Friday, September 18, 2015

Kỷ niệm 20 năm ngày nhạc sĩ Trúc Phương qua đời

Nhạc sĩ Trúc Phương qua đời ngày 18/9/1995 tại Sài Gòn; thấm thoát đã 20 năm.

HINH

Ông tên thật là Nguyễn Thiện Lộc sinh năm 1933 tại tỉnh Trà Vinh ( Vĩnh Bình). Chung quanh nhà của ông có nhiều tre trúc, gió thổi làm cho những thân cây va chạm vào nhau tạo nên âm thanh mà ông yêu thích từ hồi còn nhỏ, vì thế mà bút hiệu Trúc Phương ra đời. Một cái tên nổi tiếng trong dòng sáng tác ca khúc của tân nhạc Việt Nam.

Khi ca sĩ Thanh Thúy trình bày bản Nửa Đêm Ngoài Phố đầu thập niên 1960 thì tên tuổi người ca sĩ cùng tác giả Trúc Phương vang xa. Bài hát mở đầu bằng câu: “Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời...” Cái chữ “ không tên” thời đó rất mới, rất đặc sắc. Sau này nhạc sĩ Vũ Thành An đặt 10 “bài không tên” hay nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đặt bản Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên dù nổi tiếng;  nhưng Trúc Phương đã dùng chữ này trước.

Trong một bài báo Xuân thập niên 2000, có một ký giả trong nước viết về đường phố Sài Gòn ban đêm đã nhắc lại bài hát Nửa Đêm Ngoài Phố với tiếng đàn ghi ta bập bùng cùng giọng ca hoài vọng về một thời Sài Gòn hoa mộng êm đềm: “Nửa đêm lạnh qua tim, giữa đường phố hoa đèn, đường phố vắng đêm nao quen một người...”

Kế tiếp là bản Tàu Đêm Năm Cũ cũng giọng ca Thanh Thúy làm rung động bao trái tim khán giả. Tác giả đã viết về một thời những người trai lính chiến bước lên những chuyến tàu lửa để ra miền hỏa tuyến. Ngày ra đi trên sân ga có người yêu cùng thân nhân tiễn biệt và từ đó nỗi nhớ mong con tàu trở lại để mang người tình biên khu về sum họp: “ Đêm qua nằm mơ thấy người trai lính chiến, xuôi tàu về quê hương. Vui đêm phố phường quên đi phút giây gió lạnh ngoài biên cương”

Đa số những ca khúc Trúc Phương viết ở thể điệu Bolero và rất thành công cho nên thời Sài Gòn, báo chí đặt cho ông là “Vua Bolero”.

Dòng nhạc Trúc Phương lúc nào cũng phản phất buồn, cái buồn giống như khi nghe những câu vọng cổ. Ông đã đem cái chất dân ca Miền Nam bỏ chung với ý nhạc lời ca và nấu thành một món ăn rất ngon và khách thưởng thức thấy là ông có nét riêng biệt, khó ai bắt chước được. Những nốt nhạc luyến láy theo mỗi chữ để cho người ca sĩ được tự do diễn tả tình cảm của mình đối với bài hát càng làm tăng sự truyền cảm của ca khúc.

Ca sĩ Duy Khánh với làn hơi mang âm hưởng xứ Huế đã luyến láy những chữ có dấu hỏi, dấu ngã trong ca khúc Trúc Phương tạo thêm nét đặc biệt như trong các bản Kẻ Ở Miền Xa, Bông Cỏ May, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Hai Mươi Bốn Giờ Phép. Đây là những ca khúc lấy đề tài về tình yêu của người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Trúc Phương sáng tác khoảng mấy chục bài, đa số đều thành công; có thể kể thêm như: Hai Lối Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Buồn Trong Kỷ Niệm, Con Đường Mang Tên Em, Chiều Cuối Tuần, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Chiều Làng Em, Mưa Nửa Đêm, Thói Đời, Hai Chuyến Tàu Đêm, Tình Thắm Duyên Quê, Đò Chiều...

Hai bản Chiều Làng Em, Tình Thắm Duyên Quê tả cảnh đẹp quê hương đặc biệt được yêu thích.

Có lẽ dòng nhạc buồn cùng lời ca cũng buồn đó đã vận vào số mệnh của người nhạc sĩ tài hoa của Miền Nam. Đâu có ai ngờ trước năm 1975, Trúc Phương danh tiếng và đời sống phong lưu như vậy, thế mà sau ngày mất Sài Gòn ông đã vất vả gian nan, không có chỗ ngủ phải ra bến xe Miền Đông để thuê một chiếc chiếu mà ngủ qua đêm. Trong một đoạn video phỏng vấn ông được chiếu trên cuốn băng Asia, Trúc Phương đã nói :

“ Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó, “ bèo dạt hoa trôi”.. Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả cho người ta... Một năm như vậy tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng...”

Xem đoạn Video này, nhiều người đã xúc động cảm thương cho một người nhạc sĩ tài hoa của Miền Nam. Đành rằng đất nước đổi đời, bao nhiêu số phận tan nát đau thương, nhưng sao lại có Trúc Phương trong đó.

Ông qua đời trong một hoàn cảnh cô đơn ở tuổi 62 vì bệnh phổi.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, tác giả Thu Hát Cho Người có bài viết Trúc Phương Đi Chuyến Đò Chiều trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay tiếc thương ông. Bản Đò Chiều cũng là một nhạc phẩm khá đặc biệt của Trúc Phương: “ Một chiều nào trên bến cô liêu, xóm bên sông tiêu điều, buồn hắt hiu mây chiều, đò của người thôn nữ, chờ đưa người viễn xứ, đi muôn nơi xa.”

Nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác ca khúc Còn Mãi Những  Khúc Tình Ca để tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng của nhạc sĩ Trúc Phương do ca sĩ Phương Dung trình bày: “ Tôi biết anh từ lâu, từ lần thức trắng đêm thâu, lắng nghe lời ca nức nở, với cung nhạc buồn muôn thuở. Anh viết bao tình ca, dạt dào như gió mưa sa, đã ru hồn tôi đẫm lệ, những lần ân tình rời xa. Anh đã theo trời mây, để lại bao khúc mê say, ngọt ngào dịu ấm men cay. Trong nỗi yêu thương buồn tràn đầy. Tôi với bao ngọt thơm. Còn nghe xao xuyến lâng lâng. Và như luôn thấy dáng anh, trong nỗi đau khi tàn tuổi xuân”.

Thường thì những nhạc sĩ sinh trưởng miền Bắc đặt lời ca trau chuốt văn chương, nhạc sĩ sinh trưởng miền Nam lời lẽ bình dị mộc mạc. Nhưng ở Trúc Phương ngoài nét nhạc quyến rũ, lời ca của ông cũng gọt dũa chữ nghĩa, ẩn chứa những dằn vặt tâm hồn. Đây cũng là lý do làm cho những sáng tác của ông được nổi tiếng và yêu chuộng cho tới hôm nay.

Trong bản Hai Mươi Bốn Giờ Phép diễn tả sự ân ái của người trai lính chiến về thăm người yêu: “ Đưa ta đi về nguyên thủy loài người, lời yêu khi muốn ngỏ vụng về, ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay.”, tình dục đã được thăng hoa bởi ngôn ngữ diệu kỳ của Trúc Phương.

Năm 2014, trung tâm Asia đã thực hiện chủ đề Trúc Phương - Ông Hoàng Của Dòng Nhạc Bolero (Asia 74) với nhiều ca sĩ thể hiện các nhạc phẩm nổi tiếng của ông.

Hai mươi năm trôi qua từ ngày nhạc sĩ Trúc Phương giã từ nhân thế, xin thắp nén hương lòng nhân ngày giỗ của ông.

                                                          Trần Chí Phúc / SBTN

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống