Saturday, February 21, 2015

Hát bội với Lễ Hội Kỳ Yên ở đình làng

d
Đại Lễ Kỳ Yên ở Đình Thần Tân Thới - Tỉnh Bình Dương. (Ảnh minh họa chụp trước đây)


Ngành Mai, thông tín viên RFA


Hằng năm cứ đến giữa tháng 11 Âm Lịch, tức khoảng hơn 1 tháng nữa mới đến Tết, là người ta đã thấy các nghệ sĩ hát bội đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho nghề nghiệp (trang phục, đo hát và tập dượt) để sau khi ăn Tết xong, đến khoảng Rằm tháng Giêng là họ tổng dượt, để đến cuối tháng Giêng là bắt đầu ra mắt khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật này, trong dịp các làng xã cúng Lễ Hội Kỳ Yên, mà có rước hát bội về trình diễn.

Lễ cầu an, cúng tế linh thần

Khắp miền Nam nước Việt, làng nào cũng có một ngôi đình thờ thần hoàng bổn cảnh, và thông thường thì các làng xã nào mà dân chúng làm ăn khá, trúng mùa thì mỗi năm Lễ Hội Kỳ Yên đều có rước hát bội về, như trường hợp xã Thắng Nhì ở Bến Đình, Vũng Tàu chẳng hạn. Sở dĩ xã Thắng Nhì tổ chức hát bội hằng năm là do dân ở đây với nghề đi biển đánh cá, được coi như làm ăn khá hơn các làng xã khác.
Mấy năm gần đây, nhiều địa phương có điều kiện tổ chức lớn Lễ Hội Kỳ Yên, vì có kiều bào ở nước ngoài yểm trợ tài chánh, nên đa số đều có chầu hát bội.
Cứ đến mùa này là có một số nghệ sĩ hát bội, đứng ra lãnh chầu:
Thuê đồ hát, thuê âm thanh, ánh sáng, gom diễn viên, nhạc sĩ, hình thành một ban để ký hợp đồng trình diễn. Để phục vụ cho mùa lễ hội thì bắt đầu từ tháng 11 âm lịch là anh chị em nghệ sĩ hát bội từ khắp nơi trong thành phố cũng như ở các tỉnh xa lại kéo về tụ tap tại nhà nghệ sĩ Ngọc Khanh (con gái cô Ba Út nổi danh tài sắc một thời), lấy đó làm điểm hẹn cũng như nơi xuất phát cho những chuyến đi xa.
Mỗi năm thông thường là vào tháng 2, tháng 3 Âm Lịch, trăng tròn, tiết trời quang tạnh, rất nhiều nơi tổ chức lễ cầu an, cúng tế linh thần. Người dân vui lễ hội, mừng thắng lợi sau mùa thu hoạch nông nghiệp, ngư nghiệp, cầu phước lành cho cả năm, cho mọi người, mọi nhà.
Lễ Hội Kỳ Yên tháng Giêng hằng năm là lễ hội được tổ chức lớn nhất, trong đại nhất. Lễ hội cầu phúc cho thế giới hòa bình, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho sự an khang thịnh vượng của thập phương bá tánh...
hat-boi-305
Hát bội ở đình làng, một hình thức thưởng thức nghệ thuật ở nông thôn Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Lễ Kỳ Yên cũng như bao nhiêu lễ hội trên đất nước chúng ta, là dịp để người dân địa phương biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn các vị anh hùng, các bậc tiền nhân đã góp phần tạo dựng, và có nhiều công lao với quê hương, với dân tộc. Đó là những ngày làm song lại thật sự một quá khứ xa xưa, được biểu hiện như một đặc trưng truyền thống trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Gắn liền với lễ cúng tế thần linh là chầu hát bội. Nơi nào mà đáo lệ, Ban Quí Tế Hội Đình không tổ chức được chầu hát bội thì ai ai cũng tiếc. Bởi chính hát bội đã mang lại không khí tưng bừng cho lễ hội, niềm phấn khởi rạng rỡ cho mọi người, từ các bậc phụ lão đến thanh niên phụ nữ trẻ con. Mỗi năm một lần, ngày hội cúng đình có nơi còn vui hơn ngày Tết.

Đông chật khán giả

Trong những buổi cúng đình, hát bội thường diễn liên tục, vậy mà xuất diễn nào cũng đông chật khán giả. Càng ở những vở diễn sau càng thu hút được số lượng người xem nhiều hơn. Cái không khí vừa tưng bừng vừa trang trọng đó, cứ diễn đi diễn lại, năm này sang năm khác, với những con người nối tiếp đi qua, từ đời ông cha, đến đời con cháu. Ngót hai thế kỷ đã qua, tập tục tốt đẹp ấy vẫn tiếp nối duy trì, có ai dám bảo là mê tín dị đoan hay hủ tục làm mất thời giờ vô ích, mà phải coi đó là một hình thứctín ngưỡng ăn sâu vào đầu óc dân quê, không có gì phá bỏ được. Cũng có những xã vài ba năm mới có hát bội, còn những làng xã nghèo quá thì cả chục năm vẫn không có hát bội.
Thông thường một chầu hát bội gồm có 5 hay 6 tuồng diễn ra trong 2, 3 ngày tùy theo yêu cầu từng địa phương. Một tuồng thường trình diễn trong 6 hoặc 8 tiếng đồng hồ. Các nhóm và các đoàn họ nhận ít nhất là hai chầu và nhiều nhất là tám chầu. Nhưng vẫn không đủ! Vì thiếu đào kép, một số diễn viên chính phải “chạy sô”, sáng nơi này, chiều nơi nọ, tối nơi khác. Do số lượng diễn viên và nhạc công rất ít chỉ hơn 30 người nên hầu như xuất diễn nào diễn viên cũng có vai. Không thiếu trường hợp sau những xuất diễn thứ 2, thứ 3, trong lúc trên sân khấu rộn rã tiếng đờn ca, thì nơi hậu trường đã có vài diễn viên đang ngồi cạo gió cho nhau... Có người phải hát ba xuất cho một ngày, hát hết các đợt chầu, đa số các diễn viên đều bị tắt tiếng, nói không ra hơi.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống