
Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm 1962.
Hình do Ngành Mai sưu tập
Ngành Mai, thông tín viên RFA
Cách đây không lâu, tôi có đề cặp đến vấn đề cô vợ đào hát của nhà báo Trần Tấn Quốc, người sáng lập giải Thanh Tâm của cải lương nổi tiếng một thời. Khoảng 1961 cô Thanh Loan vợ của ông Quốc đang là đào hát của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, bỗng nhiên vắng bóng trên sân khấu, giới cải lương không ai nghĩ rằng cô đi vào chiến khu, cứ tưởng đâu là đi về thăm nhà ở Lai Vung, Sa Đéc, như hầu hết nghệ sĩ xuất thân từ miền Lục Tỉnh thỉnh thoảng về thăm quê vậy. Bà Bầu Thơ cũng nghĩ thế, cứ ngày một chờ Thanh Loan về, đoàn sẽ cho tái trình diễn vở hát Nửa Đời Hương Phấn, vì tuồng vẫn còn khán giả đi coi nếu như đăng bảng mở màn.
Đường ai nấy đi
Thế nhưng, chờ mãi vẫn không thấy đào ta trở về, để rồi một ngày nọ có người cho bà hay tin Thanh Loan đã vào rừng đang ca hát trên đài phát thanh giải phóng. Bà Bầu Thơ tá hỏa, nhưng chẳng dám nói với ai chuyện này, kể cả đi gặp ông Trần Tấn Quốc để hỏi han sự việc, bà cũng chẳng dám luôn, dù rằng vợ chồng bà và ông Quốc rất thân từ những ngày nghệ sĩ Nam Nghĩa còn sống. Bà nghĩ bụng đi gặp ông Quốc lúc này là không nên, có thể bị vạ lây.
Về phần ông Trần Tấn Quốc thì người ta chẳng biết ông có rõ việc vợ ông vào mật khu hay không. Nhưng trước đó khoảng 2 năm ông có lên tiếng với các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, rằng ông và đào Thanh Loan đã đường ai nấy đi rồi. Các nghệ sĩ tiền phong nói trên chẳng tin, bởi không hề nghe thấy một dấu hiệu “cơm không lành canh không ngọt” nào giữa hai người. Hơn nữa trong buổi lễ phát giải Thanh Tâm 1958 cho Thanh Nga tại tửu lầu Bồng Lai, người ta thấy 2 người vẫn có mặt ngồi chung một bàn thì không lẽ họ thôi nhau một cách êm thắm. (Giải Thanh Tâm 1958 phát vào tháng 4 – 1959).

Ông Trần Tấn Quốc (người mang kiếng đen) trong một lần tháp tùng Tổng thống Ngô Đình Diệm. Courtesy cailuongvietnam.
Đến lúc có tin Thanh Loan vào mật khu thì các nghệ sĩ tiền phong kia nhớ lại lời ông ông Quốc từng nói “thôi” nhau với đào Thanh Loan. Lời nói như tung tin ấy có liên quan gì đến sự vắng bóng Thanh Loan trong lúc này?
Cô Thanh Loan vào mật khu làm gì thì tôi đã nói sơ qua, kể cả về sau cô về thành làm đến chức đại biểu Quốc Hội. Nhưng về phần ông Quốc thì sao? Cô Ba thoát ly gia đình đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì người chồng không thể yên thân được. Trong tình trạng này dù là người dân thường cũng phải điêu đứng với chính quyền hiện tại, huống chi ông Quốc là một nhà báo tên tuổi. Vậy thì những gì đã xảy ra cho ông Quốc?
Với sự việc như thế thì dĩ nhiên cơ quan an ninh đâu có để yên cho ông Quốc ngồi ở tòa soạn mà làm chủ bút. Tuy rằng ông không bị câu lưu, bắt giữ, nhưng mỗi lần đi lấy lời khai ở bót công an về thì gương mặt ông buồn dàu dàu, không tươi vui như thường khi, làm việc một cách uể oải, do vậy mà không khí đè nặng trong tòa soạn, mọi người không biết ngày mai sẽ ra sao.
Giải nghệ
Từ sau ngày tờ Tiếng Dội bị bị đóng cửa vào cuối năm 1954, ông Quốc cộng tác với tờ báo nào thì cũng chủ trương 3 vấn đề:
-Nắm giữ bút quyền tờ báo (chủ bút).
-Làm việc với ê kíp, bộ biên tập cũ tờ Tiếng Dội của ông.
-Dành một trang báo mở trang kịch trường.
Năm 1958, nhơn báo Buổi Sáng đã tự ý đình bản trên một tháng, vị chủ nhiệm báo này là ông Tam Mộc (Mai Lan Quế) thấy Trần Tấn Quốc và ê kíp của ông thất nghiệp nên ông Tam Mộc kêu giao tờ Buổi Sáng cho ông Quốc khai thác. Trụ sở tòa soạn Buổi Sáng đặt tại căn nhà của ông Trần, số 216 đường Gia Long Sài Gòn. Dưới quyền điều khiển của ông Quốc, nhựt báo Buổi Sáng càng ngày càng có thế đứng vững mạnh. Cuối tháng 2, 1961, nhựt báo Buổi Sáng có được số phát hành mỗi ngày từ 23,000 đến 24,000 số.

Nghệ sĩ Thanh Loan. Photo courtesy of Người Việt.
Dù rằng tờ báo sống vững vàng, nhưng đứng trước tình trạng căng thẳng như vậy, cũng như biết trước rằng khó mà tiếp tục làm chủ bút tờ Buổi Sáng, bởi trong tòa soạn đã có tiếng xầm xì: “Mai mốt đây tờ báo bị đóng cửa chết đói cả đám!”
Không thể để cho tình trạng ngột ngạt ấy kéo dài, nên buổi tối của một ngày sau đó, ông chủ nhiệm Tam Mộc và ông Quốc ăn cơm tối tại nhà hàng, bàn bạc số phận tờ báo Buổi Sáng. Ngày hôm sau ông Quốc cho họp toàn bộ những người cộng tác, nói rằng do quá mệt mỏi nên kể từ nay ông nghỉ hẳn nghề làm báo và về quê Cao Lãnh tịnh dưỡng. Thôi thì mạnh ai nấy lo, tìm tờ báo khác mà hành nghề vậy. Ai cũng bùi ngùi, bởi không biết làm sao hơn!
Về tờ báo coi như ông Quốc giải quyết bằng cách giải nghệ, còn giải Thanh Tâm thì sao? Đây là vấn đề khá rắc rối, bởi thời gian này ban tuyển chọn đang họp để chọn nghệ sĩ triển vọng năm 1960 (thông thường cứ sau khi ăn Tết Nguyên Đán xong thì Ban thường vụ Ban Tuyển Chọn giải Thanh Tâm bắt đầu làm việc).
Từ hơn một năm nay, ký giả Hoài Ngọc coi như phụ tá cho ông Quốc nắm giữ hồ sơ giải Thanh Tâm. Do về quê, cũng như không còn làm chủ bút tờ báo, nên ông Quốc giao cho Hoài Ngọc (có giấy ủy quyền của ông) thay thế điều hành giải quyết toàn bộ giải Thanh Tâm.
Ông Quốc về tới Cao Lãnh thì ban tuyển chọn cũng chọn xong nghệ sĩ triển vọng năm 1960: Ngọc Giàu và Bích Sơn. Ai cũng hỏi chừng nào ông Quốc trở lại Sài Gòn để phát giải? Giờ đây thì ký giả Hoài Ngọc đành nói ra sự thật là ông Quốc không trở lại Sài Gòn nữa mà về quê luôn, đồng thời đưa ra tờ giấy ủy quyền.
Thế nhưng, nghệ sĩ lão thành Năm Châu phản đối, rằng như vậy không được, bởi phát giải mà chủ giải không có mặt thì còn ý nghĩa gì chứ! Ông nói thêm nếu như ông Quốc có qua đời thì phải có đại hội bầu chọn người lên thay, chớ việc ủy quyền thì không đủ tư cách. Rồi thì rất nhiều nghệ sĩ tiền phong cũng lập luận như Năm Châu. Coi như chuyện giải Thanh Tâm đã trở thành lớn chuyện.
Người ta không biết 2 cô đào Ngọc Giàu, Bích Sơn có biết rằng năm này mình đã được chọn? Cũng như có biết chiếc huy chương vàng giải Thanh Tâm của mình treo trên sợi chỉ mành?
No comments :
Post a Comment