Sunday, November 1, 2015

Cúp điện, nỗi khổ ám ảnh thường xuyên của cải lương

Pic
Bìa đĩa hát cải lương Chuyện tình Lan và Điệp.
Ngành Mai, thông tín viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
Nghệ thuật cải lương từ lúc mới hình thành vào đầu thập niên 1920 đến nay, trải qua mấy thế hệ rồi, hầu như ai cũng biết bộ môn nghệ thuật này luộn hoạt động về đêm, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng, như tình hình an ninh ở mỗi địa phương, hay là lệnh giới nghiêm từ 9, 10 giờ tối thì cải lương bắt buộc phải hát ban ngày để đào kép, công nhân sống tạm. Hoặc là những ngày Tết, ngày lễ thì mới có thêm suất hát 3 giờ chiều để kiếm thêm tiền, chớ chủ yếu vẫn là suất hát tối mới có đông khán giả, mà đã hát ban đêm thì dĩ nhiên là phải có đèn đuốc.

Tình trạng “hãi hùng” do bởi nạn cúp điện

Khi xưa, nhờ ánh sáng của đèn măng xông mà cải lương hoạt động đều suốt hơn 2 thập niên, nếu có trở ngại đèn bị hư hỏng thì cũng không phải lo lắng gì nhiều, bởi ít ra cũng có những nhà hào hiệp ở địa phương, họ sẵn sàng giúp cho mượn xài tạm chiếc đèn loại này để trình diễn cho đến vãn hát. Hoặc cùng cực lắm thì người ta dùng nhiều cây đèn cầy loại lớn cũng xong một đêm hát. Gánh hát của nghệ sĩ Bảy Nam, thân mẫu của kỳ nữ Kim Cương, lúc đi hát ở đồn điền cao su từng dùng mủ cao su cặn bó lại thành cây đuốc để hát.

Thế nhưng, từ khi khoa học kỹ thuật tiến lên, điện đã có ở Sài Gòn, ở các tỉnh thành, thị trấn thì đèn măng xông được coi như lạc hậu, các đoàn cải lương đã có loại ánh sáng đèn điện rất dễ dàng sử dụng và tiện lợi hơn nhiều. Nhưng cũng chính vì cái không còn sử dụng ánh sáng đèn măng xông, mà nhiều đoàn hát đã gặp phải tình trạng “hãi hùng” do bởi nạn cúp điện, mà sự thiệt hại nhẹ nhứt là phải trả lại tiền vé cho khán giả. Còn nặng nề hơn là bị đập phá đồ đạc âm thanh, dụng cụ sân khấu, cùng với sự hành hung, đánh đập công nhân, đào kép…

Vào thời những năm 1940 chỉ có vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, và thị xã Gia Định là có điện từ chiều cho đến sáng. Còn các tỉnh thành, thị trấn thì điện chỉ sáng đến 10 giờ đêm thì nhà đèn ngưng chạy, hoặc có vài nơi nhà đèn chạy đến 12 giờ, rồi thì đèn điện cũng tắt, người ta phải xử dụng đèn dầu, đèn cầy nếu phải thức khuya. Còn như đi ra khỏi thị trấn vài cây số là phải dùng đèn măng xông như trước đó mà thôi. Tóm lại là thời này tuy đã có điện nhưng rất hạn chế, và gánh hát cải lương cũng chẳng được nhờ cậy bao nhiêu, mà chủ yếu vẫn là đèn măng xông treo ở 4 góc khán trường.

Rồi đến giữa thập niên 1940, sau đệ nhị thế chiến thì các gánh hát lớn bắt đầu có chiếc máy phát điện nhỏ được mang theo đi lưu diễn, để khi nhà đèn cúp điện thì cho máy chạy. Lúc bấy giờ gánh hát dọn đến đâu, người ta chỉ nhìn vào chiếc máy đèn là đánh giá ngay thực lực của đoàn hát. Nếu như máy đèn lớn thì bầu gánh thuộc dạng khá giả, đồng nghĩa với gánh hát lớn, tuồng hay, đào kép tên tuổi, trang phục phông màn đẹp mắt.

Còn như máy đèn nhỏ, cũ kỹ thì coi như gánh hát đó nghèo nàn, đào kép ít ai biết đến, tuồng tích cũng chẳng có gì đặc biệt. Tuy vậy máy đèn cũng chỉ sử dụng cho ánh sáng mà thôi, chớ thời này chưa có micro khuếch đại âm thanh, đào kép phải phát âm lớn, và khán trường phải im lặng thì mới nghe diễn viên ca hát.

Sang qua thập niên 1950 cũng có vài đoàn hát có tầm cỡ như đoàn Hoa Sen của Bảy Cao, đoàn Thanh Minh của Năm Nghĩa, đoàn Kim Thanh của 4 nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga. Các đoàn đại ban này ngoài chiếc máy phát điện lớn, họ còn dự phòng thêm chiếc máy nhỏ, để mỗi khi chiếc máy chính bị trục trặc thì chiếc máy nhỏ đã sẵn sàng cứu vãn tình hình, chớ không thôi thì phải trả lại tiền vé cho khán giả thì đoàn hát mới yên thân. Đoàn hát lớn đi lưu diễn luôn có người chuyên viên điện được trả lương tháng đi theo đảm trách phần máy đèn.

Nói chung thời thập niên 1940 – 1950 này nhiều nơi đã có điện, nhưng chiếc máy phát điện riêng vẫn là chính yếu của gánh hát cải lương, là sinh mệnh của đoàn hát. Cái thời mà đại đa số người dân ở nông thôn chẳng hề biết điện là gì này, bầu gánh cải lương muốn có chiếc máy phát điện riêng cỡ nhỏ thôi cũng phải bán 10 con trâu mới có thể mua được. Còn như muốn có chiếc máy lớn để có nhiều ngọn đèn soi sáng làm xôm tụ gánh hát thì phải bán cả ruộng đất.

Máy phát điện phổ biến

Sang qua thập niên 1960 máy phát điện được nhập cảng nhiều, khá phổ biến, nên việc mua máy phát điện riêng cũng dễ dàng, thường là máy của Nhựt nhập vào được coi như tốt nhứt, giá cả cũng phải chăng không đắt lắm như thời thập niên 1940 – 1950. Nhờ máy đèn dễ mua nên các gánh hát dù nhỏ cũng trang bị cho mình chiếc máy phát điện để dự phòng.

Nói là dự phòng, tức có máy nhưng ít khi chạy, do bởi nhiều nơi đã có điện, chỉ khi nào cúp điện thì máy đèn mới chạy. Đây là thời kỳ vàng son của cải lương, ở Đô Thành ít khi bị cúp điện, và ở tỉnh thì nhiều nơi đã có điện 24/24. Tuy vậy những gánh hát lớn như đoàn Kim Chưởng đi lưu diễn vẫn có máy phát điện mang theo.

Sau 1975 hầu như tỉnh nào, huyện nào cũng có sân bãi rộng, thường là sân banh để cho cải lương trình diễn, và đoàn hát cũng được ra đời nhiều, tỉnh nào cũng có gánh hát được thành lập dưới sự điều động, quản lý của cơ quan văn hóa thông tin. Do vậy nên vấn đề điện đã đỡ khổ được một phần cho bầu gánh. Thời những năm đầu sau 1975 còn chế độ bao cấp, cơ quan văn hóa lãnh đạo góp tay vào, cũng đồng thời có trách nhiệm nên bầu gánh, tức trưởng đoàn bớt lo về vấn đề điện.

Thời bao cấp này nhờ sân bãi rộng sức chứa được nhiều, nên giá vé cũng thấp vừa túi tiền bà con nông thôn, nên suất hát nào cũng trên cả ngàn khán giả. Do người đi coi hát đông quá nên cải lương phải có âm thanh phát ra tiếng lớn, khán giả mới nghe ca được. Do vậy mà nguồn điện mạnh để khuếch đại âm thanh vẫn là điều cần thiết. Mà đâu phải tỉnh nào, huyện nào cũng đầy đủ điện, thành ra chiếc máy đèn vẫn là mối quan tâm cho các trưởng đoàn kể cả cơ quan văn hóa quản lý đoàn hát.

Cải lương hoạt động tốt đẹp khoảng 5 năm thì bắt đầu đi xuống, những năm đầu của thập niên 1980 các đoàn cải lương quả tình là khó sống vững được, khi chỉ diễn quanh quẩn ở các rạp trong thành phố, chỉ trừ một vài đoàn đủ vững mạnh để chịu đựng. Đa số các đoàn hát phải đi lưu diễn nơi nầy nơi nọ để tìm khán giả mới. Khán giả ở vùng xa xôi hẻo lánh cũng vui mừng có đoàn hát đến để họ có dịp giải trí sau những ngày làm lụng cực nhọc. Đoàn đi lưu diễn để mở con đường sống, mà đi xa thì phải có máy đèn, chớ nếu chỉ trông cậy vào điện ở các vùng sâu nông thôn thì “chết một cửa ngũ” vì rất thường bị cúp điện. Thật vậy, cúp điện là cái nạn “hãi hùng nhứt”. Và để tránh nạn cúp điện khi đang hát phải trả vé, một vài đoàn lớn thường có máy phát điện mang theo, để phòng hờ khi điện bị cúp bất ngờ.

Các đoàn nhỏ thì đâu có máy đèn, nên khi dọn gánh hát đến địa phương thì việc trước tiên là phải thuê mướn máy đèn có sẵn ở sân bãi, hoặc tìm nhà nào đó họ có máy đèn cho mướn với hình thức kinh doanh. Vì vậy suốt đêm hát có điện, đoàn vẫn phải trả tiền mướn máy đèn, dù rằng chẳng chạy phút nào cả.

Các đoàn hát chịu tốn kém như thế thì cũng phải ráng chịu đựng để kiếm sống. Thế nhưng, có điều hài hước, buồn cười là đoàn nào mướn máy đèn, chịu trả tiền mỗi đêm thì điện không có bị cúp suốt những đêm diễn. Còn đoàn nào không mướn máy đèn để sẵn đó, nghĩa là không phải chịu trả tiền mỗi đêm thì sao điện cứ bị cúp hoài? Cứ phải vướng cái nạn cúp điện, có người nói cứ cái tình trang cúp điện này có lẽ các đoàn hát nên trở lại cái thời hát đèn “măng xông” chắc ổn hơn vậy.

Cái khổ của cải lương là khi các địa phương đã có điện rồi, thì nguồn điện đã bị chia vào cho nhà dân xài, và người dân cũng quen dần dùng đồ điện, chớ đâu phải điện chỉ dành riêng cho gánh hát cải lương. Thành thử ra ở các địa phương dù có nguồn điện mạnh thì cải lương khổ theo mạnh, mà điện yếu thì khổ theo yếu vậy.

Một lần, tại một bãi diễn, khán giả đông nghẹt, nhưng mới mở màn đã cúp điện. Khán giả la ó. Anh bầu liền bắt loa giấy hét vang dậy:

- Đồng bào chớ lo. Có điện. Có điện mà...

Anh ta rề cái xe hơi cũ kỷ thường hay nằm đường của mình tới, cho nổ máy và rọi đèn pha lên sân khấu. Khổ nổi, chiếc xe chỉ còn có một ngọn đèn, đèn bên kia đứt bóng hồi nào không biết. Chỉ khổ cho các nhân vật trong tuồng, cứ mỗi lần vô Vọng Cổ, hay ca Nam Ai lớp mái, Văn Thiên Tường lớp dựng, đều phải ló đầu ngay chỗ đèn pha cho khán giả thấy mặt. Anh kép ca xong thì lui ra cho chị đào ló đầu vào chỗ ánh sáng đèn pha ca Lý Con Sáo, Ngựa Ô Nam hay vô Xàng Xê.

Diễn trong tình trạng như thế mà khán giả vẫn im lặng thưởng thức, và nhờ tiếng đàn, tiếng ca của diễn viên cũng làm dịu lòng khán giả. Hát kiểu này, các đoàn văn nghệ nước ngoài có dịp đi thăm các đoàn lưu diễn ở miền quê chắc phải phục sát đất cải lương Việt Nam. Chắc chắn là cái dạng biểu diễn này không có ghi trong sách vở.

Nào đã hết đâu? Vở tuồng diễn được hơn phân nửa thì ông bầu la lên hết xăng, đèn pha tắt ngấm. Khán giả la ó. Ông bầu liền “giảng thuyết”:

- Thưa bà con cô bác! Tới đây thì đoàn ca kịch tập thể của Sở Văn Hoa Thông Tin của chúng tôi đành phải cáo lỗi vì trục trặc kỹ thuật. Chúng tôi xin hẹn lần sau tái ngộ sẽ diễn hết vở tuồng. Bây giờ thì chỉ còn gần hai màn chót, không thể diễn tiếp được.

Đồng bào la ầm ĩ nhưng rồi cũng đành kéo nhau ra về. Theo lệ, hễ đêm diễn mà hát quá nửa tuồng là không phải trả vé. Nhưng cứ thế này mãi thì đoàn hát sẽ rã gánh trong một ngày không xa.

Tóm lại nạn cúp điện là nỗi khổ luôn ám ảnh cải lương kể từ ngày nghệ thuật này loại bỏ đèn măng xông, chạy theo điện, chạy theo máy đèn.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống