Friday, May 16, 2014

• Cannes 2014 : Làn sóng điện ảnh Châu Á thoái trào ?

Tuấn Thảo

Điện ảnh phải chăng cũng như là rượu vang ? Năm trước bội thu, năm sau không được mùa. Nhìn vào danh sách phim tranh giải tại Cannes năm nay, các tác phẩm Châu Á có thể được đếm trên đầu ngón tay, lép vế hẳn so với các nền điện ảnh khác. Sau hơn một thập niên tỏa sáng trong các kỳ liên hoan quốc tế, làn sóng phim Châu Á dường như đang có dấu hiệu lắng xuống nếu không nói là thoái trào.
Naomi Kawase, đạo diễn Châu Á duy nhất đi tranh Cành cọ vàng 2014 - Reuters
Naomi Kawase, đạo diễn Châu Á duy nhất đi tranh Cành cọ vàng 2014 

Cách đây một năm, có đến ba bộ phim hiện diện trên bảng vàng Liên hoan Cannes. Đầu tiên hết là tác phẩm Thiên trụ định (A Touch of Sin) của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha giành lấy giải kịch bản. Bộ phim mang tựa đề Cha nào Con nấy (Like Father, Like Son – Soshite Chichi Ni Naru) của đạo diễn Nhật Bản Kore Eda Hirokazu đoạt giải thưởng của ban giám khảo Liên hoan Cannes.

Quan trọng không kém, giải Ống kính vàng dành cho một tác phẩm đầu tay được trao cho đạo diễn Singapore Anthony Chen nhờ bộ phim Ilo Ilo. Đây là lần đầu tiên, một tác phẩm đến từ Singapore được ban giám khảo Liên hoan Cannes xướng tên trong buổi lễ trao giải. Về mặt thành tích, thì coi như là điện ảnh Châu Á khá bội thu vì hơn một nửa số phim được tuyển chọn trong các chương trình chính thức, sau đó đều trúng giải.

Vào trung tuần tháng Tư vừa qua, khi ban tổ chức Liên hoan Cannes 2014 công bố danh sách các phim đi tranh giải Cành cọ vàng, thì giới hâm mộ điện ảnh Châu Á tỏ ra thất vọng. Lý do là vì sự hiện diện của điện ảnh Châu Á quá là khiêm tốn, không những ở trong hạng mục Cành cọ vàng, mà còn trong các chương trình chiếu phim khác có trao giải.

Theo lời ông Edouard Waintrop, người điều khiển chương trình Quinzaine des Réalisateurs (15 ngày dành cho các nhà đạo diễn), tuy có đầy sức sáng tạo trong những năm gần đây, nhưng không hiểu vì sao cả hai nền điện ảnh Thái Lan và Achentina năm nay đều vắng mặt. Còn hai quốc gia Ấn Độ và Iran, nổi tiếng nhờ truyền thống và kinh nghiệm làm phim, thì lại không gửi tác phẩm mới đi tranh giải.

Cách đây một thập niên, bộ phim Hàn Quốc Old Boy đoạt giải thưởng lớn của ban giám khảo tại Cannes, có thể được xem là giải nhì sau Cành cọ vàng. Điều đó giúp cho nền điện ảnh Hàn Quốc tạo thêm tiếng vang, mở đường cho nhiều đạo diễn nước này chinh phục các liên hoan quốc tế kể cả Berlin, Venise và Toronto. Nhưng trong hai năm gần đây, không có tác phẩm nào của Hàn Quốc được chọn đi tranh giải Cành cọ vàng. Điều đó khiến cho giới báo chí ở Hàn Quốc khá thắc mắc.

Đành rằng khủng hoảng kinh tế là mẫu số chung cho hầu hết các nền điện ảnh, đành rằng các nhà làm phim thường hay than phiền là trong thời buổi khó khăn rất khó mà huy động vốn đầu tư vào các dự án phim, nhưng theo số liệu của cơ quan Kofic, được trang thông tin hancinema.net trích dẫn thì điện ảnh Hàn Quốc nhờ biết hạn chế chi phí cho nên vẫn duy trì được lượng sản xuất, dao động ở mức 80 phim hàng năm, trong đó có tác phẩm mới dự trù phát hành trong năm nay của Im Kwon Taek và của Kim Ki Duk.

Về phía Trung Quốc và Nhật Bản, hai thị trường phim quan trọng ở Châu Á cũng không có nhiều phim tham gia Liên hoan phim Cannes năm nay. Nữ đạo diễn người Nhật Naomi Kawase là gương mặt duy nhất đại diện cho Châu Á đi tranh giải Cành cọ vàng với bộ phim Still the Water. Về phần mình, đạo diễn Hàn Quốc Jung Joo Ri và đạo diễn Trung Quốc Vương Siêu, mỗi người đều có tác phẩm được tuyển chọn vào chương trình chiếu phim Un Certain Regard (Một nhãn quan độc đáo). Còn điện ảnh Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông thì hoàn toàn vắng mặt trong các chương trình này. Hai hạng mục khác là Tuần lễ dành cho giới phê bình (Semaine de la Critique) và 15 ngày dành cho các đạo diễn (Quinzaine des Réalisateurs) đều không có tuyển phim Châu Á.

Bộ phim gần đây nhất của Hàn Quốc đi tranh giải Cành cọ vàng là Taste of Money của đạo diễn Im Sang Soo tham gia Liên hoan Cannes vào năm 2012. Ba đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc là Im Kwon Taek, Kim Ki Duk và Hong Sang Soo đều vắng bóng tại Cannes năm nay, cho dù họ đều chuẩn bị trình làng tác phẩm mới của họ trong năm nay.

Trước khi Cannes công bố danh sách các bộ phim đi tranh giải, đã có tin đồn cho rằng bộ phim thứ 102 của Im Kwon Taek, mang tựa đề là Hwajang sẽ được trình làng tại Cannes. Được vinh danh là một trong những bậc thầy, đạo diễn Im Kwon Taek từng được Cannes trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất vào năm 2002 nhờ tác phẩm Túy Họa Tiên (Chi Hwa Seon – tựa tiếng Pháp là Ivre de femmes et de peinture).

Theo đánh giá của nhà sản xuất Shim Jae Myung : Hiện thời, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đặt trọng tâm vào việc sản xuất các bộ phim thuộc dòng chính (mainstream) hầu thu hút đông đảo khán giả, nhiều hơn là chú trọng các tác phẩm nghệ thuật mang đầy tính thử nghiệm. Trong khi đó, thì các liên hoan phim quốc tế thường tuyển chọn phim theo tiêu chí nghệ thuật, có lẽ đây là lý do giải thích vì sao điện ảnh Hàn Quốc ít hiện diện trong các liên hoan phim những năm gần đây.

Đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk sau khi liên tiếp đoạt giải tại các liên hoan Berlin, Venise và Locarno cũng không đến Cannes tranh giải năm nay. Vào năm 2011, Kim Ki Duk từng có mặt trên bảng vàng Liên hoan Cannes với bộ phim Arirang, trong chương trình Một nhãn quan độc đáo (Un Certain Regard). Còn năm nay, đạo diễn Kim Ki Duk không tham dự Cannes cho dù đã được mời và nhất là tác phẩm mới của ông đã được hoàn tất và chuẩn bị ra mắt khán giả Hàn Quốc vào ngày 22/05 tới. Trong khi đó thì hai đạo diễn người Mỹ Terrence Malick và người Serbia Emir Kusturica đều đã nhận lời mời, nhưng rốt cuộc không đi tranh giải do phim của họ chưa làm xong, còn trong giai đoạn hậu kỳ.

Bộ phim mới của Kim Ki Duk mang tựa đề One on One (Một chọi một) hiểu theo nghĩa ăn miếng trả miếng kể lại câu chuyện của một nữ sinh bị 7 thanh niên bắt cóc rồi ám sát. Gia đình người thân của cô bé họp lại thành một nhóm 7 người rồi quyết định trả thù, họ truy bắt các nghi phạm hung thủ, buộc những kẻ này phải đền mạng, tự tay thi hành thay vì nhờ đến công lý. Theo công ty sản xuất các tác phẩm của Kim Ki Duk, thì sau một thời gian đem phim đi giới thiệu ở nước ngoài, nay nhà đạo diễn này muốn tập trung vào việc quảng bá cho phim mới của ông trên thị trường nội địa.

Nhìn lại, chỉ có hai phim của Hàn Quốc tham dự Cannes năm nay. Đầu tiên hết là bộ phim The Target (Mục tiêu) của đạo diễn Yoon Hong Seung (quay phim thay thế cho Juhn Jai Hong sau khi đạo diễn này rời bỏ đoàn làm phim). The Target là một bộ phim hình sự được giới phê bình đánh giá cao nhưng do đây là một tác phẩm làm lại bộ phim hành động A Bout Portant (tựa tiếng Anh là Point Blank) của đạo diễn Pháp Fred Cavayé, cho nên phiên bản Hàn Quốc không được đưa vào các chương trình chiếu phim có tranh giải.

Bộ phim thứ nhì của Hàn Quốc đi tranh giải tại Cannes là A Girl at My Door. Đây là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Jung Joo Ri và anh là gương mặt duy nhất đại diện cho Hàn Quốc trong hạng mục Một nhãn quan độc đáo (Un Certain Regard). Bộ phim A Girl at My Door kể lại câu chuyện của một nữ cảnh sát cố gắng giúp đỡ một bé gái gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng làm ơn rồi bị mắc oán, cuối cùng nhân viên cảnh sát này lại trở thành nạn nhân của ông bố dượng của đứa bé.

Đối với đạo diễn trẻ tuổi Hàn Quốc, đây là một cơ hội tuyệt vời, đưa tác phẩm đầu tay của mình đi thử sức với nhiều tài năng mới. Bộ phim A Girl at My Door cũng là một ứng cử viên sáng giá cho giải Ống kính vàng chuyên được trao cho các tác phẩm đầu tay. Cho dù trúng giải hay không, việc được tuyển chọn vào hạng mục Một nhãn quan độc đáo đã là một thành tích đối với một đạo diễn mới vào nghề.

Một trong những tài năng của Châu Á từng đoạt giải này là nữ đạo diễn Naomi Kawase. Cô đoạt giải Ống kính vàng vào năm 28 tuổi (vào năm 1997) khi bộ phim đầu tay của cô là Suzaku được tuyển vào chương trình 15 ngày dành cho các nhà đạo diễn (Quizaine des réalisateurs).

Đúng 10 năm sau đó, Naomi nhận giải thưởng của ban giám khảo Liên hoan Cannes vào năm 2007 nhờ bộ phim Khu rừng Mogari (The Mourning Forest). Từ đó trở đi, Naomi Kawase trở thành một gương mặt khá quen thuộc tại Liên hoan Cannes. Hầu hết các bộ phim mới của nữ đạo diễn này đều được mời đến Cannes tham dự. Still the Water, tác phẩm mới của Naomi Kawase cũng không thoát khỏi ‘‘thông lệ’’ này.

Nhân kỳ Liên hoan Cannes lần thứ 67, Naomi Kawase là là đại diện duy nhất của toàn Châu Á tham gia tranh giải Cành cọ vàng năm nay. Bộ phim Still the Water kể lại câu chuyện của một cặp trai gái ở lứa tuổi dậy thì, cả hai sống lạc loài trên một hòn đảo hoang sơ.

Một đêm trăng rằm, một thiếu niên 14 tuổi phát hiện một xác chết trôi dạt trên biển. Tính hiếu kỳ pha lẫn nỗi sợ hãi, cậu bé mới thuyết phục cô bạn gái cùng lần tìm danh tính nạn nhân và manh mối của vụ án. Một hành trình đầy ẩn dụ : tuổi trẻ từ giã thời thơ ngây khi bắt đầu khám phá những bí mật của thế giới người lớn.

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả có lẽ là sự thiếu vắng của các đạo diễn Trung Quốc tại Liên hoan Cannes năm nay. Sự thiếu vắng này không phải là do số lượng phim Trung Quốc phát hành hành trong năm. Đầu năm 2014, bộ phim Bạch Nhật, Diễm Hỏa của đạo diễn Điêu Diệc Nam đã đoạt giải Gấu vàng, trong số ba tác phẩm đi tranh giải tại liên hoan Berlin. Bên cạnh tác phẩm Bạch Nhật, Diễm Hỏa, khán giả Berlin còn khám phá hai bộ phim khác của Hoa Lục là Vô Nhân Quốc của Ninh Hạo và Blind Massage của Lâu Diệp.

Năm nay, ngoài việc tuyển chọn phim Fantasia của Vương Siêu, liên hoan Cannes còn công chiếu tác phẩm mới của Trương Nghệ Mưu là Coming Home (Ngày trở về) với Củng Lợi trong vai chính. Bộ phim kể lại câu chuyện của một tù nhân chính trị được trả tự do sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ông trở về nguyên quán, tìm lại mái ấm gia đình. Nhưng người vợ hiền năm xưa lại như một kẻ mất cả trí nhớ. Bà chờ đợi ngày trở về của vị hôn phu năm nào, cho dù vẫn có ông chồng sống bên cạnh, nhưng quan hệ lại như đối với một kẻ xa lạ.

Một bộ phim tinh tế nói về một chủ đề ký ức nhạy cảm, xứng đáng được đưa vào chương trình tranh giải nhưng rốt cuộc lại được công chiếu mà không tranh giải. Theo lời ông Charles Tesson, người điều hành chương trình chiếu phim Tuần lễ dành cho các nhà phê bình, thì điều đó có lẽ là do quan hệ giữa ban tuyển chọn phim cho liên hoan Cannes và Bộ Văn hóa Thông tin Trung Quốc dạo này không được mặn mà cho lắm, tương tự như trường hợp của liên hoan Berlin với Bộ Văn hóa Iran.

Bất đồng giữa hai bên bắt nguồn từ trường hợp của Lâu Diệp. Đạo diễn Trung Quốc thu hút sự chú ý của giới phê bình vào đầu những năm 2000 với bộ phim Dòng sông Tô Châu với nữ diễn viên Thư Kỳ trong vai chính. Từ năm 2003 trở đi, Lâu Diệp liên tục được mời đi tranh giải tại Cannes, với hai bộ phim Bướm Tím (Bích Điệp - Purple Butterfly) và Di Hòa Viên (Une Jeunesse Chinoise). Vấn đề là bộ phim Di Hoà Viên do có nhắc đến sự kiện Thiên An Môn nên đã bị chính quyền cấm phát hành và Lâu Diệp không được phép quay phim trong vòng 5 năm.

Bất chấp lệnh cấm này, Lâu Diệp vẫn đưa phim sang Cannes công chiếu vào năm 2006, và ba năm sau đó đi tranh giải tại Cannes vào năm 2009 với bộ phim Xuân Phong ( … Trầm Túy Đích Dạ Hoàng - Nuit d'Ivresse Printanière). Tuy toàn bộ tác phẩm được quay lén do Lâu Diệp vẫn còn bị cấm làm phim, nhưng tác phẩm này lại đoạt giải kịch bản tại Cannes. Đối với Bộ Văn hóa Trung Quốc, thì việc trao giải chẳng khác gì một hình thức ủng hộ khuyến khích các nhà làm phim bất phục tùng và luồn lách kiểm duyệt.

Cách đây đúng một năm, đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng ở nước ngoài là Giả Chương Kha khó khăn lắm mới được cấp giấy phép sang Cannes tranh giải với bộ phim ThiênTrụ Định (A Touch of Sin). Phim này có mặt trên bảng vàng nhờ đoạt giải kịch bản Liên hoan Cannes 2013. Theo đạo diễn Giả Chương Kha, sau một thời gian tỏa sáng nhờ những tên tuổi thuộc thế hệ thứ 5 như Trần Khải Ca (Bá vương biệt Ngu cơ), Trương Nghệ Mưu (Phải sống), rồi thế hệ thứ 6 như Vương Tiểu Soái (Xe đạp Bắc Kinh), Khương Văn (Quỷ dữ trước cổng nhà), sức bật của điện ảnh Hoa Lục tại các liên hoan phim quốc tế như thể bị khựng lại, trong khi điện ảnh Hoa ngữ qua hai gương mặt tiêu biểu Vương Gia Vệ (In the Mood for Love) và Lý An (Lust Caution) thì lại được tán tụng lên đến tận mây xanh.

Theo Giả Chương Kha, hầu hết các tên tuổi sau khi đoạt giải tại các liên hoan quốc tế đều ít nhiều gặp trở ngại trong việc phát hành và vì thế mà khó phổ biến tác phẩm của mình với khán giả trong nước. Vấn đề kiểm duyệt hạn chế tiềm năng sáng tạo, có thể khiến cho các đạo diễn ở Hoa Lục chọn làm phim thương mại (dễ huy động vốn, dễ kiếm lợi nhuận) thay vì chọn dòng phim nghệ thuật, đề cập đến những đề tài ưng ý nhưng càng nhạy cảm chừng nào thì càng khó mà hoàn thành chừng nấy.

Dù là nguyên nhân gì đi nữa, khó khăn tài chính hay vì lưỡi kéo kiểm duyệt, điện ảnh Châu Á năm nay bỏ lỡ cơ hội tỏa sáng tại Liên hoan Cannes. Nhưng hiện tượng này có lẽ chỉ nhất thời. Phim ảnh cũng như rượu vang : biết chừng đâu năm nay thất thu, nhưng năm sau bỗng dưng lại được mùa.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

  1. ĂN TRÔNG NỒI, NGỒI TRÔNG HƯỚNG
  2. Kín cổng cao tường
  3. Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương
  4. Kẻ tám lạng người nửa cân
  5. Hồn xiêu phách lạc
  6. Hàng tôm hàng cá
  7. Há miệng mắc quai
  8. Há miệng chờ sung
  9. Gửi trứng cho ác
  10. Giàu làm kép hẹp làm đơn