Saturday, October 24, 2015

Pic ‘Buổi sáng’ và ‘Bạch lộ’, câu chuyện buồn trong giới thơ văn

Pic
Tác giả Phan Huyền Thư (trái) và Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan.
Cát Linh, phóng viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Chúng ta hay nói “tư tưởng lớn gặp nhau’ để diễn đạt cho một ý tưởng, sáng kiến, hay một trường phái hội họa, âm nhạc nào đó của 2 hoặc một nhóm người. Nhưng nếu giống nhau về từng câu, chữ, cú pháp, thì là một chuyện…khó xảy ra. Và người ta sẽ gọi đó là “đạo”, đạo thơ, đạo văn, đạo nhạc… Mà khi đã xảy ra “đạo” thì trong nghệ thuật hay bất kỳ lĩnh vực nào cũng sẽ liên quan đến hai việc, đó là tranh chấp bản quyền, và sau đó là xác minh bản quyền.

Một sự việc đang xảy ra trong giới văn thơ Việt Nam đang gây chú ý rất nhiều cho dư luận mấy ngày qua, giữa hai nhà thơ nữ có tên tuổi.

Giống nhau đến kỳ lạ

Bài thơ Bạch Lộ, bị nghi là đạo thơ nằm trong tập thơ Sẹo độc lập vừa được Hội nhà văn Hà Nội trao giải thưởng, tác giả là Phan Huyền Thư, một nhà thơ nữ có tên tuổi của văn đàn thi ca Việt Nam, và bài thơ được cho là bài gốc là bài thơ Buổi sáng, từng được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Catinat cafe sáng” vào năm 2000.

Sau đó, nhà thơ Phan Huyền Thư đã gửi thư xin trả lại giải thưởng và đồng thời, ngỏ lời xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, xin lỗi độc giả. Tuy nhiên, bà hoàn toàn không cho rằng mình đã đạo thơ.

Liên lạc với ông Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội về sự việc này, ông cho chúng tôi biết:

Chúng tôi đọc thơ, chúng tôi thấy có chất lượng, và chúng tôi trao giải. Còn việc tác giả Phan Huyền Thư có đạo thơ trong tập thơ này hay không thì đó không phải là trách nhiệm chính của Hội nhà văn Hà Nội nữa. 
-Ông Phạm Xuân Nguyên
“Khi sự việc xảy ra như vậy, báo chí công luận nói, thì Hội nhà văn Hà Nội cũng đã tìm hiểu, xem xét, đề nghị nhà thơ Phan Huyền Thư giải trình, báo cáo. Và khi sự việc đến những lúc căng thẳng thì liên quan đến giải thưởng. Chúng tôi thấy là có thể phải rút lại giải thưởng. Lúc đó thì nhà thơ Phan Huyền Thư, dù là sự việc chưa có kết luận nhưng chị đã có lá thư gửi đến xin trả lại giải thưởng.Vì cảm thấy vinh dự nhưng bây giờ có những người ta thán như vậy nhưng chưa thể đi đến kết luận là có đạo hay không nhưng để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của hội nên chị xin trả lại giải thưởng. Xem xét lá đơn của Phan Huyền Thư, chúng tôi quyết định thu hồi lại giải thưởng.”

Tập thơ Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư đã được phát hành năm 2014, được cấp giấy phép, được in ra, được lưu hành, cho phổ biến. Và ông Phạm Xuân Nguyên xác nhận trong suốt 1 năm đó, không có phản ảnh nào về việc Bạch Lộ giống với bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan.

“Từ khi được xuất bản cho đến khi được trao giải thì đã có mấy bài viết khen ngợi, phân tích về tác phẩm này, không có bài viết nào vạch ra nghi đạo thơ. Căn cứ vào đó, chúng tôi đọc thơ, chúng tôi thấy có chất lượng, và chúng tôi trao giải. Còn việc tác giả Phan Huyền Thư có đạo thơ trong tập thơ này hay không thì đó không phải là trách nhiệm chính của Hội nhà văn Hà Nội nữa.”

Bài thơ Buổi sáng trong tập thơ Đếm cát của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan được sáng tác năm 2000 và được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc năm 2001. Còn Tập thơ Sẹo độc lập với bài Bạch Lộ của nhà thơ Phan Huyền Thư được xuất bản năm 2014. Nghĩa là 14 năm sau đó, thì Bạch Lộ, được chú thích thêm là Độc ẩm với Lã Bất Vy mới ra đời. thế nhưng, Nhà thơ Phan Huyền Thư khẳng định với truyền thông rằng mình sáng tác bài Bạch Lộ 4 năm trước khi bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan ra đời.

Hai tác phẩm ra đời cách nhau 14 năm, hoặc 19 năm (theo nhà thơ Phan Huyền Thư) với những câu chữ giống nhau đến kỳ lạ. Như với Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan bắt đầu với:

giai-van-hoc-2015-400.jpg
Các tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015. Courtesy photo.
Những gương mặt người
Quen và không quen
Những giọt cà phê muôn đời đen nhánh
Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh
Em ngồi một mình…

Và Bạch Lộ của Phan Huyền Thư thì:

Những gương mặt người
Quen mà không quen
Từng giọt sương nén trong veo câm nín
Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh
Em một mình…

Hay

Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm
Người đã vội quên cung bậc cuối
Nụ hôn nửa vời
Trái tim không cửa (trong Buổi sáng)


Bản Blues jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm
Người thiên di cung bậc cuối cùng
Nụ hôn nửa vời
Trái tim không cửa (Bạch Lộ)

Với nhận xét cá nhân, ông Phạm Xuân Nguyên xác nhận rằng:

“Rõ ràng hai bài thơ có sự giống nhau. Như vậy, hai bài thơ của hai tác giả thì rõ ràng sẽ có một bài đạo, người này lấy của người kia. Nhưng mà chúng ta phải thấy đây là một vụ việc tranh chấp, mà tranh chấp thì phải xem xét cả hai bên. Thế nhưng đứng ở mặt lý hiện tại thì bài thơ của Phan Huyền Thư trong tập Sẹo độc lập, xuất bản năm 2014, và bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan in năm 2003. Đứng về mặt văn bản, rõ ràng thế bất lợi là Phan Huyền Thư sẽ bị nghi đạo thơ của Phan Ngọc Thường Đoan nhiều hơn. Nhưng chúng ta phải nghe hai chiều. Chị đã trình bày với tôi là chị viết năm 1996. Có thể là viết trước, in sau, bây giờ mới in ra thành sách.”

Ông Phạm Xuân Nguyên có nói thêm rằng nhà thơ Phan Huyền Thư xác nhận nếu bà không chứng minh được bài thơ Buổi sáng của mình nằm trong tập thơ năm 95-96 và được gửi ra hải ngoại, lúc đó thì bà sẽ “đuối lý”.

Xác định không dễ dàng

Chữ nghĩa nó hiện rõ trên văn bản là đương nhiên. Vấn đề ở chỗ là người ta tìm cái nguồn gốc cái văn bản đó xuất hiện lúc nào. Ví dụ như có bản viết tay như ngày xưa. Hay là bản bây giờ người viết bằng máy vi tính. 
-Nhà thơ Mặt Trời
Thế nhưng, xác định một tác phẩm, nhất là tác phẩm nghệ thuật, có lẽ không phải là một điều dễ dàng. Theo lời của một nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ về gia đình, người vừa giã từ tuần báo Mực tím sau hơn 10 năm, và được mọi người biết đến với tên gọi thân mật là Mặt Trời bày tỏ nhận định của ông cương vị là người thưởng lãm thơ, chứ không ở vai trò người sáng tác:

“Chữ nghĩa nó hiện rõ trên văn bản là đương nhiên. Vấn đề ở chỗ là người ta tìm cái nguồn gốc cái văn bản đó xuất hiện lúc nào. Ví dụ như có bản viết tay như ngày xưa. Hay là bản bây giờ người viết bằng máy vi tính. Nhưng có điều là cái bản đó có được công bố hay không và công bố lúc nào thì chỉ có bản thân tác giả là biết được. Người ta có thể lợi dụng chỗ này để nói là tôi viết trước.”

Trong thời gian xét duyệt và quyết định trao giải thưởng cho tập thơ Sẹo độc lập, vì sao Hội nhà văn Hà Nội đã không nhận ra sự giống nhau của Bạch Lộ năm 2014 và Buổi sáng năm 2000? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Thanh Ngiêm cho biết:

“Bài thơ mà nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc so với các bài hát khác của cùng nhạc sĩ thì cũng không phải phổ biến lắm, không phải nhiều người biết đến. thứ hai, thơ của Phan Ngọc Thường Đoan, đứng về sự phổ cập, thì so với các nhà thơ khác cũng không phải là phổ cập nhiều. Thứ ba nữa là chúng ta phải thống nhất 1 điều là không phải ai cũng đọc được hết thơ của mọi người, và càng không thể nhớ hết. Nếu hỏi chúng tôi có nhận ra không và có biết không thì là không.”

Có lẽ chúng ta ai cũng nhận thấy rằng trong cuộc sống, sẽ có rất nhiều sự việc xảy ra giống nhau, có thể là ở sự bắt đầu hoặc kết thúc, hoặc là ở tính chất, diễn biến của sự việc đó. Và người ta cũng dùng từ ‘ngẫu nhiên’ hay ‘vô tình’ để  lý giải cho sự giống nhau đó. Thế nhưng, đó là những ngẫu nhiên hay vô tình không lý giải được, và cũng không cần phải đem ra giải quyết vì những sự việc đó mang tính chất trừu tượng trong những vòng quay của nhịp sống. Như lời chia sẽ rất riêng của nhà thơ Mặt Trời, ông gọi đây lĩnh vực của trí tuệ, không như cái giống nhau của anh chị em sinh đôi, là lĩnh vực con người. ông xin được chia sẻ với tâm trạng của một người yêu văn thơ, nghệ thuật, chứ không trên vai trò của người sáng tác:

“Tôi cảm thấy chán chê quá. Một sự kiện nó đã quá rõ ràng rồi. Hội nhà văn cũng đã thu hồi giải thưởng.”

Theo tin trong nước, vào Sáng 20/10, nhà thơ Phan Huyền Thư cho biết bà đã giải trình với Hội Nhà văn Hà Nội về quá trình sáng tác bài thơ Bạch lộ và cũng nộp cho Hội đồng xét giải thưởng bản thảo bài thơ. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới, sau khi xem xét vụ việc dưới góc độ chuyên môn, Hội Nhà văn Hà Nội có đánh giá về vụ việc này.

Liên quan:
  Pic Giải văn học năm 2015

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống