Saturday, January 23, 2016

Nguyễn Tri Phương Đông, niềm kiêu hãnh cho mỹ thuật thiết kế Việt Nam

Pic
Hoạ sĩ thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông (áo tím) cùng sinh viên Mỹ thuật đa phương tiện Đại học FPT ARENA.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Hoạ sĩ thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông vừa nhận được hai giải thưởng trong hai năm liên tiếp về Graphic Design do tạp chí Graphic Design USA tổ chức có tên American Graphic Design Awards (AGDA). Mặc Lâm có cuộc trao đổi với anh về giải thưởng cũng như tình hình học tập, làm việc của sinh viên, họa sĩ thiết kế trong nước.

Trên 9.000 tác phẩm, sản phẩm thiết kế dự thi

Nguyễn Tri Phương Đông hiện đang sống tại Hoa Kỳ sau nhiều năm sáng tác và giảng dạy tại một số trường Đại học Việt Nam về bộ môn này, trước tiên anh cho biết một ít thông tin về giải này như sau:

Nguyễn Tri Phương Đông: Cảm ơn anh Mặc Lâm! Theo hiểu biết của cá nhân tôi, gần 100 cuộc thi thiết kế (TK) ở bắc Mỹ thường được tổ chức từ: tạp chí TK, cộng đồng TK, hiệp hội TK, thương hiệu TK. Cuộc thi AGDA nằm trong top 15 các cuộc thi đồ hoạ & có liên quan đến đồ hoạ.

American Graphic Design Awards (AGDA) là tên của cuộc thi thết kế đồ hoạ của USA hàng năm, thuộc tạp chí Graphic Design USA. Đây là tạp chí nghề nghiệp hơn 50 năm tuổi. Trang web của họ có lượng truy cập hơn 100.000 hàng tháng.

Các năm gần đây, cuộc thi này ngày càng nhiều tác phẩm, sản phẩm thiết kế tham dự. Năm 2014, có gần 8000 tác phẩm, con số năm rồi 2015, là trên 9.000. Đây là dạng cuộc thi trao giải trong nhiều thể loại (19 thể loại), nên giải thưởng là đồng hạng. Đó là các thông tin tôi được biết từ internet, và từ trang web của họ.

Tại cuộc thi này năm ngoái, tôi được giải với cuốn Saigon zoon in guidebook, ở thể loại xuất bản phẩm. Năm nay, tôi may mắn đoạt được 3 giải, gồm 1 giải cho thiết kế logo, và 2 giải cho 2 bộ lịch treo tường.

Xin chi tiết một chút, như thế này:

Thiết kế logo Giày Ấm: Đây là logo cho một chương trình thiện nguyện, quyên góp giày cũ và quỹ để mua giày cho trẻ em vùng cao Tây nguyên và Tây bắc Việt Nam, nơi vào mùa lạnh các em phải đi bộ nhiều cây số rừng rẫy với chân dép chân giày, và thường không đủ ấm. Chia sẻ với ý nguyện và hiệu quả tổ chức của nhóm 4 học sinh của một trường phổ thông trung học nổi tiếng SG, tôi tình nguyện tham gia bằng cách vẽ mẫu logo này.

Đó là một bông hoa có 8 cánh chính, tổ hợp từ 4 đôi giày nam, và 4 đôi giày nữ, với nhụỵ là trái tim đỏ. Hình ảnh này tượng trưng cho tình cảm và của những người chia sẻ với các em - giày ấm, lòng ấm.

Miền tây nam bộ VN là vùng đồng bằng sông Mê Kông trù phú và độc đáo chỉ di chuyển trên sông nước và kênh rạch, du khách có thể đến được 60% vùng đất lục tỉnh này. Sử dụng bộ ảnh của nhà nhiếp ảnh am hiểu địa phương Nguyễn Hoàng Nam, đẩy mạnh ngôn ngữ đồ hoạ ảnh và chữ, số, tôi muốn ngợi ca phong cảnh mênh mông thơ mộng và dân dã này.

Thiết kế mẫu lịch treo tường”Classic Motorcycles in Saigon”

Kể từ đầu thế kỷ 20, khi khai hoá cho xứ sở văn minh lúa nước, người Pháp đã du nhập văn minh đô thị, và dần dà, là văn minh xe máy. Người VN từ vài thế hệ qua, đã gắn bó với hình ảnh xa gắn máy các loại trên phố phường, các nẻo đường, thường nhật hơn xe hơi. Tôi đã có một buổi chiều trò chuyện với một người lái xe ôm ở đầu một con hẻm thuộc quận Phú Nhuận SG, cùng nhau nói về nhận biết âm thanh khác biệt phát ra từ ống bô của mươi loại xe máy cổ. Và sau cùng, nảy ra ý làm một bộ lịch về xe máy cổ SG.

Pha trộn cách nhìn tân kỳ và cổ điển, tôi hợp tác với một sinh viên mỹ thuật, ký họa lại loạt xe gắn máy xưa. Sau đó, phối hợp trên không gian lịch, bằng cách đặt chúng làm cận cảnh. Hậu cảnh là các công trình kiến trúc thời thuộc địa. Chúng được kết nối bằng hiệu ứng màu sắc hoài cổ. Đó là một chút hoài niệm về xe máy cổ.

Ngành đồ họa Việt Nam

Mặc Lâm: Là một người từng tham gia giảng dạy bộ môn đồ họa trong nước, anh có nhận xét gí về việc dạy và học hiện nay?

Nguyễn Tri Phương Đông: Xin dẫn giải đôi chút, để thấy được phần nào căn nguyên ngành thiết kế, trong đó có đồ họạ, diễn ra như đang thấy:

Do các giá trị xã hội thay đổi quá nhanh, cách và trình độ tổ chức xã hội còn nhiều bất cập, khiến lòng tin về nhau, và về mọi thứ của từng người sống tại đây không còn được như xưa. Do nhiều tác động, nhất là sinh kế, nên chất lượng con người, thanh niên, chất lượng thẩm mỹ, và ngay cả chất lượng phụ huynh, đã kém trước.

Mạng truyền thông xã hội đem đến nhiều giá trị tốt đẹp, và cũng đem đến cho người trẻ năng lực tự tin bày tỏ, chứng tỏ, ngoài một lớp giỏi giang tinh nhạy, là hình thành một lớp người ảo tưởng về chính mình.

Cùng với một phần tâp tính dân tộc, lối sống nệ bằng cấp, hình thức, các giá trị có được từ tu dưỡng xổi, khiến cho cái nhìn nghệ thuật, hoặc phi thực tế, hoặc ko còn đẹp đẽ nhân văn. Và điều đó ảnh hưởng mật thiết đến dạy và học thiết kế, sáng tạo.

Tại VN, từ thập niên 2000, khi tôi còn dạy tại 4 trường ĐH ở SG, cởi mở kinh tế kéo theo bùng nổ nghề design, nhất là TK đồ hoạ. Cả xứ có trên 50 cơ sở đào tạo design. Và nghề TK đồ hoạ trở nên thu hút mạnh giới trẻ. Khủng hoảng kinh tế 2008 sau đó, đã đánh mất cơ hội cho trào lưu mới về thẩm mỹ của TK mỹ thuật ứng dụng sắp thành hình. Sau năm 2010, cập nhật từ toàn cầu, các trào lưu trong đồ hoạ như retro, vintage, font chữ… sôi nổi, đã khiến TK và TK đồ hoạ đã cạnh tranh chiều sâu. Đó là trên thị trường nghề.

Còn tại các cơ sở đào tạo thì do đang là nghề hot, đào tạo design ồ ạt thương mại hoá, khiến chuẩn nghề nghiệp dao động lớn.Trọng lợi nhuận, giáo trình pha trộn, na ná nhau, được TK bởi người kém nghề, và vì tốc độ, nên giáo viên giờ đây, đa số chỉ là cựu sinh viên…

Tình hình này cho thấy ai cũng có thể có kết luận riêng của mình được.

Mặc Lâm: Sinh viên và các giảng viên bộ môn này có thường xuyên cập nhật thông tin, kinh nghiệm cũng như phần mềm mới nhất để ứng dụng vào sáng tác cũng như giảng dạy của họ không?

Nguyễn Tri Phương Đông: Truyền thống hiếu học, và ý chí vượt thoát số phận, đã khiến cho chừng 1/3 số sinh viên TK chịu học. Cùng với sinh viên, các giảng viên cũng năng động, nhạy bén kỹ thuật, không thua kém sinh viên.

Họ cập nhật nhanh chóng với thế giới. Nhưng đấy mới chỉ là thao tác. Áp lực về cái mới đang buộc họ thay đổi tư duy TK hơn nữa, để gia tăng hiệu quả, cũng như hàm lượng sáng tạo, để các kỹ thuật mới tìm đúng mục đích áp dụng.

Mặc Lâm: Những design xuất hiện trên báo chí cũng như bao bì có vẻ như chú trọng quá nhiều vào cách tạo hình ảnh lạ, chỉnh sửa hơn là dẫn người xem vào cái lõi mà người designer muốn thông tin. Anh có nhận xét gì về điều này?

Nguyễn Tri Phương Đông: Các ý nhận xét của anh xác đáng. Tại Việt Nam hôm nay, mới chỉ có TK đồ hoạ, thời trang, và nội thất phát triển thực sự. Với môi trường diễn đạt bao phủ và thường trực, là đồ hoạ, thì tiếc thay, vai trò chính yếu chưa thực chất ở thiết kế, mà mới chỉ là trang trí thông tin.

Cứ thế này, mươi năm nữa, các TK đồ hoạ vẫn không có sự khác biệt cốt lõi đó là ý tưởng, là concept. Việc dạy các môn nghiên cứu và phát triển ý tưởng hiệu quả chưa cao, chưa gây được ảnh hưởng. Quan trọng hơn, là chưa có được cơ chế thúc đẩy sáng tạo.

Nhiều thầy cô dạy đồ án, vẫn sa vào chỉnh sửa, hình thức. Đa số sinh viên vẫn tìm ý tưởng bằng lướt Google images, và mốt đồ hoạ được chuộng trên thị trường nghề hiện nay: làm đồ thủ công (handmade), minh hoạ kiểu dễ thương, và xử lý ảnh siêu thực.

“Làm cái gì không ra cái nấy”

Mặc Lâm: Đồ họa thế giới mỗi ngày mỗi tìm kiếm, khai phá về font chữ, màu sắc và cấu trúc của một tác phẩm trong khi nhiều họa sĩ trẻ hội nhập bộ môn này để chính sửa hình ảnh và không vượt ra khỏi cái khung của Photoshop, anh có ý kiến gì về nhận xét này?

Nguyễn Tri Phương Đông: Một thanh niên trưởng thành tại VN ít có được tư duy độc lập, nên các cố gắng để tu dưỡng phẩm chất sáng tạo đặc thù thiết kế tại trường đại học, phải dốc công thực chất hơn. Họ có thể tìm thầy hay, bạn giỏi ở đâu?

Một cách hiểu chung khi hướng nghiệp, đào tạo, cũng như trên thực tế, là ai học TK cũng trở thành nhà TK. Nghĩa là làm được tất cả, từ ra ý tưởng, làm kỹ thuật viên, xử lý ảnh, dàn trang… cũng có nghĩa là, làm cái gì không ra cái nấy, khác với phần còn lại của thế giới.

Mặc Lâm: Có phải do thiếu thông tin về graphic design của thế giới đã tạo ra nếp nghĩ và thực hiện các tác phẩm đồ họa như hiện nay?

Nguyễn Tri Phương Đông: Chính xác là thông tin thì không thiếu, chỉ có giao lưu thì không. Các lý thuyết TK chính yếu đã cập nhật, phát triển cao và sâu hơn xưa gấp bội. Tại Việt Nam, hiếm có cơ sở đào tạo giao du với nước ngoài về TK đồ hoạ. Cho nên có thể thấy được, các nỗ lực thành công của các hoạ sĩ TK trẻ, là các cố gắng nhiều khi không liên quan đến trường, khoa mà họ từng theo học.

Không có hiệp hội nghề nghiệp, lý luận nghề nghiệp, diễn đàn nghề nghiệp, và sinh hoạt nghề nghiệp. Theo tôi biết, chỉ có vài nước châu Phi và 3 nước Đông Dương cũ, là chưa có hiệp hội về nghề thiết kế.

Nghề thiết kế tại đây, do có liên quan đến thương mại, truyền thông, giải trí, có thể vì thế mà các cá nhân, nghệ sĩ, hay doanh nghiệp TK chưa thấy có lợi ích gì chung, cho việc tập hợp một hiệp hội nhà nghề?

Mặc Lâm: Anh có điều gì chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình cho người họa sĩ đồ họa trong nước?

Nguyễn Tri Phương Đông: Có lẽ chia sẻ này như sự nhắc nhở chính tôi trước: Ý tưởng này đáng nhớ hay đáng quên? Hãy làm như yêu - làm cái gì phải ra cái nấy.

Tôi cảm ơn tiền nhân, bạn bè và học trò cũ, bằng một chia sẻ cụ thể trong hai năm 2016-2017: đó là tuyển chọn một số sinh viên thiết kế, tổ chức đào tạo một khoá học đặc biệt, lấy việc thiết kế dự thi quốc tế về Graphic Design làm bài học.

Việc đoạt giải thưởng của cuộc thi nào đó không phải là mục đích duy nhất của khoá học này. Các nhà TK trẻ sẽ có thêm các kỹ năng chuyên nghiệp trong thiết lập và phát triển ý tưởng, thành tác phẩm hoàn chỉnh.

Đây là thách thức nghề nghiệp lớn của chúng tôi. Nhà TK trẻ nào quan tâm và chia sẻ việc này, cũng như đọc được dòng mà anh Mặc Lâm cho phép đăng lên này, xin liên lạc với tôi qua địa chỉ email: dong@tridongdesign.us

Mặc Lâm: Xin cám ơn họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống