Tuesday, October 6, 2015

Nhạc Trịnh Công Sơn – Những tình khúc trong trẻo và thuần khiết

pic
Khuyết Danh

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lại cho đời nhiều tình khúc có dấu ấn sâu đậm qua nhiều thế hệ.

Những tình khúc ấy dường như đều ghi lại các câu chuyện thú vị về những cuộc tình khó quên của ông.

“Diễm xưa” là một tình khúc như vậy. Chính Trịnh Công Sơn đã kể về mối tình đầu đời, khi ông còn rất trẻ: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi qua dưới vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng mùa mưa cũng theo qua. Những ngày nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây mù mịt. Nhà cô ấy bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống cái bóng ấy đi về mỗi ngày bốn bận…

Trừ những người quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ chậm rãi đến trường bằng bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để được cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc… Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thời giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn, thanh khiết. Người con gái đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua hàng cây long não, qua những ngày mưa nắng khắc nghiệt để cuối cùng đến một nơi hò hẹn”.

Người con gái ấy có tên là Diễm, sinh trưởng trong một gia đình gốc Bắc đã sống lâu đời ở Huế. Nàng là một trong những nhan sắc của xứ Huế lúc bấy giờ. Mối tình trong bài hát “Diễm xưa” được diễn ra trong cơn mưa (Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ… Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá đổ). Mưa làm cho người nhạc sĩ tài hoa cảm thấy cô đơn, khắc khoải mong chờ, vừa trách yêu người tình, vừa dội lên nỗi nhớ, càng nhớ càng thêm đau khổ da diết chỉ mong người yêu đến với mình (Chiều nay còn mưa sao em không lại. Nhớ mãi trong cơn đau vùi. Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau bước chân em xin về mau).

Câu kết của bài: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” đã nâng tình khúc này lên một tầm cao vời vợi, vượt qua những bài hát tình yêu bình thường, chỉ có mong nhớ, mơ mộng, ghen tuông, giận hờn. Sỏi đá là vật vô tri vô giác cũng cần có nhau nên con người lại càng cần có nhau, cần sự yêu thương, đồng cảm với nhau. Không chỉ nói về tình yêu đôi lứa, Trịnh còn nói về tình yêu thương con người, đặt tình yêu thương đôi lứa trong tình yêu thương con người, tình yêu thương với cuộc đời.

Đã nhiều lần nghe các tình khúc của Trịnh Công Sơn, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Cái gì đã tạo nên sức ám ảnh, sức lan tỏa của các bài hát ấy. Có phải do các giai điệu nhẹ nhàng, êm ả, ngọt ngào như mật ngọt rót vào tai, cái mà người ta gọi là “ru tình”? Có phải do các ca từ độc đáo, giàu chất thơ mà Văn Cao đã từng gọi Trịnh là người ca thơ? Cả hai lẽ ấy đều đúng. Nhưng tôi nghĩ còn một lý do khác: Trịnh Công Sơn luôn đặt tình yêu đôi lứa trong tình yêu thương con người, tình yêu thương cuộc đời. Tính nhân văn cao cả của các tình khúc của Trịnh là ở đó. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, ông đã từng viết trong lời một bài hát như vậy.

Trong bài “Nhớ mùa thu Hà Nội”, Trịnh Công Sơn không chỉ nhớ tới một người tình mà còn nhớ tới mọi người, nỗi nhớ vì thế mà trở nên có ý nghĩa cao cả hơn (Hà Nội mùa Thu/đi giữa mọi người/lòng như thầm hỏi/tôi đang nhớ ai/ sẽ có một ngày/trời Thu Hà Nội/trả lời cho tôi/sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi… Hà Nội mùa Thu/mùa Thu Hà Nội/nhớ đến một người để nhớ mọi người).

Bài “Em còn nhớ hay em đã quên” là lời nhắn gửi người tình và những người đã rời Sài Gòn đi xa. Với nét bút của một nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Trịnh đã gợi lên hình ảnh đã một thành phố trẻ trung, sôi động, thơ mộng và đầy ắp kỷ niệm thân thương. Những kỷ niệm ấy làm nao lòng những người đã từng sống ở Sài Gòn. Tình yêu đôi lứa được lồng trong tình yêu với thành phố Sài Gòn (Em còn nhớ hay em đã quên. Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng. Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân. Nhớ đèn đường từng đêm thao thức, sáng cho em vòm lá me xanh. Em còn nhớ hay em đã quên, bên hàng xóm đôi khi ghé thăm, có hai mùa vẫn đi về, có con đường nằm nghe nắng mưa. Em ra đi nơi này vẫn thế lá vẫn xanh trên con đường nhỏ. Vườn xưa vẫn có tiếng mẹ ru, có tiếng em thơ, có chút nắng trong tiếng gà trưa…).

Là tác giả của ca khúc bất hủ “Hãy yêu nhau đi”, Trịnh Công Sơn đã cổ vũ cho niềm vui sống, cho tình yêu đôi lứa, tình yêu thương con người, tình yêu cuộc đời vượt qua chiến tranh bom đạn, bất chấp nguy khốn, để quên đi những ngày u tối, tình yêu vượt mọi thời gian, dẫu biết rằng mai đây ai cũng sẽ lìa xa thế giới (Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối. Dù biết mai đây xa lìa thế giới, mặt đất đã cho ta những ngày vui với. Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời. Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn. Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm. Hãy yêu nhau đi cho quên ngày quên tháng. Dù đêm súng đạn dù sáng mưa bom…).

Không gian chúng ta đang sống đây đầy những phức tạp nhưng cũng đầy bao dung, nhân ái. Mỗi lần nghe lại những tình khúc của Trịnh Công Sơn ta càng rung động thiết tha với tình yêu đôi lứa, tình yêu con người, tình yêu cuộc đời – một tình yêu trong trẻo và thuần khiết mà người nhạc sĩ tài hoa đã gửi lại cho trần thế.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống