Thursday, August 6, 2015

Bảo Tồn Văn Hóa Dân Tộc Churu Vùng Tây Nguyên

HINH
Nhà thờ Kađơn không đồ sộ, không bề thế, nhìn xa như một nhà sàn có mái rộng chở che, có tường vách bằng kiến trong suốt bên trong hòa nhập vào thiên nhiên xanh thẳm bên ngoài
Thanh Trúc, phóng viên RFA Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố du lịch Đà Lạt khoảng 40 kilômét, có xã Kađơn với giáo xứ Ka Đơn và một nhà thờ nằm giữa một rừng thông bạt ngàn. Đó là nhà thờ Kađơn với kiến trúc đặc trưng văn hóa dân tộc Churu, ấm cúng bên trong, bát ngát bên ngoài như lời vị quản xứ Kađơn, linh mục Nguyễn Đức Ngọc:

Thứ nhất là tinh thần đơn sơ, không màu mè, không kiểu cọ, đi gần với anh em dân tộc. Thứ hai là khiêm tốn, bởi con đường của Chúa là con đường khiêm tốn và mời gọi. Thứ ba là đậm nét văn hóa dân tộc Churu.

Nhà thờ Kađơn không đồ sộ, không bề thế, nhìn xa như một nhà sàn có mái rộng chở che, có tường vách bằng kiến trong suốt bên trong hòa nhập vào thiên nhiên xanh thẳm bên ngoài. Đây là công trình của hai kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương người Hà Nội, Nguyễn Tuấn Dũng người Đà Lạt, xuất thân từ Viện Kiến Trúc Đại Học Kỹ Thuật Betrlin, Đức.

Với bản thiết kế luận án có tên Sự Trở Lại Của Hồn Đất dành cho nhà thờ Kađơn, năm 2011 hai kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng vinh dự đoạt giải Kiến Trúc Thánh Châu Âu lần IV, do Quĩ Fate Sole (Fondazione Fate Sole) trao tặng tại thành phố Pavia, Italia:

Vì nó có nét sáng tạo độc đáo lắm, trên thế giới chưa có ngôi nhà thờ nào như vậy. Và nó mang nét văn hóa của một dân tộc, đó là dân tộc Churu . .

Một ngày của các em Churu và K’hor

Nhưng hai điểm son trong nhà thờ Kađơn mà Thanh Trúc muốn kể với quí vị trong chương trình hôm nay là Phòng Văn Hóa, nơi trưng bày bộ sưu tập mà linh mục quản xứ Nguyễn Đức Ngọc bỏ công tìm kiếm, bảo tồn bao năm qua. Điểm đặc biệt thứ hai, nhà thờ Kađơn cũng là nơi nương tựa cho khoảng 20 trẻ nghèo Churu và K’hor, hai dân tộc sinh sống lâu đời tại xã Kađơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng:

Ban sáng khoảng 4 giờ rưỡi các em dậy, 5 giờ rưỡi đi lễ, lễ xong về ăn sáng, chừng khoảng 6 giờ rưỡi đi học. Trước khi đi học thì phải đi làm vệ sinh rồi dọn dẹp nhà cửa . Trưa các em về ăn cơm, cơm xong rồi ngủ trưa, ngủ dậy đi đọc kinh. Ban chiều nếu không đi học thì học thêm Anh văn, học thêm Toán. Tối các em ôn bài

Linh mục Nguyễn Đức Ngọc

Đó là tiếng cầu kinh và lời ca buổi sớm của các em nhỏ người Thượng từ nhà thờ Kađơn. Lời linh mục Nguyễn Đức Ngọc:

Đang ở với tôi khoảng 20 chục em cả K’hor lẫn Churu, chúng nó cực kỳ dễ thương. Có những em ở cách đây khoảng 20 cây số, đa số là các em nghèo, bố mẹ gởi vào đây để cho các em được đi lễ, đi đọc kinh và đi học. Thường thường ngồi trên bàn cơm này thì các em nó phải nói 3 thứ tiếng, vừa K’hor vừa Churu vừa Kinh nữa. Vào đây nó tốt lành, lễ phép, siêng năng làm việc, quét nhà, nấu cơm, rửa bát.... Đây có một em nó tên là Nhân.

Nhân: Chào cô, con là người dân tộc K’hor, con học Lớp 6 trường Kađơn Một. Ở trong nhà thờ thì được đi lễ và được chơi với mấy bạn. Mai mốt lớn lên con đi tu.

Linh mục Nguyễn Đức Ngọc: Một em Churu bị cụt một tay từ trong bụng mẹ. Em này đang muốn nghĩ học nhưng mình đang cố gắng khuyên en nó đi học. Cụt một tay mà nó lanh nhất trong các bạn.

Hữu: Con tên Hữu, 14 tuổi, người dân tộc Churu. Con học Lớp 8, con thi bị rớt môn Anh. Lớn lên con thích làm nghề sửa xe.

Một ngày của trẻ Churu và K’hor trong nhà thờ Kađơn như thế nào? Linh mục Nguyễn Đức Ngọc cho biết:

Ban sáng khoảng 4 giờ rưỡi các em dậy, 5 giờ rưỡi đi lễ, lễ xong về ăn sáng, chừng khoảng 6 giờ rưỡi đi học. Trước khi đi học thì phải đi làm vệ sinh rồi dọn dẹp nhà cửa . Trưa các em về ăn cơm, cơm xong rồi ngủ trưa, ngủ dậy đi đọc kinh. Ban chiều nếu không đi học thì học thêm Anh văn, học thêm Toán. Tối các em ôn bài . Chương trình mỗi ngày là như vậy.

Các thanh thiếu nữ trẻ người Churu
Các thanh thiếu nữ trẻ người Churu
Tình thương, kỷ luật, giáo dục, được hướng dẫn chăm sóc là những điều kiện để con em thế hệ tương lai người Churu và người K’hor phát triển trong một môi trường lành mạnh.

LM Nguyễn Đức Ngọc: Trong này mình giáo dục các em về lễ phép, về sạch sẽ rồi về những đức tính nhân bản . Đi biết chào về biết thưa, thấy rác là nhặt, hơn hẳn các em ở bên ngoài về nhiều mặt lắm.

Đến nhà thờ Kađơn, quí vị còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập trong Phòng Văn Hóa mà linh mục quản xứ Nguyễn Đức Ngọc dày công thực hiện:

Bà con Churu gốc người Chăm, bà con với người J’rai ở trên Pleiku, bà con với người Ê Đê ở Ban Mê Thuột và người Raglai ở dưới Ninh Thuận. Người Churu mà gặp người Ê Đê, người Chăm, người J’rai đều có thể nói chuyện và hiểu nhau được.

Một trong những giả thuyết mà chúng tôi hướng về, tại ở đây tôi đang cố gắng nghiên cứu về người Churu đó, thì chúng tôi cũng nhất trí với nhau rằng người Churu là giới hoàng tộc của người Chăm chạy lên vùng này. Theo nhận xét của một ông cha Pháp cách đây 100 năm mà chúng tôi có đọc được thì dường như người Churu nhanh hơn người K’hor . Cũng cách đây 100 năm vùng Đà Lạt là người Pháp coi còn dưới này là người Churu coi. Người Churu tương đối lanh, nét mặt người ta xinh xắn lắm.

Có một truyền thuyết như vầy, thời xa xưa thì người Churu hay dựa vào người Chăm để bắt nạt người K’hor. Sau này, thời Pháp, người Pháp ở với người K’hor trên đà Lạt nhiều, thì dường như người K’hor lại quay qua bắt nạt người Churu. Nhưng nhìn lại lịch sử của Đà Lạt này, những người làm quan ở Đà Lạt , thì người Churu đông hơn người K’hor.

Lịch sử truyền giáo củ người Churu

Phòng Văn Hóa ở giáo xứ Kađơn có hai công việc, linh mục Nguyễn Đức Ngọc giải thích, mảng thứ nhất là lịch sử truyền giáo cho người Churu cách đây 100 năm, mảng thứ hai là giới thiệu văn hóa của người Churu:

Cách đây 100 năm các giáo sĩ người Pháp đã tới  vùng này, bác sĩ Yersin cũng đã tới vùng này. Năm 98 tôi làm linh mục, Đức Hồng Y Nhơn, lúc đó là Đức Cha, nói với tôi tiếng K’hor thì nhiều người học nhưng chưa có Cha nào học tiếng Churu. Thế là tôi học tiếng Churu rồi sau đó tôi lập ta một nhóm dịch thuật tiếng Churu, chúng tôi dịch kinh qua tiếng Churu cho anh em Churu đọc.

Sau một thời gian tôi thấy nhu cầu là phải có bài hát, thế là tôi dịch bài hát sang tiếng Churu. Sau đó tôi lại thấy nhu cầu về Tin Mừng, thế là chúng tôi dịch Tin Mừng cho người Churu.

Khi dịch Tin Mừng, để cho thông nhất và dễ làm việc, linh mục Nguyễn Đức Ngọc nói, ông đã thực hiện cuốn tự điển Churu phổ thông , từ đó dẫn tới một cuốn nữa về phong tục tập quán Churu:

Tôi thấy mấy Cha mấy Thầy muốn đi truyển giáo vùng Churu thì phải biết tiếng Churu, rồi phải biết phong tục tập quán Churu, thế là tôi cố gắng biên soạn một cuốn sách về phong tục tập quán Churu.

Bên cạnh đó, linh mục quản xứ Nguyễn Đức Ngọc còn biên soạn một quyền sách về truyện cổ dân gian của người dân tộc Churu, một cuốn về tục ngữ ca dao Churu trong mục đích cho các linh mục và các nữ tu sử dụng khi sinh hoạt với giáo dân Churu.

Các nhạc cụ Cồng, Chiêng của người Churu trong nhà văn hóa của nhà thờ Kađơn
Các nhạc cụ Cồng, Chiêng của người Churu trong nhà văn hóa của nhà thờ Kađơn
Rồi khi làm Nhà Văn Hóa Churu này chúng tôi cố gắng biên soạn một cuốn sách về những văn hóa vật thể Churu. Không những giữ trong bảo tàng nho nhỏ của chúng tôi mà khi vào làng làm lễ, thay vì kéo chuông thì chúng tôi đánh cồng chiêng để mời gọi anh em tới. Trong lễ chúng tôi sử dụng hoàn toàn tiếng dân tộc.

Cồng chiêng, hơi thở của núi rừng, nét văn hóa sâu lắng và độc đáo của người dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Churu nói riêng, còn được vị quản xứ Nguyễn Đức Ngọc khuyến khích duy trì ngay cả trong tang lễ của dân tộc này:

Cách đây 100 năm các giáo sĩ người Pháp đã tới vùng này, bác sĩ Yersin cũng đã tới vùng này. Năm 98 tôi làm linh mục, Đức Hồng Y Nhơn, lúc đó là Đức Cha, nói với tôi tiếng K’hor thì nhiều người học nhưng chưa có Cha nào học tiếng Churu.

Linh mục Nguyễn Đức Ngọc

Tình cờ một lần, sau Thanh lễ và trước khi mang ra nghĩa trang, anh em xin tôi múa chung quanh quan tài để tỏ lòng yêu mến người chết. Tức là sau lể an táng anh em Churu sẽ vừa múa vừa đánh cồng chiêng vừa khóc vừa nói lời yêu thương với người chết. Cái nét đẹp đó hay lắm, cảm động lắm. Rồi khi hạ huyệt thì người ta thổi kèn của người Churu rất là tâm tình rất là tình cảm. Thế là tôi cố gắng giữ những cái đó lại.

Hiện tại, linh mục Nguyễn Đức Ngọc đang dành thời gian để biên soạn một dòng nhạc Thánh ca thuần nét Churu:

Bên cạnh đó thì Phòng Văn Hóa này cũng giữ lại những vật dụng săn bắn chẳng hạn cái bắt cá, cái đi săn cọp, rồi vật dụng để bắt mối, bắt thỏ, vân vân... để ăn.

Qua vật dụng nông nghiệp thì có những cái cày, cái bừa của anh em Churu mà bây giờ gần như không còn nữa rồi. Rồi tôi cũng giữ lại những cái cối giã gạo, những hình ảnh giã gạo ngày xưa, những cung kiếm ngày xưa của anh em vùng này.

Chưa hết, những cái nồi đất của người Churu cũng được trưng bày trong Phòng Văn Hóa của nhà thờ Kađơn:

Gọi là “cà răng gọ”, gọ nghĩa là nồi, rồi có cả những cái cối bằng mây. Góc bếp thì có những cái gùi, gùi của thấy cúng thầy pháp, gùi đi chơi, gùi đi chợ, gùi đựng củi đựng gạo. Rồi có cả gùi đụng người nữa, tức là trong rừng người ta gùi người già hay người ốm đến thầy pháp để chữa bệnh.

Không gian lễ hội, một mảng văn hóa không thể thiếu trong Phòng Văn Hóa Churu của linh mục Nguyễn Đức Ngọc, biểu tượng là những cái chóe:

Đối với anh em dân tộc một cái chóe ngày xa xưa đổi được tới 40 con trâu, đơn giản vì chóe không làm được mà trâu thì đẻ được. Trước mặt tôi còn có một nhà mồ nho nhỏ, những cây nêu của người K’hor hay người Churu.

Rồi tôi đang đứng chỗ trang sức và y phục, người Churu có thể làm nhẫn bạc rất đẹp, có thể cũng đúng với giả thuyết họ là hoàng tộc người Chăm chạy lên đây. Trang phục thì vì người Churu gốc Chăm nên đàn ông Churu ăn mặc cũng như người Chăm.

Qua mảng nhạc cụ thì đồng la 6 cái, đồng la 2 cái, rồi chiêng gọi là chiêng 3 cái, rồi trống, rồi kèn môi, kèn bầu một ống, kèn bầu mấy ống... tương đối cũng đầy đủ.

Hãy còn những vật cổ khác của dân tộc Churu mà linh mục Nguyễn Đức Ngọc sưu tầm rồi mang về trong Phòng Văn Hóa, những viên đá đào lên tại nơi sét đánh xuống, mà người Churu tin là có uy lực và mang lại may mắn, hay đôi đũa ngà chưa ngã mầu thời gian:

Từ khi khánh thành nhà thờ đến giờ, ngày nào cũng hết đoàn này đến nhóm nọ tới thăm Kađơn cũng như thăm Phòng Văn Hóa. Ngay bên Nhà Nước cũng cho đoàn làm phim tới, cũng nói với tôi rằng họ tôn trọng những công việc gìn giữ văn hóa.

Với người dân tộc ngày hôm nay thì những mảng văn hóa này trong gia đình họ cũng đã hết rồi. Bây giờ người ta xài những vật dụng rẻ tiền và tiện dụng hơn, còn làm như thế này thì nó nhiều tiền. Tôi thường dắt các em vào đây, bảo rằng ngày xưa cha ông của chúng con dùng những vật liệu như thế này. Bây giờ những gì còn dùng được, nhất là cái mảng cồng chiêng , trang phục tôi luôn luôn nói các em phải giữ lại.

Trên tất cả, quan trọng hơn tất cả, những gì thuộc về văn hóa vật thể hay văn hóa phi vật thể chính là ngôn ngữ, bởi đó là linh hồn của một dân tộc, linh mục Nguyễn Đức Ngọc khẳng định:

Tôi luôn luôn nói các em đọc kinh và nói tiếng Churu, đi học bên ngoài các em dễ mất tiếng Churu lắm. Đến với người Churu tôi luôn luôn nói tiếng Churu. Tôi thấy một câu nói rất nổi tiếng: ngôn ngữ là thành trì đầu tiên và thành trì cuối cùng của một dân tộc, mất ngôn ngữ là mất dân tộc. Cho nên tôi luôn nhắc nhở anh em K’hor và anh em Churu gìn giữ cái ngôn ngữ của mình.

Câu chuyện một vị chủ chăn miền cao, linh mục Nguyễn Đức Ngọc, trong cố gắng bảo tồn và phát huy văn hóa cũng như ngôn ngữ của dân tộc Churu, mà có thể nói không quá rằng ông là người yêu thương và hiểu biết trọn vẹn về dân tộc anh em này hơn bất cứ người Kinh nào khác.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống