Saturday, November 9, 2013

Ngàn năm áo mũ


ngan-nam-ao-mu-1-305.jpg
Bìa sách Ngàn năm áo mũ của tác giả Trần Quang Đức.
Courtesy FB Trần Quang Đức
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Tháng 6 vừa qua tác giả Trần Quang Đức đã ra mặt tác phẩm nghiên cứu mang tên “Ngàn năm áo mũ” được giới nghiên cứu đánh giá là một tác phẩm công phu và đầy tham vọng khi anh cố dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945).


Ngàn năm áo mũ đã ghi nhận mọi kiểu dáng cũng như quy chế các loại áo mũ được sử dụng trong cung đình trải dài từ thời Lý tới thời Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn. 

Riêng biệt qua từng thời đại

Mặc Lâm có cuộc trao đổi với tác giả qua bài phỏng vấn sau đây, trước tiên tác giả Trần Quang Đức cho biết:
Trần Quang Đức: Thưa anh, ca kịch ở trong cung đình thì mỗi một thời đại có những đặc điểm riêng biệt và có những mức độ ảnh hưởng từ Trung Hoa khác nhau. Mỗi một thời đại thì chất liệu vải vóc, hoa văn cũng khác nhau. Thế nhưng sau khi tìm hiểu các chuỗi dạng trang phục đã được ghi chép lại thì có một điều không thể phủ định được là ở tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam đều luôn luôn coi trang phục của Trung Hoa là chuẩn mực và đều có sự mô phỏng để có được sự tôn nghiêm tương tự so với Trung Quốc.
Để nói đến điều đó,tất nhiên đối với người ở thời đại ngày nay thì ta có một xúc cảm khá là khó nói đối với Trung Quốc nhưng trong bối cảnh đương thời thì tôi có nói ngay phần đầu sách đến quan niệm về đế vương và quan niệm về hoa vi. Điều đó có nghĩa là coi văn minh Trung hoa là chuẩn và bản thân Việt Nam cũng là một đế quốc xưng là hoàng đế để ngang hàng với Trung Quốc. Điều  này cũng đã thể hiện rất rõ trong qui chế trang phục trong cung đình từ  mũ, mão, đai, hia cũng mang tính ngang hàng với triều đình Trung Quốc.
Ca kịch ở trong cung đình thì mỗi một thời đại có những đặc điểm riêng biệt và có những mức độ ảnh hưởng từ Trung Hoa khác nhau.
-Trần Quang Đức
Chúng ta có thể đơn cử thời Lý, tương đương với thời Tống của Trung Hoa; qua những sử liệu cho thấy triều đình nhà Lý cũng như những thương nhân người Việt thời Lý từng mua rất nhiều vải vóc của nhà Tống. Đồng thời đặc biệt là có một loại lụa dát vàng gọi là đoạn dát vàng được mua với một số lượng rất lớn khiến cho vua Tống nhiều lần xuống lệnh cấm bán vải đoạn dát vàng cho người An Nam.
Đặt trong bối cảnh ấy thì tôi cũng làm rõ ra được trữ lượng vàng khá là dồi dào của triều Lý thành ra thích mặc trang phục dát vàng của nhà Tống. Sau khi nhập những loại lụa của nhà Tống rồi thì Vua Lý Nhân Tông có qui định là từ nay không mua vải của nhà Tống nữa mà triều đình lúc ấy đã có thể tự dệt ra những loại lụa rất đẹp. Điều đó thể hiện rõ là ban đầu ta có nhập của Trung Quốc nhưng sau đó qua quá trình giao lưu văn hóa, tiếp xúc như vậy thì ta cũng có thể tự dệt ra những loại lụa đẹp và may ở trong cung đình.
Nhìn xâu chuỗi cả một quá trình như thế thì thời Lê, thời Nguyễn sau này có rất nhiều loại vải lụa đẹp mà ta cũng nhập từ Trung Quốc về. Ở đây chúng ta cần nhìn ở góc độ quan niệm về văn minh, quan niệm về tính chất đối đẳng, ngang hàng với Trung Quốc trong qui chế của triều đình Việt Nam thay vì ta cứ hỏi cái gì chỉ có ở Việt Nam thì điều đó rất là khó.
Mặc Lâm: Xin được hỏi khi nghiên cứu trang phục của các triều đại Việt Nam anh có bị chi phối bởi quan niệm phải chứng minh rằng vua chúa Việt Nam không hề bị ảnh hưởng từ Trung Hoa mặc dù thiết kế trang phục theo phong cách của vua chúa nước họ?
Trần Quang Đức: Quan niệm của tôi khi kết luận thì không phải là đặt quan điểm của mình lên trước và mình chứng minh cái quan điểm đó. Đầu tiên là vì tôi chưa hề biết trang phục đó là như thế nào nên tôi bắt đầu lần sử liệu, tư liệu văn tự và tư liệu hình ảnh và rồi tôi khớp những tư liệu ấy lại với nhau. Tôi thấy trong suốt quá trình từ nhà Lý đến nhà Nguyễn thì rõ ràng trang phục của Việt Nam, trang phục cung đình nói riêng và của dân gian nói chung đều có sự ảnh hưởng nhất định về văn hóa từ Trung Quốc. Đó không phải là tôi ước đoán ra để tôi chứng minh mà thông qua các sử liệu nó ấn chứng cho những điều đó.
Tran_Quang_Duc_-250.jpg
Tác giả Trần Quang Đức.
Vấn đề mà chúng ta đang muốn nói là lệ thuộc văn hóa hay là không lệ thuộc văn hóa, đâu là bản sắc riêng. Thế nhưng đặt trong bối cảnh đương thời thì rõ ràng Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản đều luôn coi văn minh Trung Hoa là chuẩn mực, đặc biệt là trong văn hóa cung đình. Điều đó đến bây giờ cả Nhật bản cũng vậy. Mặc dầu Nhật Bản cũng ghét Trung Quốc, khó chịu với văn minh Trung Quốc nhưng họ vẫn sử dụng chữ Hán bởi vì đó là một sản phẩm văn hóa trong suốt thời kỳ dài lịch sử.
Ý của tôi là triều đình Việt Nam cũng như vậy nhưng chẳng qua chúng ta có các vấn đề chính trị khiến cho thời hiện đại ngày nay chúng ta đề cao tinh thần dân tộc và chúng ta bài xích văn hóa Trung Quốc. Trên thực tế, trong quá khứ qua các triều đại chúng ta đều từng đã coi văn minh Trung Hoa là chuẩn mực. Thậm chí khi Trung Quốc bị cai trị bởi dân tộc Nguyên Mông hay dân tộc Mãn Thanh thỉ bản thân những nước xung quanh Trung Quốc như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản đều tự cho mình là đất nước lưu giữ cái nền văn minh Trung Hoa cổ truyền. Họ tự hào là lưu giữ được sự thuần khiết đó.
Trong sử liệu và trong các hiện vật có thể thấy điều đó. Đặc biệt đến thời Nguyễn chẳng hạn, đó là thời Mãn Thanh, bản thân nhà Nguyễn và Triều Tiên đều coi họ là chuẩn mực văn minh của Trung Quốc. Vua Minh Mạng và Vua Thiệu Trị cũng đều chê bai văn hóa của nhà Thanh. Trong suốt cả 1.000 năm hay thậm chí là cả 2.000 năm tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam đều coi chữ Hán và ngôn ngữ Hán là ngôn ngữ ở trong quan phương; Ngôn ngữ viết thơ từ ca phú, ngôn ngữ để dùng thi cử, ngôn ngữ để dùng trong cung đình. Điều đó không có nghĩa rằng là ta dùng chữ Hán, ngôn ngữ Hán như thế có nghĩa là ta quên đi cái bản sắc Việt nam hay là ta quên đi nguồn gốc dân tộc và đó không phải là điều tôi đang nói đến.

Thông qua sử liệu để nói lên tư tưởng

Mặc Lâm: Được biết anh trong thời gian học và làm việc tại Trung Quốc anh đã cố công tìm lại dấu vết của Hồ Nguyên Trừng, một nhân vật lịch sử của Việt Nam. Trong khi tìm kiếm như vậy anh có phát hiện dấu vết văn hóa nào của Việt Nam trên đất Tàu hay không?
Trần Quang Đức: Những dấu chỉ văn hóa Việt Nam mà tôi nhìn thấy trên đất Tàu như chúng ta thường hay nói đến là Nguyễn An, là người thiết kế lại Tử Cấm Thành cố cung. Chính bản thân tôi nhìn thấy một tấm bia mà do đích thân Hồ Nguyên Trừng soạn bia và viết chữ Triện trên trán bia. Thông qua chữ Triện tức là viết chữ Hán theo lối Triện của Hồ Nguyên Trừng thì nó thể hiện ông ta có sự tu dưỡng về mặt viết chữ rất là bài bản và viết rất là đẹp.
Ta nhìn trong lịch sử thư pháp của Việt Nam thì riêng hệ thống chữ Triện để đóng dấu hoàn toàn không có bài bản nhất là thời Lê Nguyễn sau này. Thế nhưng chữ Triện của Hồ Nguyên Trừng lại rất chuẩn tắc và đạt đến đỉnh cao về nghệt thuật thư pháp của Việt Nam. Đấy là tôi đã đích thân tìm thấy sau khi đi tìm mộ của Hồ Nguyên Trừng  và đã tìm thấy tấm bia do ông ta biên soạn.
Quan niệm của tôi khi viết sách, đặc biệt là viết về sử, văn hóa thì sử liệu có đến đâu nói đến đó không sa đà vào tự biện nghĩa là biện luận cái ý kiến riêng của mình.
-Trần Quang Đức
Ngoài ra khi đi các bảo tàng ở Trung Quốc hay là quá trình tự tìm kiếm trong các nhà sưu tập tư nhân thì tôi cũng có tiếp xúc và nhìn thấy một số đồ đạc và những cuốn sách khá cổ của Việt Nam đã được lưu giữ ở Trung Quốc. Chúng ta biết rằng khi các sứ thần của Việt nam đi sứ sang triều cống thì cũng có gặp những sứ của Triều Tiên, Nhật Bản hay là trong quá trình giao thương thì có rất nhiều những hiện vật, những ghi chép trong các nước được gọi là đồng văn thời đó. Đặc biệt là ở Trung Quốc nguồn sử liệu ghi chép thì người Việt cũng còn khá là nhiều. Trong khi tôi nghiên cứu thì tôi cũng tìm ra được rất nhiều những ghi chép đó. Thông qua những điều đó thì thấy là chúng ta còn có thể bỏ ra nhiều chiều hướng hơn nữa để nghiên cứu về lịch sử Việt cũng như lịch sử văn minh, văn hóa của người Việt.
Mặc Lâm: Có người cho rằng nghiên cứu trang phục của cả 1.000 năm trong một quyển sách vỏn vẹn có 400 trang là quá sơ sài, anh nghĩ sao về nhận xét này?
Trần Quang Đức: Quan niệm của tôi khi viết sách, đặc biệt là viết về sử, văn hóa thì sử liệu có đến đâu nói đến đó không sa đà vào tự biện nghĩa là biện luận cái ý kiến riêng của mình hay bình tán, tán tụng chỗ này đẹp ở chỗ nào, xấu ở chỗ nào… tôi không làm những việc đó. Tôi chỉ thông qua sử liệu để nói lên tư tưởng là một và đặc biệt cái mà tôi quan tâm ở đây là trang phục mũ mão ra làm sao.
Tran_Quang_Duc_2-250.jpg
Tác giả Trần Quang Đức tại buổi ra mắt tác phẩm nghiên cứu “Ngàn năm áo mũ”. Courtesy FB Trần Quang Đức.
Trang phục thời Lý, thời Trần thì tư liệu có đến đâu thì tôi chỉ dừng ở chỗ đó mà thôi vì có những cái rõ ràng là ta không thể nào nói hơn nữa; Ví dụ như trang phục của bà hoàng hậu, bà phi thời Lý, thời Trần thì chịu chết vì sử liệu không hề có. Các nhà nghiên cứu khác thì họ lại dùng hệ thống tượng thờ của thế kỷ 17,18 mà tương truyền cho là thờ công chúa thời Lý. Trong sách của tôi hoàn toàn không đề cập đến những pho tượng đó vì trong quan niệm của tôi thì tư liệu hình ảnh phải đồng đại; Đồng đại có nghĩa là phải nhìn thấy trong triều đại đó thì tôi mới có thể sử dụng làm tư liệu nghiên cứu. Do vậy trang phục của hậu cung, hậu phi thời Lý, Trần là tôi không đề cập đến vì không có sử liệu.
Đúng là 1.000 năm chỉ gói gọn trong 400 trang sách nhưng thực chất thì tuyệt đại đa số chúng ta sẽ thấy toàn là các sử liệu được cung cấp, được ấn chứng, được so sánh với nhau. Rất ít những lời bình tán của tôi đối với sử liệu này. Có nhiều ý kiến cho rằng “Anh ơi, sao 1.000 năm và đặc biệt trang phục giáp trụ, áo giáp của các triều đại phong kiến Việt Nam nó lại ít như thế và anh lại thảo rất là sơ sài?” - bởi vì sử liệu không cho mình nói nhiều hơn nữa và đặc biệt là chúng ta không có hiện vật khảo cổ nên chúng tôi không thể cung cấp vào trong cuốn sách này được.
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết anh đang ấp ủ để viết một cuốn khảo cứu về cách ứng xử của người Việt xưa. Công trình này xem ra cần rất nhiều tư liệu cũng như công sức. Anh sẽ bắt đầu từ đâu trước công trình mới này?
Trần Quang Đức: Tôi đang có ý định muốn viết cuốn sách về cách ứng xử của người Việt nói chung và đặc biệt là tầng lớp tinh anh tức là tầng lớp triều đình phong kiến ứng xử với triều đình Trung Hoa như thế nào. Ở đây có lẽ bắt đầu vào thời có sử có nghĩa là sẽ có sử liệu, cũng có thể ấn chứng được là giai đoạn Bắc thuộc kéo dài đến thời Nguyễn. Tôi chỉ dừng lại đến thời phong kiến mà thôi chứ còn sau nữa thì là phần của người khác. Anh Huy Đức đã làm rất tốt từ giai đoạn 75 đến nay hay là ứng xử của Trung Quốc cũng đã có nhiều những tham luận rồi. Riêng về thời phong kiến thì vẫn còn một cái sân rất rộng để khai thác.
Trong cách ứng xử này thì có rất nhiều các vấn đề, thứ nhất về chính trị chẳng hạn, ta ứng xử với Trung Quốc như thế nào. Ứng xử về chính trị thì bao gồm về địa lý, chúng ta phải luôn luôn giữ đất, có sống chết cũng phải giữ độc lập của  đất nước. Nếu so với Triều Tiên chẳng hạn, thì luôn luôn là điều gì, làm bất cứ việc gì lớn thì đều phải xin ý kiến của triều đình Trung Quốc và rồi Triều tiên mới quyết.
Triều đình Việt Nam có xin như vậy hay không? Thông qua các sử liệu mà tôi đã có thì tôi vẫn chưa thấy Việt Nam xin ý kiến Trung Quốc ở đâu. Đó là điều mà có thể khai thác được. Minh Thái tổ bề ngoài là thần phục nhưng thật ra bên trong vẫn tự ý làm theo ý của mình chứ không hề cấp báo lên trên triều. Đấy là một trong những cách ứng xử. Thứ hai là về văn hóa thì văn hóa Việt và văn hóa cung đình của Việt Nam ứng xử với Trung Quốc như thế nào? Từ xưa đến nay, đó là sự mâu thuẫn. Rõ ràng từ xưa đến nay, văn hóa cung đình của ta du nhập rất nhiều những thứ có nguồn gốc văn minh từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn giữ những tập tục thâm căn cố đế của người Việt. Đầu tóc có thể thay đổi, áo mũ có thể thay đổi nhưng riêng có một đặc điểm mà rất ít khi thay đổi đó chính là răng đen. Dù vua Lý có thể mặc một cái áo giống Tàu, vua Trần có thể đội một cái mũ giống y hệt như Tàu nhưng hễ cười ra thì răng lại đen bóng. Đó là một trong những đặc điểm rất là bền chắc của người Việt. Và đó cũng là bản sắc mà tôi muốn tìm hiểu. Không chỉ là tôi mà nhiều nhà nghiên cứu cũng luôn luôn muốn tìm hiểu “ta là ai, ta từ đâu đến”.
Trong khả năng của tôi trong “Ngàn Năm Áo Mũ” thì chỉ là 1.000 năm. Giờ thì tìm hiểu thêm nữa, hơn 1.000 năm đi, 1.500 năm thì nó sẽ như thế nào? Qua những ứng xử như thế thì ta mới biết rằng người Việt là cộng đồng người như thế nào. Và đó cũng là điều mà tôi quan tâm, lưu ý.
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

  1. ĂN TRÔNG NỒI, NGỒI TRÔNG HƯỚNG
  2. Kín cổng cao tường
  3. Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương
  4. Kẻ tám lạng người nửa cân
  5. Hồn xiêu phách lạc
  6. Hàng tôm hàng cá
  7. Há miệng mắc quai
  8. Há miệng chờ sung
  9. Gửi trứng cho ác
  10. Giàu làm kép hẹp làm đơn