Saturday, July 4, 2015

Trong làng sân khấu có đến 3 nàng Thanh Lan


rhf
Nghệ sĩ Thanh Lan trong lần lưu diễn ở Úc Châu tháng 09 năm 2012.

Ngành Mai, thông tín viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Khán giả dễ nhầm lẫn

Nếu như ngoài xã hội có 2 người trùng tên nhau cũng đã khó cho thiên hạ xác định mỗi khi đề cập đến một trong 2 người, thì trong văn nghệ cũng vậy thôi, có đến những 3 nàng Thanh Lan thì sự nhầm lẫn đối với khán giả làm sao tránh khỏi. Cách đây không lâu, viết báo tôi đã có lần nói về Thanh Lan này, lại kèm hình của Thanh Lan kia gởi đăng báo. Cũng may mà tòa soạn phát hiện kịp thời, chớ không thôi thì cũng phải một phen đính chánh, cáo lỗi...

Khi nói về một buổi trình diễn ở sân khấu, hoặc ai đó đang nói về người nghệ sĩ mà nghe họ đề cập đến 2 chữ Thanh Lan, thì chắc rằng người nghe phải nghĩ ngợi trong vài giây và tự đánh dấu hỏi xem người ta muốn nói đến Thanh Lan nào đây.

Thật vậy, trong làng sân khấu, ca nhạc có đến 3 nàng Thanh Lan xuất hiện ở 3 thời kỳ: Thanh Lan thời Đệ Nhứt Cộng Hòa; sang thời Đệ Nhị Cộng Hòa lại có nàng Thanh Lan khác xuất hiện, và sau 1975 lại có thêm một nàng Thanh Lan nữa. Do đó mà khán giả, thiên hạ rất dễ nhầm lẫn, người ta có thể hiểu ca sĩ này sang nghệ sĩ kia... Cái đặc biệt là cả 3 nàng đều có nét đẹp riêng, và nổi tiếng mỗi người một cách.

Ở ngoài xã hội nếu có sự trùng tên thì người ta đặt thêm biệt hiệu kèm theo tên gọi, chẳng hạn như dùng cái “họ” kèm theo tên như. Cũng có khi dùng màu da đen hay trắng, cao hay lùn để phân biệt, hoặc người ta dùng tên cha hay tên mẹ người đó đi kèm với tên để chỉ cho đúng. Ngoài ra còn rất nhiều biệt hiệu mà do ở hoàn cảnh, tình huống, nghề nghiệp... mà người đời dùng để phân biệt những trường hợp trùng tên.

Trước đây làng sân khấu có 2 nàng Kim Loan (1 tân nhạc và một cải lương). Dù rằng 2 lãnh vực khác nhau, thế mà cũng vẫn có rắc rối, nên Kim Loan cải lương đổi tên Mộng Tuyền.

Khoảng hơn một năm trước đây, cũng trên làn sóng phát thanh này, tôi có đề cập đến câu chuyện “Hai nàng Kim Loan”. Sau đó có người thắc mắc gởi về đài, cho biết Mộng Tuyền, tức nàng “Kim Loan cải lương” đã ở Úc Châu. Nhưng theo sự tìm hiểu của tôi thì khác, và tôi sẽ trở lại câu chuyện Mộng Tuyền ở kỳ sau với nhiều chi tiết hơn.

Trở lại vấn đề 3 nàng Thanh Lan, trong buổi nói chuyện này, để tránh nhầm lẫn cho quí thính giả, chúng tôi tạm thời gọi 3 nàng Thanh Lan bằng số 1, 2, 3 theo thứ tự thời gian trước sau mà các nàng ta xuất hiện ở mỗi thời kỳ.

Nàng Thanh Lan 1

Trước hết nói về Thanh Lan 1 thì nàng này xuất hiện trước nhất, đã tạo được tên tuổi cùng thời với Thanh Thúy ở những nhà hàng Văn Cảnh, Hòa Bình, Bồng Lai, phòng trà Anh Vũ và các sân khấu đại nhạc hội. Nếu như Thanh Thúy quyến rũ khán giả bằng giọng ca truyền cảm và nét đẹp dịu hiền, thì Thanh Lan 1 đã thu hút được người xem bằng sắc vóc và nét bạo dạn khi trình diễn. Thanh Lan đi vào tâm hồn khán giả do cái “duyên”, cái “bạo” chớ không phải do sự tạo rung động khó quên bằng giọng ca như Thanh Thúy hoặc Hoàng Oanh.

Thanh Lan 1 còn một lợi điểm nữa là rất ăn ảnh. Vì thế, nàng bước qua địa hạt phim ảnh thật dễ dàng. Trên màn bạc, Thanh Lan đã xuất hiện trong các phim “Đò Chiều”, “Bẽ Bàng”, “Cảnh Đẹp Miền Nam”, và thủ một vai chánh trong phim “Ảo Ảnh”.

Con đường nghệ thuật đã đưa Thanh Lan 1 đến nếp sống trưởng giả, từ một nữ vũ sinh trong đoàn Kim Chung vào khoảng năm 1958, nàng bắt đầu bước qua tân nhạc năm 1959. Người hướng dẫn về tân nhạc đầu tiên cho Thanh Lan là nhạc sĩ Phó Quốc Thăng. Nét đẹp của Thanh Lan được công nhận năm 1962, khi người ta tôn phong nàng làm “hoa hậu nghệ sĩ” và long trọng trao vương miện cho nàng trên sân khấu Anh Vũ. Phòng trà Anh Vũ ở Sài Gòn là nơi mà những nhân vật tai to mặt lớn thời Đệ Nhất Cộng Hòa thường lui tới. Tên tuổi và sự giao thiệp đã đưa Thanh Lan lên địa vị một “phu nhân” giàu sang đến mức triệu phú hồi chế độ Ngô Đình Diệm.

Thế nhưng, nếp sống trưởng giả không làm Thanh Lan quên nghệ thuật, vì vậy thỉnh thoảng vẫn phải tìm tới một nơi có nhạc để hát, hoặc theo lời mời. Hát không còn là sinh kế, nhưng hát cho... đỡ nhớ. Thanh Lan bảo vậy đó. Thanh Lan cũng không quên mình là 1 nữ nghệ sĩ có ít nhiều nguồn gốc từ giới cải lương. Vì vậy nàng vẫn yêu sân khấu bộ môn nầy và vẫn thường đi coi cải lương, ngồi ở hàng ghế đầu theo dõi mà say mê thích thú. Do xuất thân từ đoàn cải lương Kim Chung, nên khi nghe tin Thanh Lan được bầu làm hoa hậu, thì cả đoàn Kim Chung đã cười rần lên (không biết cười vấn đề gì).

Có lần một ký giả kịch trường phỏng vấn:

- Thanh Lan bây giờ muốn những gì?

Nàng đáp:

- Chẳng muốn gì nữa, chỉ ngủ trong hạnh phúc sẵn có, và niềm vui hiện tại là thích nhứt. Mỗi ngày Thanh Lan ở nhà cưng cậu con trai hoặc lái xe đi dạo phố.

Bấy giờ nàng đã làm chủ những chiếc xe hơi, những ngôi biệt thự trị giá bạc triệu. Từ sau 1975 người ta không nghe thấy nàng ca sĩ Thanh Lan 1 này ca hát gì cả, đã giải nghệ, và có lẽ đã ra hải ngoại nhưng không xuất hiện.

Cách đây không lâu ở miền Nam California, có đám tang ông Cao Xuân Vỹ, một nhân vật đầy quyền thế thời Đệ Nhứt Cộng Hòa. Đám tang được vị thượng tọa làm đám theo nghi thức Phật Giáo. Tôi nghe vị thượng tọa kể lại là có tiếp xúc với bà ca sĩ Thanh Lan mặc tang chế. Không biết có phải Thanh Lan 1 là bà Cao Xuân Vỹ, bởi cũng có nghe nói?

Nàng Thanh Lan 2

488179_608670979162639_119711436_250
Nghệ sĩ Thanh Lan với vai Cô hàng hoa cùng diễn viên Ngọc Phu trong Phim hài Xóm Tôi (1974). Courtesy FB Nghệ sĩ Thanh Lan.
Tiếp đây là đề cập đến Thanh Lan 2, nàng này xuất hiện khoảng sau năm Mậu Thân và nổi tiếng như cồn vào những năm cuối của thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Thanh Lan 2 “lừng danh” nhiều hơn so với Thanh Lan 1, không những ở lãnh vực nghệ thuật mà luôn cả ngoài xã hội. Báo chí tốn khá nhiều giấy mực với nàng Thanh Lan 2 này, từ chuyện Dũng Long Biên (chồng của cô) đến chuyện đóng phim “Tiếng Hát Học Trò”, đóng phim “Tình Khúc Thứ 10” với tài tử Nhật Bổn trên sông Hương...

Không biết tại sao mà mỗi lần có việc gì đó xảy ra liên quan đến Thanh Lan 2 thì báo chí tập trung vào để nói, nếu như ghi lại hết những gì báo chí thời ấy đề cập, chắc phải nói trong nhiều buổi phát thanh. Người ta không hiểu vì sao mà khi Thanh Lan bước vô lãnh vực nào, từ ca nhạc đến điện ảnh thì ít hay nhiều cũng có vấn đề nào đó khiến cho báo chí làm rùm beng lên, ngay cả lúc Thanh Lan vừa đến Hoa Kỳ thì cũng nổi đình nổi đám lên một dạo.

Thanh Lan chào đời ở thành phố Vinh, Nghệ An, là tỉnh tiếp giáp với Hà Tỉnh ở phía Nam, mà trong dân gian thiên hạ cho rằng: Nghệ – Tĩnh là “địa linh nhân kiệt”. Phải chăng do đó mà dù chỉ ở lãnh vực văn nghệ thôi, Thanh Lan cũng là “nhân kiệt” nên mới nổi tiếng nhiều hơn các đồng nghiệp cùng thời, dù rằng chưa biết ai đã tài nghệ hơn ai.

Là cựu hoa khôi làng tân nhạc, Thanh Lan được liệt vào hạng ca sĩ khá ăn khách, của các phòng trà ca nhạc thủ đô Sài Gòn thời bấy giờ.

Khán giả mộ điệu đã cho rằng tiếng hát Thanh Lan là tiếng hát của những người vẫn tìm thấy ở cuộc đời những hy vọng tràn đầy, của những kẻ đương sống ngỡ ngàng, nhưng cuồng nhiệt trước ngưỡng cửa của tình yêu. Đi hát từ lúc 12 tuổi, Thanh Lan thường hát nhạc Pháp, và nhờ thông thạo hai sinh ngữ Pháp, Anh nên Thanh Lan đã diễn tả lời ca tiếng hát gần giống như một có đầm nào đó đang hát nhạc ngoại quốc vậy. Thời gian còn học ở trường Marie Curie và Đại Học Văn Khoa ở Sài Gòn, Thanh Lan thường cùng bạn bè đóng kịch, ca hát. Đến khoảng 1971 thì tham gia nhóm kịch đài truyền hình, và chỉ trong thời gian rất ngắn thì bước vào làng điện ảnh đóng các phim “Tiếng Hát Học Trò”, phim “Ngọc Lan”, nếu tính chung thì Thanh Lan đóng tất cả khoảng 25 cuốn phim. Và ở lãnh vực nghệ thuật này, Thanh Lan nổi tiếng cũng nhiều mà tai tiếng cũng không ít, nhứt là trong thời gian phối hợp với tài tử Nhựt Bổn đóng cuốn phim “Tình Khúc Thứ Mười”.

Tóm lại là Thanh Lan 2 nổi tiếng khá nhiều do những xi căng đan, mà báo chí thời bấy giờ đã triệt để khai thác, mà báo nói nhiều là thiên hạ bàn tán nhiều vậy. Thật ra, nếu nói hết về Thanh Lan trong quá trình tham gia văn nghệ, tình cảm lẫn cuộc đời thì cả một cuốn sách mới có thể gọi là tạm đủ. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ đề cập một cách khái quát về tiểu sử, cũng như tóm lượt sơ qua về hoạt động nghệ thuật của người nữ ca sĩ này mà thôi.

Hiện nay Thanh Lan 2 đã ở hải ngoại gần 20 năm, từ ngày định cư ở Mỹ cô ít khi xuất hiện, nhưng thỉnh thoảng vẫn tham gia vài sô hát. Thế nhưng, thời gian thì cái gì cũng qua thôi, Thanh Lan vẫn luôn được cảm tình của khán giả. Ngoài ra Thanh Lan cũng từng được người đời mệnh danh là người ca sĩ... trẽ mãi không già. Chẳng biết có đúng như vậy không?

Vì thời gian có hạn, nàng Thanh Lan 3 xin dời lại kỳ sau, trước khi nói về đào cải lương Mộng Tuyền

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống