Sunday, June 28, 2015

Trần Văn Khê, ngôi sao phương đông sáng mãi

rhf
GS Trần Văn Khê (trái) trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hoài Nam
Cát Linh, phóng viên RFA
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Cát Linh xin mời quí vị cùng tưởng nhớ về một bậc thầy, một cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê. Ông đã thật sự trở về quê mẹ Việt Nam, nơi ông dành trọn trong trái tim mình một tình yêu bất diệt. Và sau đây là tâm sự của những người kề cận với ông trong công việc cũng như trong những dự án nghệ thuật kể.

Giữ mãi ngọn lửa âm nhạc dân tộc

“Nếu coi tiếng hát ru và những điệu nhạc dân tộc là căn bản, là sự sống của dân tộc VN thì chúng ta phải nhìn chúng nó mà chúng ta là người Việt Nam làm chủ đất nước VN thì cũng nên làm chủ nền văn hoá VN, tức là thi ca và âm nhạc Việt Nam phải có một vị trí đặc biệt hơn tất cả.”

Đó là lần cuối cùng, trong một buổi sáng tháng 5 vừa qua, từ một nơi cách nhau nửa vòng trái đất, chúng tôi có dịp được ông chấp thuận buổi nói chuyện về giá trị văn hoá dân tộc của những bài hát ru con 3 miền Nam, Trung, Bắc.

Không những giải thích ý nghĩa, sắc thái giống nhau, khác nhau về những câu hát ru của từng miền ông còn thể hiện sự giống và khác nhau đó qua kỹ thuật hát.

Nói về ông, là chúng ta nói đến một bộ bách khoa toàn thư về đờn ca tài tử và văn hoá nước Việt cũng như các công trình nghiên cứu vô giá về âm nhạc dân tộc.

Kể về ông, là kể về một Bắc đẩu bội tinh, một người Việt Nam yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam, yêu người Việt Nam, yêu ngôi nhà Việt Nam với tình yêu không biên giới. Càng yêu quê hương bao nhiêu, ông càng tự hào về văn hoá dân tộc ông bấy nhiêu.

“Bao nhiêu người nước ngoài sẽ đến để thăm chúng ta, nhìn vào chúng ta nhìn vào đất nước chúng ta. Thì nhìn không phải để biết thanh niên Việt Nam bắt chước người ngoài hay như thế nào, không phải để biết thanh niên Việt Nam hát rock hát pop hay như thế nào mà tìm coi thanh niên Việt Nam có cái gì đặc biệt đặc thù và có bản sắc dân tộc của thanh niên Việt Nam. Do đó, chơi thì chơi nhưng đừng bao giờ quên rằng dân tộc VN có 1 nền âm nhạc và 1 nền văn hoá rất sâu sắc. Nước ngoài có những cái hoành tráng. Chúng ta có những cái tế nhị. Nước ngoài có những bề ngoài rất hào nhoáng, nhưng chúng ta có những cái bề trong rất thâm thuý.”
Nếu coi tiếng hát ru và những điệu nhạc dân tộc là căn bản, là sự sống của dân tộc VN thì chúng ta phải nhìn chúng nó mà chúng ta là người Việt Nam làm chủ đất nước VN thì cũng nên làm chủ nền văn hoá VN, tức là thi ca và âm nhạc Việt Nam phải có một vị trí đặc biệt hơn tất cả

GSTS Trần Văn Khê

Viết về ông…thì…nhiều lắm. Đã có rất nhiều những bài viết về ông từ trước, càng nhiều hơn sau khi ông yên nghỉ. Không khó lắm để tìm đọc những bài viết về cuộc đời nghiên cứu của ông, hoặc nghe những buổi nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc, văn hoá mà ông đã dành cho tất cả mọi người. Vì ông luôn mở lòng mình, sẵn sàng chia sẻ với tất cả, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam, ông càng dành cho sự ưu ái và truyền dạy chân tình những gì ông đã góp nhặt được trong cuộc đời nghiên cứu của mình.

Hà Chương, nhạc sĩ trẻ theo đuổi thể loại nhạc dân tộc cho biết tâm tư của anh về người mà anh kính cẩn gọi là thầy Khê:

“Đối với nhiều giáo sư, nhiều người giỏi đó, 1 số người thì gặp ngừoi ta hoặc gần người ta rất là khó, nhưng riêng thầy Khê thì thầy rất mở lòng với những nghệ sĩ trẻ.”

Ông am tường tất cả những bản sắc và thể loại nhạc dân tộc, từ các loại nhạc cụ cho đến loại hình nghệ thuật từ nam ra bắc, như hát chầu, hát văn, ca trù, hát bội, vọng cổ.

Trong đêm Sầm Giang lần thứ 13 tổ chức tại Montreal năm 1994, ông đã giải thích về vọng cổ:

“Nhạc cổ là dĩ vãng mà cũng là hiện tại mà cũng có thể giúp vào tương lai.”

Đêm đó, ông đã chơi đàn tranh và ngâm bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Tiếng đàn tranh đặc thù của dân tộc Việt Nam và bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ Việt Nam vang vọng trên đất Pháp.

“Xin phép quí vị tui được lên dây rồi ngâm 1 vài bài thơ cho quí vị nghe hôm nay.”

…và sau đó ông đã ngâm bài thơ Qua Đèo Ngang trong đêm Sầm Giang Tái Ngộ 13

Hà Chương chia sẻ một lời dặn mà anh nói rằng mình sẽ mang theo suốt hành trình âm nhạc của mình:

“Con làm thế nào đó miễn sao con giữ được bản sắc của dân tộc. Bằng cách nào đó con đưa được nhạc dân tộc đến nhiều người trên thế giới thì đó là điều mà thầy rất hoan nghênh.”

Người lưu giữ quá khứ bằng “một trí nhớ siêu đẳng”

Kể về kỷ niệm với thầy Trần Văn Khê, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết điều làm ông ấn tượng nhất là:

“Ấn tượng nhất với tôi là 1 trí nhớ siêu đẳng. Nếu mà bạn tiếp xúc với thầy, mà tất cả những cuộc tiếp xúc của thầy với công chúng thì thầy hầu như nói vanh vách tất cả mọi điều không cần sách vở trước mặt. thầy thuộc hết lời ca của âm nhạc dân tộc Việt Nam.”

Một người với trí nhớ tuyệt vời như thế chắn hẳn phải là người có cách lưu giữ quá khứ, sắp xếp những sự kiện cuộc đời một cách khoa học và ý thức. Nhà văn Nguyễn Đông Thức kể rằng:

“Tôi đến nhà thầy, thấy hành lý từ bên Pháp về, có 1 vali, trong đó có tất cả những cuốn sổ tay của đời thầy, thầy làm việc thầy ghi chép mỗi ngày. Thầy để những cuốn sổ tay đó trong cái vali và mở những cuốn sổ tay ra, thì những sự kiện gì đều đi kèm những chứng từ. Thậm chí thầy để 1 vé xem phim, để cả những vé đi xe điện ở Pháp. Khi cần, thầy nói luôn hồi đó đi xem phim giá bao nhiêu tiền, mấy mươi xu, rồi những bill nhà hàng, có gì quan trọng, kỷ niệm với thầy, thầy đều giữ lại. Lúc đó tôi kính phục thầy và cũng bắt chước thầy khi thấy rằng mỗi khi mình muốn lục tìm một điều gì trong quá khứ thì rất cực khổ.”
Bao nhiêu người nước ngoài sẽ đến để thăm chúng ta, nhìn vào chúng ta nhìn vào đất nước chúng ta. Thì nhìn không phải để biết thanh niên VN bắt chước người ngoài hay như thế nào, không phải để biết thanh niên VN hát rock hát pop hay như thế nào mà tìm coi thanh niên VN có cái gì đặc biệt đặc thù và có bản sắc dân tộc của thanh niên VN

GSTS Trần Văn Khê

Với Hà Chương, anh nói không phải chỉ riêng với anh, mà với tất cả những thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này, giáo sư Trần Văn Khê không những là một biểu tượng lớn của âm nhạc Việt Nam mà còn là một tấm gương về nhân cách sống:

“Đối với thầy Khê không những là một người có kiến thức uyên bác về âm nhạc, mà thầy còn là một người có một cốt cách sống mà Hà Chương rất ngưỡng mộ, khâm phục. Thầy sống rất tinh khiết và lành mạnh. Cả cuộc đời của thầy đều dành hết những gì quí giá nhất cho âm nhạc dân tộc Việt Nam.”

Tâm hồn tinh khiết và giản dị ấy thể hiện trong từng cung cách và lời nói, cử chỉ ông dành cho mọi người. Dù mọi người dành cho ông rất nhiều danh xưng khác nhau, có người gọi ông là nhạc sĩ, nhạc sư, giáo sư, tiến sĩ, nhưng ông đã từng nhắn nhủ nhà văn Nguyễn Đông Thức rằng “hãy gọi tôi là thầy Khê cho thân thương, gần gũi.”

Là người có thời gian kề cận bên cạnh ông trong suốt thời gian thực hiện những tập phim tư liệu “Trần Văn Khê, người giữ lửa”, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết:

“Nói về thầy thì thầy là một con người quá lớn. Khi được tiếp xúc thì mình được học rất nhiều điều như  sự khiêm tốn, giản dị, một kiến thức uyên bác, sâu rộng nhờ thầy học và đọc rất nhiều. Tôi kính nể thầy cái sự vượt qua bệnh tật. Thầy bệnh rất nhiều từ khi còn trẻ, bệnh rất nặng, nhưng thầy đã vượt qua tất cả bằng chính nghị lực và sự rèn luyện của thầy để sống đến 94 tuổi.”

Gia tài của ông để lại là vô cùng. Và sự ra đi của ông cũng là nỗi mất mát vô cùng. Ông dành trọn cuộc đời để chắt lọc, mang đến cho người Việt Nam và cả thế giới biết đến những tinh hoa tinh tuý nhất của văn hoá Việt Nam. Và ông, cũng chính là tinh hoa của nước Việt. Ông là ngôi sao khuê phương Đông không bao giờ tắt.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống