Friday, December 30, 2016

Cầu Long Biên qua hồi ký toàn quyền Paul Doumer

pic

Cầu Long Biên khoảng năm 1940. Flickr.com
Thu Hằng - rfi
Trong những năm 1897-1898, chính quyền Pháp tại Đông Dương tìm cách phát triển cơ sở hạ tầng để “nâng giá trị các nguồn tài nguyên” thuộc địa. Nhiều công trình hạ tầng được thực hiện, trong đó phải kể đến tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn đang được thi công, nhưng chỉ dừng lại ở Gia Lâm, tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội 3 km. Dòng sông rộng đến 1.700 mét là một trở ngại hàng ngày cho người dân hai bên bờ, đặc biệt vào mùa nước lũ.

Paul Doumer, lúc đó là toàn quyền Đông Dương (1897-1902), cho rằng phải xây một cây cầu nối liền hai bờ sông và kéo dài tuyến đường sắt đến trung tâm Hà Nội. Cây cầu còn là một thách thức mang tính chiến lược : Nước Pháp phải chinh phục lại thị trường Trung Hoa nhờ tuyến đường sắt đến Vân Nam (Yunnan) để bắt kịp với Anh Quốc về mặt thương mại.

“Việc gì Tây muốn, họ đều làm được!”

Trong cuốn hồi kí Xứ Đông Dương thuộc Pháp (*), Paul Doumer cho biết rất nhiều quan chức, ngay tại Hà Nội và ở Paris, phản đối dự án đồ sộ ngoài sức tưởng tượng này, với tổng chi phí khi hoàn thiện có thể lên đến 6 triệu franc.

Năm 1897, chính quyền thuộc địa Đông Dương mời thầu xây dựng, chủ yếu dành cho các tập đoàn Pháp. Cuối cùng, công ty Daydé & Pillé, ở thành phố Creil (tỉnh Oise) đã được lựa chọn. Toàn quyền Paul Doumer là người đặt viên đá đầu tiên khởi công công trình vào tháng 09/1898.

Cây cầu là một trong những công trình lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ XX, đồ sộ nhất và chưa từng có ở vùng Viễn Đông. Khi được thông báo về công trình, quan lại và người dân địa phương cho đó là việc không tưởng. Xây một cây cầu bắc qua sông Hồng ư ? Điên thật ! Cứ như là xếp chồng các ngọn núi lên nhau để bắclên trời.

Dòng sông Hồng rộng như một cửa biển, sâu hơn 20 mét, với mực nước có thể dâng cao thêm 8 mét vào mùa mưa, lòng sông lại động và lồi lõm. Tóm lại, với người dân địa phương, đó là việc bất khả thi ! Một số quan lại có đầu óc cởi mở hơn thì nghĩ là người Pháp làm liều : “Có phải các ông định căng một dây cáp từ bờ bên này sang bờ kia để dẫn đường cho tầu bè không ?” Thế nhưng, khi nhìn cây cầu từ từ vươn ra sông, họ rỉtai nhau :“Việc gì Tây muốn, họ đều làm được !”

Đúng là cây cầu trở thành phương tiện tuyên truyền cho chính quyền thuộc địa còn non trẻ, như nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc với phóng viên báo Le Figaro : “Người Việt rất ấn tượng với công trình bằng thép này. Nó khơi lòng ngưỡng mộ của những người muốn hợp tác với Pháp và nỗi sợ trong những người muốn chống Pháp”.

Công nhân làm việc dưới độ sâu 30 mét

Công trình đồ sộ dài 1.680 mét tính từ hai mố biên bằng đá, gồm 19 nhịp chắc chắn (tổng cộng có 20 trụ cầu và mố biên) được dựng trên các dầm thép, kiểu Cantilever. Trụ cầu cao 43,5 mét : 30-32 mét trong lòng đất (dưới mực nước thấp nhất của sông Hồng vào mùa cạn) và 13,5 mét từ mặt nước. Vì lòng sông rộng nên móng được làm trong môi trường khí nén.

Vị tổng thống Pháp tương lai (1931-1932) khâm phục những người thợ Việt Nam làm việc dưới độ sâu như vậy mà không sợ hãi, không một lời phàn nàn. Ông không quên đề cao cách tổ chức và đối xử với nhân công của nhà thầu Daydé&Pillé. Sau 4 giờ làm việc trong điều kiện khắc nghiệt dưới lòng sông, các tốp thợ từ từ lên mặt đất và được các nhóm khác xuống thay. Họ được đưa về lán trong công trường, được bồi dưỡng thuốc bổ và được xoa bóp, luôn có một bác sĩ theo dõi sức khỏe của họ. Nhờ cách đối đãi tốt với công nhân và lương bổng cao, tiếng tăm của công ty lan rộng nên luôn có nhiều người đến xin việc.

Công việc lắp ráp cầu được tiến hành sau khi trụ cầu được xây xong và những thanh xà bằng thép được chuyển từ Pháp đến. Công việc này cũng do lực lượng lao động địa phương đảm nhiệm. Ban đầu số lao động người Hoa nhiều hơn người Việt, song dần dần, dù không khoẻ mạnh bằng, nhưng năng động hơn, khéo tay hơn và làm được nhiều việc hơn, nên chủ thầu Pháp thích tuyển nhân công người Việt.

Toàn quyền Paul Doumer nhớ lại trong cuốn hồi kí : “Đây là thành quả của đội ngũ kỹ sư, đốc công, tổ trưởng người Pháp và công nhân địa phương. Chính nhờ lực lượng lao động Á châu, gồm người Việt được một số người Hoa hỗ trợ, mà mọi việc, từ xây dựng đến lắp ráp phần sắt, đã được hoàn thành. Phần khó khăn nhất của công trình, chưa từng được thực hiện tại vùng đất Bắc Kỳ nơi vừa có khí hậu khắc nghiệt vừa có những đợt thay đổi thời tiết, là xây trụ đá, mố cầu và các trụ cầu bắc qua sông”.

Sau ba năm đặt viên gạch đầu tiên, vào tháng 02/1902, cầu Paul Doumer được khánh thành cùng lúc với đoạn đường sắt đầu tiên trong mạng lưới tầu hỏaxuyên Đông Dương và dẫn đến trung tâm thủ đô. Tuyến đường Hải Phòng-Hà Nội dài 100 km, nối liền thủ đô với cảng biển lớn nhất Bắc Kỳ, đã được thông tuyến và đưa vào hoạt động ngay trong giai đoạn này.

Nhìn từ xa, cầu Paul Doumer, như một rải đăng-ten, lịch lãm bắc qua dòng sông Hồng và gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người Hà Nội. Khu vực giữa cầu, nằm dưới khung chính, được dành cho tuyến đường sắt. Bên phía thành phố Hà Nội, cây cầu còn được kéo dài bằng một cây cầu cạn dài hơn 800 mét, nâng tổng chiều dài toàn bộ công trình lên thành 2,5 km. Đến năm 1923, cầu được mở rộng hai bên đường sắt cho xe ô tô.

pic
Cầu Long Biên trong những năm 1930. Flickr.com

Vị quan toàn quyền tỏ ra hân hoan vì “kết quả thu được cho thấy sức mạnh của nền văn minh Pháp. Tiến bộ khoa học, sức mạnh công nghệ của chúng ta đã chinh phục được người dân địa phương, những người từng không khuất phục trước súng đạn (…).

Tôi vui mừng chứng kiến Bắc Kỳ trước đó 5 năm còn nghèo khó, run rẩy và lo sợ, giờ trở thành một vùng bình yên, trù phú và tự tin. Được hưởng nhiều tiến bộ hơn những địa phương khác, Hà Nội đã trở thành một thủ đô to đẹp nơi người ta chứng kiến những công trình mới, những ngôi nhà theo kiến trúc Âu châu mọc lên từng ngày. Ngay cả người dân địa phương cũng tham gia vào quá trình thay đổi này với những ngôi nhà xây bằng gạch ngày càng nhiều hơn. Từ năm 1898 đến 1902, toàn Bắc Kỳ, đặc biệt là Hà Nội, vận động không ngừng nghỉ, dân số cũng tăngđáng kể. Nếu như năm 1897 có khoảng 30.000 người ở Hà Nội, thì đến năm 1902 đã có hơn 120.000 người”.

Năm 1897, cùng năm khởi công xây cầu ở Hà Nội, toàn quyền Paul Doumer cũngquyết định xây một cầu bắc qua dòng sông Hương (Huế) và một cây cầu khác bắc qua sông Sài Gòn, nối với Biên Hòa. Được công ty Creusot xây dựng và khánh thành vào năm 1900, cầu Thành Thái ở Huế (tên gọi cầu Trường Tiền lúc đó), dài 400 mét và không có đường sắt chạy qua, nối hai bờ sông : tả ngạn là Thành Nội cùng với làng Việt và hữu ngạn là khu Tây cùng với đường Tourane đi Đà Nẵng.

Công ty Levallois-Perret trúng thầu thi công cây cầu bắc qua sông Sài Gòn. Được khánh thành vào tháng 02/1902, cầu Bình Lợi dài 276 mét với 6 nhịp được làm bằng sắt, trong đó có một nhịp cầu xoay dài 40 mét để cho tầu bè qua lại. 

* Paul Doumer, L’Indo-Chine française (Xứ Đông Dương thuộc Pháp), Paris, Vuibert et Nony Editeurs, 1905.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống