Tuesday, November 24, 2015

Ký ức Mặc Lâm qua 'Nón sắt, bún riêu…'

Ký ức hình như góp phần làm cho món ăn đậm đà hơn và đôi khi ngon hơn món ăn thật ngoài đời. Mỗi người sở hữu riêng một món ăn ký ức mà chỉ có chính người ấy chia sẻ được, nhấm nháp được trong khi ngồi một mình hay có điều gì xảy ra gợi nhớ lại món ăn mà người khác xem là tầm thường nhưng lại hết sức gần gũi thân quen và nhất là đậm sâu trong nỗi nhớ.

Pic
Hình minh họa. 
Ký ức món ăn của tôi lại dính liền tới một vật mà nghe qua không chút mảy may nào thơ mộng hay có mùi vị gì đặc sắc. Nó là chiếc nón sắt, chiếc nón mà người lính nào của Sài Gòn cũng đều phải có. Từ anh binh nhì cho tới ông đại tướng. Chiếc nón dính liền với căn cước người lính Cộng Hòa. Chiếc nón bảo vệ sinh mạng và cho tới nay khi nói tới nón sắt là nói tới những kỷ vật đã cũ, đã gần thành cổ vật đối với nhiều người.

Với tôi, một cậu học sinh mới bước vào trung học, chiếc nón sắt không liên quan gì tới chiến tranh hay hòa bình. Nó nối kết và đồng hành cùng với một món ăn mà rất lâu sau này tôi không thể quên được, đến nỗi gần như một ám ảnh.

Món ăn hình thành từ chiếc nón sắt ấy là “bún riêu.” Món bún được sinh ra từ đồng ruộng miền Nam lại chế biến và nêm nếm đặc thù Bắc Việt.

Chiếc nón sắt ấy là dụng cụ để giã những con cua đồng không có cái cối đá hay gỗ nào thay thế được. Nó bền chắc vì làm bằng sắt. Nó kêu vang tiếng kêu của sắt, và nhất là cái chất sắt nó tiết ra hòa với gạch và thịt lẫn chất bùn từ con cua đã khiến nồi nước bún riêu của mẹ tôi đánh thức ít nhất một trung đội đóng chung quanh nhà rơi… nước miếng.

Cứ mỗi chiều cuối tuần sau khi tan học tôi chạy bay về nhà trong một lán thuộc khu gia binh Tam Hiệp, Biên Hòa. Lúc ấy đồng bào miền Bắc vào Tam Hiệp, Hố Nai rất đông. Khu chợ người Bắc lèo tèo dọc con đường đất đỏ dẫn vào Sư Đoàn 18 Bộ Binh trông rất buồn cười qua trí nhớ của tôi. Trên con đường họp chợ đậm màu ký ức ấy tôi thường thích thú nhìn các bà miền Bắc khăn mỏ quạ, áo tứ thân nâu sẫm quây quần chuyện gẫu với nhau phía sau những cái mẹt bán các loại rau quả, và nhiều nhất là cua đồng. Những con cua bé tẹo được cột với nhau bằng dây chuối ngo ngoe nhìn hoài không chán. Tôi thích lấy cây chọc cho chúng giận và lúc ấy bà bán hàng vốn rất quen mặt lại cho tôi vài con để nghịch.

Tôi không nghịch như những cậu học sinh cùng tuổi khác mà te te mang mấy con cua sứt càng gãy gọng về nhà, tìm cái nón sắt của cha bỏ vào và bắt chước mẹ giã chúng ra cho nồi canh tự nấu buổi chiều.

Canh cua do tôi nấu làm sao ăn được? Mẹ luôn gõ đầu vì phá phách, bà thường chỉ cho mình biết không phải cứ bỏ con cua vào giã nhuyễn là có nồi canh ngon. Muốn ngon phải sạch, muốn sạch phải biết cách làm cua và cuối cùng phải biết cách giã nữa!

Có khi đang chuẩn bị nấu món bún riêu thấy tôi lảng vảng bên cạnh chờ… ăn, bà bắt đầu dạy tôi cách giã cua và chao ơi, không gì khó đối với tôi bằng cách giã cua đúng cách.

Cứ mỗi lần đập chiếc chày lên mình con cua phải nhắm tới phần thân thể của chúng trước rồi sau đó mới tới chân, càng… mẹ bảo giã như vậy gạch cua mới còn nguyên trong cối và càng giã lâu, thịt cua “càng” nhừ và nước dùng càng ngọt.

Mẹ bảo mấy bà hàng xóm Bắc Kỳ dạy mẹ kiểu nấu bún riêu này và thật sự mà nói tôi chưa thấy bún riêu ở đâu ngon và trong lành như của mẹ tôi nấu khi còn ở Tam Hiệp.

Mẹ rất kỹ trong việc làm sạch cua. Con cua đồng khi bắt lên đầy những bùn sình, thân thì nhỏ bằng nắm tay trẻ con, càng thì mỏng manh nhưng nước ngọt của nó thì không con nào sánh kịp. Mẹ gỡ mai từng con ra lột bỏ yếm rồi ngâm chúng trong nước vo gạo trước khi giã. Cà chua thì mẹ chọn loại chín rục và bà lột vỏ chúng ra, cắt nhỏ và bỏ vào xào với dầu cho tan ra thành một loại sauce đỏ thẫm. Cua giã nhuyễn xong nấu và lọc thật kỹ, phần xác cua vớt ra để riêng, nước dùng đun nhẹ lửa, bỏ cà chua đã xào nhuyễn vào và cuối cùng là thịt cua bỏ vào nổi lên trên bồng bềnh trong thùng nước dùng như sóng vỗ mạn thuyền!

Nấu bún riêu không để nước dùng sôi mạnh mà phải dịu dàng với nó. Nhìn mẹ vớt bọt nồi bún riêu đôi lúc tôi tự hỏi không biết sự kiên nhẫn của bà tới đâu mới chấm dứt khi bụng tôi sôi lên liên tục đòi ăn…

Thật ra khi ăn bún riêu mới là thời khắc lý thú không thể kiếm ra nơi đâu khác. Ăn bún riêu trong bàn ăn gia đình là nơi lý tưởng nhất của đời người. Chung quanh chiếc bàn con lụp xụp của căn nhà đời lính trận, mấy mẹ con ngồi bệt dưới đất bên cạnh bát bún riêu bốc khói cùng với rau muống chẻ nhỏ và vài nhánh tía tô, kinh giới thử hỏi làm sao con nít như tôi lại có thể quên được. Một chút mắm tôm để khử mùi cua theo kiểu người Bắc là thứ mà sau này tôi biết ra cả một sự sáng tạo trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Đất trời còn có thể quên nhưng tô bún riêu bên cạnh mẹ và chị không tài nào trôi ra khỏi trí nhớ.

Càng nhớ bún riêu bao nhiêu thì lại ngậm ngùi với chiếc nón sắt bấy nhiêu. Bài hát “Người Tình Không Chân Dung” của Hoàng Trọng lúc ấy lại làm cho cái nón sắt tội nghiệp của tôi càng đau khổ hơn, hết bị làm cối bây giờ lại làm nhà cho ễnh ương… một thời ký ức!

Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt 
trên bờ lau sậy này 
con ễnh ương vẫn còn gọi tên anh trong mưa dầm
tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ…

Mãi tới khi lưu lạc xứ người món ăn ký ức ấy mới đánh thức nỗi nhớ của tôi khi bước vào một nhà hàng kêu món bún riêu thân ái. Chao ơi, lại nhớ cái nón sắt trước khi nhớ tới hương vị ngày xưa…

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống