Wednesday, April 22, 2015

Hình ảnh các nữ anh hùng Việt Nam xuất hiện trên sân khấu kịch Mỹ

n
Một buổi tập của các diễn viên (đứng bên trái) Criena House, vai Nga, và Nancy Sun (đứng bên phải), vai Huệ, và đạo diễn Laura Savia (ngồi giữa).
Hồng Hoa- VOA
Cuộc đời sóng gió của chị Phạm Thị Huệ, người công khai bản thân bị nhiễm HIV năm 2002 và sau đó được tạp chí TIME Hoa Kỳ bình chọn là một trong 20 người “Anh hùng châu Á” năm 2004, đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người, trong đó có nhà viết kịch người Mỹ gốc Việt Don Nguyễn và nhà hoạt động cho quyền của người HIV, cô Amazin Lethi. Vào thứ 6 tới đây, lần đầu tiên, khán giả sống tại Mỹ sẽ có cơ hội hiểu hơn về cuộc sống của những người sống chung với HIV ở Việt Nam thông qua vở kịch của tác giả Don Nguyễn do Laura Savia làm đạo diễn và cô Amazin Lethi hỗ trợ sản xuất.

Bắt đầu vào ngày 24 tháng 4 năm 2015, một tác phẩm của nhà viết kịch Don Nguyễn có tên “Red Flamboyant,” (tạm dịch: Hoa Phượng Đỏ), lấy cảm hứng từ câu chuyện về chị Phạm Thị Huệ và nhóm Hoa Phượng Đỏ gồm những người phụ nữ cũng nhiễm HIV như chị, sẽ được công diễn tại Hội trường Anderson, thành phố New York. Vở kịch đan xen câu chuyện có thật của chị Phạm Thị Huệ và hai nữ danh tướng nổi tiếng của Việt Nam là Trưng Trắc, Trưng Nhị hay còn biết tới với tên gọi Hai Bà Trưng. Giải thích lý do vở kịch có sự xuất hiện của các nhân vật cả trong lịch sử lẫn hiện đại, anh Don Nguyễn cho biết:
Tác giả vở kịch Red Flamboyant Don Nguyễn và chị Phạm Thị Huệ
Tác giả vở kịch Red Flamboyant Don Nguyễn
và chị Phạm Thị Huệ

“Tôi thực ra đã tìm hiểu về Hai Bà Trưng rất lâu trước khi tôi biết về chị Phạm Thị Huệ. Tôi nghĩ rằng câu chuyện về Hai Bà Trưng có thể sẽ trở thành một đề tài hay cho một bộ phim hoặc vở kịch trong tương lai, nhưng tôi đã không chắc sẽ phải viết như thế nào nên tôi đã gác nó sang một bên trong một thời gian. Khi tôi đọc được một bài báo về chị Phạm Thị Huệ, tôi biết là tôi cũng muốn viết về chị nhưng tôi cũng chưa chắc phải làm thế nào. Rồi bỗng chợt tôi nhận ra cả hai câu chuyện đều nói về những nữ anh hùng dũng cảm và chị Phạm Thị Huệ cũng giống như vậy. Khi tôi tìm được mối liên kết đó, tôi cảm thấy sẽ rất tuyệt nếu kết hợp cả hai câu chuyện vào với nhau. Vì vậy trong vở kịch, khán giả sẽ thấy xuất hiện cả hai bối cảnh hiện đại và thời Hai Bà Trưng.”

Lần đầu tiên biết tới chị Huệ và nhóm Hoa Phượng Đỏ của chị năm 2008 qua một bài báo trên tờ The New York Times, đây cũng là lần đầu tiên nhà viết kịch Don Nguyễn nghe nói tới việc HIV/AIDS vốn rất phổ biến ở Việt Nam. Anh trước đó đã không nhận ra rằng đây đã là một vấn đề lớn ở Việt Nam, kèm theo đó là những điều tiếng, sự sỉ nhục mà người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam phải gánh chịu. Và đây không phải là một điều bất ngờ vì theo lời cô Amazin Lethi, nhà hoạt động bênh vực cho quyền của người HIV/AIDS, từ lâu tâm điểm của đại dịch HIV/AIDS là ở châu Phi chứ không phải châu Á:

“Trên khắp toàn cầu, tâm điểm của việc chấm dứt đại dịch HIV/AIDS luôn nằm ở châu Phi vì đó là nơi có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS lớn nhất. Nhưng bên ngoài châu Phi, đó là cộng đồng châu Á.  Mọi người trong cộng đồng rộng lớn hơn không thường nghe tới những câu chuyện và cuộc đời của những người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Đăc biệt ở Mỹ, khi nói tới Việt Nam, người ta chỉ nghĩ tới chất độc Da cam, hay chiến tranh Việt Nam, người ta không nghĩ tới những chuyện khác. Vì vậy đây là một dịp đặc biệt khi lần đầu tiên tại Mỹ, những người ủng hộ hoạt động cho quyền của người HIV và quan tâm tới cộng đồng châu Á, có thể tới xem một vở kịch về những phụ nữ sống chung với HIV, cụ thể là ở Việt Nam.”

Sau các buổi biểu diễn ở thành phố New York, cô Amazin cho biết cô hy vọng vở kịch cũng sẽ tới với khán giả ở California bởi lẽ việc biết những gì đang diễn ra thực tế ở Việt Nam không chỉ quan trọng đối với mọi người nói chung mà còn đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt:

Cô Amazin Lethi, nhà hoạt động bênh vực quyền cho người nhiễm HIV/AIDS
Cô Amazin Lethi, nhà hoạt động bênh vực
quyền cho người nhiễm HIV/AIDS
“Trong số những bạn trẻ người người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, có một số bạn chưa từng tới Việt Nam hay có thể đã tới Việt Nam nhưng chỉ là thăm bà con, họ hàng chứ không đi tới những nơi như vùng quê nông thôn để tìm hiểu về những điều đang diễn ra bên ngoài cộng đồng nơi họ sống. Vì vậy đây là một cơ hội tốt để các bạn người Mỹ gốc Việt tìm hiểu về cuộc sống của những người phụ nữ sống chung với HIV ở Việt Nam, và biết thêm về tình hình thực tế để có thể khuyến khích cộng đồng người Mỹ gốc Việt cùng tham gia vào việc chấm dứt sự kỳ thị đối với người HIV và chấm dứt nạn AIDS bên trong Việt Nam.”

Sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS không bỏ qua một ai. Trẻ em nhiễm HIV, cũng giống như những trẻ em đến từ những gia đình nghèo, hay trẻ em lang thang, là những đối tượng mà theo lời cô Amazin, không thể có được những cơ hội như trẻ em khác vì hoàn cảnh của bản thân. Và do đó, trong năm 2015, tổ chức Amazin Lethi Foundation của cô sẽ thành lập một học viện thể thao đầu tiên ở Hà Nội dành cho những em này:

“Đặc biệt những trẻ em nhiễm HIV hay trẻ em nghèo, lang thang, vì hoàn cảnh của mình mà các em không bao giờ có thể có được cách nào đó để tới những học viện như thế này. Vì thế đối với tôi, đây là một điều đẹp đẽ khi có thể tạo ra một học viện mà các em không chỉ học thể thao mà còn những kỹ năng sống, tiếng Anh, cách sử dụng những kỹ năng trong công việc sau này. Chúng tôi thực ra hiện giờ vẫn trong giai đoạn lên kế hoạch nhưng đó là dự định mà chúng tôi muốn thực hiện trong hè năm nay. Chúng tôi cũng muốn triển khai thực hiện một trại hè thể thao tương tự ở Hải Phòng với chị Phạm Thị Huệ và những trẻ em nhiễm HIV ở đó.”

Trong một sự việc liên quan tới trẻ em nhiễm HIV tại Việt Nam hồi gần đây, năm bảo mẫu tại Sài Gòn đã bị đình chỉ sau khi bị tố cáo dùng tay và dép đánh đập và hành hạ các em nhỏ bị nhiễm HIV trong giờ ăn trưa. Từ quan điểm của một nhà hoạt động bênh vực quyền cho người HIV/AIDS, cô Amazin nhận xét:

“Đây là một vấn đề toàn cầu xoay quanh người lớn và trẻ em sống chung với HIV. Nó cần tới sự giáo dục trong cộng đồng nhiều hơn và sự hiểu biết hơn trong việc chấm dứt sự kỳ thị, phân biệt người HIV. Nếu bạn đang chăm sóc cho người HIV, đặc biệt là trẻ em, khi các em sống trong những trại trẻ mồ côi, các em có thể có những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đây không phải là chuyện chỉ là chăm sóc cho một đứa trẻ, mà còn phải hiểu được hoàn cảnh của các em. Nếu các em phải ở trong trại mồ côi thì rất có khả năng là cha mẹ của các em đã qua đời vì AIDS hay vì họ quá nghèo để có thể tiếp tục nuôi các em ở nhà và thật không may phải gửi các em tới trại mồ côi. Ngoài ra, khi chăm sóc các em, chúng ta cũng phải lưu ý tới tâm lý, sức khỏe tâm thần của các em và trong việc này, chúng ta phải bảo đảm nhân viên chăm sóc là những người đủ tiêu chuẩn để làm được điều đó.”
Một buổi tập của nhà biên đạo múa trên không Karen Fuhrman (phía trên) và Kim Wong, vai Trưng Trắc, (phía dưới).
Một buổi tập của nhà biên đạo múa trên không
 Karen Fuhrman (phía trên) và Kim Wong,
 vai Trưng Trắc, (phía dưới).

Thông qua vở kịch Hoa Phượng Đỏ, cô Amazin Lethi và đội ngũ sản xuất hy vọng khán giả nhận ra rằng nhiều sự kỳ thị và phân biệt đối xử người nhiễm HIV đến từ chính nỗi sợ những thứ mà mình không hiểu rõ và thiếu sự hiểu biết về việc HIV lây truyền như thế nào. Cô Amazin nói:

“Nếu bạn không biết rõ về cách HIV lây truyền như thế nào, bạn cảm thấy sợ nó, và điều đó gây ra sự kỳ thị và phân biệt. Một thông điệp quan trọng mà người xem nên nhớ tới sau khi xem vở kịch đó là người chung sống với HIV cũng bình thường như bao người khác. Sống chung với HIV chỉ là một phần trong con người họ nhưng nó không định nghĩa họ là con người như thế nào.”

Và tác giả vở kịch “Red Flamboyant,” nhà viết kịch Don Nguyễn, cũng có chung quan điểm như vậy:

“Tôi hy vọng điều mà khán giả sẽ nhớ tới sau khi xem vở kịch là một sự hiểu biết hơn về những gì đang xảy ra ở phía bên kia thế giới và một sự nhận thức tốt hơn về đại dịch HIV/AIDS ở những nơi khác. Ngoài ra, hy vọng rằng họ có thể hiểu được những người nhiễm HIV đã phải rất dũng cảm như thế nào để đối mặt với những sự xa lánh, kỳ thị từ cộng đồng. Đôi khi, đối với họ, chuyện đối mặt với sự xa lánh còn khó khăn hơn việc phải đối mặt với cái chết.”

Vở kịch Red Flamboyant dài khoảng 100 phút sẽ được công diễn từ ngày 24/4 đến 16/5 năm 2015 tại Hội trường Anderson, thành phố New York. 10% doanh thu bán vé sẽ được quyên góp cho tổ chức Vietnam Relief Organization dành cho phụ nữ sống chung với HIV/AIDS ở Việt Nam. Quý vị quan tâm có thể vào trang web www.firebonetheatre.com để đặt mua vé.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống