Friday, July 15, 2016

Trang phục bình dân của người Việt vào cuối thế kỷ XIX

PIC
Cảnh buôn bán bên trong chợ Đồng Xuân, nơi mỗi cầu chợ được dành cho một ngành hàng
Thu Hằng, rfi
Trang phục bình dân của người Việt Nam rất đơn giản, cứ như chỉ cần tấm áo che thân. Sự cầu kỳ của người dân địa phương chỉ được thể hiện qua phụ kiện, đối với đàn ông là chiếc điếu cày, cơi trầu và ống nhổ. Đây là nhận xét của Camille Paris (1856-1908) trong chương VII của cuốn Chuyến thám hiểm Huế ở Nam Kỳ, bằng Đường Cái Quan (Voyage d’exploration de Huế en Cochinchine, par la route mandarine), được xuất bản năm 1889 tại Paris.

Cuốn sách ghi chép lại những quan sát và nghiên cứu của tác giả, một công chức Pháp phụ trách việc xây dựng đường điện báo nối từ Nam Kỳ đến Huế và Bắc Kỳ, trong suốt thời gian chung sống từ năm 1885 đến năm 1889 với người dân bản địa trên dọc vùng đất dài 700 km thuộc An Nam (Trung Kỳ) ở phía nam thành Huế: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phan Rang, Bình Thuận.

Sự đơn giản trong trang phục của người An Nam

Những người địa phương mà Camille Paris tiếp xúc thường xuyên là các phiên dịch người Việt làm việc cho chính quyền Pháp. Dù ăn mặc theo kiểu Pháp song họ vẫn búi tóc và giữ dải băng cuốn tóc trên đầu. Những người giúp việc thì mặc quần áo đã sờn cũ, còn trẻ lang thang thì thùng thình trong những bộ đồ lính đã hỏng.

Chiếc áo của phụ nữ và đàn ông Việt Nam rất giống nhau, chỉ khác một điểm là áo của nữ giới dài tới gót chân. Phụ nữ An Nam giấu kín bộ ngực của mình dưới chiếc áo yếm, thường có một mầu khác với tấm áo dài. Họ không thẹn thùng nếu như bộ ngực được che kín dù người khác có thể nhìn thấy chân của họ đến ngang hông. Vào những ngày hè nóng nực, khi ở trong nhà, phụ nữ bình dân cởi tấm áo ngoài và mặc chiếc quần cộc, để trần lưng và chân. Phụ nữ làm việc ngoài đồng thì xắn quần đến tận bẹn.

Trong trang phục bình dân của cả phụ nữ lẫn đàn ông, chiếc quần được may khá rộng, thẳng thuỗn đến mắt cá chân mà không có bất kỳ chỗ xẻ nào, được làm từ cùng loại vải với áo, và được thắt ngang hông nhờ chiếc dải rút. Tất cả quần áo, bất kỳ là kiểu gì, đều không có túi. Người An Nam cất tất cả những gì cần thiết vào trong dải rút hay trong khăn đội đầu.

Một người An Nam càng giầu, thì càng mặc nhiều lớp áo. Camille Paris từng chứng kiến một người khách quan trọng của mình ở Nam Định mặc đến bẩy lớp áo khi đến chơi. Chiếc đầu tiên mặc sát người được làm bằng lụa đen, tiếp theo là một cái mầu xanh dương, một mầu đỏ, một mầu tím, một mầu xanh lá cây, một mầu nâu khói và cuối cùng là cái áo mầu trắng mặc phủ bên ngoài.

Người An Nam để tóc dài từ thời nhà Minh đô hộ. Tóc của đàn ông được búi lên cao, có một chiếc lược cài bên trong để giữ búi tóc. Họ thường cài thêm búi độn giả bên trong để làm cho búi tóc to hơn và cuốn một dải băng đen hay cái khăn bên ngoài để tránh búi tóc bị xộc xệch.

Phụ nữ thì cuốn hết mái tóc vào một cái khăn, sau đó cuốn vòng lên đầu, cũng hơi giống kiểu tóc của đàn ông. Ở Bắc Kỳ, người ta cũng hay gặp một số người cắm thêm một chiếc lược đồi mồi trên búi tóc, đây là kiểu đặc trưng của người dân Nam Kỳ. Khi đi ngoài đường, đàn ông đội thêm chiếc nón và đi dép làm bằng da chó, còn phụ nữ đội nón quai thao.

Phân biệt giới tính theo trang phục

Đối với người nước ngoài, khó mà phân biệt được giới tính nếu như chỉ nhìn vào trang phục vì một nửa dân chúng để đầu trần và đi chân đất. Trước hết, người ta cứ nhầm những người đàn ông không có râu đều là phụ nữ. Nhìn trực diện, đàn ông và phụ nữ có cùng kiểu búi tóc. Khăn choàng đầu của họ cũng được làm từ một loại vải và có kiểu buộc như nhau. Quần áo của người phụ nữ chỉ dài hơn vài cm, nhưng sự khác biệt này không thể nhận ra được nếu như người nước ngoài chưa có kinh nghiệm.

Tác giả Camille Paris nhận ra được một người phụ nữ nhờ ba điểm: nón quai thao của họ hình tròn, chứ không phải là nón nhọn như của đàn ông, áo yếm thường có mầu trắng hay đỏ và đầu mũi dép thường cong tròn lên trên. Nhưng phụ nữ tầng lớp bình dân thì lại đi dép xỏ ngón, cuốn chặt cái áo và không đội nón nên người ta chỉ có thể nhận ra đó là một phụ nữ nhờ bộ ngực nhô lên dưới lớp áo.

Chiếc nón được làm từ lá nón. Nón nhọn của đàn ông rộng 52 cm, cao 23 cm. Nón tròn rộng 62 cm và chỉ cao có 9 cm. Một chiếc vòng nhỏ ở bên trong giúp giữ hình dạng của nón. Người ta giữ thăng bằng chiếc nón ở trên đầu nhờ quai nón bằng vải bông hoặc lụa và được buộc vào hai đầu bên phải và trái. Quai nón được buông lỏng ở giữa để người đội có thể lấy tay giữ chặt để nón không bị xộc xệch. Để làm điệu, các bà các cô thường cài thêm những quả tua ở hai bên đầu buộc quai nón. Nón của người đàn ông thường được phủ thêm một lớp sơn dầu đen hoặc vàng. Chóp nón được bọc bằng kim loại có mầu vàng hay đen, tùy theo mầu của nón.

Phụ kiện trang phục

Dép của người An Nam rất đơn giản, đế dép làm từ da chó và có hai quai để giữ chân (giống dép tông ngày nay): một quai vòng qua ngón cái và quai còn lại vòng qua cácngón chân còn lại. Phụ nữ cũng đi dép nhưng nếu mặc đúng trang phục, họ phải đi dép quai hậu có mũi vòng lên cao. Mùa đông, họ đi guốc gỗ được sơn đen. Riêng một số nhà nho và quan lại chuộng tất cả những gì từ Trung Quốc thì đi giầy Tầu làm bằng vải đen điểm trắng, có đế làm từ thực vật và cao chưa đến 2 cm.

Chỉ phụ nữ mới thích đồ trang sức, gồm nhẫn, vòng tay, hoa tai, phụ kiện cài cạp quần… Nhẫn và vòng tay không được làm trau chuốt, mà chỉ là những vòng tròn khoảng nửa cm, không hình chạm khắc hay được trang trí thêm móc cài. Hoa tai có kích thước nhỏ, hình tròn, hình bông hồng hoặc đơn giản chỉ là những nụ hoa tai. Nếu phụ nữ nghèo không có hoa tai bằng vàng thì họ chỉ gắn một hột cườm mầu vàng hay thậm chí chỉ cần một mẩu tre.

Vòng cổ của họ thường được quấn thành nhiều vòng, đôi khi có đến 600 hạt lớn hơn hạt đậu Hà Lan. Những hạt này thường bằng vàng hay bằng bạc, hoặc một nửa là bạc, còn một nửa là hạt cườm. Thế nhưng, vì những đồ trang sức này không bị bắt buộc nên rất nhiều người không đeo.

Phụ kiện được cài dọc lưng quần gồm một chiếc hộp nhỏ hình trụ rộng 3 cm để đựng vôi ăn trầu, một chiếc hộp lớn hơn đựng lá trầu và miếng cau, một que xiên để đơm trầu, một chiếc nhíp, một que ngoáy tai, một chùm chìa khóa. Riêng đàn ông khó lòng rời khỏi chiếc quạt được làm bằng tre và giấy thô nhuộm mầu.

Tục nhuộm răng phổ biến rộng rãi với phụ nữ và được làm rất thủ công. Họ tước một lớp vỏ cọng lá chuối, đủ dài để cuốn quanh hàm răng. Sau đó họ phết một lớp sơn đỏ lên trên lớp đó và gắn chặt lên hàm răng cho tới hôm sau. Cứ 5 đến 6 ngày, họ lặp lại động tác này và cuối cùng họ lấy chổi vẽ phết hai đến ba lớp sơn đen lên hàm răng. Trong suốt thời gian nhuộm răng, các bà các cô chỉ có thể nuốt đồ ăn, chứ không được nhai. Thế nhưng, tác giả lại thấy hàm răng đen chẳng có gì là quyến rũ vì khi họ cười, người ta chỉ thấy một hố đen ngòm trong miệng. Riêng đàn ông hiếm khi nhuộm răng, nhưng răng của họ thường có mầu đỏ, trông không sạch, do ăn nhiều trầu cau.

Người An Nam có tục để móng tay dài, có thể dài đến 4-5 cm và uốn cong vào trong. Móng tay càng dài thì người đó càng chứng tỏ mình tao nhã hơn. Còn móng tay ngắn là dấu hiệu của tầng lớp nghèo khổ, phải lao động tay chân.

Người Việt vẫn chuộng xăm mình dù từng bị cấm tuyệt đối vào năm 1414 dưới thời cai trị của nhà Minh. Vị quan chức Pháp trích lời giải thích của Trương Vĩnh Kỳ về nguồn gốc của tục xăm mình như sau : “Người dân Giao Chỉ (An Nam), sống nhờ vào đánh bắt cá và thường xuyên bị quái vật biển tấn công và cắn, như rắn, cá sấu… Hùng Vương thứ nhất ra lệnh cho ngư dân xăm mình để đánh lừa các loài hải ngư nhờ vẻ bề ngoài giống chúng” (vào khoảng 2.600 năm trước Công Nguyên).

Sau đó, tục xăm mình không chỉ trở thành một kiểu nghệ thuật làm đẹp, mà còn là dấu hiệu của một vài đặc ân, tùy theo loại hình được xăm. Chính vì thế, đến đời vua Trần Anh Tông (1293), mỗi nhà vua đều xăm lên đùi một mặt rồng, dấu hiệu dòng dõi quý tộc và lòng dũng cảm.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống