Tuesday, November 24, 2015

Mặc Lâm nhớ 'Bụi chuối sau hè'

Pic
 Bụi chuối ở quê. Hình minh họa. 
Trên thế giới này có lẽ không nước nào mà bụi chuối lại gắn bó với văn hóa ẩm thực của đất nước họ như Việt Nam. Ngay cả các nước vùng Ðông Nam Á, nơi chia sẻ khí hậu và một vài thói quen ăn uống thì bụi chuối cũng chỉ đứng khép nép trong đời sống ẩm thực của họ. Chỉ có Việt Nam, bụi chuối mới dính liền với con người từ nhỏ cho tới khi lìa đời. Lúc nghèo hèn cũng như sang cả, chuối luôn giữ một vị trí, tuy khiêm nhượng trong trái tim người Việt, nhưng kỳ lạ một điều: nó chưa bao giờ biến mất khỏi nền văn hóa lúa nước kể cả khi người Việt tha hương bất cứ phương trời nào.

Chuối sống với nhau cả bụi và hình ảnh gợi nhớ nhất của nó trong trái tim chúng ta luôn là những chiếc lá xòe ra dưới nắng mai khi mặt trời vừa lên sau vườn. Chuối luôn được trồng sau hè, và hình như đó là nơi thích họp với chúng hơn bất cứ nơi nào khác. Chuối đằm thắm như người đàn bà Việt Nam và không lấy làm lạ khi ca dao đưa hình ảnh bụi chuối chịu đựng, hiền hòa và kiên nhẫn là tâm điểm trách móc hành động “bắt cá hai tay” của đàn ông:

Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ...

Ừ, anh vì mê vợ bé nên bỏ nhà ra đi. Trong cuộc phiêu lưu đầy bất trắc ấy đôi khi anh ngồi vào chiếu rượu với bạn, trên đó bắp chuối không thể nào thiếu trong món nộm. Cái bắp chuối lực lưỡng đáng lẽ phải được gọi là hoa chuối ấy được sắt mỏng ngâm vào giấm cho trắng, một chút muối cho đậm đà, trộn chung với bắp cải, rau răm và vài cọng kinh giới có lẽ sẽ nhắc cho người xa nhà ấy chút lòng nghĩ tới vợ dại con thơ chăng?

Khi còn nhỏ, ai mà chưa từng một lần được cầm miếng chuối chiên giòn rụm, thao láo đôi mắt ngây thơ vì không thể nào biết tại sao có một món ngon lạ kỳ đến thế. 
Ði học về vừa quăng cặp sách lên giường, mẹ âu yếm đưa cho một chén chuối chưng thì không một cô cậu nào không mang hình ảnh ấy đến hết cuộc đời. Chuối được nấu mềm với đường cát trắng sau khi chín thêm vào bột báng, nước cốt dừa béo ngậy mằn mặn. Một chút đậu phộng rang trên mặt là nghệ thuật của mẹ trong miếng ngon thời thơ ấu.

Miếng ngon ấy càng lớn càng gắn bó với mâm cơm, hoa chuối nấu với mẻ làm con lươn vàng ươm càng thêm thắm thiết mối tình miền Tây nước nổi. Cũng những sợi hoa chuối ấy khi nấu chung với canh chua tôm sẽ cộng hưởng vị chát vào cái ngọt của biển xanh làm cho ta khó lòng cưỡng lại.

Nguyễn Trọng Phụng có lẽ là nhà văn mang chuối vào văn học sớm nhất. Khi ông viết trong bài Lấy vợ xấu: “(chị Doãn) Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự.” Câu văn trên có vẻ oan cho những quả chuối từng được xem là chỉ để tiến vua này.

Theo Chu Mạnh Cường trong Văn Hiến Việt Nam thì “cách đây hơn 600 năm, khi vua Trần đi thuyền rồng thị sát chân đê ở sông Châu, thuyền ngự tại làng Ðại Hoàng. Dân trong vùng nô nức mang của ngon vật lạ dâng vua. Chỉ có một cặp vợ chồng nhà nghèo, không biết đem dâng vua thứ gì, sẵn trong vườn có cây chuối mới lớn ra một buồng quả chín đầu tiên, quả nhỏ thơm nức, bèn hái đem dâng. Vua Trần thấy dáng quả thật đẹp, nhỏ xinh tròn trịa, vỏ vàng, ruột vàng lại thơm kỳ lạ liền truyền lệnh cho dân làng phải nhân giống chuối này cho mọi người cùng thưởng thức. Hàng năm, nhớ tới chuối quý đức vua liền cho sai lính đến làng, chuối Ðại Hoàng từ đó có tên chuối ngự.”

Quả chuối ngự bây giờ không còn được tiến vua nhưng nó đã trở thành đặc sản của Hà Nam cũng như chiếc bắp chuối không còn e dè vì thân phận lực lưỡng của mình nữa, nó đã có vị trí khác, đỏm đáng và đầy tự hào trên các quầy rau quả tại hải ngoại.

Thật vậy, người Việt hình như không thể bỏ rơi chiếc hoa chuối thân quen này từ 40 năm qua. Có điều bắp chuối hải ngoại khá đắt, mỗi bắp cũng 5 hay 6 đô la khiến ai có cần lắm mới mang về nhà. Và cũng từ thói quen ấy những món gỏi, nộm trong cộng đồng người Việt lấy bắp chuối làm chủ đạo như một nhịp cầu, một con đò trong lòng mang mình về quê cũ.

Chuối không những có mặt trong các món ngọt, món mặn mà ngay cả món uống cũng không chịu kém. Nếu ta từng thích món hột é đười ươi hay sương sâm sương sáo thì không thể nào thiếu dầu chuối, một loại tinh dầu có hương vị không thể quên trong các món đá bào. Vài giọt dầu chuối vào ly nước mùi hương của nó sẽ khiến ta quên đời ngay để lim dim nhớ về cánh diều của thời thơ ấu.

Nói chuối mà quên lá thì thật là thiếu sót. Lá chuối không thể thiếu vào ngày Tết khi từng bó được kìn kịt mang ra chợ cho các bà chọn về gói bánh trong đêm giao thừa. Màu xanh của lá không những thấm vào nếp tạo nên màu sắc tươi chong của hoa lá mùa Xuân mà nó còn giúp nhân bánh thoang thoảng mùi thơm của hương đồng gió nội. Ở hải ngoại, lá chuối được đông lạnh và vì thể mùi hương chân quê không còn chỉ còn lại màu xanh nhàn nhạt khó tạo dấu ấn trên những cây chả giò công kỹ.

Bụi chuối sau hè không nói thì thôi nói rồi lại muốn ăn một tô mì quảng, hay bún bò, bún riêu quen thuộc. Những món bún nước mà thiếu rau chuối thì kể như chưa đúng điệu, dù cái điệu ấy bây giờ có phần lạc cung bởi cuộc sống luôn thích nghi với trào lưu mới trong đó cách ăn uống cũng không ngoại lệ, thay vì rau chuối người ta sẵn lòng cắt mỏng xà lách giòn thay vào.

Và dù gì thì gì, với nhiều người xa quê bụi chuối sau vườn vẫn nằm yên đấy, sâu thật sâu trong tâm tưởng nhưng khi có dịp là bùng dậy càm ràm về những kỷ niệm khó phai...

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống