Friday, April 4, 2014

• ‘‘Chó hoang’’ : Bộ phim cuối cùng của Sài Minh Lượng ?


Trọng Thành - RFI

 Phim « Những con chó hoang » của đạo diễn Đài Loan Sài Minh Lượng (Tsai Ming Liang) – do hai hãng phim Pháp và Đài Loan hợp tác sản xuất - được công chiếu tại Pháp từ đầu tháng 3/2014. Trang mạng của kênh truyền hình Arte nhận xét : « Những con chó hoang là một bộ phim vừa cuốn hút, vừa khiến người xem kiệt sức, mất phương hướng, các cảnh tượng dẫn chúng ta đến với một thế giới đen đúa về màu sắc, đen tối vì cùng khổ, vì bị bỏ rơi, vì mất hết sức sống, nhưng mỗi cảnh tượng trong phim cũng đưa ta vào một thế giới đầy chất thơ »...
Năm ngoái, tác phẩm đoạt Giải thưởng lớn của Ban giám khảo Liên hoan phim Venise và giải đạo diễn xuất sắc nhất của Liên hoan phim Kim Mã (tương đương giải Oscar với điện ảnh Hoa ngữ).

« Những con chó hoang » (Les chiens errants/Stray Dogs) có tên gốc tiếng Hoa là « Jiao You/ Giao du » (tạm dịch là « cuộc du hành ở vùng ngoại ô »). Phim kể về một người đàn ông trạc 40 tuổi, sống với hai đứa con ở một vùng ven thủ đô Đài Bắc. Hàng ngày, người cha cầm chiếc biển quảng cáo bất động sản đứng bên lề đường (homme-sandwich), để kiếm chút tiền sống qua ngày, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, trong khi hai đứa con, một trai, một gái, thì lang thang tại các trung tâm thương mại để lượm lặt chút thức ăn miễn phí. Kể từ khi không còn mẹ, ba cha con người đàn ông phải sống kiếp lang thang, trú đêm tại một khu nhà bỏ hoang… Cô bé gái có may mắn được một thiếu phụ làm việc ở một siêu thị, thỉnh thoảng quan tâm… Nhưng rồi một hôm, một cơn tuyệt vọng khiến người cha đưa cả hai đứa con lên một chiếc thuyền đi ra hồ trong một đêm mưa gió…

« Những con chó hoang : Vẻ đẹp của sự tuyệt vọng » là hàng tựa của Le Monde, « bộ phim tuyệt vời làm liền lạc thế giới của người sống với thế giới của người chết, không gian vật chất với không gian tinh thần, mơ với thực (…). Ngay từ cảnh tượng đầu tiên, người xem đã chìm đắm vào một trạng thái gần như bị hút hồn, không thể cưỡng nổi ». Tạp chí điện ảnh Cahiers du Cinéma nhận xét, với « Những con chó hoang », Sài Minh Lượng đã làm hơn được tất cả những gì ông làm từ trước đến nay… Báo l’Humanité khẳng định : « Một bộ phim mênh mông ». Tuần báo văn hóa nghệ thuật Les Inrockuptibles trầm trồ : « Căng thẳng và đi đến cùng (…) : người đạo diễn xuất sắc của thập niên 1990 đã có một cuộc trở về ngoạn mục với bộ phim mới ».

Bộ phim rất kén người xem

Nhân dịp « Những con chó hoang » ra mắt, để vinh danh và giới thiệu rộng rãi hơn gương mặt nổi bật của nền điện ảnh Đài Loan, khoảng mười bộ phim chủ yếu trong sự nghiệp làm phim hơn 20 năm của Sài Minh Lượng đã được chiếu tại Paris và đang tiếp tục đến với công chúng tại Bruxelles. Dù nổi tiếng, nhìn chung phim của Sài Minh Lượng ít được biết đến. « Những con chó hoang » không phải là ngoại lệ. Nói một cách khác, phim của Sài Minh Lượng rất kén người xem.

Mở đầu bài giới thiệu bộ phim, tuần báo văn hóa nghệ thuật Télégramme lưu ý khán giả trước hết « cần phải chấp nhận đắm chìm trong trạng thái bất động, thẫn thờ, để mặc cho thời gian trôi chảy » để đến được với cái thế giới độc đáo trong phim. Nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh. Anglesdevue, một trang mạng bình luận điện ảnh, khẳng định : « Những con chó hoang » là một bộ phim cực đoan, chỉ dành cho giới học giả, chậm rãi và buồn bã khủng khiếp. Nếu như một số người có thể xuất hồn trước những cảnh tượng trong phim và ca ngợi đây là thiên tài, thì chắc chắn 90% khán giả có đầu óc khỏe mạnh sẽ rời rạp trước khi phim kết thúc.

Triệt để hơn, L’Expresse bình luận, luôn luôn có những vẻ đẹp ở chỗ này chỗ khác trong phim của Sài Minh Lượng, nhưng « Những con chó hoang » cũng như các phim khác của đạo diễn này có điểm chung là để cho những khung cảnh cố định kéo dài lê thê, một sự trống rỗng khủng khiếp ngự trị. Sài Minh Lượng không nói lên gì khác hơn là phô trương chính bản thân mình. Ông ta nằm trong số những nhà điện ảnh, một khi đã được ca ngợi, thì luôn tự cho rằng mình đang làm một thứ Nghệ Thuật đích thực, trong khi ông ta chỉ mang lại cho khán giả một nỗi buồn chán ghê gớm.

Mạng Arte (kênh truyền hình văn hóa Pháp-Đức) đưa ra một nhận xét tổng hợp : « ‘‘Những con chó hoang’’ là một bộ phim vừa cuốn hút, vừa khiến người xem kiệt sức, mất phương hướng, những cảnh tượng dẫn chúng ta đến với một thế giới đen đúa về màu sắc, đen tối vì cùng khổ, vì bị bỏ rơi, vì mất hết sức sống, nhưng mỗi cảnh tượng trong phim cũng đưa chúng ta vào một thế giới hình ảnh đầy chất thơ, được Sài Minh Lượng chăm chút đến tột độ. Các nhân vật thoát khỏi thời gian hiện thực của cuộc đời, các nhân vật bị đánh bật khỏi vị trí vốn có của mình để bị đẩy đến sát bờ của sự trống rỗng không gì hóa giải nổi. (…) Đây là một bộ phim, dù thế nào chăng nữa, cũng không để bạn thờ ơ, một bộ phim bạn khó mà quên được ».

Trước khi bộ phim ra mắt, đạo diễn Sài Minh Lượng có một cuộc nói chuyện với công chúng tại Trung tâm bảo tồn và truyền bá di sản điện ảnh Pháp (Cinémathèque française). Sau đây RFI tiếng Việt xin giới thiệu với quý vị một số trích đoạn cuộc trò chuyện với tác giả « Những con chó hoang ». Hy vọng rằng phần chia sẻ những quan niệm chung về điện ảnh của đạo diễn Sài Minh Lượng có thể giúp ích điều gì đó cho quý vị trong việc thưởng thức bộ phim này.

Tự do

Điều đầu tiên mà Sài Minh Lượng muốn chia sẻ với công chúng là có một động lực đặc biệt thúc đẩy ông làm phim, thúc đẩy ông đi theo tiếng gọi của tự do.

Sài Minh Lượng : Tôi được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình của điện ảnh, khiến tôi dấn thân vào một cuộc phiêu lưu hướng đến một thế giới hoàn toàn khác lạ. (…) Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của điện ảnh Pháp. Ngay từ lần đầu tiên được xem « Quatre cent coup » của François Truffaut tôi đã bị ấn tượng bởi sự tự do của nó. Bởi vì, các phim thương mại ngay cả trong một « thế giới tự do » cũng không có được tự do như ở bộ phim này. Thị trường thì đúng là tự do, nhưng sáng tạo thì không. Đôi khi người ta có thể nói đến các áp lực chính trị, kiểm duyệt (đối với tự do sáng tạo)… Nhưng ngay cả trong một thị trường tự do không phải lúc nào cũng có thể có được tự do sáng tạo.

Điều mà tôi cũng phát hiện được với « Làn sóng (điện ảnh) mới » (Nouvelle vague) của Pháp, Đức… đó là một sự tự do mạnh mẽ. Đây là điều kiện đầu tiên cho sáng tạo. Từ khi còn nhỏ, tôi đã nếm trải các trói buộc. Quá nhiều trói buộc trong gia đình đã khiến tôi rời nhà ra đi. Với tư cách là người làm điện ảnh, trong mỗi bộ phim, tôi đều cố gắng thoát khỏi các trói buộc, các trói buộc cá nhân, trói buộc tinh thần, các trói buộc xã hội… Điều mà tôi cố gắng rút ra từ các nhà điện ảnh lớn là cố gắng tìm thấy cái tự do này. Trong điện ảnh Châu Á, rất khó tìm được cái bình diện riêng tư, cá nhân này.

Vấn đề độ dài của các phân đoạn phim là một trong những căng thẳng chủ yếu giữa đạo diễn với một quan niệm phổ biến trong xã hội. Ví dụ như phần lớn các đạo diễn đều chấp nhận làm các bộ phim không dài quá hai tiếng đồng hồ để có thể được đài truyền hình mua lại hay các liên hoan phim tiếp nhận… Hay cũng có quan điểm phổ biến cho rằng khán giả không đủ sức xem nổi một bộ phim nào dài quá khoảng thời gian quy ước này. Sài Minh Lượng luôn luôn khẳng định, chính ông với tư cách là đạo diễn, mới là người biết được và quyết định độ dài của phim ông làm, các phân đoạn cần kéo dài thế nào là đúng, chứ không phải căn cứ theo tiêu chuẩn của các liên hoan điện ảnh.

Điện ảnh được tạo ra để giúp con người biết ngắm nhìn

Không ít khán giả yêu thích phim của Sài Minh Lượng đặt câu hỏi, tại sao ông cố tình để kéo dài các đoạn phim. Lý giải về điều này, đạo diễn Sài Minh Lượng đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của thời gian trong phong cách làm điện ảnh, hướng đến một tác động xã hội triệt để, điều mà ông đặt toàn bộ kỳ vọng vào đó :

Sài Minh Lượng : Thông thường người ta quên rằng thời gian của bộ phim chính là sức mạnh đặc biệt của nó. Trong xã hội ngày nay, khán giả thường bị cuốn hút bởi các ảo ảnh gây những ấn tượng phi thường, khiến công chúng thích thú. Nhưng chúng ta quên đặt câu hỏi về cái căn bản của điện ảnh.

Theo tôi, trong điện ảnh có hai yếu tố căn bản. Thứ nhất đó là khung hình, là chính các hình ảnh. Và điều quan trọng thứ hai là thời gian. Làm thế nào để thể hiện thời gian ?

Trong phần lớn các phim, bình diện thời gian biến mất với sự lấn lướt của cốt truyện, của các kỹ thuật kể một câu chuyện. Phần lớn các bộ phim không tác động được đến thế giới, không giúp cho khán giả nhận biết về thế giới. Gần đây tôi có giới thiệu lại cho các học sinh của tôi một bộ phim Liên Xô chống chiến tranh, được giải Cành cọ vàng năm 1958 (« Khi đàn sếu bay qua »). Mọi người rất xúc động. Tôi cũng rất thích bộ phim này. Nhưng mặc dù có một bộ phim như vậy, chiến tranh vẫn xẩy ra. Bất chấp có bao nhiêu bộ phim chống chiến tranh, chiến tranh vẫn còn tiếp tục nổ ra.

Tôi tự đặt câu hỏi : Tại sao điện ảnh lại không thể làm biến đổi được thế giới ?

Tôi nhận ra rằng, hiện nay phần đông mọi người không còn biết cách xem một bộ phim. Thế giới ngày nay là thế giới của camera, của máy chụp hình… các phương tiện này thay thế cho cái nhìn của chúng ta. Trước bức tranh La Joconde, người ta thường chụp lấy ảnh, thay vì nhìn ngắm nó.

Tôi tin tưởng rằng, nghệ thuật điện ảnh được sáng tạo ra chính là để giúp cho mọi người tìm lại được khả năng quan sát, khả năng ngắm nhìn.

Gương mặt tạc nên thời gian

Mà để quan sát tốt, ngắm nhìn tốt, thì cần phải có thời gian. Cần phải có thời gian thực. Khi đến với các bộ phim của tôi, mọi người có cảm giác như đến với một lớp học để học lại cách quan sát, cách ngắm nhìn.


Lý Khang Sinh trong vai nhà sư khất thực
Gần đây tôi có thực hiện một loạt cuốn video, không hề có cốt truyện, mà chỉ có một nhân vật chính trong phim bước đi, bước đi hết sức chậm rãi. Các đoạn phim này rất được hưởng ứng ở Châu Âu, nhưng ở Châu Á, không ai hiểu tôi muốn gì. Tại Hoa lục, trên một trang mạng điện ảnh nổi tiếng với 4 triệu thành viên, mọi người đều nhận xét Sài Minh Lượng bị tâm thần rồi chăng ?

Trong "Le voyage en occident/Xi You/Tây Du" cuốn phim về những người đi chậm ở Marseilles, Denis Lavant (tài tử điện ảnh Pháp) chính là thời gian.

Không phải là thời gian đã in dấu lên gương mặt của ông ấy, mà ngược lại chính gương mặt ông ấy đã tạc nên thời gian.

Tôi không làm phim nào không có Lý Khang Sinh

Nói đến điện ảnh của Sài Minh Lượng, không thể nào không nhắc đến nam tài tử Lý Khang Sinh (Lee Kang Sheng), linh hồn của tất cả các bộ phim mà Sài Minh Lượng đạo diễn. Tác giả “Những con chó hoang” ghi nhận :

Sài Minh Lượng : Các khung hình, việc bố trí các phân đoạn trong các bộ phim, cũng như quan niệm của tôi về điện ảnh đã biến chuyển cùng với Lý Khang Sinh. Càng làm việc với anh ấy, tôi càng đồng cảm với anh ấy. Tôi ngày càng cảm thấy rõ ràng Lý Khang Sinh là một kẻ nổi loạn. Anh ấy có một thái độ hoàn toàn đối lập lại với mọi quan niệm mang tính khuôn thước về điện ảnh, về thời gian tính trong điện ảnh, về nhịp điệu của phim… Ngay về hình thức, anh ấy không cao lớn, không đẹp trai. Nhưng anh ấy là chính mình. Tôi cũng tương tự. Tôi không thích lặp lại những gì mọi người đã làm.

Theo một nghĩa nào đó, tôi tiếp nhận và tôi vận hành cùng nhịp với anh ấy, ngay cả sự im lặng của anh ấy. Rồi dần dần, lời lẽ cứ biến mất dần đi trong phim của tôi, trong các bộ phim của tôi. Bởi vì khi ở cạnh anh ấy, tôi hiểu rõ hơn thế nào là giao tiếp thực sự giữa con người với nhau. Và người ta không cần phải biết về nhau quá nhiều, để có thể hiểu nhau. Bởi vì ngay cả khi biết nhau quá rõ, người ta vẫn có thể ly dị. (…) Có nhà báo đặt câu hỏi, vì sao tôi chọn Lý Khang Sinh để làm phim này. Theo tôi, câu hỏi này không cần phải đặt ra, vì tôi không bao giờ làm phim mà không có Lý Khang Sinh.

Đạo diễn Sài Minh Lượng nhận xét, trong bộ phim “Những con chó hoang”, Lý Khang Sinh đã thực hiện một đoạn phim hết sức khó chỉ trong một lần quay. Đó là đoạn người cha trong cơn ảo giác và đau đớn tột độ nhai xé vô cùng dữ tợn một cây cải bắp, mà anh hình dung như một phần cơ thể của người vợ cũ. Đoạn phim thành công này nhờ ở toàn bộ những gì mà Lý Khang Sinh tích lũy trong suốt 20 năm làm nghề.

Trở về với đáy hồ…

Trả lời phỏng vấn đài France Culture, đạo diễn Sài Minh Lượng tóm lược tinh thần của nền điện ảnh mà ông chủ trương : « Tôi nghĩ rằng điện ảnh phải mang lại một sức mạnh mới. Cần phải tìm ra điều này trong động từ ‘‘nhìn’’, nhìn hay quan sát một bộ phim. Khi quan sát tức là khi ta suy nghĩ. Làm như vậy, có thể ta không tìm ra được câu trả lời, nhưng ta buộc phải suy nghĩ. Hiện nay, các bộ phim mang lại cho chúng ta quá nhiều thông tin, và vì vậy chúng không để cho chúng ta được suy nghĩ. Tôi tìm cách để quay trở lại trạng thái nguyên thủy ».

Bộ phim ‘‘Những con chó hoang’’ của Sài Minh Lượng nhắm thẳng vào các vấn đề trung tâm của xã hội đương đại : những thân phận mấp mé bên bờ gục ngã, nỗi đơn độc bơ vơ tột cùng của những con người bị loại ra bên lề xã hội… Tuy nhiên, những cảnh đời đau khổ trong phim chỉ là « tầng hiện thực thứ nhất » (trả lời đài France Culture) mà tác giả muốn truyền tải. Thông điệp căn bản nhất mà Sài Minh Lượng muốn gửi gắm công chúng là hãy mạnh dạn đi sâu vào thế giới nội tâm của chính mình.


DR
Sài Minh Lượng : Từ bộ phim này đến bộ phim khác, sự tiếp nối (của một số cảnh vật theo dòng năm tháng, cũng như sự tham gia của cùng dàn diễn viên) khiến người xem ngày càng đi sâu hơn vào cuộc du hành trình nội tâm. Với tuổi tác, tôi xin nói rằng những đối thoại bên ngoài không còn giữ nguyên tầm quan trọng như trước.

Trong bộ phim ‘‘Những con chó hoang’’ này, ta thấy nhiều đổ nát. Tương tự, trong trái tim mỗi người chúng ta cũng đều có những hoang tàn. Tôi rất thích hình ảnh cái hồ. Trong phim này, có cảnh người cha đưa con xuống chiếc thuyền để chèo ra hồ. Tôi rất gắn bó với ý tưởng, hồ là một không gian khép kín, không dẫn đến đâu cả. Tất cả những gì mà ta có thể làm là lặn xuống hồ, để xem những gì dưới đáy. Có thể ta sẽ thấy những hoang tàn ở dưới đáy. Đây là một bộ phim về sự tan nát. (…) Ta làm được gì với bộ phim này ? Tôi làm gì với bộ phim này ? Chắc chắn không phải là bộ phim sẽ chỉ ra cách làm thế nào để thế giới tốt đẹp hơn. Hiện tại, không ai biết cách cả. Liệu ta có thể vứt bỏ điện thoại di động, để tạo lập một cuộc sống mới ? Liệu có thể đưa con cái rời bỏ hệ thống trường học mà ta không hài lòng ?...

Ngắm trăng và ngắm phim

Cuối cùng thì tôi hiểu rằng, điều duy nhất mà ta cần làm trong thế giới này là ngắm nhìn mặt trăng. Ở Châu Á, sau mỗi buổi chiếu phim khán giả đặt ra cho tôi rất nhiều câu hỏi, tại sao cái này, tại sao cái kia ? Tôi không biết trả lời như thế nào, tôi nói với họ, chỉ cần ngắm nhìn mặt trăng. Chắc chắn mặt trăng không trả lời các câu hỏi của quý vị. Nhưng mỗi khi nhìn kỹ mặt trăng, chúng ta lại có một tình cảm khác.

Ngắm mặt trăng ta sẽ nhạy cảm hơn, trìu mến hơn. Đây có thể là khởi đầu cho một giải pháp cho các vấn đề của thế giới. Đây là điều mà các phim của tôi không làm được. Với mặt trăng, ta sẽ nhạy cảm hơn với những nỗi đau của người khác. Phim tôi làm, có thể nói là những bài tập đối với khán giả. Ai biết xem phim tôi, sẽ biết nhìn trăng, nếu bạn thường xuyên ngắm trăng, bạn sẽ ngắm phim tôi. »
***
Năm ngoái, Sài Minh Lượng từng cho biết, quá mệt mỏi với cường độ công việc, Những con chó hoang có thể là bộ phim chia tay điện ảnh của ông. Julien Gester, một phóng viên, phụ trách mục phê bình điện ảnh của Libération nhận xét : « Tại Liên hoan phim Venise 2013, (…) tính triệt để trong ‘‘Những con chó hoang’’ - chưa từng thấy trong bất cứ bộ phim nào trước đó của Sài Minh Lượng - mang theo những hiểm họa và có nguy cơ khiến người xem mất phương hướng. Đây là điều có thể quan sát thấy trong một số tác phẩm gần đây của ông, nơi nghệ thuật ông có xu hướng rắn lại, như thể khô kiệt, trở đi trở lại với những hình tượng câm lặng không còn mang lại điều gì mới mẻ.

Tuy nhiên, trong phim ‘‘Stray Dogs’’ (Những con chó hoang), một đôi chỗ thể hiện quá cứng rắn đã thường xuyên được một khung cảnh mới mềm mại bao phủ liền ngay. Đằng sau cái băng giá, đông cứng đè nặng, là một hơi thở vô cùng sống động. Điện ảnh của Sài Minh Lượng vẫn còn sức sống. Hy vọng ông không bỏ cuộc ».
***
« Những con chó hoang » được chính tác giả và nhiều bình luận gia nhận định là có một cái nhìn rất bi quan về xã hội. Rơi vào cảnh sống lang thang, cô con gái bé nhỏ của người đàn ông làm nghề cầm bảng quảng cáo đứng đường sớm nhận ra rằng, sẽ chẳng có một đấng quân vương nhân từ nào đến để cứu vớt « xã hội của loài ếch nhái ». Bài hát « Mãn Giang Hồng » bi hùng của danh tướng Nhạc Phi (Yue Fei), nổi tiếng bởi lòng trung thành với vương triều nhà Tống, cũng chẳng giúp cho người cha lấy lại được tinh thần…

Trong cái thế giới tuyệt vọng ấy, chính người phụ nữ - dù thân phận ở gần dưới đáy xã hội – đã mang lại những chăm sóc ân cần cho đứa trẻ lang thang và tình thương cho cả người cha. Không bỏ rơi đàn chó hoang trong đêm, kiếm tìm và mong chờ một khung trời khao khát, người thiếu phụ ấy chính là ngọn lửa hy vọng nhỏ nhoi trong cuộc hành trình của bộ phim « Giao du/Jiao You » ?

tương lai nào cho ngọn lửa ấy ?
cho một cộng đồng bé nhỏ mới tìm được đến với nhau ?
cho những con người dưới đáy hay sắp rơi xuống đáy cùng của xã hội ?...

(…) "Những con chó hoang" cho phép khán giả thấm sâu vào đời sống hàng ngày nhọc nhằn của một người lang thang và hai đứa con. (…) Nếu sự ngưng đọng của thời gian là một thách thức thực sự với khán giả, thì điều này thể hiện khá chính xác mối quan hệ của những người lang thang với một thứ thời gian đã ngày càng trở nên không còn ý nghĩa gì nữa. (…) [vẻ đẹp của các khung cảnh, của các bài trí] hoàn toàn không liên quan gì đến các nhân vật, nó tạo ra một khoảng cách lạ lùng, ba con người lang thang thay đổi theo hướng ngày càng trở nên sát mặt đất hơn, tuyệt vọng hơn (người cha) hay đi vào đó một cách vô thức (hai người con) ngay trong một môi trường thi vị (đối với người xem bên ngoài - ndr).

Chỉ có cô con gái nhỏ là người duy nhất muốn mang lại cho hiện thực một chất men lãng mạn, khi cô bé mua một cây bắp cải to, với dự định làm một búp bê… (nhưng ý tưởng này đã bị anh và sau đó là cha phá vỡ - ndr). Chỉ duy nhất sự chiêm ngưỡng một bức tranh phong cảnh rực sáng trên bức tường mục nát trong ngôi nhà hoang là mang lại cho người nữ nhân viên siêu thị một nguồn cảm hứng mãnh liệt, nhưng mang lại giải thoát. Trường cảnh cuối cùng rất dài ghi lại khuôn mặt của người cha và người phụ nữ mắt hút vào bức tranh tường, cho thấy sự biến đổi trong cái nhìn của người cha, ở đó người xem có thể nhận ra sự trở lại chậm rãi của niềm tin – nhưng bộ phim sẽ không kể với khán giả các hệ quả của sự thay đổi này.

(« “Những con chó hoang” của Sài Minh Lượng : Trải nghiệm về một thế giới không có ước mơ », Axel Scoffier)

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

  1. ĂN TRÔNG NỒI, NGỒI TRÔNG HƯỚNG
  2. Kín cổng cao tường
  3. Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương
  4. Kẻ tám lạng người nửa cân
  5. Hồn xiêu phách lạc
  6. Hàng tôm hàng cá
  7. Há miệng mắc quai
  8. Há miệng chờ sung
  9. Gửi trứng cho ác
  10. Giàu làm kép hẹp làm đơn