Friday, September 9, 2016

Nét đẹp “Vĩnh cửu” (Éternité) qua lăng kính của đạo diễn Trần Anh Hùng

pic Diễn viên Mélanie Laurent trong một cảnh phim "Vĩnh cửu" (Eternité) của đạo diễn Trần Anh Hùng.NORD-OUEST FILMS
RFI - Trong bộ phim mới “Vĩnh cửu” (Éternité), công chiếu tại Pháp ngày 07/09/2016, đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng muốn mang đến cho khán giả vẻ đẹp trọn vẹn của cuộc sống từ tình yêu đến tình mẫu tử, từ cách “thời gian trôi” đến cái chết.

Bằng ngôn ngữ điện ảnh mới, bằng tài năng của ba nữ diễn viên nổi tiếng của Pháp, Audrey Tautou, Bérénice Bejo và Mélanie Laurent, những khái niệm tưởng như trìu tượng đó đã được Trần Anh Hùng vẽ lên trong “Vĩnh cửu”, một bức tranh đầy mầu sắc, đầy xúc cảm khác nhau theo dòng chảy cuộc sống của một gia đình quý tộc Pháp trong suốt hơn một thế kỷ.

Bộ phim được dựa theo cuốn tiểu thuyết L’Élégance des veuves (sách in tại Việt Nam được dịch là Nét duyên goá phụ) của nữ nhà văn Alice Ferney. “Vĩnh cửu”, dưới bàn tay đạo diễn của Trần Anh Hùng, không dập khuôn theo những tác phẩm điện ảnh thông thường: gần như không có lời thoại mà chỉ có lời dẫn chuyện nhẹ nhàng trên nền nhạc và những hình ảnh đẹp như thơ. Sự tinh tế và tỉ mỉ của Trần Anh Hùng còn được thể hiện qua những chi tiết rất nhỏ về trang phục và phối cảnh để làm nổi bật không khí hội hè trong những kỳ nghỉ hay ngày lễ của gia đình, hay nỗi đau khôn nguôi và những lúc cô đơn nhất.

Chân dung của ba người phụ nữ cùng dòng họ, nhưng ở các giai đoạn khác nhau, được Trần Anh Hùng nhẹ nhàng đưa lên màn ảnh. Không giật gân, không duy lý, đạo diễn gốc Việt chỉ muốn miêu tả cuộc sống của những con người này dưới góc độ của vẻ đẹp, tình yêu và những nỗi đau sâu thẳm.

Ba nữ diễn viên Audrey Tautou, Bénérice Bejo và Mélanie Laurent lần lượt hoá thân thành những thiếu nữ, những bà mẹ trẻ, những goá phụ cho đến lúc lên chức bà, trong một gia đình quý tộc, trải qua mọi thời khắc của cuộc sống, để lại cho người xem cảm giác xót xa u sầu.

Đạo diễn nổi tiếng với “Xích lô” (Cyclo), “Mùi đu đủ xanh” (L’odeur de la papaye verte), "Mùa hè chiều thẳng đứng" (A la verticale de l'été) đã trả lời phỏng vấn Isabelle Chenu, phóng viên của RFI. Ban Việt ngữ xin giới thiệu với quý thính giả.

pic
Đạo diễn Trần Anh Hùng tại LHP Quốc Tế Tokyo lần thứ 28. Ảnh chụp ngày 21/10/2015. CC/Dick Thomas Johnson
RFI : Xin chào Trần Anh Hùng, “Vĩnh cửu” là bộ phim thứ sáu của anh. Anh đắm chìm trong một gia đình Pháp trong suốt hơn một thế kỷ, chứng kiến sự chào đời, tình yêu và những lễ tang. Điều gì đã thúc đẩy anh thực hiện dự án đầy tham vọng : ghi lại thế giới phi vật chất xuyên suốt nhiều thế hệ?

Đạo diễn Trần Anh Hùng : Đó là nhờ quyển sách của Alice Fernay, L’Élégance des veuves. Khi tôi đọc cuốn sách, tôi vô cùng xúc động, thật sự là tôi khóc từ đầu đến cuối quyển sách. Ngay khi khép lại cuốn sách, tôi lập tức gọi điện cho nhà sản xuất của mình là ông Christophe Rossignon để nói : “Chúng ta phải cùng làm bộ phim này. Đó sẽ là bộ phim đẹp nhất đời của chúng ta!” Vì quyển sách gợi cho tôi một phong cách viết, một cách thể hiện rất độc đáo trên điện ảnh mà tôi chưa bao giờ thấy: không hề có bối cảnh, mà chỉ xảy ra những tình huống vô cùng ngắn gọn. Vì câu chuyện xuyên suốt hơn một thế kỷ, nên cần phải mang đến cảm giác thời gian trôi qua một cách khắc nghiệt, như dòng nước chảy, và đâu đó nảy sinh cảm xúc từ cảm giác vĩnh cửu đó.

RFI : Làm thế nào mà đạo diễn được điều mà người ta không nhìn thấy được trong cuộc sống trong một bộ phim gần như không có lời thoại, mà chỉ có tiếng dẫn truyện, âm nhạc và hình ảnh? Bộ phim được hình thành trong suy nghĩ của anh như thế nào?

Trần Anh Hùng : Vài tuần trước khi bắt đầu quay phim, tôi tổ chức một buổi họp với các nghệ sĩ đóng phim. Và tôi nói với họ sự thật. Tôi nói : “Các bạn nghe này, tôi chưa từng làm một bộ phim kiểu như này, vì vậy tôi chưa biết phải làm như nào. Chúng ta sẽ khám phá cùng nhau. Điều mà tôi có thể hứa là ý vị ở cuối phim sẽ tràn trề và sẽ khiến tất cả chúng ta xúc động”. Trong suốt thời gian quay phim, tôi chỉ dựa theo linh cảm mà mình có, một linh cảm mà tôi cảm nhận tràn trề trong tim, giống như một con thú bước trong rừng hoang.

RFI : Trong suốt bộ phim, mỗi một cảnh phim được chú ý rất tinh tế về mặt mỹ học. Mọi cảnh trí, mọi chi tiết đều rất đẹp trong gia đình thuộc tầng lớp quý tộc Pháp và mang lại cảm giác huyền ảo cho người xem.

Trần Anh Hùng : Cảm giác huyền ảo này là do chính bản chất của bộ phim và từ cảm xúc mà tôi muốn mang lại cho khán giả. Vì thế, tôi phải xoá mọi thứ, mọi chi tiết, không có một chút chi tiết nào về cuộc sống, không có một chút gì liên quan đến thế giới thực. Mọi thứ đều bị xoá bỏ hết, kể cả hai cuộc chiến. Nếu không, tôi không thể tạo nên được cảm xúc này. Với tôi, vẻ đẹp là một điều vô cùng quan trọng. Nếu khán giả rời khỏi phòng chiếu và mang theo mình cảm tưởng về cái đẹp, với tôi, đó là điều gì đó rất quan trọng.

RFI : “Vĩnh cửu” nói về điều gì? Có phải là về định mệnh của nhiều phụ nữ, nhiều thế hệ có một điểm chung là sự nhẹ nhàng, tình yêu, vẻ đẹp và tình mẫu tử, đôi khi là cả chôn cất những đứa con hay không?

Trần Anh Hùng : Tôi không cho đó là định mệnh, mà chỉ là cuộc sống. Chúng ta sống và rồi một ngày, bỗng nhiên chúng ta mắc lỗi chết. Thế là hết. Những người khác tiếp nối chúng ta. Chẳng có gì là nghiêm trọng cả. Chính cảm giác xót xa của sự tồn tại, của sự u sầu đôi khi sẽ đến với bạn ở một lứa tuổi nào đó. Điều quan trọng là để cảm giác này đi vào bộ phim, để những từ ngữ và hình ảnh tràn oà vào tâm hồn bạn. Không cần phải bận tâm suy nghĩ, chẳng có gì phải hiểu trong bộ phim này mà người xem chỉ cần cảm nhận biến động của cuộc sống.

RFI : Audrey Tautou, Mélanie Laurent et Bénérice Bejo là ba diễn viên chính trong phim. Người xem theo gót nhân vật của Audrey Tautou trên màn hình từ năm 15 tuổi đến 80 tuổi một cách rất thực. Làm thế nào anh thực hiện được điều kỳ diệu này?

Trần Anh Hùng : Chúng tôi làm việc với Make-up, một công ty chuyên về kỹ xảo điện ảnh. Với tôi, điều kiện để làm bộ phim này là phải bảo quản làn da. Đây là một bộ phim về da thịt và máu, vì liên quan đến những đứa trẻ chào đời, hay chết đi. Tôi không muốn khi một người bà ôm cháu mình mà người ta lại cảm thấy hết cả phần hoá trang hay những bộ phận giả khi về già. Vì thế, phải để quá trình lão hoá tôn trọng làn da. Đây là công việc kéo dài 8 tháng đối với tất cả các nhân vật trong phim.

RFI : Đây là bộ phim tập trung chủ yếu đến những người phụ nữ. Những người đàn ông, người chồng, chỉ đóng vai trò phụ trong phim?

Trần Anh Hùng : Đúng vậy. Vì có một thời gian rất đặc biệt trong phim, đó là thời gian chu kỳ. Chúng tôi, những người đàn ông, có thời gian tuyến tính. Bởi vì phụ nữ, do kinh nguyệt, có nghĩa là có những ca sinh nở, và mang thai 9 tháng. Tất cả những điều này tạo thành một chu kì dẫn đến một thời gian vô cùng đặc biệt đối với người phụ nữ. Và vì bộ phim thiên về mặt chu kỳ này, nên dĩ nhiên là người đàn ông đóng vai trò phụ so với phụ nữ.

RFI : Liệu anh có cho rằng “Vĩnh cửu” cuối cùng là sự mặc tưởng về cuộc sống không?

Trần Anh Hùng : Đúng, hoàn toàn vậy. Cảm giác về ưu tư, về thời gian trôi qua và đó chính là cảm giác điều gì đó đã trôi qua và sẽ không bao giờ trở lại. Đây cũng là cảm xúc xót xa đôi khi vẫn đến với chúng ta khi nhìn con cái lớn lên, hay khi cha mẹ qua đời. Những điều này vẫn xảy ra và “Vĩnh cửu” đưa bạn đến với những cảm xúc đó.

RFI : Xin cảm ơn đạo diễn Trần Anh Hùng.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống