Saturday, July 18, 2015

Huỳnh Thái, Bích Hợp tài danh cải lương đất Bắc

rhf
Rạp Nguyễn Văn Hảo được coi như lớn nhứt ở Sài Gòn, từng được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Rạp có đến 3 từng lầu với trên 800 chỗ ngồi.

Ngành Mai, thông tín viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
Nếu ở trong Nam có đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn, thì ở ngoài Bắc cũng có đệ nhứt danh ca Huỳnh Thái được khán giả Hà Nội, Hải Phòng mến mộ nổi tiếng một thời. Năm 1954 Huỳnh Thái theo đoàn Kim Chung vào Nam, cộng sự khá lâu với đoàn này, mỗi ngày có mặt trình diễn trên sân khấu rạp Aristo, và hằng tuần lên ca trên đài phát thanh Sài Gòn, kể từ đó làn hơi ca độc đáo của danh ca miền Bắc quen dần với khán thính giả trong Nam.

Hòa nhập vào giọng ca miền Nam

Không phải đến năm 1954 Huỳnh Thái mới đi cùng đoàn Kim Chung theo dòng người di cư vô Nam, mà trước đó vào năm 1941 Huỳnh Thái đã từng đi đoàn Ái Liên vào hát ở Sài Gòn và một số tỉnh ở Nam Kỳ, đã mang làn hơi ca vọng cổ đất Bắc hòa nhập vào giọng ca miền Nam.

Người ta còn nhớ vào năm ấy 1941 ở Sài Gòn mở hội chợ ở Vườn Ông Thượng (Vườn Bờ Rô), mà về sau có tên là Công Viên Tao Đàn. Lúc ấy gánh Ái Liên đang có mặt ở Sài Gòn, đã vào hát trong hội chợ, và khai trương vở tuồng màu sắc đầu tiên của đoàn nầy là Huyền Trân Công Chúa, do soạn giả Bảy Muôn viết, dựa theo sử thời Nhà Trần. Cô đào trẻ đẹp Ái Liên đóng vai Công Chúa Huyền Trân và Huỳnh Thái vai Thượng Tướng Trần Khắc Chung. Huỳnh Thái vô vọng cổ khá mùi: Công nương ôi! Đôi phen đối bóng soi gương, thầm than cho duyên số bẻ... bàng. Khán giả trong Nam cũng vỗ tay vang rền, không thua gì lúc đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn vô vọng cổ. Khán giả cải lương rất điệu, nghe vô vọng cổ thì cứ vỗ tay, hay dở tính sau.

Cùng thời với hàng nghệ sĩ tên tuổi miền Bắc như: Kim Chung, Bích Hợp, Ngọc Toàn, Quang Hữu, Phúc Lai... Huỳnh Thái đã trải qua lắm cuộc thăng trầm trong kiếp đời nghệ sĩ. Lúc còn hoạt động ở ngoài Bắc, Huỳnh Thái từng dựng lên một đoàn hát, hợp tác với đào thương Bích Hợp vào thời kỳ khói lửa bao trùm đất nước (chiến tranh 1945 – 1954). Rồi thời thế đẩy đưa đoàn hát tan rã, Huỳnh Thái gia nhập đoàn Kim Chung lúc đoàn này vô Nam.

Huỳnh Thái tên thật là Hoàng Đình Thái sinh năm 1920 tại Hà Nội, buổi đầu học hát đã được nhiều người chú ý, được mời lên sân khấu Nhà Hát Lớn diễn kịch giúp việc nghĩa. Đến năm 1935 thì chính thức bước vào nghề, cùng vợ lập gánh hát nhỏ lấy tên là Thái Châu Ban để luyện tập, và đến năm 1937 gia nhập đoàn Ứng Lập Ban thì bắt đầu nổi tiếng. Nhờ có làn hơi thiên phú và lối ca hấp dẫn thu hút người nghe, nên tiếng tăm người nghệ sĩ tuấn tú đã vang dậy một thời.

Khoảng cuối năm 1961 thiên hạ đi ngang rạp hát Aristo đã nhìn thấy một cái móng rùa vĩ đại chiếm hết cả mặt tiền rạp hát, vòng lên tới nóc. Hỏi ra thì đây là thời kỳ ăn tập của đoàn Thăng Long – Huỳnh Thái sắp khai trương. Người ta thắc mắc phải chăng đoàn hát này định lấy móng rùa làm biểu hiệu, để nhắc nhở những gì linh thiêng của đất nước, của lịch sử dân tộc chăng?

Trong thời gian đoàn ăn tập, ban giám đốc đoàn Thăng Long – Huỳnh Thái lại nãy ra sáng kiến phát động quảng cáo rần rộ cho sân khấu mình, bằng cách tổ chức những đại nhạc hội quanh các rạp lớn Đô thành để giới thiệu thành phần đào kép, chủ trương, đường lối của sân khấu mới này.

Đoàn đã bắt đầu mở màn chiến dịch tại rạp Moderne ở Tân Định, sau đó đi qua các rạp khác nữa. Ban ngày tập tuồng, ban đêm đi làm đại nhạc hội, nhóm nghệ sĩ Thăng Long tỏ ra nỗ lực thiết thực để tranh thủ cho cái sống của anh em và quảng cáo mạnh cho bảng hiệu.

Với thành phần nghệ sĩ nửa Nam nửa Bắc, sách lược dung hòa nghệ sĩ Bắc Nam được Huỳnh Thái áp dụng cho chương trình của anh trước nhứt, rồi sau đó người ta thấy mới đến ông Bầu Long chủ nhân các đoàn Kim Chung.

Đoàn Thăng Long – Huỳnh Thái ra đời gây ít nhiều tiếng vang, nhưng “một con én không làm nổi mùa Xuân”, hay móng rùa vô Nam không còn linh thiêng, nên tên bảng hiệu Thăng Long – Huỳnh Thái mờ dần theo năm tháng, chỉ còn lại kỷ niệm trong làng ca kịch.

Đào thương Bích Hợp

bich-hop-huynh-thai-200.jpg
Bích Hợp, đệ nhất đào thương miền Bắc và Huỳnh Thái trên sân khấu Kim Chung – 1950. Ảnh Huỳnh công Minh/diendan.cailuongso.com.
Riêng đào thương Bích Hợp thì khán giả miền Bắc mệnh danh là người của 30 năm sân khấu, và là điển hình cho cái đẹp của Gánh Hàng Hoa, của Nửa Chừng Xuân, Hồn Bướm Mơ Tiên. Ngoài diễn viên trên sân khấu, Bích Hợp còn hát những bài ca tân nhạc: Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu, Đan Áo Đợi Chàng... Tiếng ca như gió mơn mởn cành liễu, như sóng gợn mùa Thu làm say mê giới mộ điệu từ Bắc chí Nam.

Lúc Huỳnh Thái vô Nam thì Bích Hợp cũng cầm cự mang đoàn vô đến Sài Gòn thì rã gánh tại đây, và cô đầu quân dưới bảng hiệu Kim Chung. Khi ấy đoàn Kim Chung có đào tài giỏi mà lại không có kép đồng tài nghệ đóng cặp thì cũng chẳng làm ăn nên nỗi được. Là người có cái nhìn thực tế, biết rằng khán giả cải lương miền Nam rất đặt nặng ca vọng cổ, nên Bầu Long quyết định tìm một kép ca miền Nam có giọng ca hay về đóng cặp với đào Bích Hợp.

Lúc bấy giờ đài phát thanh Sài Gòn thỉnh thoảng lại cho phát thanh bài vọng cổ “Bến Vắng Chiều Thu” do Kim Nguyên ca vô dĩa hát. Giọng ca trầm ấm mùi rệu của Kim Nguyên được nhiều thính giả chú ý lắng nghe.

Bầu Long nghĩ rằng nếu bắt Kim Nguyên về đoàn hát đóng cặp với cô đào tài sắc Bích Hợp, thì như cái máy in tiền hằng đêm vậy. Nghĩ là thực hiện ngay liền, chớ không để lâu sợ bầu gánh khác phỏng tay trên. Ông cho người dọ hỏi thì biết rằng Kim Nguyên làm nghề thợ bạc, kèm theo bán nữ trang nho nhỏ gần chợ Cần Giuộc, Long An chỉ đủ sống đấp đổi chớ không khá giả gì.

Khi đã nắm vững tình trạng, Bầu Long cho người mang cặp tiền đi theo ông để khi gặp mặt Kim Nguyên thương lượng xong thì cho ký giao kèo liền, chớ không chần chờ làm giá cho bầu gánh khác. Trong lúc thương lượng, ông ra hiệu cho người đi theo bỏ cọc tiền 500 ngàn ra trên bàn rồi ra giá luôn...

Làm thợ bạc quanh năm chẳng dư giả, có bán được 1, 2 chỉ vàng cũng chẳng lời bao nhiêu. Giờ đây chỉ cần đặt bút ký thì có ngay nửa triệu bạc, dư sức mở tiệm vàng lớn, bởi thời đầu thập niên 1960 này, nửa triệu bạc mua trên 100 lượng vàng y. Thế là Kim Nguyên khó thể chối từ, và thu xếp việc nhà lên Sài Gòn tập tuồng Hoa Mộc Lan Tùng Chinh đóng cặp với đào Bích Hợp. Quả thật đúng như bầu Long dự đoán, giọng ca Kim Nguyên quen thuộc với thính giả đài phát thanh, thì dĩ nhiên sẽ là khán giả của Kim Chung.

Tuồng Hoa Mộc Lan Tùng Chinh hát cả tháng vẫn còn đông đảo khán giả, cặp đào kép Bắc Nam nầy được giới mộ điệu khen tặng hết lời. Không nói cũng biết chẳng bao lâu thì Bầu Long thu lại vốn mà còn lời khẳm. Người ta nói ông bầu Long có cái nhìn chiến lược của một nhà kinh doanh nghệ thuật, do đó mà đoàn hát Kim Chung mỗi ngày một phát triển. Vấn đề này về sau bầu Long có tiết lộ là lúc ấy nếu bỏ tiền ra ít hơn, 1, 2 trăm ngàn cũng có thể được việc, nhưng không chắc ăn lắm. Ông đi cái đòn áp đảo của kẻ có tiền, bỏ ra nửa triệu thì khó có bầu gánh nào dám tiền vay bạc hỏi, mượn nợ để chạy theo tranh giành với ông. Vả lại lúc ấy Kim Nguyên chưa phải nghệ sĩ tên tuổi như Út Trà Ôn, Hữu Phước thì chủ nợ đâu có bỏ tiền ra cho vay, cũng như đâu có bầu gánh nào dám làm liều.

Sau 1975 nghệ sĩ Kim Nguyên ra hải ngoại định cư tại San Jose, ông vẫn tham gia các sô hát với vai trò nhạc sĩ vĩ cầm, chớ không có ca, dù rằng làn hơi ca vẫn còn hay. Năm 2002 Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại tổ chức thi cổ nhạc Giải Phụng Hoàng, mở rộng lên miền Bắc California, thiết lập địa điểm thi sơ khảo tại San Jose. Tôi với tư cách hội trưởng kiêm trưởng ban tổ chức, có mời nghệ sĩ Kim Nguyên tham gia ban giám khảo.

Tiếp xúc trò chuyện với ông, tôi có hỏi về đào thương Bích Hợp thì Kim Nguyên nói Bích Hợp mất trên 10 năm. Giờ đây hễ nhắc tới là kép ca kiêm nhạc sĩ vĩ cầm này không khỏi bùi ngùi, bởi có người nói lại với ông rằng trước khi lìa đời Bích Hợp có nhắc đến Kim Nguyên và sao không thấy đến thăm cô.

Về phần Huỳnh Thái thì do biến cố Tết Mậu Thân, cũng cùng chung số phận với bao nhiêu gánh hát khác, đoàn Thăng Long – Huỳnh Thái phải chịu rã gánh, và trong cái cảnh khốn đốn không còn hát xướng đó, ông lại bị bệnh phổi nặng và qua đời năm 1970 trong hoàn cảnh nghèo nàn cơ cực.

Lúc đưa Huỳnh Thái ra nghĩa trang, trong số thân hữu đưa đám có người lên tiếng:

- Đúng là Huỳnh Thái sinh Bắc tử Nam.

Dù là đám ma buồn thảm, mọi người cùng cười, người khác lại nói:

- Đất nước đang chia đôi, không lẽ Huỳnh Thái bay về Bắc để mà chết ngoài đó sao?

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống