Saturday, March 7, 2015

Những thăng trầm của đoàn kịch nói Kim Cương

n
NS Kim Cương và Mẹ NS Bảy Nam, cùng các nghệ sĩ Đoàn Kịch nói Kim Cương năm 2001.
Ngành Mai, thông tín viên RFA

Hoạt động trong chế độ bao cấp

Từ sau 1975 thoại kịch, hay cải lương đều hoạt động trong chế độ bao cấp, thì dĩ nhiên đoàn kịch Kim Cương cũng thế thôi, chỉ có cái là đoàn Kim Cương được bao cấp đến đâu thì chỉ người trong cuộc quản lý điều hành và cơ quan văn hóa thì mới biết rõ. Tuy nhiên về nghệ thuật thì có lẽ do chính kỳ nữ trông coi.
Trong nhiều năm đoàn Kim Cương hoạt động vững mạnh, dù ở Sài Gòn hay đi lưu diễn ở các tỉnh, huyện, vẫn gặt hái khá quan về tài chánh. Nghệ sĩ, diễn viên đi đoàn Kim Cương lãnh cát – xê rất khá, có cuộc sống ổn định dù rằng mùa nắng hay mùa mưa...
Theo như hằng năm thì ở miền Nam từ tháng Năm trở đi là bắt đầu có những trận mưa mùa, cứ chiều đến là trời đổ mưa, kéo dài đến tháng Bảy mưa ngâu ngập đường sá, cho đến tháng Tám trời vẫn mưa tầm tã. Trong khi đó thì ở ngoài Trung nắng ráo, do vậy mà rất nhiều đoàn cải lương di chuyển ra miền Trung tránh mưa trong vài tháng, và đến tháng Chín, tháng Mười miền Trung bắt đầu mưa thì mang đoàn hát về Nam. Và đoàn Kim Cương cũng theo kinh nghiệm này, tức cũng chạy trốn những trận mưa giông.
Có lần lưu diễn miền Trung nếu như đoàn hát nào gặp tình huống này cũng chịu không thấu, nếu không rã gánh, thì cũng ngưng mở màn một thời gian dài, ngắn nào đó chờ nguồn tiền bỏ vô để khôi phục lại mọi mặt thì mới sống trở lại.
Số là năm ấy đầu thập niên 1990, sau khi dàn dựng vở “Bông Hồng Cài Áo” và biểu diễn khá thành công ở Sài Gòn. Đến tháng Năm như thường lệ hằng năm, đoàn Kim Cương bắt đầu chuyến đi lưu diễn miền Trung để trốn những trận mưa giông, mưa tầm tã ở miền Nam. Thế nhưng không ngờ năm đó miền Trung mưa sớm, mưa ở đây thật lạ lùng cứ 6 giờ chiều thì mưa đột ngột đổ xuống, rả rích kéo dài đến gần nửa đêm.
Tại Hội An, Phú Mỹ, các xuất hát của đoàn đã thu hút hàng ngàn khán giả. Xuất diễn bắt đầu từ 8 giờ 30 tối, chưa đến 7 giờ đã có hơn hai ngàn khán giả đến trước chờ đợi. Nhưng rồi trời đột nhiên cứ đổ những trận mưa ào ạt. Mưa như đuổi theo đoàn Kim Cương, hết ở Qui Nhơn đến Quảng Ngãi... Ở Năm Ô, đêm đầu hát, khán giả chưa biết nhiều nên không đông, nhưng đêm sau khán giả kéo đến đông đảo thì trời lại mưa. Sân khấu dựng ngoài trời, đoàn không diễn được đành phải trả vé. Đêm sau lại mưa, đoàn phải đời địa điểm. Trận bão ở Chu Lai năm đó làm bao ghe thuyền đánh cá bị đắm chìm, đoàn Kim Cương vừa đến Chu Lai ổn định để hát, nhưng chiều xuống, mưa bão nổi lên, cảnh trí, phông màn dựng ngoài trời, bay tứ tán, cũng may không ai bị chuyện gì nhưng đoàn cũng bị thiệt hại khá nặng: Cảnh trí, âm thanh bị hư hại phải nghỉ diễn ba, bốn ngày.
Khốn khổ như vậy mà đoàn Kim Cương vấn sống, và mọi người trong đoàn đều tin tưởng ở một Kim Cương, người nghệ sĩ có quá nhiều kinh nghiệm và thành tích nghệ thuật. Giới mộ điệu nghệ thuật sân khấu hoặc trên truyền hình đều khen tặng ban kịch Kim Cương, đêm nào đài phát hình kịch Kim Cương là khan giả đông đảo không thua gì cải lương phát hình tuồng hay, tuồng của Dạ Lý Hương chẳng hạn.
Vì thời cuộc, vì hoàn cảnh, Kim Cương có lúc xoay qua điện ảnh làm phim và cũng thành công hơn hẳn người ta trong lãnh vực này. Nhưng đối với Kim Cương vẫn là tạm bợ, mà sân khấu mới là chính.
Kim Cương có khoảng gần 3 năm ở Pháp vừa theo học nghệ thuật vừa đi làm. Ký giả Tô Yến Châu có lần đi Pháp gặp kỳ nữ ở Paris, thấy Kim Cương ngày ngày mang cặp sách đến rạp Opéra để học nghệ thuật, và mỗi đêm trình diễn một màn vũ điệu ở nhà hàng “Table des Mandarine”. Đồng lương tạm đủ sống, vì cô còn phải nuôi hai người em đang theo học đại học ở Pháp. Cuối năm 1966 Kim Cương về nước, được đông đảo nghệ sĩ ký giả đón tại phi trương: Ký giả kịch trường báo Hòa Bình hỏi:
- Ở Pháp, khán giả Việt kiều ái mộ và yêu cầu Kim Cương ở lại sao Kim lại về.
- Như vậy là anh hiểu lầm tôi quá nhiều. Tôi còn quê hương, nhà cửa, những người thân yêu. Tôi còn bao nhiêu khán giả, đồng bào thương mến ủng bộ tôi.
Quên làm sao được. Xứ sở mình là núm ruột. Ở xứ người chẳng quavì hoàn cảnh, vì một sự vạn bất đắc dĩ đó thôi. Vay mượn cái đẹp cái sang của người để khoát vào mình, cái đó có nghĩa gì.
8scan0103_be558-400.jpg
NS Kim Cương (trái) và nghệ sĩ Uyên Trinh trong vở Đám cưới đầu Xuân. Photo courtesy of NLĐ.
Đến lúc Việt Nam có truyền hình (1967) ban kịch Kim Cương ra đời, xuất hiện trên màn ảnh nhỏ được khán giả hoan nghinh nhiệt liệt. Ban kịch Kim Cương trên truyền hình nổi tiếng được mến mộ không ban kịch nào có thể sánh được, và mỗi khi đài phát hình kịch Kim Cương thì thiên hạ lũ lượt đi coi ở các máy truyền hình công cộng. Bởi thời gian đầu này máy TV chưa có bán rộng rãi ngoài thị trường cho người dân.
Lúc ấy nguyện vọng của Kim Cương là một ngày nào đó không còn chiến tranh, tạo được chiếc xe với một đoàn hát nhỏ, với vài chục kịch sĩ di chuyển khắp toàn quốc để trình diễn cho khán giả từ thành thị đến thôn quê thưởng thức, đâu đâu cũng có người cần đến văn nghệ. Càng cần hơn nữa ở các vùng hẻo lánh xa xôi. Và đúng như nguyện vọng của nàng, sau 1975 đoàn kịch nói Kim Cương hình thành và đi lưu diễn khắp nơi.

Nghệ thuật sân khấu bị khủng hoảng

Thập niên 1980 hầu như ai cũng nghĩ rằng đoàn Kim Cương sẽ sống thọ lâu dài, có người còn nói chỉ trừ trường hợp kỳ nữ đau yếu bệnh tật, không còn khả năng đi đứng hoạt động thì đoàn Kim Cương mới nằm một chỗ, mới giải thể. Chớ như một Kim Cương mạnh cùi cụi, một người đẹp đang sáng chói trên sân khấu, thì đoàn kịch chỉ ngày một thêm vững mạnh hơn mà thôi.
Nhưng rồi gặp lúc nghệ thuật sân khấu bị khủng hoảng, cùng với cơ chế thị trường được áp dụng, thì đoàn Kim Cương cũng điên đảo, cũng xuống dốc như bao nhiều đoàn cải lương khác. Kỳ nữ cố vùng vẫy đề ráng giữ đoàn Kim Cương khỏi bị rã gánh. Nhờ tài ngoại giao, kỳ nữ nghĩ ra phương cách phân phối vé. Kết hợp vừa bán vé tại rạp, vừa hợp đồng vé với các xí nghiệp, công ty, các cơ quan. Nhưng phương cách kết hợp này cũng chỉ cứu vãn đoàn hát một thời gian, bởi xí nghiệp, công ty nào cũng chỉ tiêu thụ vé qua một lần mà thôi, không còn mặn mà gì với sân khấu nữa.
Kim Cương nói có ai biết những tủi nhục của Kim Cương, vì thương anh em, vì thương đoàn Kim Cương mà phải nhắm mắt đi làm... như đi rao bán cao đơn hườn tán. Một người nghệ sĩ như mình mà phải khổ cực cầm từng cọc vé đi xuống từng hang cùng ngõ hẻm để rao bán, để nuôi sống một đoàn Kim Cương.
Tâm sự với một nhà báo, Kim Cương nói:
- Có lần tôi và nghệ sĩ Minh Hạnh xuống công ty Shell (mà lần đó lại là đi bán vé hát từ thiện). Vừa thấy mặt tôi và Minh Hạnh, một anh cán bộ thanh niên ra nhìn từ đầu đến chân, rồi hất hàm, hỏi “Bộ đói lắm sao mà phải mò tới đây bắt mua vé?...”! Lần đó, Minh Hạnh cứ ôm tôi, khóc và nói “Chị Kim ơi, thôi lần sau thà chịu đói, chớ đừng đi làm những chuyện thế này...”. Nói chung phải có tiền. Bởi nếu không, ngay cả cái tên nghệ sĩ cũng trở thành thứ hàng hóa rao bán.
Kỳ nữ than rằng:
- Kim Cương không có sự chỉ đạo, không có một sư yểm trợ nào của Nhà nước. Trong khi đâu phải là không có tiền, người ta xài tiền theo cảm hứng của cơ chế nhiều hơn tính đến hiệu quả thiết thực. Nhiều lúc tôi đã phải nói với mấy ông có trách nhiệm “Lạ quá, sao mấy ông lãnh đạo cũng bảo ráng giữ đoàn Kim Cương, mấy ông di tản cũng gọi điện về bảo rang giữ đoàn Kim Cương, nhưng chẳng ông nào cho Kim Cương đồng xu cắc bạc nào cả...”
- Thế rồi việc gì đến nó đã đến: Năm 1993 đoàn Kim Cương rã gánh, đào kép nghệ sĩ, công nhân mạnh ai nấy đi. Kỳ nữ “ngồi chơi xơi nước” nhớ lại quảng đời xả thân vì nghệ thuật mà thở dài. Và lâu lâu lại xuất hiện hát một hai sô từ thiện. Có nghĩa là hát giúp cho cơ sở từ thiện nào đó, nếu có thù lao thì cũng tượng trưng thôi.
Hiện nay thì không nghe nói kỳ nữ hoạt động hát xướng gì hết. Vả lại tuổi đời cũng cao, sức khỏe đâu còn cho phép. Các thế hệ sau làm gì có được một người như kỳ nữ Kim Cương.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống