Saturday, May 2, 2015

Tiết Giao đoạt Ngọc hay là Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (P2)

n
Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Ngành Mai, thông tín viên RFA


Lỗi lầm gì?
Nhân vật Hồ Nguyệt Cô trong tấn bi kịch hóa thành chồn cáo ấy, đã mắc những lỗi lầm gì? Ít nhất là hai cái lỗi lầm: Thứ nhất, nàng đã đi lấy một người mà mình không yêu, không thích. Nhưng rồi sau này trên đường đời trớ trêu, nàng mới vỡ nhẽ ra rằng, có nhiều anh chàng còn hay hơn chồng mình, ít nhất là về sự đẹp trai mà Tiết Giao là một thí dụ. Không thỏa mãn trong yêu đương với Võ Tam Tư, thì Nguyệt Cô càng yêu Tiết Giao. Yêu đến mê si thèm muốn. Thứ nhì là sự nhẹ dạ cả tin, một chỗ yếu của phái đẹp mà những anh đàn ông hèn thường nhè vào đó mà lừa họ.
Cái hèn của Tiết Giao là ở chỗ đánh không nổi một phụ nữ thì quay ra lừa, mà lại lừa vào cái giờ phút êm đẹp nhất, thiêng liêng nhất, là giờ phút ân ái.
Hồ Nguyệt Cô đã bị mất ngọc, trên đường trở về nhà, đau đớn thấy mình sắp hóa thành cáo. Hồ Nguyệt Cô trách gọi Tiết Giao: “Tiết Giao, trả ngọc! Tiết Giao, trả ngọc cho ta!”.
Đi coi hát thấy lúc này sân khấu trống không. Chỉ có âm nhạc và diễn xuất của diễn viên, diễn tả những giây phút lạ lùng, kinh khiếp: giây phút con người hóa thành con cáo.
Hồ Nguyệt Cô luyến tiếc cõi người, cái cõi người mà mình đang phải từ giã. Nỗi đau đớn tinh thần hòa lẫn với sự biến đổi bắt đầu bồn chồn diễn ra trong thân xác. Hồ Nguyệt Cô kêu lên những lời ai oán, có ai nghe mà không cảm thương nàng.
Những bước chân của nàng không phải là bước đi trở về nhà, bước đi trên đường đất cụ thể, mà là bước đi về cõi âm u thăm thẳm cho kiếp chồn cáo, một nỗi hoang vắng ghê rợn dâng lên trong tâm trí Hồ Nguyệt Cô.
Hồ Nguyệt Cô đau đớn nhìn lại cái thân trước, hình sau, cái thân người đã sắp hóa thành hình cáo của mình. Hồ Nguyệt Cô xót xa nhìn lại quang cảnh cũ, cái quang cảnh đã in dấu kỷ niệm làm người của mình, cái quang cảnh chỉ có ý nghĩa khi mình được làm người, với cuộc sống con người.
Và tiếp đó là một đoạn diễn xuất ghê gớm và kỳ ảo, xúc động và khủng khiếp. Cái khó nhất của diễn viên đóng đoạn này là phải diễn tả được một Hồ Nguyệt Cô chập chờn giữa người và cáo, giữa tính người và tính thú. Nguyệt Cô không hẳn là người nữa, nhưng cũng chưa hẳn là thú, cái thân thể quằn quại chờn vờn, vừa vẫn gượng đứng thẳng làm người, vừa tự nhoài xuống làm thú. Tới đây, lớp diễn không còn một lời hát nào nữa, Hồ Nguyệt Cô đã từ giã cả tiếng nói của con người. Những đám lông cáo bắt đầu mọc chồi lên che lấp da thịt, Nguyệt Cô đi lại bờ suối nhìn bóng mình, nàng kinh hoàng lùi lại, thấy mặt mũi và thân thể mình đã biến dạng.

Đau đớn xen lẫn giận dữ

hat-boi-622
Đại Lễ Kỳ Yên ở Đình Thần Tân Thới - Tỉnh Bình Dương. (Ảnh minh họa chụp trước đây)
Giờ đây những đám lông thú đã mọc lên ở bàn tay, Hồ Nguyệt Cô cuống quít dứt đi, thì lông cáo lại mọc trên cánh tay. Nguyệt Cô điên cuồng khiếp đảm, cố dứt một cách tuyệt vọng những đám lông tiếp tục mọc đầy trên vai, trên khắp người mình. Lúc này thì nàng vẫn còn hao hao hình dáng con người, nhưng con thú đã hiện rõ lắm rồi! Nỗi đau đớn bi thảm của người đã xen lẫn nỗi giận dữ man rợ của thú. Đôi mắt đảo đi đảo lại đã là mắt thú, những chiếc  răng mọc dài đẩy môi trên hếch lên, những móng vuốt xé thịt xuyên ra, đôi chân chun lại...
Người nữ nghệ sĩ điêu luyện đã diễn tả được tất cả sự biến đổi đau đớn, ghê sợ ấy. Hồ Nguyệt Cô kêu lên, nhưng chỉ là tiếng “ngao ngao” của chồn cáo. Sợ hãi cả cái tiếng của mình, sợ hãi cả hình dáng của mình, Hồ Nguyệt Cô lăn lộn trên đất, cố níu kéo lại chút “con người” trong mình, cố chống đỡ lại cái thân phận thú đang mỗi lúc một hiện rõ, nhưng vô ích, lốt thú, chất thú đã thắng thế, con thú đã hoàn toàn thành con thú. Hồ Nguyệt Cô đã hoàn toàn thành con cáo. Tiếng “ngao ngao” kia đã đúng là tiếng kêu vô nhân tính của thú vật. Trong cái con thú đi bằng bốn chân ấy, vẫn còn phảng phất chút người mà nó vừa từ giã, vẫn còn ngơ ngác với kiếp cáo mà nó vừa trở lại, nhưng đã tối tăm, đã hoang dã, đã hung tợn lắm rồi...
Khán giả lặng đi như tê dại trong một niềm  xúc động dữ dội. Có sân khấu nào có được một lớp diễn tương tự như lớp diễn trên? Lớp diễn ít lời chỉ dành cho diễn xuất, trình bày một cảnh tượng ghê gớm bằng những phong cách giản dị mà khác thường.
> Sau nỗi xúc động lớn, người xem nhận từ sân khấu sức ám ảnh của những hình tượng mãnh liệt mà sâu sắc.
Câu chuyện về nàng Hồ Nguyệt Cô đầy màu sắc huyền thoại – xuất thân từ kiếp hồ ly chồn cáo, nhưng Nguyệt Cô lại có khát vọng làm người. Nguyệt Cô dày công tu luyện hàng ngàn năm mới có được viên ngọc làm người, trở thành người. Ấy thế mà chỉ một phút sa ngả vào tay Tiết Giao để hắn đoạt mất viên ngọc, nàng đã phãi vĩnh viễn giã từ kiếp người để hóa thành loài cáo.
Về phần Võ Tam Tư thì khi sáng thấy Nguyệt Cô thua chạy, Tiết Giao đuổi theo... chờ đến tối vẫn không thấy Nguyệt Cô trở về.
Mõi mòn trong chờ đợi, Võ Tam Tư vào phòng mệt tâm quá nên ngủ thiếp đi...
Hồ Nguyệt Cô nghẹn ngào xấu hổ với chồng, người chồng mình đã trót quên đi khi gần gũi Tiết Giao, nàng trở về dinh với lốt chồn cáo. Về đến dinh Nguyệt Cô vào phòng thấy Võ Tam Tư đang ngủ, nàng nhảy phóc lên nằm cạnh. Võ Tam Tư giựt mình tỉnh giấc nghe thấy mùi hôi tanh, phát hiện ra chồn cáo, vung gươm giết chết.
Dù thế này hay thế kia thì vẫn là một sự hèn hạ của Tiết Giao. Và cái mức độ hèn hạ ấy ngang bằng với mức độ lỗi lầm của Nguyệt Cô, một lỗi lầm phải trả giá. Mất ngọc, Nguyệt Cô đã đánh mất cái quý giá nhất trên đời này là được làm người, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là sự huyền thoại hóa một chân lý hiện thực?

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống