Sunday, April 19, 2015

“Cấm yêu” giữa thầy và trò trong trường học

ert
Một giờ học của sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Mới đây một quy định của trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ đưa ra đã gây tranh cãi về việc cấm giảng viên và sinh viên trong trường có quan hệ yêu đương trong khuôn viên nhà trường. Đây là một nếp văn hóa mới mà theo trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ nhằm tạo môi trường trong lành trong việc dạy và học.
Người ủng hộ lập luận cho rằng nhà trường có trách nhiệm bảo vệ sự bình đẳng trong học tập giữa các sinh viên với nhau nên việc cấm đoán là cần thiết. Tuy nhiên nhóm chống đối thì băn khoăn cho rằng quy định “cấm yêu” đã đi quá xa có thể lấn sâu vào tự do cá nhân nhất là trong chuyện yêu đương, một phạm vi phải được tôn trọng vì tính chất thiêng liêng, nhân bản của nó.
Các sinh viên đã trưởng thành và việc yêu đương có xảy ra giữa họ và giáo viên cũng là điều dễ hiểu. Không ai có quyền cấm cản tình yêu nếu tình yêu đó xảy ra trong môi trường lành mạnh và trong sáng.

Cấm hay không cấm?
Các cuộc tranh luận cho tới hôm nay vẫn tiếp tục diễn ra trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mỗi bên đều mang lập luận hợp lý nhất để thuyết phục người nghe.
Câu chuyện mở ra một góc văn hóa mới về tình yêu giữa thầy và trò cho thấy việc cấm hay không cấm là câu hỏi khó trả lời hoàn hảo cho mọi người.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến Sĩ Trần Vinh Dự, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của trường để biết thêm lý do tại sao trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ chọn giải pháp gây tranh cãi này.
Mặc Lâm: Thưa TS, theo như chúng tôi được biết thì trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ là phân hiệu của Broward College tại Việt Nam, khi ra quy định này nhà trường có thông qua Bộ GDĐT hay không?
TS Trần Vinh Dự: Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ là một trường được thành lập tại Việt Nam theo quyết định của Bộ Thương binh Xã hội và chúng tôi có quản lý một phân hiệu của đại học Broward College tại Florida của Hoa Kỳ, phân hiệu này được mở tại Việt Nam cách đây 5 năm. Broward College có phân hiệu trên khắp thế giới trong đó Việt Nam là một phân hiệu vì thế chúng tôi không cần xin phép Bộ Giáo dục vì đơn vị chủ quản của chúng tôi là Bộ Lao động Thương binh xã hội.
Khi đưa ra quy định này tôi cũng xin nói thêm là nó đã có từ rất lâu vì trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ là một trường có vốn đầu tư của nước ngoài và được quản lý bởi các nhà quản lý người Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng mới tham gia đầu tư vào trường này từ cuối năm 2013. Khi chúng tôi đầu tư vào thì quy định này đã có sẵn, nó bắt nguồn từ triết lý giáo dục cũng như quản lý giáo dục của người Mỹ. Nếu bạn đọc và nghe đài lưu tâm thì ta có thể hiểu ở Hoa Kỳ những quy định này cũng mới được văn bản hóa trong thời gian gần đây, khoảng 3-4 năm trở lại, thế nhưng văn hóa phổ biến của nền giáo dục Mỹ là văn hóa không ủng hộ thậm chí cấm kỵ mối quan hệ tình cảm, tình dục giữa giáo viên và học sinh.
Mặc Lâm: Các trường đại học nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Yale, Connecticut cũng chỉ mới có quy định tương tự trong thời gian gần đây, phải chăng quy định này cũng từng bị chống đối gay gắt ở Mỹ?

n
Nếu tôi nhớ không nhầm thì trường đại học Yale và đại học Connecticut đã triển khai quy định này từ mấy năm trước rồi. Gần đây nhất vào đầu năm 2015 là đại học Harvard. Đại học Arizona State là trường đi tiên phong trong việc văn bản hóa quy định này. 
-Tiến Sĩ Trần Vinh Dự
TS Trần Vinh Dự: Nếu tôi nhớ không nhầm thì trường đại học Yale và đại học Connecticut đã triển khai quy định này từ mấy năm trước rồi. Gần đây nhất vào đầu năm 2015 là đại học Harvard. Đại học Arizona State là trường đi tiên phong trong việc văn bản hóa quy định này. Như tôi nói lúc nãy dù văn bản hóa hay không thì các trường đại học ở Hoa kỳ đều có văn hóa chung không ủng hộ quan hệ yêu đương giữa thầy và trò.
Còn ở Việt Nam như chúng ta đã biết, văn hóa Việt Nam nó hơi khác, văn hóa Việt Nam từ xa xưa chúng ta cũng đã có ký ức tôn sư trọng đạo là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Trong vài thập niên gần đây ở các trường Cao đẳng và đại học đều có ít nhiều diễn ra các mối tình thầy trò trong đó cũng có những mối tình dẫn đến hôn nhân nhưng đa phần thì không dẫn tới hôn nhân thậm chí tạo ra những cơ hội có thể xảy ra những chuyện không hay. Thí dụ như thầy giáo hay cô giáo dùng sức mạnh, quyền lực của mình trên giảng đường để ảnh hưởng một cách không lành mạnh, và chuyện ấy là có thật.
Quay lại câu hỏi tại sao trong thời gian gần đây các đại học ở Mỹ mới văn bản hóa thì tôi cũng có tìm hiểu một số thì tôi thấy: thí dụ như đại học Harvard thì Hội đồng giáo viên họ mới thông qua mấy tuần gần đây thôi và họ cho rằng văn hóa này đã có từ lâu nhưng do cảm thấy có một nhu cầu cần phải văn bản hóa để cho việc ấy trở thành rõ ràng. Tôi cũng tìm hiểu xem có sự chống đối gì hay không, có những scandal lớn gần đây dẫn đến việc phải văn bản hóa để đưa nó lên một mức cao hơn hay không thì thú thật tôi cũng không thấy có những yếu tố này hay sự chống đối nào đáng kể cũng như không có những scandal quá lớn diễn ra tại các trường này. Cho nên câu hỏi tại sao các trường đại học của Mỹ trong thời gian gần đây chạy đua theo phong trào văn bản hóa là câu hỏi rất thú vị mà tôi tạm thời chưa có câu trả lời.
Tuy nhiên ở Việt Nam thì chúng tôi có câu trả lời rất rõ ràng. Tại vì văn hóa Việt Nam nó hơi khác văn hóa Mỹ ở học đường. Văn hóa Việt Nam không tạo ra sự cấm kỵ về mặt quan điểm rõ ràng như ở Mỹ vì thế câu chuyện văn bản hóa là điều cần thiết để ngăn chặn những việc không hay xảy ra.

Có quyền chọn lựa tình yêu của mình?

Mặc Lâm: Một số nhà giáo dục, tâm lý VN không đồng tình với quy định này với lý do sinh viên đã trưởng thành và họ có quyền chọn lựa tình yêu của mình, TS nghĩ sao về ý kiến này?

TS Trần Vinh Dự: Thực ra tôi nghĩ trái lại. Trong số những quan điềm mà tôi đã đọc được gần đây chung quanh câu chuyện tạm gọi là “cấm yêu” thì tôi thấy những nhà giáo ở Việt Nam thuộc hai nhóm, một là nhóm được đào tạo ở nước ngoài hay những nhà giáo đã có tuổi thì phần lớn ủng hộ quy định này. Có một số nhà giáo cho rằng việc đưa ra quy định này không cần thiết lắm tại vì văn hóa của mình đã có yếu tố không ủng hộ hay ngăn chặn những mối quan hệ này rồi nhưng họ cũng không nói quy định này sai.
Cũng có một số ý kiến phản đối quy định này trên góc độ nó có vẻ phản đối lại giá trị cơ bản của quyền tự do yêu đương của con người bởi vì các bạn sinh viên cũng trên 18 tuổi, các bạn có quyền tự quyết về mặt cảm xúc của mình. Nhìn nhận ở góc độ ấy thì không sai, thế nhưng như tôi nói lúc ban đầu quy định này nó được đưa ra để bảo đảm hai yếu tố rất quan trọng trong môi trường giáo dục, thứ nhất là sự an toàn và thứ hai là sự bình đẳng.
Sự an toàn nằm ở chỗ một số giáo sư tại Harvard đưa ra quy định này cho rằng môi trường giáo dục phải an toàn vì trong quan hệ giữa giáo viên và học sinh thì giáo viên là người quyền lực hơn, các thầy cô là người có thể quyết định cho tương lai của sinh viên qua chuyện cho điểm vì thế một giáo viên có quan tâm đến một học sinh trong lớp chẳng hạn thì anh hoặc chị ta hoàn toàn có khả năng sử dụng quyền lực của mình để làm cho sinh viên ấy phụ thuộc vào mình và có thể phải yêu mình một cách không mong muốn. Đấy là chuyện mà tôi nghĩ nó không an toàn cho các bạn học sinh bởi vì môi trường theo quan điểm của chúng tôi thì thầy phải ra thầy, trò phải ra trò.
Thứ hai là câu chuyện về bình đẳng thì nó nằm ở chỗ “conflict of interest”, tức xung đột lợi ích. Người thầy hay cô giáo khi yêu một bạn học sinh trong lớp thì dù muốn dù không thì cũng bị ảnh hưởng sự bất bình đẳng với sinh viên khác, có thể ưu ái hơn đối với người mình yêu, chẳng hạn thế. Như vậy nó tạo ra môi trường mà trong đó các sinh viên khác trong lớp cảm thấy bị đối xử không công bằng và sẽ không thoải mái.
Vì hai yếu tố này mà câu chuyện “cấm yêu” là sự cần thiết. Dĩ nhiên “cấm yêu” không theo nghĩa đen vì không ai có thể cấm được tình cảm phát sinh trong đầu người giáo viên. Chúng tôi cũng có quy định là các thầy các cô không được yêu học sinh và nếu có tình yêu đủ lớn thì giống như vị giáo sư trong Broward College phụ trách chất lượng có phân hiệu tại Việt Nam có nói là nếu tình yêu đủ lớn như vậy thì người giáo vên hay học sinh nên chuyển sang một trường khác để giảng dạy hay học, đó là cách giữ tình yêu của mình và cũng vừa đảm bảo môi trường giáo dục tại trường thật sự trong sạch lành mạnh đúng theo tinh thần hoàn toàn bình đẳng cho các bạn học sinh, sinh viên khác.
Mặc Lâm: Quy định “cấm giảng viên và sinh viên yêu nhau trong trường” còn có vẻ nhằm ngăn chặn các tiêu cực khác như gian lận điểm, thiên vị trong thi cử khi có tình cảm giữa giảng viên và sinh viên. Trong trường hợp gian lận vì nhận được phong bì thì sao? Trường có kinh nghiệm gì về vấn đề này?
TS Trần Vinh Dự: Vâng, điều này thì ở các trường khác tôi không dám nói vì tôi không biết các trường khác có hệ thống quản lý như thế nào nhưng trường chúng tôi thì trong mỗi học kỳ chúng tôi đều có từ một đến hai đợt thanh tra từng lớp học một để xem các thầy cô giảng dạy như thế nào. Tất cả các bài kiểm tra, bài thi các thầy cô đều phải nộp về Phòng Đào tạo và nơi đây sẽ kiểm tra tính minh bạch của việc chấm thi đối với chương trình quốc tế của Đại học Broward College.
Tại Việt Nam thì chúng tôi thậm chí còn phải gửi bài thi, bài kiểm tra và kết quả cho trường Broward College ở Florida và trường Broward College sẽ có trách nhiệm kiểm tra tính minh bạch của các kết quả này vì thế câu chuyện phong bì để xin điểm tại trường chúng tôi là không có, và nếu phát hiện ra thì chắc chắn là người giáo viên đó sẽ phải nghỉ việc.
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Trần Vinh Dự đã chia sẻ với thính giả, độc giả về đề tài này.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống