Saturday, May 16, 2015

Gốm Nam bộ

ert
Hội sưu tầm cổ vật Gốm Nam bộ ở TP. Hồ Chí Minh vừa có cuộc trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, thủ đô Hà Nội từ ngày 8 tháng 5 năm 2015.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
Hội sưu tầm cổ vật Gốm Nam bộ ở TP. Hồ Chí Minh vừa có cuộc trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, thủ đô Hà Nội từ ngày 8 tháng 5, 2015 với gần 200 cổ vật gốm Nam bộ được các nhà sưu tầm nhiều tỉnh thành lưu giữ. Đây là lần đầu tiên Gốm Nam bộ được trưng bày tại Hà Nội và phía bắc. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hậu, một chuyên gia khảo cổ cũng là người phụ trách tư vấn cho cuộc trưng bày này.

Xóm Lò gốm và gốm Nam bộ

Mặc Lâm: Thưa TS, đã từ lâu người Sài Gòn có một địa chỉ nổi tiếng là Xóm Lò gốm, không biết cái tên này có dính dấp gì tới gốm Nam Bộ hay không?

TS Nguyễn Thị Hậu: Địa danh Xóm Lò gốm đã nổi tiếng từ lâu. Nó là một trong những xóm nghề đã được ghi vào trong tác phẩm văn học Gia Định phong vịnh ký vào khoảng thế kỷ 19 và điều đặc biệt hơn trong bản đồ khu vực Sài Gòn do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815 thì Xóm Lò gốm là nơi duy nhất được vẽ trên bản đồ này. Khu vực địa lý của Xóm lò gốm ngày nay ta có thể hình dung nó nằm ở khu vực Q.6, Q.8 và một phần của Q.11 và hiện nay di tích khảo cổ chúng ta vẫn còn tìm thấy những khu lò như Lò Cây Mai rất nổi tiếng hay là khu lò Phú Định, Hòa Lục ở Q.8 chẳng hạn.

Nếu nói dưới góc độ gốm Nam bộ thì Xóm Lò gốm của khu vực Sài Gòn xưa, tức Chợ Lớn ngày nay, thì nó là xóm nghề đầu tiên được ghi vào sử sách. Đồng thời nó cũng ghi dấu ấn một làng nghề có sản phẩm nổi tiếng không phải chỉ vì nó mang tính thị trường, được mua bán nhiều nơi mà nó còn nổi tiếng với nhiều chức năng. 
-TS Nguyễn Thị Hậu
Nếu nói dưới góc độ gốm Nam bộ thì Xóm Lò gốm của khu vực Sài Gòn xưa, tức Chợ Lớn ngày nay, thì nó là xóm nghề đầu tiên được ghi vào sử sách. Đồng thời nó cũng ghi dấu ấn một làng nghề có sản phẩm nổi tiếng không phải chỉ vì nó mang tính thị trường, được mua bán nhiều nơi mà nó còn nổi tiếng với nhiều chức năng, vì những loại hình trang trí nghệ thuật của nó đã được sử dụng ở rất nhiều khu vực Nam bộ. Có thể nói khái niệm Xóm Lò gốm và gốm Nam bộ có mối quan hệ như vậy.

Mặc Lâm: Theo nghiên cứu của TS thì hoa văn của gốm dân dụng nam bộ có khác với các dòng gốm của miền Bắc và Trung không. Họa tiết thường miêu tả vấn đề gì để nói lên đặc thù của gốm Nam bộ?

TS Nguyễn Thị Hậu: Có thể nói khi nhìn vào hoa văn nói riêng và màu men nói chung của gốm Nam bộ ta có thể nhận biết điều khác biệt là gốm Nam bộ thường đa sắc, không đơn sắc như gốm miền Bắc hay Trung. Miền Bắc và Trung thì phổ biến dòng gốm men nâu hoặc men đơn sắc như men ngọc hay men trắng ngà. Còn nếu gốm màu thì thường là men xanh trắng, xanh cobalt. Ngoài ra cũng có men Tam Thái nhiều màu thí dụ như dòng gốm Chu Đậu chẳng hạn hay sau này là gốm Bát Tràng, nhưng nói chung thì có lẽ người ta vẫn chuộng men đơn sắc xanh trắng thôi.

Gốm Nam bộ có thể nói bất cứ một sản phẩm nào từ gốm tiêu dùng hay gốm xây dựng, trang trí nội thất, ngoại thất cho tới gốm sinh hoạt thì bảng màu men của nó vẫn phong phú hơn, đặc biệt hoa văn thì phải nói là rực rỡ. Những màu men đặc trưng của gốm Nam bộ hay phổ biến là men nâu, men vàng hay men xanh đồng. Men nâu, men vàng trong dân gian hay gọi đơn giản là men da lươn hay da bò ở Nam bộ rất phổ biến. Màu men xanh đồng là màu men nổi tiếng của lò Cây Mai sau này, cũng là một trong những màu men đặc trưng của gốm Biên Hòa.

IMG_2828-400.jpg
Hội sưu tầm cổ vật Gốm Nam bộ ở TP. Hồ Chí Minh vừa có cuộc trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, thủ đô Hà Nội từ ngày 8 tháng 5 năm 2015.Hình do TS Hậu cung cấp.
Còn vùng gốm Lái Thiêu nơi sản xuất chủ yếu những vật dụng sinh hoạt như chén, tô, ấm, bình thì ngoài 3 màu men cơ bản ấy còn có những màu men khác như đỏ, hồng, nâu. Các sắc nâu và sắc xanh lá cây…có thể nói khi nhìn vào hoa văn trang trí trên gốm xây dựng hay gốm kiến trúc, trang trí nội ngoại thất của Nam bộ thì người ta thấy vui tươi và rất bắt mắt. Người nhìn cảm thấy gần gũi thân thuộc chứ không có vẻ xa cách hay quá cao sang như những dòng gốm khác.

Cho nên nếu nói về họa tiết thì gốm Nam bộ thường có những họa tiết sinh hoạt. Thí dụ như gốm trang trí thì phong cách điêu khắc, chạm thủng hay đắp nổi luôn luôn mang phong cách làm cho người ta thấy gần gũi. Gần với các họa tiết trang trí trong các ngôi đình, chùa hay nhà. Kể cả những nhân vật được đắp nổi, những quần thể tượng đắp nổi trang trí cho đình chùa như ông Nhật, bà Nguyệt hay những quần thể tượng ở chùa Ngọc Hoàng ở Q.1 chẳng hạn thì phải nói đấy là những tượng mang tính quy chuẩn. Điển tích các gương mặt, thần thái hay màu của quần áo rất gần gũi, vì vậy nếu nói bên cạnh sự đặc sắc của màu men rực rỡ với bảng màu rất phong phú thì có thể nói họa tiết trang trí, vẽ cũng như điêu khắc, đắp nổi gốm Nam bộ rất gần gũi với người bình dân.

Mặc Lâm: TS vừa nhắc tới gốm Lái Thiêu khiến chúng tôi nhớ tới gốm Cây Mai, gốm Biên Hòa… có niên đại từ khoảng thế kỷ XVIII đến nửa sau thế kỷ XX là khoảng thời gian mà người thợ gốm Việt Nam có cơ hội tiếp cận để học hỏi kỹ thuật sản xuất của nhiều quốc gia, liệu gốm Nam bộ có thành tựu gì về vấn đề này?

TS Nguyễn Thị Hậu: Tất nhiên từ thời tiền sử thì Nam bộ đã làm đồ gốm để dùng hàng ngày của con người nhưng gọi là nghề gốm, đặc biệt mang tính thương mại, sản phẩm làm ra để buôn bán thì ta có thể lấy cái mốc khoảng thế kỷ 18 trở đi. Dòng gốm Cây Mai sau này phát triển thành dòng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu thì nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng đấy là sự kết hợp giữa nghề gốm của người bản địa. Ví dụ như người Việt khi vào đất Nam bộ đã mang theo nghề gốm cổ truyền của mình kết hợp với nghề gốm của người Chăm, người Khmer ở phía nam.

Đặc biệt là có được kỹ thuật tiến bộ hơn so với những dòng gốm khác, đấy là của dòng người Hoa khi di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam vào dầu thề kỷ 17-18. Có thể nói rằng kỹ thuật quan trọng nhất mà người Hoa mang sang là kỹ thuật về đắp lò và sau này là kỹ thuật lựa chọn nguyên liệu để làm sao cho nó phù hợp với độ lửa cao trong lò. Trước đây cư dân bản dịa khu vực Đông Nam á chủ yếu làm gốm bằng tay và nung ngoài trời, với độ nung không cao lắm và chất gốm là gốm đất nung và gốm sành. Sau khi có kỹ thuật đắp lò của người Hoa, đặc biệt là những lò rất lớn mà thuật ngữ gọi là lò rồng, lò nhiều ngăn thì rõ ràng độ nung cao hơn và nung được nhiều loại sản phẩm hơn. Kỹ thuật này không phải chỉ cho ra được những sản phẩm gốm có chất lượng cao mà nó còn có tác dụng lớn hơn là sản xuất được nhiều hơn. Mỗi mẻ lò ra đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sản phẩm cho nên thúc đẩy thị trường và nghề gốm phát triển hơn.

Vai trò của Trường Mỹ Nghệ Biên Hòa

Sự ra đời của trường Mỹ nghệ Biên Hòa về gốm thì gốm Nam bộ nói chung hay có thể gọi là gốm Sài Gòn hay gốm Biên Hòa đã học tập thêm được kỹ thuật mới về màu men, đặc biệt là cách vẽ hoa văn, cách tạo hình của phương Tây và vì vậy gốm Biên Hòa đi theo cái dòng mới, đấy là dòng gốm mỹ nghệ có thể dùng trang trí nội ngoại thất rất nổi tiếng. 
-TS Nguyễn Thị Hậu
Mặc Lâm: Theo TS thì vai trò của Trường Mỹ Nghệ Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20 có giúp gì được cho các dòng gốm Nam bộ hay không?

TS Nguyễn Thị Hậu: Với sự ra đời của trường Mỹ nghệ Biên Hòa về gốm thì gốm Nam bộ nói chung hay có thể gọi là gốm Sài Gòn hay gốm Biên Hòa đã học tập thêm được kỹ thuật mới về màu men, đặc biệt là cách vẽ hoa văn, cách tạo hình của phương Tây và vì vậy gốm Biên Hòa đi theo cái dòng mới, đấy là dòng gốm mỹ nghệ có thể dùng trang trí nội ngoại thất rất nổi tiếng. Có những ngôi nhà, những công trình xây dựng mới người ta đã sử dụng gốm Biên Hòa để trang trí nội ngoại thất.

Dòng gốm Lái Thiêu cũng trong khu vực Sài Gòn lan truyền ra khi Sài Gòn đô thị hóa không còn đất cho vùng gốm sản xuất nữa. Gốm Lái Thiêu đi theo một nhóm khác làm những đồ gia dụng. Nó sử dụng đất ở khu vực Bình Dương, Lái Thiêu nhưng cũng có sự phối hợp với dòng gốm khác là tạo ra dòng nguyên liệu tốt hơn. Men thì có thể nhập ở nước ngoài về nhưng pha trộn làm sao cho vẫn giữ được truyền thống rực rỡ, tươi tắn của gốm Nam bộ. Có thể nói rằng kỹ thuật của gốm Nam bộ và kỹ thuật của cư dân bản địa kết hợp với kỹ thuật của người Hoa và sau này tiếp nhận thêm kỹ thuật gốm của phương Tây.

IMG_2840-400.jpg
Hội sưu tầm cổ vật Gốm Nam bộ ở TP. Hồ Chí Minh vừa có cuộc trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, thủ đô Hà Nội từ ngày 8 tháng 5 năm 2015.Hình do TS Hậu cung cấp.
Điều đặc biệt cho đến bây giờ gốm Nam bộ có thể nói là giai đoạn hồi sinh, đấy là vào những năm 60 đã ra đời công ty gốm Thành Lễ. Gốm Thành Lễ đã ứng dụng được kỹ thuật sản xuất gốm trên thế giới vào những năm 50-60. Đề tài trang trí của gốm Thành Lễ đã quay trở lại với những đề tài lịch sử, đề tài truyền thống của dân tộc. Cho đến cuối những năm 90 tới năm 2000 có thể nói khu vực Bình Dương đã nổi lên gốm Minh Long. Minh Long đã nhập những loại lò hiện đại nhất, những loại men có chất liệu tốt nhất đồng thời kết hợp với kỹ thuật truyền thống hiện tại tạo ra các sản phẩm gốm xuất khẩu rất nổi tiếng.

Mặc Lâm: Nếu nhắc tới Minh Long thì có thể nói đây là sản phẩm về gốm đang chiếm rất nhiều cảm tình của người Việt lẫn ngoại quốc trong và ngoài nước, tuy nhiên Minh Long cũng đang rất chật vật cạnh tranh với gốm Trung Quốc. Theo TS thì gốm Việt Nam nói chung phải có đặc điểm gì nổi bật hầu có thể cạnh tranh được với các cường quốc về gốm trong khu vực?

TS Nguyễn Thị Hậu: Đầu tiên có thể nói Trung Quốc vốn là nước có thế mạnh về gốm. Nếu nói về kỹ thuật mới hay nét hoa văn thậm chí kể cả mẫu mã thì chúng ta có khả năng cạnh tranh với gốm Trung Quốc. Tuy nhiên có một điều tôi nghĩ hơi khó cho gốm Việt Nam đấy là nguồn nguyên liệu. Ở Trung Quốc thì họ có mỏ cao lanh tốt và nhiều. Đấy là yếu tố quyết định cho nghề gốm sứ Trung Quốc phát triển sớm và nó tạo ra sản phẩm mà theo thuật ngữ trong nghề gọi là cái “cốt”, tức xương gốm, mỏng nhẹ do tiêu chuẩn của nghể gốm là như vậy. Ở khu vực miền Đông nam bộ, mở rộng ra là cả Nam bộ thì số cao lanh tốt như Trung Quốc không có, còn nếu có thì rất ít ví dụ như ở Hải Dương hay Chu Đẩu cũ cũng có đấy nhưng trữ lượng không nhiều và nếu nói chất lượng để có thể sánh với gốm Trung Quốc thì rất khó khăn để có chất liệu tốt như thế.

Cho nên nếu muốn cạnh tranh với Trung Quốc thì chúng ta nên biết cái yếu của chúng ta và biến chúng thành thế mạnh, biến chúng thành mang tính đặc thù làm sao cho người tiêu dùng người ta thích cái điểm đặc thù ấy của mình. Thí dụ nếu như cái xương gốm của ta không được đẹp, mỏng nhẹ như gốm Trung Quốc thì chúng ta bù đắp lại bằng những mẫu mã để làm sao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thậm chí tạo ra những mẫu mã đón trước nhu cầu của người tiêu dùng về tất cả loại hình sinh hoạt. Không phải chỉ là đồ dùng trong ăn uống hay nhà hàng mà còn là sản phẩm trang trí, tất cả những sản phẩm nào có thể sử dụng bằng gốm.

Minh Long hiện nay cũng đi vào xu hướng sản xuất nhiều sản phẩm gốm chứ không phải chỉ đi vào dòng gốm dân dụng nữa. Thời điểm bây giờ là luôn cạnh tranh ở thế mạnh của từng dòng gốm và tạo ra sự khác biệt chứ không cạnh tranh bằng cách bắt chước người ta hay phải giống hệt người ta.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Nguyễn Thị Hậu.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống