đắng

Chan nước mắt biển Đông

Đôi vai cha lấp lánh lân tinh

Mồ hôi muối

Áo quầng quầng vết trắng

Bà nội nhai trầu đung đưa võng

Kể chuyện xửa chuyện xưa

Có ông tướng cụt đầu hóa núi đá cụt đầu cắm ngoài biển cả

Nước mắt vợ thành sông chảy ra biển tìm chồng

Nước mắt mặn từ lòng

Nước biển mặn từ yêu…


Những đứa con theo mẹ đi tìm cha

Tràn về phía biển

Những đứa con như cây lim cây sến

Từ rừng đổ xuống

Từ châu thổ trồi lên

Những đứa con xẻ gỗ đóng thuyền

Rút dây rừng đan lưới

Tiếng hò dô hòa tiếng sóng dong khơi

Cá quẫy trắng trời

Cánh tay trần cuộn sóng


Gặp đảo đá cụt đầu bước đi trên sóng trắng

Vung cánh tay khổng lồ ném đá xuống biển sâu

Đá ném xa thành đảo chìm đảo nổi

Tài hoa trong chữ nghĩa
Ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Trọng Tạo vẫn như xưa, gần như hơi thở và xa như bóng chim ngoài đảo vắng. Ông tĩnh mịch và tài hoa trong chữ nghĩa và từ đó kéo người đọc theo dõi cả tập trường ca vốn dài và khó đọc trong khoảnh khắc:

Tôi viết trường ca này trong cấu trúc 5 chương và một vỹ thanh. 5 chương nói về lịch sử và tinh thần con dân Việt đối với biển đảo. Những cái gắn bó từ ngàn xưa cho đến nay mang theo tinh thần rất lớn về biển Việt Nam. 
-Nguyễn Trọng Tạo
Tôi đi dọc bãi bờ chữ S

Đất bên tây và nước bên đông

Những dòng sông tuôn mạch máu không ngừng

Những mạch đá xòe xương sườn ôm ấp

Đất Nước tôi nắng mưa hay bão táp

Hạnh phúc khổ đau tôi gọi Đất Nước ơi!…

Đất và biển và trời xanh đắm đuối

Giữa mênh mông hiển hiện những Con Người

Có tiếng khóc tiếng cười

Có nước mắt mồ hôi

Mặn hơn muối mặn

Là một thể loại mang dáng dấp của trữ tình - tự sự, trường ca lấy hoành tráng làm chiếc phông chính cho nhân vật hay sự kiện. Cảm xúc vẫn là yếu tố chính gắn kết những chi tiết rời rạc lại với nhau tạo thành một kịch bản có nội dung đồng nhất.

Trường ca cần nương vào bộ xương của lịch sử cùng những biến động lớn lao chung quanh một thời kỳ, một biến cố làm cho cảm xúc bật dậy mà một bài thơ hay một ca khúc bình thường không thể ghi lại đầy đủ:

Không nhớ con thuyền nào đã phát hiện Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc

Chỉ nhớ những ngư dân đánh cá tận trùng khơi

Đảo dựng đá chắn che ngày bão lớn

Những đảo hoang bỗng ấm áp hơi người.

Ôi tiếng Việt bay qua đầu sóng dữ

Nói râm ran trên đảo đá chơi vơi.


Không nhớ người lính nào đã đặt bước chân đầu tiên lên đảo

Chỉ nhớ Hải đội Hoàng Sa vâng lệnh Chúa lên đường

Những người lính chụm vai làm cột mốc

Tờ nhật trình Chúa Nguyễn vẫn lưu hương


Bốn thế kỷ đi qua cột mốc giữa trùng dương

Những Hải đội Hoàng Sa nhập hồn vào sóng nước

Nhập vào đá san hô

Nhập vào Tổ quốc

Vẫn còn đến hôm nay tục tế lễ sân đình

Tế lễ khao quân

Tế sống lính lên đường

Những hình nộm chết thay cho người lính

Cầu an bình cho mọi chuyến hành hương.

Tôi trên con thuyền bình minh nắng đỏ

Nắng trên trời nắng dưới nước lung linh

Nắng ngàn sao trong mẻ lưới tung lên

Nắng lấp lóa oằn mình con cá quẫy

Nắng từ cát hắt vàng hươm chân đảo

Nắng từ lòng người cất tiếng hát bay cao


Tôi trên con thuyền hoàng hôn buông neo

Ánh ngày chưa chịu tắt

Ngày ở biển dài hơn ngày mặt đất

Những cuộc đời dài ngắn bá vai nhau

Đêm mông lung trong chén rượu quê nghèo

Ly bồng bềnh cùng thuyền

Người bồng bềnh cùng sóng

Ngàn sao sa trong đêm biển bồng bềnh…

Trường ca cần những gương mặt nổi lên giữa dòng xoáy sự kiện làm bật tính chiến đấu hay kiêu hùng của một hay nhiều nhân vật. Tính chất lãng mạn cũng có thể khai thác trong thể loại này nhằm tô đậm bối cảnh mà câu chuyện xảy ra:

Một vòng tròn lính biển kết thành hoa

Bao bọc cờ Tổ quốc

Không nổ súng! Phải giữ cho bằng được

Lá cờ mang xương máu biết bao đời


Giặc tràn lên cướp giật Tổ quốc tôi

Nguyễn Văn Phương ôm cột cờ giữ chặt

Một cuộc chiến tay không giành giật

Và lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay


Những người lính sát vào nhau một vòng tròn khép kín

Mặc pháo 100 li từ biển bắn vào

Các anh hóa thành sao

Các anh hóa thành cờ

Mỗi người lính – một lá cờ Tổ quốc.


Khi con tàu đang chìm dần xuống biển

Trung tá Trần Đức Thông vẫn đứng trên boong

Anh đã chết nhưng anh không gục xuống

Như Từ Hải ngày xưa uất nghẹn trước quân thù.

NguyenTrongTao-400.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Courtesy photo.
"Tôi viết trường ca này trong cấu trúc 5 chương và một vỹ thanh. 5 chương nói về lịch sử và tinh thần con dân Việt đối với biển đảo. Những cái gắn bó từ ngàn xưa cho đến nay mang theo tinh thần rất lớn về biển Việt Nam. Những trận hải chiến ở Hoàng Sa năm 74 và Gạc Ma năm 88 đều xuất hiện trong cuốn trường ca này. Việc này không phải dễ và không phải ai cũng có thể làm. Quan niệm của tôi biển đảo của tổ quốc hay từng tấc đất của tổ quốc thì chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ nó để mà sống và xây dựng đất nước cho nó tốt đẹp.

Tôi viết trong vòng 1 tháng. Thường vào tháng 5 trời nóng lắm. Ở Hà Nội có ngày nóng trên 40 độ và thường xuyên như thế cho nên tôi thường dậy và viết vào buổi sáng, vào 3 giờ sáng. Lúc ấy nói chung thì yên tĩnh và cảm xúc của mình tập trung nhưng có hôm tôi viết tiếp thì không lấy lại được cảm xúc tôi lại không viết vào hôm nó. Viết trường ca cần những cảm xúc lớn, tinh thần mạnh mẽ và phải có tư tường chung bao trùm. Khi nào nối được cảm xúc tôi mới viết vì thế trong một tháng trường ca này mới hoàn thành."

Thể thức biểu hiện trong trường ca của Nguyễn Trọng Tạo tuy không không phải là một đột phá nhưng người đọc thấy được nỗ lực tránh các vết xe đơn điệu mà trường ca thường phạm phải. Tuy giữ vững thi pháp học trong cấu trúc nhưng Nguyễn Trọng Tạo không tỏ ra khó khăn trong những lần vượt bức tường phức hợp mà một trường ca hay phải có:

Tôi nghe sóng Hoàng Sa uất ức

Gầm vang

Tôi nghe hồn Hoàng Sa nghiêng bóng thuyền, che chở

Các bạn thuyền chụm vào nhau trên con thuyền rách nát

Tiếng rên thành bản nhạc chiêu hồn

Có người chết mà tôi không khóc được

Không nói được

Không làm gì được

Tôi chìm vào những bàn tay

Ngày ngày cầm nắm

Những bàn tay xoa dịu

Những bàn tay vuốt ve Sói Biển

Những bàn tay bảo tôi: Nhớ lấy!



Tôi con thuyền bị đâm trên biển của mình

Những xương sườn gãy nát

Ứa máu ngư dân

Ứa máu ngư trường

Bọn cướp biển là ai? Tôi đã nhìn rõ mặt

Chúng lén lút

Chúng ngang nhiên

Chúng hằm hằm

Chúng sằng sặc

Chúng ngụy trang áo mặc

Chúng trá hình dân đen

Chúng giả bạn giả anh em

Giả tình giả nghĩa

Chúng phản bội cả đàn cừu lột lông và xẻo thịt

Phản bội những con thuyền đánh đắm cả yêu thương


Tôi con thuyền gãy nát cột buồm

Tâm hồn làm phao biển

“Không thể dìm được phao”

Bọn cướp biển hiểu chăng điều đơn giản

Những chiếc phao tâm hồn trong bão tố lớn lên

Mang những chiếc thuyền về bến

Dù vỡ nát

Không thể nào chìm xuống….



Tôi mảnh ván tả tơi lại mọc thành cây

Thành rừng xanh

Thành cổ thụ

Lại xẻ ván đóng thuyền

Lại đợi ngày hạ thủy

Lại tế lễ sân đình

Lại đánh trống khao quân

Lại tuyên thệ sống còn vì biển đảo

Những con thuyền tung bay cờ đỏ

Lại rẽ sóng ra khơi…

Sừng sững giữa biển trời.


Những ngư dân trên đất nước tôi

Nguyện làm “cột mốc sống”

Ngàn vạn “cột mốc sống”

Cả triệu “cột mốc sống”

Trên biển sóng

Trên đá ngầm

Trên đảo chìm đảo nổi

Trên tự do lãnh hải Việt Nam tôi!

Trường ca biển mặn thoát ra được chiếc vỏ hoành tráng giả tạo bởi nó xây dựng lên từ mùi máu của đồng đội, vị mặn của nước mắt người thân và anh linh của hồn thiêng sông núi. Nguyễn Trọng Tạo đã dựa vào bộ xương sử sách để tái tạo lại hình ảnh của Biển Đông hôm nay mà trong đó những mảnh vỡ tản mác của nhận thức được gom góp lại để chúng ta nhìn ra hình ảnh thật của vùng đất đã mất:

Tôi nghe sóng Hoàng Sa uất ức

Gầm vang

Tôi nghe hồn Hoàng Sa nghiêng bóng thuyền, che chở

Các bạn thuyền chụm vào nhau trên con thuyền rách nát

Tiếng rên thành bản nhạc chiêu hồn

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống