Saturday, August 8, 2015

Vai trò cây đờn cò trong cổ nhạc

HINH
TS Trần Văn Khê giới thiệu cây đàn cò (đàn nhị), một nhạc khí sử dụng trong đờn ca tài tử, hát chèo, tuồng, nhạc thính phòng Huế
Ngành Mai, thông tín viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Cây đờn cò là loại đờn kéo có 2 dây nên cũng gọi là đờn nhị cầm, là nhạc cụ truyền thống của âm nhạc cổ truyền

Việt Nam. Đờn cò đã có từ lâu đời, nhưng không biết là thời nào, cũng như không rõ xuất xứ từ đâu, từ quốc gia nào. Có người nói nó bắt nguồn từ Trung Hoa, Ấn Độ... nhưng chỉ nói khơi khơi, chứ không có cơ sở nào hết.

Đờn cò là nhạc cụ thuần túy của dân tộc Việt Nam

Nếu như ai đó có sinh sống ở vùng Chợ Lớn, ắt đã thấy các ban nhạc cổ Triều Châu, Quảng Đông, họ không có cây đờn cò, mà chỉ sử dụng cây đơn gáo (làm bằng gáo dừa khô). Như vậy thì không thể nói rằng đờn cò xuất xứ từ nước Trung Hoa. Và nước Ấn Độ cũng thế, ở Sài Gòn có mấy chua Chà, thỉnh thoảng có lễ hội, hoặc sinh hoạt ca hát ăn uống, và nhạc cụ thì thổi kèn làm bằng gỗ hay trái gì đó giống như người dân tộc thiểu số ở miền Cao Nguyên thổi tù và. Đồng thời gỏ trống nhịp nhàng theo điệu múa điệu hát, chớ đâu ai thấy họ có đờn cò.

Do đó người ta có thể tạm kết luận cây đờn cò là nhạc cụ thuần túy của dân tộc Việt Nam, được phổ biến rộng rãi trong nhân gian từ thời xa xưa cho đến bây giờ. Đờn cò có một thế đứng vững vàng trong các bộ môn: Nhạc lễ, hát bội, đờn ca tài tử, cải lương, đã có mặt trong hầu hết các giàn nhạc nói trên, và giữ một vài trò khá quan trọng, vì nó có thể quán xuyến cho những tình huống xấu, chẳng hạn như một buổi sinh hoạt mà nhạc sĩ mấy cây đờn khác vì lý do nào đó mà không tham gia, thì cây đờn cò có thể đơn độc giúp cho buổi sinh hoạt được hoàn tất.

Trong cổ nhạc có nhiều loại dây đờn cao, thấp để đáp ứng cho làn hơi ca của ca sĩ, bởi có những người ca dây cao nhứt, và có những người ca dây thấp nhứt mà người ta gọi là: Hò nhứt,hò nhì, hò ba, hò tư và có cả “hò đậy”. Một số nhạc sĩ đã dùng danh từ “hò đậy” để chỉ những dây đờn cao nhứt mà nghệ sĩ Thanh Hải đã ca được. Thanh Hải người gốc ở Bến Cát, Bình Dương là xứ có nhiều cây cao su, và vài người thuộc giới đờn ca tài tử đã nói rằng Thanh Hải nhờ cao su, nên đã kéo làn hơi ca giản ra nên ca được dây hò đậy (không biết họ muốn nói nhờ cái gì, chớ không lẽ nhờ... ăn cao su).

Trong trường hợp người ca dây cao, kẻ ca dây thấp, nếu như nhạc sĩ của những cây đờn khác thì phải chỉnh sửa day đờn nhiều lần cho nhiều giọng ca, nên khó mà đờn cho mùi, cho hay. Phần đông các nhạc sĩ đã rất ngại chỉnh dây đờn (lên hay xuống) phiền phức, nhứt là cây lục luyền cầm, tức cây guitar phím lõm mà thời này được coi như cây đờn chánh, thì có một số nhạc sĩ cứ để mặc cho các ca sĩ phải khổ sở, khi phải chạy theo một dây đờn không thích hợp với làn hơi ca riêng biệt của mình. Do đó mà người ca sĩ không diễn đạt được cái hay, cái độc đáo, bởi có người phải ráng gân cổ để ca cao, hoặc có người phải hạ thấp giọng ca, như bị ngăn chận lại thì ca hay thế nào được chớ!

Riêng cây đờn cò thì nhạc sĩ chỉ lên dây đơn một lần theo chuẩn mực là có thể giải quyết được tất cả, có nghĩa ai ca thế nào thì nhạc sĩ đờn thế đó. Nói một cách khác người nhạc sĩ đờn cò họ có thể linh động chuyển dây theo các giọng ca thấp cao, và đổi cung hơi ca từ nam sang nữ, từ nữ sang nam hoặc nam nữ ca chung.

Nhạc sĩ Chín Trích là thân phụ của kịch sĩ Tu Trinh, ông là nhạc sĩ đờn cò lão luyện có thể theo được hết các làn hơi ca. Chín Trích là danh cầm đờn cò từng tham gia nhiều ban cổ nhạc ở đài phát thanh Sài Gòn suốt thời gian dài mấy chục năm.

Trong Lễ Kỳ Yên ở các đình làng, thiếu cây đờn gì cũng có thể được, nhưng không thể thiếu cây đờn cò, vì nó là nhạc cụ chiến lược cho nhạc lễ. Ban nhạc lễ ở Tòa Thánh Tây Ninh và Thánh Thất Cao Đài ở các địa phương khi cúng đại đàn cũng không hề thiếu cây đờn cò. Thời thập niên 1930 – 1940 hầu hết các gánh hát cải lương đều có

cây đờn cò đi song song với cây đờn kìm, tức một cây khảy và một cây kéo là chính yếu. Các gánh lớn thì có thêm cây đờn tranh, đờn sến hoặc loại đờn nào khác, nhưng không thiết yếu, có thì xôm tụ mà không có cũng chẳng sao.

Đầu thập niên 1950, nghệ sĩ Năm Nghĩa bầu gánh Thanh Minh đã đưa cây đờn violon vào thay thế cây đờn cò, theo sự yêu cầu của đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn, muốn tiếng violon rao mùi cho ông nói lối vô vọng cổ.

Bởi vậy khán giả cải lương sành điệu khi nghe tiếng đờn violon phát ra từ hậu trường sân khấu, thì rạp hát im phăng phắc, bởi khán giả biết rằng Út Trà Ôn sắp vô vọng cổ, nên họ im lặng để thưởng thức làn hơi ca thiên phú của Cậu Mười Út. Tuy vậy bầu gánh Năm Nghĩa vẫn giữ nhạc sĩ cây đờn cò, bởi có những bài bản Bắc, Oán hoặc các bản nhỏ mà cây violon không thể thay thế.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa sử dụng cây đàn cò trong tiết mục hát xẩm Hà Nội
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa sử dụng cây đàn cò trong tiết mục hát xẩm Hà Nội
Phía bên tân nhạc không thấy xử dụng cây đờn cò, có lẽ do hình dáng của nó quá xưa, không thích ứng với chư “Tân” chăng? Cũng có người nói rằng nếu như đem đờn cò vào tân nhạc thay thế cho cây violon vẫn có thể được. Do bởi người ta từng thấy các gánh hát bầu tèo ở miền quê, thường chỉ có hai cây đờn kìm, và cò la đủ để hoạt động rồi. Nhưng nếu như hát nhằm vở hát có cảnh đào kép hat bài tân nhạc thì phải làm sao, chắc không có cái chuyện chạy đi kêu người đờn tân nhạc bên ngoài vào tiếp ứng, nên đã tận dụng cây đờn cò.

Người ta từng thấy gánh hát nhỏ, hát đình hát chợ, trong một vở tuồng co lớp hát tân nhạc do cô đào chánh hát bản “Dư Âm”. Thế là nhạc sĩ đờn cò (cây đờn duy nhứt hôm bữa đó) đã đờn cho cô ta hát. Và rồi thì cũng tốt thôi, cũng làm vừa lòng khán giả. Thông lệ của hầu hết các gánh hát, khi vãn là giàn nhạc trỗi lên bản nhạc “Giã Từ” thì cây đờn cò vẫn làm tròn nhiệm vụ vậy.

Tại sao không có nữ nhạc sĩ đờn cò?

Cây đờn cò giữ vai trò quan trọng trong tất cả các giàn nhạc. Thế nhưng, cây đờn cò lại không được giới nữ chiếu cố, học hỏi để trở thành người nhạc sĩ đờn cò. Tại sao vậy chớ? Trước đây tôi có nói về cây đờn tranh mà giới nữ rất nhiều người học, “hằng hà sa số” nữ nhạc sĩ đờn tranh ở khắp nơi không thể đếm xuể. Còn cây đờn kìm thì hiện nay trong làng cổ nhạc, cải lương đã có hai cô (1 ở Cà Mau và1 ở Bình Dương). Như vậy cũng hơn nữ nhạc sĩ đờn cò chẳng có người nào hết. Ở trường Quốc Gia Âm Nhạc, ở Nhạc Viện Thành Phố, các cô chỉ học cho biết mà thôi, chớ

không phải học để trở thành nhạc sĩ đờn cò thành thạo.

Có người nói phụ nữ là phái đẹp, mà hình dáng cây đờn cò thì chẳng mấy đẹp so với những cây đờn khác, mà lại rất cổ xưa. Nếu mang cây đờn cò đi đây đó tham dự các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử, nhạc lễ thì có điều bất tiện cho các cô mà phần dưới đây tôi sẽ trình bày.

Sở dĩ các cô đã không mặn mà gì với cây đờn cò là có lý do của nó, chỉ có cái là các cô không nói thẳng ra thôi. Tôi từng nghe một nhạc sĩ lão thành nói cái nguyên do ấy, nhưng không biết nhận xét của vị này có đúng hay không, nên từ lâu nay tôi chẳng hề đề cập. Hôm nay sẵn dịp nói về cây đờn cò, tôi nêu lên để quí thính giả nhận xét và phán đoán.

Thông thường khi đưa cây đờn cò nhập cuộc các buổi đờn ca, thì người nhạc sĩ phải ngồi trên ghế, hai chân thòng xuống cho thoải mái, rồi kẹp hai đầu của ống đờn vào phía trên hai đau gối để giữ cho cây đờn thăng bằng không lệch lạc, xê dịch khi cây cần kéo (còn gọi là cây cung kéo) chạm vào 2 sợi dây ở 2 bên thì mới tạo được âm thanh trầm bổng theo ý muốn. Vị nhạc sĩ lão thành nói rằng, với cái thế ngồi đờn cò nói trên đối với người nam thì chẳng làm sao hết, cũng không ai để ý. Thế nhưng đối với người nữ thì lại rất khó coi, bởi lúc cây cung kéo đang hoạt động giữa hai sợi dây phát ra tiếng, thì người đứng coi biểu diễn họ thường nhìn vào cái ống đờn, tức không tránh khỏi nhìn thẳng vào nơi kín đáo của người phụ nữ. Dù rằng có mặc quần mặc áo, người nữ vẫn ngại ngùng, mất tự nhiên, đây là vấn đề tâm lý rất khó mà giải thích.

Chớ như nữ nhạc sĩ đờn tranh, các cô dù ngồi hay đứng, thì cây đờn để trên bàn đương nhiên che khuất từ bụng trở xuống, người ngoài nhìn vô chỉ thấy đôi tay nhạc sĩ đang nhảy múa, chớ không thấy phần bụng của mấy cô. Còn với cây đờn kìm hay guitar phím lõm thì người nữ nhạc sĩ ôm vào một bên hông, đồng thời đưa cần đờn xéo ra phía trước. Như vậy cây đờn cũng vô tình che cho phần dưới bụng của các cô thì đâu có hề gì.

Nói rõ hơn cây đờn cò nhỏ bé, lại thêm cai thế ngồi đờn không thể che khuất nơi hiểm yếu của người nữ khi đang

đờn. Có lẽ do vậy mà giới nữ đã không học để trở thành nữ nhạc sĩ đơn cò chăng? Tôi chỉ thuật lại thôi chớ không có ý kiến gì hết!

Ở trường Quốc Gia Âm Nhạc thời kỳ trước 1975 hình như trong học trình có dạy sơ qua cho học viên sự hiểu biết về cây đờn cò, chớ không nhằm đào tạo trở thành nhạc sĩ. Và người tathấy các cô đã để ống đờn trên đùi trái, để đờn lấy lệ mà thôi, thành thử ra trong nhân gian, các giàn đờn cổ nhạc đã không có nữ nhạc sĩ đờn cò.

Tóm lại dù rằng cây đờn cò có vai trò quan trọng trong tất cả các giàn nhạc, nhưng từ thập niên 1960 trở về sau người ta ít thấy giới trẻ học đờn cò. Phái nam cũng rất ít người học, hay là họ cho cây đờn cò là cổ hũ, là lỗi thời chăng?  Hiện nay hình như chỉ có nhạc lễ Cao Đài và Nhạc Viện Thành Phố là có đào tạo lớp trẻ trở thành nhạc sĩ đờn cò mà thôi.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống